Aleksey Tolstoy
Tia Chiếu Khủng Khiếp Của Kỹ Sư Garin
Dịch giả: Đặng Ngọc Long
LỜI NÓI ĐẦU
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga: GIBERBOLOID INZHENKRA GARINA (Гиперболоид инженера Гарина)
Izdatelstvo METALLURGIJA, Moskva, 1985
Bạn đọc nước ta đã làm quen với nhà văn Xô viết Alếchxây Nhicôlaiêvich Tônxtôi qua hai bộ tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông: Con đường đau khổ và Pie đệ nhất. Chúng ta còn được thưởng thức Con đường đau khổ qua một bộ phim màn ảnh thường và một bộ phim màn ảnh nhỏ.
“Con đường đau khổ” mà các trí thức Nga Têlêghin, Rốtsin, Đasa, Cachia đã trải qua để đến với Cách mạng cũng chính là con đường tác giả đã phải đi qua với bao trăn trở nhọc nhằn. Vốn xuất thân từ một gia đình quý tộc nhỏ có truyền thống văn học, A.N.Tônxtôi ngay từ những năm đầu thế kỷ 20 đã là một trong những nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc. Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, ông ra mặt trận làm phóng viên, nhưng do hạn chế về tư tưởng, ông không nhận thức được thực chất của cuộc chiến tranh đế quốc. Ông đã hân hoan chào mừng Cách mạng tháng Hai năm 1917, nhưng khi Cách mạng tháng Mười bùng nổ, ông lại hoang mang dao động. Bị đám văn nghệ sĩ suy đồi lôi kéo, năm 1918, ông đã cùng với gia đình “di tản” qua Pháp, sống cuộc đời lưu vong đầy day dứt và dằn vặt. Trong suốt thời gian này, A.N.Tônxtôi vẫn tiếp tục viết những tác phẩm thấm đượm nỗi nhớ Tổ quốc da diết. Tập đầu Hai chị em của tiểu thuyết bộ ba Con đường đau khổ, truyện Thời thơ ấu của Nhikita, tiểu thuyết Aêlita đã ra đời trong những năm lưu vong ấy.
Đầu năm 1923, A.N.Tônxtôi trở về Tổ quốc, tình nguyện đứng vào hàng ngũ những người trí thức cống hiến mọi sức lực của mình cho công cuộc xây dựng đất nước. Từ đấy bắt đầu một thời kỳ sáng tác mới rất phong phú của nhà văn với nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có hai tập Năm 1918 và Buổi sáng ảm đạm đã được viết xong để hoàn thành bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ Con đường đau khổ. Pie Đệ nhất, bộ tiểu thuyết lịch sử xuất sắc trong văn học Xô viết, cũng là kết quả lao động sáng tạo lâu dài của A.N.Tônxtôi từ năm 1929 đến khi ông qua đời.
Trong những năm chiến tranh chống phát xít Đức, xuất phát từ lòng yêu nước sâu sắc, thiết tha và niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh vô địch của quân và dân Xô Viết, nhà văn đã viết nhiều bài chính luận có giá trị và tiêu biểu nhất là tác phẩm kịch Ivan Lôi đế.
A.N.Tônxtôi không chỉ là một nhà văn lớn mà còn là một nhà hoạt động văn hóa xã hội xuất sắc. Ông đã được bầu làm đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô và là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Với tư cách là đại biểu của nền văn học Xô viết, ông tham dự nhiều hội nghị quốc tế ở nước ngoài để đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới. Ông đã được Tổ quốc tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Năm 1945, nhà văn qua đời ở Mátxcơva, thọ 62 tuổi.
*
A.N.Tônxtôi viết tiểu thuyết Tia chiếu khủng khiếp của kỹ sư Garin năm 1926-1927. Đến năm 1937, tác giả sửa lại tiểu thuyết này và thêm một số chương mới.
Tia chiếu khủng khiếp của kỹ sư Garin được đánh giá là tác phẩm mở đầu cho thể loại truyện khoa học viễn tưởng Xô viết. Rất lâu trước khi tia lade ra đời, A.N.Tônxtôi đã nói đến một loại tia chiếu vừa là một phương tiện khoa học, lại vừa là một thứ vũ khí giết người và tàn phá khủng khiếp. Nhưng phải thấy rằng, tia chiếu viễn tưởng này chỉ được dùng để làm nổi bật cái hiện thực gần gũi, nóng bỏng lúc bấy giờ. Đó là cuộc tiến công trắng trợn, bẩn thỉu của đế quốc Mỹ vào châu Âu và phần thế giới còn lại, với mưu đồ làm bá chủ thế giới. Đó là thảm họa phát xít độc tài đang đe dọa hòa bình, chuẩn bị lôi kéo thế giới vào một cuộc chiến tranh mới còn ghê gớm hơn chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đó là lực lượng cách mạng thế giới đang trỗi dậy mạnh mẽ với trụ cột là nước Nga Xô viết, Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Đó là vấn đề bảo vệ “chất xám” để “chất xám” có thể phục vụ cho Tổ quốc, cho hoà bình, chứ không phải trở thành công cụ nguy hiểm của bọn tư bản cuồng chiến…
Cái hiện thực gần gũi, nóng bỏng trên đây đã được tác giả thể hiện tài tình, sinh động, lôi cuốn trên từng trang Tia chiếu khủng khiếp của kỹ sư Garin. Và lý thú thay, cho đến tận nay, hiện thực ấy vẫn không hề mất đi tính “gần gũi, nóng bỏng”. Chính vì vậy, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười thắng lợi, đi đôi với việc tái bản bộ tiểu thuyết lịch sử Pie Đệ nhất, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tiểu thuyết mang tính chất khoa học viễn tưởng nhưng rất hiện thực: Tia chiếu khủng khiếp của kỹ sư Garin.
NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG