Hoàng Thu Dung
Vì sao rơi trong đêm
– 1 –
Toà nhà đồ sộ của công ty liên hợp nằm chìm trong ánh sáng mờ mờ, chỉ ở tầng lầu hai đèn còn sáng rực, ồn ào tiếng cười nói, âm thanh vẳng xuống tận đường.
Tôi theo người tài xế đi lên từng bậc thang, tối nay chú Quang cho ông ấy đến đón tôi với một lời nhắn ngắn gọn “Con đến công ty ngay, tối nay chú có liên hoan” Thế là tôi đi.
Hầu như bất cứ chuyến công tác hay hội họp ở đâu, chú Quang cũng dẫn tôi đi theo và tôi đang thất nghiệp, không đi chơi thì ở nhà làm gì. Buồn chết, tôi sợ bị buồn lắm.
Dãy hành lang vắng hoe, chỉ có phòng cuối là nhộn nhịp, cánh cửa bằng kính khép hờ, qua lớp kính tôi thấy mấy chục cặp mắt đổ dồn ra cửa.
Trời ơi, chỉ toàn là con trai có lẽ chú Quang nói gì đó nên họ chờ gặp tôi như chờ gặp một sinh vật ngoài trái đất bay tới. Tôi ngượng ngập đứng ở cửa, không biết phải vào như thế nào. Tôi chả run đâu, nhưng cũng hơi ngan ngán. Cả phòng toàn con trai thế này, kể cũng dễ sợ lắm chứ. Không biết chú Quang bảo tôi đến đây làm gì, chú này thật khó hiểu.
Tôi đang hoang mang thì chú Quang đi đến nắm tay tôi:
– Vô đây con, vô ngồi cạnh chú này đừng sợ.
Tôi rụt rè đi vào, ngồi xuống một chiếc ghế đầu bàn, mấy chục cặp mắt lại chĩa vào tôi đầy tò mò. Không hiểu họ nhìn gì, làm như từ nhỏ đến lớn họ chưa thấy con gái lần nào, bộ họ không sợ người khác lúng túng sao chứ.
Chợt một giọng nói vang lên:
– Giám đốc có cô cháu xinh quá.
Tôi ngước nhìn về hướng ấy, đó là một người đàn ông có nụ cười thật khó ưa, tôi chưa thấy ai có chiếc bụng to hơn ông ấy (chắc trong đó chứa nhiều bia lắm). Thấy tôi nhìn, ông ấy lại cười:
– Cháu được bao nhiêu tuổi rồi anh Chín?
Chú Quang cười dễ dãi:
– Hai mươi bốn.
Ông ấy vươn người tới, gắp cho tôi một con tôm thật to:
– Ăn đi con, cứ thoải mái đừng sợ.
Tôi lập tức hết ác cảm với ông ấy ngay (ai mà ghét được người cho mình ăn chứ). Tôi nhìn ông nhỏ nhẹ:
– Cám ơn chú.
– Con gái hiền quá nhỉ?
Ở phía vuông góc bàn, có những tiếng rì rầm bàn tán:
– Cô ta chả có vẻ gì là nữ đạo diễn cả, tao tưởng đạo diễn phải ngầu lắm chứ.
– Ừ nghe giám đốc nói, tưởng sẽ xuất hiện một nàng nữ tướng dữ dằn lắm.
– Cô ta có vẻ nữ sinh hơn.
– Nhìn cô ta thuỳ mị đó chứ.
– Và đẹp nữa.
– Đẹp thì không đáng nói, nhưng con gái làm nghề đạo diễn mà có vẻ nhu mì vậy kể cũng lạ.
Tôi nhìn họ, từ nãy giờ chỉ có một người con trai ngồi yên, tựa người vào thành ghế. Hắn xoay xoay lon bia trên tay, dáng điệu uể oải. Bất chợt hắn nhếch mép cười:
– Khoan nhận xét vội đã, tao thấy cô ta không hiền như tụi mày nghĩ đâu hoa hồng nào mà chẳng có gai.
Tôi ngồi lặng, căng thẳng lắng nghe, hắn là ai mà soi mói tôi thế, nãy giờ tôi có chọc ghẹo gì hắn đâu chứ. Người con trai ngồi cạnh hắn lập tức cãi lại:
– Đừng nghĩ xấu người ta mày, gai đâu mà gai, tao thấy cô ta dễ thương đó chứ.
– Thì mày cứ giữ lấy ấn tượng của mày, tao có cản đâu, nhưng theo tao thì cô ta không hiền. Con gái mà có cặp mắt như thế dứt khoát không phải loại người đơn giản. Cô ta biết giấu bản chất của mình đấy, nhìn là biết ngay.
– Thằng Duy đúng là bác sĩ phẫu thuật, nhìn ai cũng phân tích xem người đó có cấu tạo thế nào, mệt mày quá.
Thì ra hắn là bác sĩ, nhưng sao hắn lại ở đây, buổi liên hoan hôm nay toàn là những kỹ sư và những người lãnh đạo của công ty, chú Quang bảo tôi thế mà. Tự nhiên tôi thấy tò mò về hắn.
Duy nhún vai:
– Nhưng sao nãy giờ tụi mình quan tâm đến cô ta nhiều vậy, người ta ra sao kệ người ta – Hắn nâng ly lên – Tụi mày mời tao đến đây để nghe phê bình người ta hả?
Những cánh tay nâng ly lên, mỗi người một tiếng ồn ào:
– Thì thôi, không nói đến cô ấy nữa. Dô đi.
– Khoan đã, tụi mình uống chúc mừng cái gì đây?
– Rồi, chúc mừng buổi liên hoan hôm nay có một người đẹp đến dự.
– Đồng ý, chúc mừng phái đẹp.
Gã con trai tên Duy khẽ nhún vai:
– Chúc mừng.
Tôi ngồi im, cúi nhìn bình hoa trước mặt. Chợt một gã con trai đứng dậy, ly bia trên tay, đi đến cạnh chú Quang.
– Chú cho phép con làm quen với Như Phượng, được không chú?
Chú Quang gật đầu, cười dễ dãi:
– Được, cứ mời nó đi, tao không khó khăn đâu.
Hắn quay qua tôi:
– Xin tự giới thiệu nhé, tôi tên Phúc Thanh, xin phép mời Phượng nhấp môi một chút làm quen. Phượng đồng ý không?
Tôi hơi ngước lên, nhẹ nhàng đón lấy chiếc ly trên tay Phúc Thanh mím môi vào thành ly rồi trả lại hắn. Hắn lắc đầu:
– Không được, Phượng uống thế thì ít quá, như vậy chưa đủ.
Tôi nhỏ nhẹ:
– Dạ thôi, xã giao với anh bao nhiêu đó đủ rồi, Phượng không biết uống bia.
– Sao vậy?
– Dạ không sao hết, chỉ tại Phượng không uống được.
Phúc Thanh như muốn kéo dài phút đứng bên tôi, hắn kéo nài:
– Một tí thôi mà Phượng.
– Dạ thôi.
– Phượng nỡ phụ lòng tôi sao.
“Trời, một câu nói văn hoa không chịu được”, mà sao hắn cải lương thế. Tôi mỉm cười và dịu dàng từ chối. Nhóm con trai ở bên kia bàn ngồi yên theo dõi tôi và hắn. Trường Duy nheo mắt nhìn tôi mỉm cười một nụ cười khó hiểu, rồi hắn đứng lên, đủng đỉnh đi về phía tôi, giằng ly bia trên tay Phúc Thanh lì lì nói:
– Bây giờ đến lượt tao, mày đi chỗ khác đi – Và hắn cúi xuống nói nhỏ vào tai tôi – Tôi biết nếu cần cô cũng uống cả ly như ai. Xin mời.
Tôi ngước lên, hơi trừng mắt nhìn hắn. Hắn vẫn cúi xuống điềm tĩnh nhìn xoáy vào mắt tôi, một tia nhìn áp đảo. Tôi quay đầu đi, giọng khô khan:
– Tôi không biết uống.
– Có chứ. Tôi tin chắc là cô cũng uống được chút ít, nhìn mắt cô là tôi biết ngay – Hắn gần như ấn chiếc ly vào tay tôi – Xin mời.
Tôi máy móc kề ly vào môi, hớp một ngụm. Trường Duy gật đầu hài lòng:
– Có thế chứ – Rồi hắn lững thững đi về chỗ ngồi, gương mặt kín đáo không một cảm xúc.
Phúc Thanh bỗng đứng dậy, đi khệnh khạng đến bên tôi cúi xuống. Mùi bia phả ra làm tôi nhộn nhạo váng vất, tôi giận vô cùng, nhưng vẫn cố cười hòa nhã với hắn. Hình như cử chỉ của tôi không lọt khỏi cặp mắt của Trường Duy, tôi thấy hắn nhếch môi cười một mình. Chết tiệt cặp mắt của hắn đi, việc gì mà hắn cứ soi mói tôi hoài thế.
Tôi ngồi yên, lơ đãng nghe Phúc Thanh mà không hiểu hắn nói gì. Ánh mắt sắc bén của Trường Duy làm tôi gờn gợn, xốn xang. Hắn cứ ngồi yên, đầu nghiêng nghiêng nhìn tôi và mỗi lần tôi nói một câu gì đó, hắn lại nhướng mắt lên hoài nghi, ánh mắt ấy như muốn bảo: “Tôi đã hiểu thấu tim đen của cô rồi, nếu được cô sẽ bảo thằng Phúc Thanh rằng: anh không xứng đáng với tôi chứ gì. Cứ gai góc đi cô bé, đừng có làm ra vẻ hiền lành như thế, không qua khỏi mắt tôi đâu”.
Không chịu nổi tia nhìn của Trường Duy, tôi hơi cụp mắt xuống. Nhưng cảm thấy tức mình, tôi ngẩng lên hếch mũi lên thách thức. Hắn ngả người ra sau, cười lơ đãng… Đúng là con người nguy hiểm.
Buổi liên hoan hôm nay lãng nhách dễ sợ. Tự nhiên chú Quang bắt tôi đến đây để ngồi nghe toàn chuyện vớ vẩn. Tự nhiên họ chúi mũi vào khen tôi hiền thùy mị… một lô những tính tốt mà tôi không hề có. Thế rồi trong đám ấy, một gã con trai đầy gai góc cố chứng minh cái điều ngược lại. Tôi có bảo là mình hiền đâu, nhưng bằng cách nhìn của hắn thì tôi là con người sắc sảo đáng gườm… Làm như tôi dễ sợ lắm vậy. Vậy mà không hiểu sao tôi thấy ngán hắn, bực mình gì đâu ấy.
***
Tôi đang đọc sách thì có tiếng chuông reo ngoài cổng, tôi chạy xuống. Thật không tin vào mắt mình, Trường Duy và Phúc Thanh đang đứng đó. Dáng điệu Phúc Thanh có vẻ bồn chồn. Trường Duy bình thản ngó lơ ra đường. Tôi mở rộng cánh cửa:
– Hai anh vào nhà chơi.
Ngồi đối diện với nhau bên chiếc bàn tròn. Trường Duy ung dung rút thuốc châm lửa hút, Phúc Thanh lúng túng bẻ những ngón tay nghe rắc rắc. Và sau khi đã bẻ đủ mười ngón, có lẽ không còn gì để bẻ nữa hắn bắt đầu vuốt mớ tóc bù xù, nhìn mà tội ghê. Tôi dịu dàng:
– Mời hai anh uống nước.
– À, vâng… vâng.
Phúc Thanh hấp tấp cầm ly nước uống một hơi, rồi vụng về đặt xuống bàn. Tôi thấy ly nước vơi còn có chút xíu. Phúc Thanh lại liếm môi:
– Nước ngọt ghê.
“Nước trà mà ngọt gì” ông này buồn cười ghê. Tôi che miệng giấu một nụ cười khó nén. Hình như Trường Duy đá chân Phúc Thanh một cái, hắn ngồi im như phỗng. Tôi nhỏ nhẹ:
– Sao anh biết nhà Phượng vậy?
– Tụi này hỏi chú Quang, nhà Phượng dễ tìm quá, tìm là gặp liền, trên đường cứ sợ Phượng không có nhà.
Tôi hỏi lại:
– Nếu Phượng không có nhà thì sao?
– Thì… ờ… à.. Thì tụi tôi sẽ ngồi chờ.
Nhìn Phúc Thanh có vẻ khổ sở, tự nhiên muốn trêu hắn một tí, tôi dịu dàng:
– Nhưng ba mẹ Phượng không biết hai anh thì sao?
Phúc Thanh càng lúng túng. Trời ạ, đôi tay hắn bắt đầu huơ loạn xạ.
– Ơ.. ơ… thì…
Trường Duy xen vào, giọng điềm đạm:
– Tôi tin hai bác sẽ vui lòng để bọn tôi ở đây vì… – Hắn nheo mắt nhìn tôi – Vì người lớn bao giờ cũng phân biệt được bạn bè Phượng với kẻ trộm, đúng không Phượng?
Đúng là miệng lưỡi Tô Tần. Tôi ngồi im, định bảo hắn “coi chừng, nhìn anh chẳng khác họ mấy đâu”. Nhưng thôi, lỡ hắn có tung ra một đòn thì sợ đỡ không nổi. Thôi tránh voi chẳng xấu mặt nào. Tôi chớp mắt, gương mặt vô tội.
Trường Duy lim dim mắt quan sát phản ứng của tôi, anh ta cười khẽ, nụ cười như muốn nói: “cô giấu mình kỹ lắm, nhưng rồi xem, tôi sẽ biết cách moi những chiếc gai của cô bẻ đi. Chờ đấy!”. Tôi hơi cong môi lên, rồi chẳng thèm quan tâm đến anh ta nữa, nhìn Phúc Thanh:
– Anh Thanh hôm nay có đi làm không?
– Có chứ, đi làm về là đến nhà Phượng ngay đấy, chưa kịp ăn cơm nữa.
Trường Duy liếc Phúc Thanh, như muốn bảo “thằng ngáo”. Anh ta có vẻ quê với tôi và cứ gườm gườm nhìn tôi phản ứng. Tôi vẫn nhẹ nhàng nhìn Phúc Thanh:
– Anh Thanh đi làm cả ngày chắc mệt lắm hả?
– Đâu có làm cả ngày mà mệt Phượng, trưa cũng có giờ nghỉ nữa.
– Vậy à?
– Ừ.
Tôi ngồi im, chẳng biết nói gì thêm nữa, thật khó mà gợi chuyện với anh chàng này. Thấy tôi im lặng, Phúc Thanh có vẻ lúng túng, hắn như khổ sở tìm cách nói chuyện mà chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, chỉ biết đưa mắt nhìn Trường Duy cầu cứu, rồi như nghĩ ra điều gì đó hắn hớn hở:
– Chiều nay trời đẹp ghê há Phượng?
– Dạ.
– Chắc Phượng đâu có làm gì hả?
– Dạ, Phượng còn bận công chuyện buổi tối.
Phúc Thanh như cụt hứng, lại im lặng rồi nói vớ vẩn:
– Hai bác có khoẻ không Phượng?
– Dạ khoẻ.
– Phượng lúc này bình thường chứ?
– Dạ bình thường.
– Mấy cô em Phượng cũng khoẻ hả?
– Dạ khoẻ.
“Còn bà dì của Phượng nữa, anh hỏi vậy là bỏ sót rồi đấy”, tôi nghĩ thầm, định kê nhẹ Phúc Thanh, nhưng thôi, dù sao thì Trường Duy cũng ngồi ở đây.
Nãy giờ Trường Duy ngồi im, như ngao ngán cách nói chuyện ngớ ngẩn của Phúc Thanh. Vẻ mặt anh ta như vừa phát hiện mình có một thằng bạn ngáo không chịu được. Bất chợt anh ta đứng dậy, hất mặt với Phúc Thanh một cái, rồi quay qua tôi, cười lịch sự:
– Ghé thăm Phượng một tí, tụi này xin phép về nghe.
Tôi hơi bất ngờ vì cử chỉ của Trường Duy, nhưng cũng xã giao:
– Dạ. Hôm nào rảnh hai anh đến chơi.
Phúc Thanh tươi cười:
– Vâng, mai mốt tôi sẽ đến nữa. Về nghe Phượng.
Trường Duy lầm lì đi ra cổng. Anh ta có vẻ bực Phúc Thanh, nhìn cung cách của họ, tôi đoán Phúc Thanh không dám đến một mình nên nhờ Trường Duy đi ủng hộ tinh thần. Hai người này thật buồn cười.