Hoàng Thu Dung
Đêm Noël
Một
Thục Hiền lách người qua cửa, chạy vọt tuốt ra sân tìm chút không khí trong lành để thở. Trong phòng, khói thuốc và tiếng ồn làm nhức đầu không chịu được. Đến nỗi ham vui như cô cũng tìm cách chạy trốn đám nhí nhố trong ấy
Năm nào cũng vậy, đêm Noel là chị Thanh Thư tổ chức họp mặt linh đình, lớn hơn cả tất niên. Gặp ông anh rể của cô cũng thuộc loại dân chịu quậy. Cho nên nhà của hai người lúc nào cũng bạn bè tới tấp. Thục Hiền thích đến đây hơn là ở nhà mình. Ở nhà, đi ra đi vô mẹ con dì Phương lúc nào cũng yểu điệu thục nữ, nhìn mà bực cả mắt.
Tính cô sôi nổi và thích bay nhảy. Còn hai người thì lúc nào cũng điệu đàng, sướt mướt. Điệu rơi điệu rụng, điệu từ mẹ xuống con, từ con lên mẹ, nhìn mà chịu không nổi. Phải chi tính tình cũng mềm mỏng như vẻ ngoài thì còn đỡ. Đằng này đụng chuyện một chút là dữ lên như sư tử. Đạo đức giả không chịu được. Nghĩ tới là thêm bực mình
Thục Hiền nguẩy đầu một cái, khẽ nhăn mặt tự trách mình. Đã bỏ học thi vì ham vui, vậy mà đến đây còn chịu khó nhớ tới hai người đó rối tức. Dại dột chưa từng thấy
Cô rời băng đá đứng dậy, đi lòng vòng giữa mấy chậu kiểng. Vừa đi, cô vừa hát khe khẽ. Một lát hứng chí lên. Cô dậm dậm chân theo điệu nhạc và nhảy một mình
Cuối cùng mệt quá, cô ngồi phịch xuống băng đá mà thở. Chợt có tiếng vỗ tay vang lên, kèm theo một câu ” Hay tuyệt ” vẳng ra từ phía bên kia cây bùm sụm làm Thục Hiền quay lại tìm kiếm
Từ trong chỗ tối, một gã con trai bước ra. Trên tay hắn là lon coca và điếu thuốc cháy đỏ. Hắn đến đứng trước mặt Thục Hiền, búng tay cái tách:
– Cô hát hay lắm và nhảy cũng đẹp. Tôi biết chắc là cô mệt lắm, đúng không?
Hắn chìa lon coca về phía cô:
– Xin mời
Hắn nheo mắt, nói thêm:
– Tôi vừa mới khui chứ chưa uống, có thể yên tâm
Chẳng đợi mời lần thứ hai, Thục Hiền cầm ngay lon coca, nói tỉnh bơ:
– Cám ơn ý tốt của anh
Cô uống liền một hơi, rồi chép miệng:
– Tôi khát khô cả cổ, nhưng lại lười vào nhà. Lon coca này xuất hiện thật đúng lúc. Cám ơn anh
– Không có chi
Tên con trai vừa nói vừa ngồi xuống bờ xi măng, đối diện với băng đá. Hắn ngồi im, kín đáo quan sát cô. Thục Hiền cũng nhìn lại hắn. Ôi trời! Người gì mà tóc tai như ổ quạ, dài phủ kín cả gáy. Ăn mặc thì bụi đời hết chỗ nói. Bộ đồ jean bạc phếch cắt tua ở ống tay và gấu áo. Trông hắn có vẻ dân chơi chính cống. Rất may là hắn có khuôn mặt trầm tĩnh và dễ nhìn. Nếu không chắc cô đã bỏ chạy mất rồi
Hắn biết Thục Hiền nhìn, nhưng có vẻ như không quan tâm, cũng như bất cần biết cô nhận xét ra sao về mình. Hắn mỉm cười, chìa tay ra:
– Cô hát hay lắm. Có theo nhóm nào không?
– Nhóm gì?
– Ý tôi muốn nói có theo ban nạc nào không hay là hát ở các tụ điểm? Tôi thấy không quen
Thục Hiền hiểu ra, bật cười:
– Bộ tôi giống ca sĩ lắm hả? Có người nhận xét mình như vậy thì thích thật
– Bộ không phải?
– Không tôi còn đi học. Thỉnh thoảng cũng hát chút ít, nhưng không theo nhóm nào cả. Thế còn anh? Nghe cách nói, tôi đoán anh thuộc ban nhạc nào đó?
Tên con trai không trả lời Thục Hiền. Hắn buông một câu nhận xét nghiêm chỉnh:
– Cô có phong cách biểu diễn độc đáo lắm, hoàn toàn mới lạ. Không phải là ca sĩ thì phí thật
Thục Hiền hỏi một cách vui thích:
– Thế nếu có ai đó rủ, tôi có thể theo một nhóm nào đó được không? Tôi thích đi hát lắm
– Cái đó đâu có khó, chỉ cần cô luyện giọng là được
– Nghe cách nói của anh, tôi có cảm tưởng trở thành ca sĩ là điều rất dễ, ai cũng có thể hát được cả
– Chứ gì nữa
Hắn chợt nheo mắt:
– Mọi người ai cũng có thể hát, từ già đến trẻ
Thục Hiền ngắt lời:
– Nhưng hát hay thì lại là chuyện khác. Không có ai ” hét ” một bản nhạc mà trở thành ca sĩ được
Tên con trai mỉm cười:
– Cũng có đấy
Thục Hiền toan phản đối, nhưng thấy hắn cứ ngồi mãi ở dưới đất, cô hơi ngọ nguậy:
– Này, sao anh không ngồi trên băng? Tôi đâu có giành chỗ, cũng đâu có bất lịch sự mà đề phòng anh. Anh lên đây đi
Cô nhích ra đầu ghế, nhưng tên con trai vẫn ngồi im, hắn khoát tay:
– Thôi khỏi, tôi thích ngồi ở đây hơn. ở vị trí này, tôi có thể nhìn đôi giày và bàn chân xinh xắn của cô. Cô có đôi chân đẹp lắm
– Hả?
Bất giác, Thục Hiền rụt chân lại, tròn xoe mắt nhìn hắn, cố tìm hiểu xem hắn có đùa không. nhưng vẻ mặt hắn tỉnh bơ như đag nói về mưa nắng, không có dấu hiệu gì là sàm sỡ hay tán tỉnh. Cô thấy yên tâm hơn và ngồi im. Lạ thật! hắn nhìn lúc nào, sao cô không biết nhỉ?
Thấy hắn cứ ngồi im hút thuốc, Thục Hiền khẽ hỏi:
– Này, anh không nhìn tôi đấy chứ? nếu biết nãy giờ bị anh nhận xét thì tôi không tự nhiên được đâu
Tên con trai nháy mắt:
– Sao vậy?
Thục Hiền hơi nhăn mặt:
– Chẳng lẽ anh không hiểu? Ai mà tự nhiên chịu nổi, khi biết mình bị nhìn
– À, ra là vậy, nhưng có gì mà cô phải ngượng? Cái đẹp là để mọi người thưởng thức mà. Tôi chỉ nhìn cô như người ta nhìn một bức tranh đẹp, ngoài ra không nghĩ gì cả. Cứ yên tâm
Nói xong, hắn lại thản nhiên nhả khói, Thục Hiền nhìn hắn, không hiểu hắn thuộc tuýt người nào. chắc chắn hắn không phải là sinh viên hay dân tri thức rồi, người đàng hoàng, chẳng ai bụi đời như vậy. Vậy thì hắn là dân công tử lêu lổng ăn chơi? Cũng không phải luôn. Hắn chẳng có vẻ gì là công tử ngổ ngáo cả. Rõ ràng hắn không phải mẫu người khoái đi tán gái đẹp, có trời mới biết hắn là loại người nào. Đàng hoàng thì không phải, dân tạp nhạp cũng không. Sao lại có loại người khó hiểu như vậy?
Thục Hiền nhìn hắn một cách tò mò:
– Tên anh là gì vậy?
– Hả?
– Tôi hỏi anh tên gì? – Thục Hiền nhắc lại
Tên con trai buông một tiếng cười:
– Vũ
– Cái gì Vũ?
– Luân
Sao mà hắn bỗng tiết kiệm lời đến vậy? Thục Hiền bực mình nghĩ thầm. Thậm chí hắn cũng không có ý định hỏi tên cô, trong khi lẽ ra phải ngược lại. Bất lịch sự dễ sợ
Thục Hiền định đứng thì hắn bỗng lên tiếng:
– Sao cô không ở trong đó cho vui?
– Tôi muốn ra đây thở một chút. Trong đó ngợp quá, toàn là khói thuốc
Luân Vũ mỉm cười, dụi thuốc xuống cỏ:
– Vậy nãy giờ cô bực lắm chứ gì? Sao không nói?
Thục Hiền xua tay:
– Anh cứ hút tự nhiên đi. Ngoài này dù sao cũng thoáng hơn mà
– Cám ơn. Cô dễ chịu quá nhỉ.
– Còn anh, sao không ở trong đó cho vui?
– Tại thèm thuốc
– Chà, có ý thức bảo vệ môi trường ghê
– Dĩ nhiên
– Nhưng anh có nghĩ thật như vậy không? Tôi muốn biết, tại sao anh trốn ra đây? Nói thật đi
– Tôi đã nói rồi. Vì thèm thuốc, tôi không thích mình làm phiền người khác. Không ngờ ra đây lại làm phiền cô
– Chỉ hơi hơi thôi
– Như vậy cũng đã là phiền rồi. Xin lỗi nhé
– Không có chi
Thục Hiền xoay xoay lon coca trên tay. Chợt nhớ ra, cô phì cười:
– Sao tôi vô ý quá, trả anh nè
Cô chìa lon về phía Luân Vũ. Hắn cầm lấy, nhưng không uống, chỉ ngắm nghía như thể lần đầu tiên mới thấy có loại nước như vậy. Thục Hiền hỏi như trêu chọc:
– Anh thấy có gì lạ? Có phát hiện thêm điều gì không?
Luân Vũ chỉ cười, chứ không trả lời câu châm chọc của cô. Cử chỉ anh làm Thục Hiền mất hứng. Cô nhìn đồng hồ, rồi đứng dậy:
– Tôi vô đây. Anh có thể hút thoải mái rồi đó
– Cám ơn
– Không có chi
Thục Hiền đi vài bước thì hắn chợt lên tiếng:
– À quên, chúc cô đêm Noel vui vẻ
Thục Hiền quay lại:
– Cám ơn anh và ” sao y bản chính ”
Câu nói của cô làm hắn phì cười, Thục Hiền thấy hắn có nụ cười thật đẹp. Lần đầu tiên cô thấy một tên con trai rất gây ấn tượng như vậy. Tự nhiên cô cũng cười một mình, rồi đi vào nhà
Cô gặp Thanh Thư ở cửa. Thanh Thư kéo cô về phía ghế:
– Nãy giờ em đi đâu vậy?
– Em ra ngoài sân chơi. Chi vậy chị?
– Không có gì. Tối rồi, chị định bảo em về thôi
Thục Hiền nhăn mặt:
– Mới hơn chín giờ mà bắt em về. Bộ em là gà hả?
– Không gà, nhưng em về khuya dì Phượng lại càu nhàu, chị không thích. Bả có thể gọi điện cho ba lắm chứ
Đang bực, nên Thục Hiền nói bừa:
– Dám không? Nói là em bẻ răng cho coi
Thanh Thư phì cười:
– Thôi đi cô nương, hung hăng như con bọ xít
– Nói gì thì nói, em không về đâu
Cô đến bàn pha một ly nước, uống ngon lành. Thanh Thư đi theo cô:
– Nãy giờ em đi đâu vậy? Mấy ông bạn của anh Thái cứ hỏi em hoài
Thanh Thư cười cười:
– Em thấy anh Quang sao? Anh Thái định làm mai cho em đó. Ông đó cũng được đấy chứ
Thục Hiền lắc đầu nguầy nguậy:
– Thôi đi, em ngán thấy ông gàn gàn lắm. Khi nào thành bà già, em sẽ chịu khó ngồi nghe ông ấy triết lý. Em không hợp với ổng đâu
– Ai em cũng chê cả. Khó quá, không ai chịu nổi đâu. Anh Quang thích em lắm đó
– Em thấy ổng hợp với nhỏ Ngân hơn. Nó hiền hiền, lại chịu ngồi yên. Còn em thì chịu không nổi mấy chuyện đó. Bảo anh Thái làm mai cho nó đi
Thanh Thư nhún vai:
– Khổ nỗi nhân vật chính là không thấy điều đó. Mấy ông gàn lại thích có người yêu nhảy nhót như em. Luật bù trừ mà
– Thôi, em không thích bù trừ kiểu đó đâu. Quên nữa, anh Vũ là bạn của chị hay anh Thái vậy?
Thanh Thư cau mày như cố nhớ:
– Bạn bè của chị đâu có ai tên Vũ. Anh Thái cũng vậy, nhưng sao. . .?
Thục Hiền cười khúc khích:
– Em gặp ổng ngoài vườn. Một nhân vật vô cùng kỳ dị, bảo đảm là không giống ai cả, chả có gì thu hút cả
Thanh Thư nhìn cô nhíu mày:
– Nhân vật mào mà mới gặp đã làm cho em có ấn tượng đến vậy? “Không giống ai ” hả? Em thì luôn thích cái gì khác người. Sao em không bình thường như người ta cho chị yên tâm? Thế nhân vật đặc biệt đó làm gì? Nhà ở đâu?
– Em đâu có biết. Nói chuyện có chút xíu mà hỏi chi mấy chuyện đó
Thanh Thư nhún vai:
– Không biết gì về người ta mà bảo thích. Em làm chị lo quá! Không biết lần này em lại quậy chuyện gì nữa đây? Đang mùa thi đó nghe Hiền
Thục Hiền nhăn mặt:
– Chị làm như em nhiễu sự lắm vậy. Em nói là thích cái gì khác thường, chứ có nói thích hắn đâu. Làm gì để phòng em dữ vậy?
– Tại em ” hiền ” quá, nên người khác phải lo chứ sao. Em đừng làm mọi người điên đầu nữa đi, rồi chị sẽ không còn để ý đến em
Thục Hiền phẩy tay:
– Nói chuyện với chị chán chết được
Cô quay lại, rót thêm nước vào ly rồi lững thững đi về phía đàm đông. Thanh Thư nhìn theo Thục Hiền, cô cố tìm nhân vật nào đó khác thường tên Vũ nhưng cô không thấy ai đặc biệt cả. Không biết Thục Hiền gặp nhân vật đặc biệt đó ở đâu? Nếu có thì chắc đúng là một người “Không giống ai ” thật rồi. Vì như vậy mới làm cho Thục Hiền thích được, không biết lần này cô nàng lại gây ra chuyện gì nữa đây?
Nhà có hai chị em, nhưng cô ngoan ngoãn bao nhiêu thì Thục Hiền lại ngang bướng bấy nhiêu. Khi ba cưới dì Phương về, giữa cô với bà mẹ kế thì không có gì, nhưng với Thục Hiền thì xảy ra vô số chuyện làm ba cô điên đầu. Ngay cả cô cũng thấy ngán cô em náo nhiệt của mình, huống chi là dì Phương
Mặc dù cô răn đe, nhưng Thục Hiền vẫn mê chơi đến khuya mới về. Cô vòi vĩnh, bắt ông anh rể đưa về để làm bình phong, tránh nghe dì Phương ca cẩm
Nhưng như vậy cũng không xong, vì dì Phương là người mở cửa. Thục Hiền chạy vọt về phòng, để mặc bà tiễn anh Thái. Cô thay đồ thật nhanh và định lên giường nhưng bà cũng không tha. Ngồi bên cạnh bàn phấn nhìn Thục Hiền, bà hỏi như hỏi tội:
– Sao con về khuya quá vậy?
Thục Hiền khép mắt như rất buồn ngủ:
– Tại bạn bè ai cũng ở lại, con bỏ về sợ họ bảo mình bất lịch sự
– Nhưng con đang học thi mà. Lý luận của con nghe không vững chút nào. Con đi khuya như vậy, bắt dì phải thức khuya. Chưa kể đến chuyện người ta có thể đánh giá gia đình này. Con gái đi đêm chẳng hay ho gì đâu
“Như vậy, dì bực cái gì vậy? Vì sợ tai tiếng hay vì phải thức chờ cửa?” Thục Hiền nghĩ thầm. Cô rất ghét cách nói hai mặt của dì Phương. Mới nghe tưởng đâu lo cho cô dữ lắm, nhưng ý nghĩ thật thì nhỏ mọn không thể tưởng
Thấy cô nằm im, dì Phương cao giọng:
– Dì biết con chưa ngủ đâu. Đừng làm bộ không nghe
Bực mình quá, Thục Hiền ngồi lên:
– Con đã nói nhiều lần rồi. Dì cứ mặc con đi, sao dì cứ quan tâm đến con hoài vậy?
– Dì cũng không thích như vậy đâu. Nếu ba con không giao con cho dì thì dì không để ý chuyện của con làm gì cho mệt
– Nhưng con không làm gì bậy cả, nên không việc gì con phải sợ
– Con đi đêm như vậy mà bảo là không làm gì à? Con gái thời nay coi bộ loạn hết rồi. Đi chơi đến khuya mới về mà không chịu lả bậy
– Đi chơi lông ngông ngoài đường không có nghĩa là làm chuyện bậy đâu. Đến khi hư rồi thì dì có nhốt ở nhà vẫn hư như thường
Câu nói của Thục Hiền làm dì Phương hiểu theo nghĩa khác. Bà nổi giận:
– Con muốn ám chỉ ai vậy? Phượng Ngân phải không?
– Phượng Ngân không ảnh hưởng gì đến con cả. Dì nói đến nó làm gì?
– Chứ không phải con không ưa nó sao? Nó hiền ngoan thì con nghĩ là làm ra vẻ con nhà tiểu thư. Còn dì thì đạo đức giả, dì còn biết vô số ý nghĩ của con kìa
Thục Hiền ngồi yên ngẫm nghĩ, những gì dì Phượng nói là cô đã ghi vào nhật ký. Chẳng lẽ dì Phượng dám. . .
Cô nhìn bà một cách hoài nghi:
– Dì đọc nhật ký của con phải không?
– Nếu không kiểm soát như vậy, làm sao dì hiểu ý nghĩ của con. Con thật là dễ sợ đó Hiền. Dì sợ con thật đấy
Mặt Thục Hiền đỏ bừng lên. Cô tức đến nghẹn thở. Thật là một sự xúc phạm quá mức! Cô nhảy phắt xuống giường, nói như hét:
– Tại sao dì dám lục nhật ký của con? Tại sao xâm phạm đời tư con một cách bỉ ổi như vậy? Con không cho phép ai làm như vậy với con cả
Bà Phương cũng bật dậy:
– Khuya rồi, làm gì la hét um sùm vậy?
Thục Hiền tức ghê gớm. Cô dậm chân thình thịch và ném mạnh chiếc gối xuống giường:
– Dì có biết làm như vậy là xúc phạm người khác không? Dì là người lớn, tại sao dì không hiểu điều tế nhị đó chứ? dì quá đáng lắm
– Nếu không đọc nhật ký của cô, làm sao tôi biết cô khinh rẻ mẹ con tôi đến vậy. Ba cô mà về lúc này chắc ổng thấy hết tính nết hung dữ của cô, để ổng hiểu con gái cưng của ổng mất dạy đến thế nào. Dám quát nạt cả tôi. Thật là mất dạy
Bị mắng nhiếc, Thục Hiền càng tức. Cô hét thật to:
– Nếu tôi có như thế thì cũng do bà khơi lên trước mà thôi. Tôi sẽ mách ba tôi về hành động của bà. Nếu tôi lục lọi cuộc sống riêng tư của bà, bà có chấp nhận không?
– Đồ hung dữ! Chuyện có một chút cũng làm ầm ĩ lên thế đấy. Con gái như vậy, ai mà chịu cho nổi
Mắt Thục Hiền sáng quắc vì bị khích động, môi cô run lên:
– Chính tôi mới không chịu nổi bà, chị em tôi thật bất hạnh khi phải sống với bà
Cô chạy đến tủ áo, lôi ra bộ đồ rồi bước vào phía sau tủ thay ra. Cử chỉ của cô làm bà Phương kinh ngạc:
– Cô đi đâu vậy?
Thục Hiền hếch mặt lên nhìn bà:
– Tôi chưa từng căm ghét ai như bà
Nói rồi cô lao ra cửa, chạy tuốt xuống cầu thang. Bà Phương đứng sững ngó theo. Bà không tin cô bỏ đi lúc khuya như vậy, dù đã biết tính cô rất bốc đồng. Bà chưa thấy đứa con gái nào bướng bỉnh, bất trị như cô. Một đứa con gái không hề biết sợ gì cả, và chỉ thích theo ý mình. Không biết lần này cô lại quậy chuyện gì nữa đây? Bà thấy ngán ngẩm vô cùng
Thục Hiền lững thững đi bên đường. Bây giờ cô mới nhớ mình quên mang theo tiền, nhưng điều đó cũng không làm cô lo lắng. Không có tiền một đêm cũng chả chết, chỉ cần thoát khỏi nhà là cô dễ chịu hơn rồi
Cô kéo sát áo khoác vào người, đi lơ ngơ qua các con đường, vừa đi vừa nghĩ đến những địa chỉ mình muốn đến khuya nay. Cuối cùng cô quyết định sẽ đến nhà chị Thanh Thư
Cô đứng trước cổng, bấm chuông rồi dựa lưng vào cửa chờ. Thanh Thư đứng trên ban cong nhìn xuống xem ai. Thấy Thục Hiền, cô kinh ngạc chạy vội xuống mở cửa. Thục Hiền cười toe toét:
– Tối nay em ngủ với chị
– Cái gì? Em lại quậy chuyện gì nữa đây?
Cô kéo Thục Hiền vào phòng khách. Quốc Thái cũng đã xuống nhà. Anh nhướng mắt:
– Em đi đâu giờ này vậy? Gần một giờ rồi, ai đưa em qua đây?
Thục Hiềm ngối xuống salon, nguẩy đầu một cái:
– Em đi bộ một mình qua. Đêm nay em ở đây sáng mai sẽ vào ký túc xá ở với nhỏ Oanh. Em không về nhà nữa đâu
– Cái gì? – Thanh Thư và Quốc Thái cùng kêu lên một lượt, mắt tròn xoe nhìn Thục Hiền. Cô tỉnh bơ nói tiếp:
– Em chán ở nhà lắm rồi, và quyết định sẽ vào ký túc xá ở với bạn em
Thanh Thư thở hắt ra:
– Ba mới đi có mấy ngày mà em lại giở trò nữa rồi. Chuyện gì xảy ra vậy? Dì Phương mắng em phải không?
Thục Hiền vung tay hung hăng:
– Không phải chỉ mắng thôi, mà còn lục lọi nhật ký của em. Chị xem như vậy có chịu nổi không? Em tức lắm! Em ghét nhất bị kiểm soát như vậy. Coi thường em quá mà
Quốc Thái nhíu mày:
– Dì Phương làm vậy quá đáng thật!
– Bà đọc lén mà còn lôi những gì em viết ra mắng. Anh xem bà ấy cư xử có thô thiển không? Em đâu phải là trẻ con mà áp đắt như vậy
Thanh Thư thở dài:
– Đến lượt em bị nữa à? Thì ra bà ấy không hề ngượng về hành động của mình
Thục Hiền quay lại tò mò:
– Bộ chị cũng theo dõi kiểu đó hả?
– Có chứ. Có lần bà ấy đọc nhật ký của chị, rồi quăng vào mặt chị mà mắng cho một trận, vì chị cũng đã lên án bà ta
Thục Hiền lại nổi nóng lên:
– Vậy sao em không thấy chị nói gì vậy?
Thanh Thư cười như nhẫn nhịn:
– Lúc đó, chị khóc suốt đêm vì tức. Sau đó, chị bỏ viết nhật ký luôn
– Hừm! sao chị hiền quá vậy? Sao chị không bảo cho bà ấy biết như vậy là bất lịch sự? Nếu lúc ấy chị không dám thì nói với em, em sẽ cho bà ấy một trận
– Làm ầm ĩ trong nhà thì có ai dễ chịu đâu, nên chị nhịn cho xong. Nhưng này, chuyện chỉ có vậy mà em không chịu ở nhà à? Mai mốt ba về thì sao?
Nhắc đến ba, Thục Hiền thoáng chùng lại. Nhưng cô lập tức hất mặt lên bướng bỉnh:
– Chừng đó hẵng tính. Bây giờ em chỉ biết là không thích ở nhà nữa. Ở với bạn vui hơn
– Vậy thì ở đây với chị đi
Thục Hiền gần ngừ. Ở đây với chị Thanh Thư cũng dễ chịu, nhưng đâu có tự do bằng sống với bạn. Vui gấp mấy lần. Nghĩ vậy, cô tìm cớ để thoái thác
– Em đang học thi, ở chung vời bạn dễ hỏi bài hơn. Với lại ở đây mất công dì Phương bảo chị rủ rê em. Phiền cho chị lắm
– Chứ không phải em muốn sống tự do cho dễ bay nhảy hả? Chị không hiểu em thì ai hiểu
– Chị chỉ toàn đoán mò
Nói rồi, cô tìm cách lấp liếm sang chuyện khác. Quốc Thái và Thanh Thư, cả hai nhún vai như chịu thua. Thục Hiền mà thích gì rồi thì chỉ có trời cản. Cô nàng chỉ sợ một mình ba nhưng ông đã đi công tác ở Ấn Độ, Thanh Thư không muốn ông bận lòng vì Thục Hiền. Dù không nói chuyện này thì ông cũng đã lo rồi.