Tên Bốn Mắt Dễ Thương

white noise for sleeping link
shopee-sale

Trân Châu

Tên Bốn Mắt Dễ Thương

 

Chương 1

 

Thiên Hương chặc lưỡi, thắng nhẹ chiếc xe đạp, tấp vào cạnh lề. Những ngã tư đèn xanh đỏ trong thành phố giờ này cao điểm, đông nghẹt. Nhỏ nhìn vào cái đồng hồ nhỏ xíu trên cổ tay mà than thầm. 
– Chết rồi… trễ mất… kẹt xe kiểu này ít nhất cũng mất mười lăm phút ! 
Có tiếng động cơ xe máy nổ nhẹ và kề sát như muốn chồm tới trước một cái bánh xe. Đập ngay vào mắt Thiên Hương là đôi kính cận dày độ, có gương mặt rất quen thuộc. 
– Dũng cận ! – Hương reo lên và gọi. 
– Thiên Hương ! – Dũng nhấp nháy đôi mắt, lấp lánh niềm vui. – Tình cờ quá vậy ? 
– Ừ ! Sao rồi… Ổn không Dũng ? 
– Hỏi khía cạnh nào vậy Hương ? 
– Mọi việc ! – Hương cười tinh nghịch chẳng khác gì lúc còn học phổ thông, làm cho Dũng ngây người. – Nè ! Hương hỏi Dũng đó, trả lời đi chứ ? 
– Được, nhưng hỏi nhiều, phải trả lời mất thời gian . Cho nên không thể đứng ở đây nói chuyện được . Mình tìm nơi nào uống nước nhé Hương ? Coi như Dũng mời. 
– Nhưng bữa nay Hương kẹt giờ dạy thêm rồi, sắp trễ nữa. 
– Tới đó xa không ? Hay tìm nơi gởi xe đạp đi, Dũng tình nguyện “ga lăng” một chút với chức danh tài xế riêng cho lớp trưởng, được không ? 
– Ghê chưa ? – Hương cười duyên dáng . – Đây mới đúng là dân thành phố thứ thiệt đấy . Nói năng lưu loát, hoạt bát chứ đâu cù lần như ngày nào chui tọt về quê để học . Thoạt đến lớp y như gà khờ. 
– Thật à ? – Dũng cũng cưòi . – Bởi vậy mới bị các cô chiếu cố, “đì” sát đất . Cũng may lớp trưởng can thiệp kịp thời, ơn đức ấy Dũng ghi lòng tạc dạ và sẽ nguyện giữ đến suốt đời. 
Đôi mắt Dũng mở to sau lớp kính cận . Cả hai bồi hồi cùng nhớ lại kỷ niệm ngày xưa khi bên nhau, cùng lớp, chung trường… 
… Thiên Hương bước vào lớp vỗ tay ra hiệu cho các bạn im lặng . Đầu giờ thường ồn ào, nhỏ phải hét lớn. 
– Im lặng đi ! Có việc cần báo đây. 
– Chuyện gì, nói lớn lên . – Cả lớp nhao nhao hỏi, nhất là tụi Minh Hiếu. 
– Lớp chúng mình… chuẩn bị đón thêm một bạn mới, từ thành phố chuyển về học. 
– Hương ơi… là nam hay nữ ? – Kim Hà hỏi nhanh và lớn . – Nếu con trai… thì ta xí phần trước đó . Dân thành phố “ga lăng” và model lắm . Có thể còn là công tử giàu sang, đẹp trai và… viết chữ “bự” nữa. 
Cả lớp phá lên cười như đàn ong vỡ tổ theo câu pha trò tinh nghịch lẫn quái ác của Kim Hà. 
– Còn nếu là con gái thì… xin cho Hiếu đăng ký nhé ! – Hiếu giơ cao tay . – Con gái thành phố duyên dáng và tế nhị, lại có làn da tuyệt vời nhờ xài kem dưỡng da… E100 chống lão hóa, làm trắng da và không bắt nắng. 
Cả lớp lại ào lên những trận cười như muốn bay tung nóc ngói của lớp học. 
– “Stop” lại đi ! Thầy giám thị xuống tới đó . – Hương nói lớn, cố át tiếng ồn ào đùa giỡn, nhưng hầu như vô hiệu. 
Những câu pha trò cứ thi nhau bật ra và tiếng cười lại tha hồ nổ như pháo tết, từng tràng liên thanh vang động. 
Đúng là “Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”, Hương lắc nhẹ đầu chào thua, bước về chỗ ngồi, cố gắng ổn định trật tự lại một lần nữa. 
– Đủ rồi các bạn, ồn ào quá bị kỷ luật đấy . Ảnh hưởng tới các lớp chung quanh kìa . Còn thành viên sắp gia nhập lớp mình là… con trai đấy. 
– Á… hoan hô ! – Kim Hà ré lên . – Của ta đấy nhá . Các ngươi tranh giành không được đâu. 
– Tới rồi Hà ơi . – Mai lên tiếng . Cả lớp tắt hẳn tiếng ồn ào khi bước chân thầy giám thị hiện ra ở cửa lớp. 
Thầy nói vài lời với lớp trưởng xong trở ra . Trước mắt tập thể xuất hiện một nam học sinh với cặp kính dày cộm, thái độ… hơi rụt rè, không có vẻ gì là dân thành phố . Hắn mặc cái áo sơ mi đã ngả màu vàng nhạt cùng bộ… nhìn chung không thế gọi là modern chút nào, nếu như không muốn dùng chữ “cù lần”. 
Kim Hà tròn mắt quan sát kỹ rồi ỉu xìu thảm hại như bong bóng xì hơi. 
Mọi con mắt bạn bè trêu chọc phá phách dồn từ thành viên mới của lớp rồi di chuyển về nơi Kim Hà ngồi. 
Nhất là bọn con gái . Họ xì xào bàn tán nho nhỏ… rồi bật lên tiếng cười khúc khích rất “dễ quê”, Mai nói lớn : 
– Kim Hà ơi, đã lãnh phần rồi sao để người ta đứng ngơ ngác như nai vàng đạp lá vàng khô vậy ? 
– Tao… hỏng thèm . – Hà chu môi từ chối làm cả lớp nổi trận cười, khiến thành viên mới bối rối lúng túng rất tội nghiệp. 
Cái vẻ ngơ ngác ấy chuyển sang khù khờ, lúng túng, hắn chỉ biết mỗi động tác đẩy mãi cặp kính cận lên một cách vô tội vạ như muốn bay khỏi sóng mũi. 
Thiên Hương đứng lên vì thấy đã tới lúc mình phát huy vai trò trách nhiệm của lớp trưởng. 
– Xin lỗi… bạn tên gì ạ ? – Thiên Hương thân thiện hỏi. 
– Tôi… Thành Dũng. 
– Mình tên Thiên Hương, hiện là lớp trưởng . Này là chỗ của bạn . Hương đẩy nhẹ vai Minh Hiếu . – Cậu xích vào trong đi, ưu tiên cho Dũng ngồi đầu bàn dễ thấy hơn. 
– Gì kỳ vậy ? – Hiếu nhăn mặt cự nự . – Thấy mới nới cũ hả… hay thấy đèn điện quen đèn dầu . Không được, bạn mới thông cảm ngồi giữa, chân tôi hay đi lắm, sợ phiền. 
– Vậy… cũng được . – Dũng nói nhỏ và bước nhanh vào chỗ, cúi gầm mặt xuống không nói lời nào thêm cho đến cuối buổi học. 
Trống tan trường, Dũng lại lầm lũi đi, như muốn né tránh mọi sự làm quen của các bạn ở lớp mới. 
Đằng sau đôi kính cận ấy như ẩn chứa một cái gì đó cố tình dấu kín mà Thiên Hương chợt nhận được khi thầy giám thị giới thiệu làm quen. 
– Dũng ơi . – Hương dừng xe đạp gọi . – Sao đi bộ vậy ? Thế xe Dũng đâu ? 
– Không có . – Dũng khô khan đáp. 
– Thế… nhà ở đâu, xa không ? 
– Đằng kia . – Đứa con trai vẫn ngắn gọn, cộc lốc. 
– Nè ! Lên đi, Hương cho quá giang một đoạn. 
– Thôi, cám ơn . – Dũng nói xong lầm lũi dấn bước như cố ý chấm dứt mọi lời han hỏi của Thiên Hương, làm nhỏ hơi cau mày và nhẹ lắc đầu ấn chân vào bàn đạp lướt tới. 
– Vậy… mình về trước nhé. 
– Ừ ! – Thái độ Dũng thật khó gần dễ làm người khác bị chạm tự ái vì cái tính biệt lập, lầm lì, ít nói đó. 
Còn đối với mình, hình như Dũng rất hài lòng cùng học chung với những khuôn mặt lạ và cậu không muốn ai thân thiện làm quen. 
Những ngày tiếp nối Dũng như con ốc sên luôn cố thu nhỏ người trong cái vỏ bọc cứng cỏi của riêng mình . Cậu cứ lầm lì học, lầm lì làm bài và lầm lì ra về, hết ngày này nối tiếp ngày khác… , thầy cô gọi tên hỏi tới thì trả lời… không gọi thì thôi. 
Nhưng có một điều đáng làm cả lớp ngạc nhiên lẫn nể phục là Dũng học rất cừ khôi các môn tự nhiên lẫn văn học. 
Cái dáng vẻ khô khan thô lỗ ấy khó ai tin được bên trong là những dòng thơ êm dịu mượt mà, bóng bẩy . Hôm nay cũng thế, Dũng giải bài toán khó một cách trôi chảy và súc tích đến nỗi thầy Lâm phải kêu lên thán phục. 
Cả lớp nhìn Dũng với ánh mắt khác… có lẽ thân thiện hơn . Giờ giải lao tất cả túa ra sân, nhất là bọn con trai, riêng Dũng vẫn ù lì ngồi lại . Đôi kính cận trễ xuống, mắt chăm chú vào một cuốn từ điển dày cộm. 
Minh Hiếu đi vào nhẹ cau mày, vì chịu hết nỗi cái tên khờ này . Nó chụp giựt cuốn sách dấu nhanh, chuyền tay cho Mai Liên. 
Dũng bật dậy từ tốn nói : 
– Trả lại cho tôi đi. 
– Không ! – Liên cho ngay vào cặp một cách tinh nghịch . – Đằng ấy muốn làm mọt sách hả . Người đâu mà… khô như đá . Nói thật nha… đừng ỷ học giỏi lên mặt với tụi này . Và cũng đừng có xạo sự nữa . Người ngợm thế mà dám xưng danh dân thành phố chuyển về đây học . Trên đời này có ai ngu đần vậy không hả ? Chẳng ai có thể tin nổi. 
– Phải đấy . – Hiếu xen vào . – Làm cao khó chơi lắm. 
– Tôi… – Dũng e dè . – Làm ơn cho xin lại quyển từ điển. 
– Còn lâu . – Liên dài giọng hất cao mặt ra vẻ ta đây . – Nói đi ở thành phố học trường nào . Lí do gì phải chuyển về đây ? Còn nữa, hiện ở với ai, nhà, xã, ấp ? 
– Tôi đã ghi rõ trong đơn xin nhập học rồi… Nếu muốn biết thì lên văn phòng mà lục coi. 
– Nhưng tao muốn chính miệng câm như hến của mày khai báo ra . Có như vậy mới biết điều . – Hiếu ngang tàng . – Bọn này chung lớp đoàn kết lắm, chỉ có người lạ mới co đầu rụt cổ chơi một mình không tham gia gì cả . Nhất là chẳng hề giúp đỡ một ai trong việc học tập . Nè ! Mày tưởng mày ngon lắm hả ? Hơn được bọn tao à ? 
– Tôi… không nghĩ như thế . – Dũng đẩy nhẹ gọng kính lên cho vừa tầm nhìn . – Thật ra mỗi con người đều có tính cách riêng, tôi nghĩ cư xử như bao lâu nay không thể gọi là mích lòng các bạn hay là quá đáng gì. 
– Mày… – Hiếu nghiến ngầm, bặm trợn . – Có tin tao muốn dạy mày một bài học không vậy Dũng ? 
– Tùy ở Hiếu, tôi không có ý kiến, nếu như bạn thấy tự cho mình có quyền và làm đúng . – Dũng thản nhiên nói rồi nhìn qua Mai Liên . – Nếu Liên thích xem thì tôi cho mượn đấy . Nhưng cuối tuần phải trả lại. 
– Còn không ? – Hiếu hớt ngang . – Mày định làm gì tụi tao ? 
– Nói thế rất khó nghe . – Dũng nghiêm giọng bỏ đi ra khỏi lớp . Đôi mày cau lại sau làn kính cận. 
Hiếu hậm hực nói lớn : 
– Phải dạy cho thằng này bài học lễ độ mới được. 
– Không nên đâu . – Mai Liên cản . – Đùa vui tí thôi mà, cần gì giận dữ lớn chuyện đó . Còn nữa nha… Dũng học giỏi, thầy cô bắt đầu quan tâm, chú ý tới rồi . Đụng chạm tới nó không ổn đâu. 
– Thằng này chưa biết sợ gì ai . Còn nữa, tôi tìm được cho nó biệt danh rồi đấy . Liên muốn nghe không ? – Hiếu hất mặt nói. 
– Nói thử đi. 
– “Người Sài Gòn” . – Hiếu như đắc ý với sáng kiến của mình . Cùng lúc ấy tiếng trống vào học lại vang lên . Tất cả trở vào lớp cùng vùi đầu trên trang vở. 
Quang bối rối cụp nhanh mắt xuống với cái nghiêm khắc, chê trách của thầy dạy môn hoá. Đôi mắt ấy vừa giận vừa thất vọng bởi trong ấy vở của Quang, hầu như mọi bài tập đều bỏ trống. Mấy lúc gần đây sức học của cậu học sinh này rớt xuống nhanh đến thảm hại. Kiểm tra mười lăm phút, một tiết đều dưới điểm trung bình. 
Giờ đen của lớp hầu như phần lớp thuộc về Quang gây nên. Cậu đi trễ liên tục, liên tục không làm bài và thuộc bài. Mặc dù Thiên Hương cố công tìm hiểu nguyên nhân. 
Quang vẫn kín như bưng. Càng xuống dốc trong sự học, nó càng lầm lì ít nói. Thậm chí như muốn co cụm lại xa lánh mọi người. 
Hôm nay cũng thế, vừa đánh trống tan học, thì Quang đã vội biến mất dạng, Hương nhìn quanh tìm kiếm và hỏi lớn: 
– Có bạn nào thấy Quang đâu không? 
– Về rồi. Kim Hà trả lời. Phóng cửa sổ sau. 
– Sao Hà không kéo nó lại giùm Hương? 
– Ai biết, sao không chịu nói chứ? Hà ôm cặp vào lòng giục. Hương về chưa? Hà đợi. 
– Về! Hương thu dọn nhanh sách tập, mở cuốn sổ đầu bài ra nhìn và cau lại khó chịu. Tuần này bị điểm liệt nhiều quá. Toàn giờ C, D. Chắc cuối tháng tổng kết thi đua lớp mình đứng đầu bảng từ dưới đếm lên. Nhỏ thở dài. Không hiểu quỷ Quang thế nào ấy. 
– Kệ nó đi… cuối cấp rồi, thân ai nấy lọ Không chịu học thì rớt, tha hồ khóc hận. Chừng đó có hối cũng không kịp nữa. Dạo này nó cứ tránh mặt tụi mình, đôi lúc thấy phát ghét. 
– Hà biết lý do vì sao không? 
– Chịu. Hà lắc đầu đi ra cửa, theo sau là Thiên Hương. Ngần ngừ một lúc, nhỏ hỏi. Hà rãnh chiều nay không? 
– Chi? 
Mình tới nhà Quang đi. 
– Để làm gì? Hà ngạc nhiên. 
– Hương muốn tìm hiểu rõ nguyên nhân sự tụt dốc của Quang trong học tập. Biết đâu có chuyện gì bất ổn đến với nó, để còn kịp thờI giờ giúp đỡ nữa. Hai kỳ họp đoàn Quang đều không đến tham dự, chẳng có cơ hội nào để tìm hiểu hoàn cảnh. 
– Hương thích thì đi một mình, Hà không rãnh lo bao đồng chuyện tụi nó. 
– Nói gì kỳ vậy? Hương phật ý, – Dù gì cũng chung lớp ba năm nay rồi.Vả lại, Hà đã là ban cán sự thì phải có trách nhiệm chứ? 
– Thì… Hương kêu thằng quỷ Nhật đi cùng… Nó là lớp phó học tập đấy. Còn Hà… không đi đâu. 
– Sao vậy… bộ giận rồi hả? 
– Còn lâu… hơi đâu giận người dưng cho mệt. – Hà nói xong ấn mạnh chiếc bàn đạp xe cho lướt tới. 
– Hương lắc nhẹ đầu đạp xe theo con đường hương lộ đá đỏ, dài hun hút và cơ man là bụi, bốc lên giữa trưa nắng gắt hầm hập khó chịu vô cùng. Nhỏ đưa tay quẹt nhanh những giọt mồ hôi túa ra làm bê bết tóc ở trán và thái dương. 
– Bữa nay nắng quá trời! – Hươong ca cẩm. 
– Ừ! Nóng gắt phải nói. À phải! Quỷ Dũng cận nhà ở đâu hả Hương? 
– Mình không biết. 
– Nó học cừ quá hén. Bài văn phân tích “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam nó làm thật tuyệt vời y như triết gia ấy. Cô Hạnh khen nức nở, đọc cho cả khối cùng nghe. Nhưng mặt nó tỉnh bơ như không có gì. 
– Nói chung Dũng rất khó khăn. – Hương nhận xét. – Có lẽ bởi nó học quá giỏi so với tụi mình. 
– Vậy Hương “khiếp” à? Mất mặt vậy. 
– Đâu có, mình đang cố gắng hết mình để theo kịp nè. Nhưng nói thật nha… nhìn cái cặp kính cận của Dũng… cũng hơi ớn lạnh. Mấy thằng vậy học như điên. Với lại nó mới quá nên chưa biết sức học của nó tới đâu nữa. 
– Bây giờ tính sao? –Kim Hà nhìn Thiên Hương hỏi. – Cái đà này học kỳ một của Dũng cận có nhiều khả năng đứng nhất đấy. À, nghe đâu Minh Hiếu với Mai Liên đang đụng chạm với tụi nó rồi. 
– Vậy hả? Hồi nào sao Hương không biết gì cả. Ủa, Hà ơi… nhìn coi ai giống Quang mới chạy qua vậy? 
– Đâu? –Hà nhìn theo tay chỉ của Thiên Hương thì chỉ còn thấy toàn là bụi đỏ. – Có thấy ai đâu, nắng quá Hương bị hoa mắt rồi. Ta rẽ à? 
– Ừ! 
Hà đạp nhanh như trốn chạy cái nắng. Còn lại Thiên Hương phải qua một đoạn đường dài nữa. Bánh xe bỗng nhiên chao mạnh rồi bẹp dí. Nhỏ chậc lưỡi đoạn tụt xuống xe, lắn nhẹ đầu than thâm, khi nhìn quanh không một nơi vá xe đạp. 
Dẫn bộ, đoạn đường thướng ngày thân quen, giờ như dài thêm ra. 
– Hương! 
– Ủa… Dũng. – Hương reo lên. 
– Xe bị sao mà dẫn bộ vậy? 
– Xẹp bánh rồi. Tới ngã ba mới có chỗ vá. 
– Đây tới đó xa không? – Dũng hấp háy mắt. – Bộ nhà Hương ở đường này à? 
– Phải. Còn Dũng? 
– Ngoài thị trấn, mình vào đây câu cá rộ Mùa này nhiều cá lắm. – Dũng cười có vẻ bẽn lẽn. Đôi kính cận trệ xuống trông ngộ nghĩnh. – Hay Hương gởi xe đi, lát Dũng dẫn ngược trở ra đường nhựa vá. Lấy xe này về nhà, để ba mẹ trông. Mai mình đổi lại. 
– Như thế, đâu có tiện sợ phiền Dũng. 
– Có gì chứ. – Dũng gãi nhẹ đầu với mái tóc hớt cao, cười thân thiện. – Còn không thì để Dũng đưa hộ cho Hương tới nhà. Nắng thế này đi bộ… dễ bị cảm lắm. 
Hương thật sự ngạc nhiên bởi người bạn mới này. Ở lớp hắn lầm lì khó gần bao nhiêu thì ở đây thân thiết vui vẻ hoạt bát bấy nhiêu. Nhỏ ngần ngừ khá lâu mới nhẹ nhàng đồng ý. 
– Vậy… Dũng làm ơn cho Hương mượn đỡ chiếc xe đạp nhé. Mai tới lớp trả lại. 
– Được! – Dũng biến nhanh vào bụi cây kéo ra chiếc xe mới toanh, toàn bộ là đồ Nhật, khiến nhỏ hơi e dè, đắn đo mãi vẫn không biết nên mượn hay thôi. 
– Đây!… Hương cầm lấy đi. 
– Nhưng xe này… mới quá, chỉ e… 
– Một đời ta… ba đời nó. Sợ gì chứ. 
– Hay thôi đi. – Hương lắc đầu từ chối. – Khoảng hai cây số nữa tới nhà rồi… Mình đi bộ cũng tới. Hương về nhé. 
– Gì kỳ vậy? – Dũng nhăn nhó. – Không mượn… Dũng buồn lắm đó. Thật ra về đây bấy lâu, mình rất muốn làm bạn với Hương… nhưng ngại. 
– Đôi mắt Dũng cụp xuống, đôi chân làm động tác đi đi xuống đất. Chiếc cần câu trăn trở trong đôi tay cậu có vẻ thừa thải thế nào ấy. Khác lâu Dũng mới ngẩng đầu lên giục nhỏ. – Hương về đi, muộn lắm rồi. Nè, nếu chiều rãnh, mình muốn dẫn Hương tới chỗ Quang. 
– Ủa! Dũng biết nhà Quang à? Hai bạn thân nhau lâu chưa? 
– Nói chuyện sơ sơ thôi, chứ đâu có thân. – Dũng cười xoa quanh mái tóc hớt cao, điệu bộ có phần dạn hơn lúc nãy. – Cạnh nhà bà mình có quán cà phê, Quang thường xuyên ngồi ở đó. 
Hương cau mày tư lự: 
– Hèn nào, dạo này học tụt dốc qua trời. Hương cũng đang rất muốn tìm hiểu nguyên nhân. Thôi Hương về đây, chiều rãnh tới nhà Quang. À phải! Mình đến nhà Dũng trước được không? 
– Dĩ nhiên là được rồi. 
– Vậy hỏi sao để tìm ra? 
– Nhà bác sĩ Tài ấy. 
– Biết rồi, thế bác sĩ là gì của Dũng? 
– Chú ruột. 
– Oai nghen. – Hương cười tươi để lún sâu một bên má cái đồng tiền duyên dáng rất dễ “cảm”. – Hèn nào Dũng học giỏi mấy môn tự nhiên quá trời. Báo hại Hương chạy theo hụt hơi mà không kịp. Nói thật lòng nha… nghe xong Dũng đừng cười…Làm lớp trưởng như Hương, học thua bạn khác… quên lắm. Vả lại bấy lâu quen đứng nhất rồi… giờ đột nhiên bị Dũng lấn… ức nhiều đấy. 
– TrờI ạ. – Dũng cười cởi mở và cất giọng tự nhiên lẫn thân ái đáp lại sự chân thật của Thiên Hương. – Biết làm sao được chứ lớp trưởng… hay để Dũng nhường một bước. 
– Không! Coi như giao kết đi. – Hương tinh nghịch. – hai tụi mình ngầm thi đua được không? Ai dở bị phạt. Ai ngu thì… phải buộc lòng bỏ ra một… ngàn đồng. 
– Để làm gì… mà ít vậy? – Dũng thích thú lẫn ngạc nhiên hỏi nhanh. – Một ngàn làm sao xài được vào việc chi? 
– Tiền phạt đâu được xài. 
– Chứ…làm gì? 
– Quỹ công đoàn, hay nói rõ hơn là tiền tích lũy của lớp, để giúp đỡ ai trong chúng mình gặp khó khăn. 
– Được! Nhưng Dũng chưa hiểu lắm với từ dở và ngu mà Hương nêu ra khi nãy. 
– Có gì đâu. Dở là không thể hiểu và theo dõi kịp được lời thầy cô giảng để bị điểm liệt. Còn ngu thì… biết và hiểu rất rõ mà vì sơ ý bỏ quên một chi tiết nhỏ nào đó… hoặc nộp bài trước thời gian quy định để bị… điểm không đạt chuẩn. Nhóm Hương đặt ra điều kiện này nhằm làm cũng cố tính thận trọng, chi li của các bạn, trong học tập thôi. Mọi thứ trong học tập, điều không thể hấp tấp đúng không nào? 
– Hiểu ra rồi. – Dũng gật nhanh. – Vậy còn giỏi toàn diện thì sao? 
– Thưởng chầu chè, gồm tất cả mọi thành viên của nhóm. 
– Độ… bao nhiêu người? 
– Tuỳ, ai thích thì cứ tham gia. 
– Chà… coi bộ nhộn nhịp dữ đó. Nhưng quan trọng là tài chánh ở đâu để khao tập thể. 
– Đương nhiên là người xuất sắc phải chi từ A tới Z rồi. – Hương cười khúc khích. Một thành tích học tập cao, đầy mỹ mãn, khao chầu chè có gì quá đáng chớ? 
– Ôi…như thế thì đâu thể gọi là được thưởng… mà bị phạt nặng đó. 
– Cả hai bật cười thoải mái, làm dịu đi cả bầu trời buổi trưa trời nắng gắt.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây