Hoàng Thu Dung
Đừng như mây lang thang
Chương – 1 –
Thanh Phương cầm chậu Bạch Kim Anh ra sân. Cô đến phía bờ tường đứng lóng ngóng tìm chỗ có nắng treo chậu hoa. Hôm nay nắng rất nhẹ. Gần tám giờ mà mặt trời như vẫn còn lấp ló trong mây. Mọi ngày cô chỉ việc đặt chiếc chậu lên trên giàn phong lan là đủ có ánh sáng tràn trề. Nhưng hôm nay phía góc đó trời cứ mát mát. Không biết bỏ một ngày thì hoa có bị ảnh hưởng gì không. Cô không yên tâm được
Thanh Phương ngước nhìn lên giàn Cát Đằng. Chỗ này nắng rất tốt, nhưng phải tội hơi cao. Thanh Phương thoáng chần chừ một lúc, rồi hăm hở chạy vào nhà. Cô khệ nệ khiêng chiếc ghế ra sân, đi đến phía bờ tường. Khi rẽ vào lối đi dọc hàng kiểng, Thanh Phương thoáng thấy một người khách đang vào nhà. Nhưng cô không để ý lắm. Vả lại, nhìn thì biết đó là khách của ba, để dì bếp gọi ba cũng được
Cô đặt chiếc ghế dưới giàn hoa, rồi cầm chiếc chậu, thận trọng leo lên ghế, đặt nó lên trên giàn cây. Nhưng chỗ có nắng thì xa quá tầm với của cô. Cô mím môi, cố nhoài người tới, đẩy chậu hoa nhích vào phía giữa
Thanh Phương có cố mấy thì cũng không đẩy nó ra xa hơn được, mà chiếc chậu thì cứ chông chênh chực ngã giữa những chắn song mỏng manh. Cô bám lấy song sắt, nhoài người xuống sát những cụm hoa, cố đẩy chậu vào trong. . .
Mải lo đẩy chậu hoa, cô quên mất mình đang đứng ở đâu, chiếc ghế bị mất thăng bằng ngã úp qua một bên, đẩy luôn Thanh Phương ngã nhào xuống đất. Cô hoảng hồn kêu lên một tiếng, rồi nằm im có đến một phút
Sau đó cô vội vã ngồi lên, phủi lia lịa bụi cát dính trên tay áo. Cô đang loay hoay kiểm tra lại tay chân, thì người khách từ phía sau đi tới, anh ta hỏi với vẻ quan tâm lịch sự:
– Cô có sao không vậy?
Thanh Phương quay lại, cười với anh ta một cái, rồi lắc đầu:
– Hơi đau một chút, nhưng không sao cả, té có chút xíu mà
Người thanh niên nhìn nhìn cánh tay cô, rồi lắc đầu:
– Không chút xíu đâu, chảy máu rồi kìa
Nghe nói tới chảy máu, Thanh Phương vội đưa tay lên xem. Cô hơi hoảng khi thấy vết trầy khá sâu. Máu thấm ướt một khoảng tay áo trắng tinh. Cô nhăn mặt:
– Ôi trời, ghê quá! Chết tôi thật rồi!
– Cô leo lên đó chi cho té vậy? Tìm gì ở đó hả?
Nghe hỏi, Thanh Phương mới nhớ tới chậu hoa. Cô vội đưa mắt tìm dưới sân. Một cảnh tượng vô cùng. . . Không bình thường bày ra trước mắt cô. Đó là chiếc chậu vỡ toang trên nền xi măng, miểng sành văng tứ tung. Đất rơi tung toé. Bi đát hơn là nhánh Bạch Kim Anh yêu quý của cô nằm lăn lóc dưới đất trông như em bé bị té. Thanh Phương không còn lòng nào mà nhó cánh tay đau. Cô bổ nhào tới chậu hoa, quýnh quáng nâng nó lên trên tay, miệng méo xệch:
– Thôi chết rồi! Thế này thì nó sống gì nổi, làm sao mà ra vậy hở trời!
Người thanh niên ngước nhìn lên giàn hoa, như đo lường chiều cao của nó, rồi cười:
– Rơi từ đó xuống thì phải bể thôi
Nghe tiếng thở dài não ruột của Thanh Phương, anh ta lại cười an ủi:
– Nhưng hoa thì chắc không sao đâu, bỏ vào chậu khác trồng, chịu khó dưỡng là được
– Nó rơi trên cao quá, liệu có sống nổi không, có bị dập không?
Vừa nói cô vừa tẩn mẩn kiểm tra từng cánh hoa. Người thanh niên cũng ngắm nghía một lúc, rồi lắc đầu:
– Hoa thì không sao, nụ cũng không rụng, rễ còn nguyên, tóm lại là bình thường
Anh ta nhìn quanh sân:
– Nhà cô còn chậu nào không?
– Để sang nó qua hả?
– Ừ
– Còn chứ, để tôi đi lấy
Nói rồi cô chạy ào vào nhà, người thanh niên bèn gọi theo:
– Này!
Thanh Phương đứng lại:
– Anh gọi gì?
– Cô nên rửa vết thương đi, hoa thì lo sau cũng được
– Í đâu được! Để lâu nó chết thì sao?
Cô khoát tay như không để ý chuyện vết thương và tiếp tục chạy vào nhà. Một lát sau, cô ôm chiếc chậu mới ra. Người thanh niên đón lấy và hốt hết đất rơi dưới sân cho vào chậu mới. Cuối cùng, nhánh phong lan cũng được yên vị giữa chậu. Trông anh ta làm hết sức rành rẽ chững chạc, Thanh Phương nhìn mà chịu lắm. Cô cười thật tươi:
– Cám ơn anh nghe
– Không có gì, nhưng. . . cô leo lên đó làm gì vậy?
– Tôi muốn phơi nắng nó, bạn tôi bảo phải phơi nắng thì nụ nở ra mới đẹp
Rồi cô nói như khoe:
– Bạn tôi cho đấy. Nhà nó trồng kiểng, nó bảo hoa này là đẹp nhất, anh thấy nó đẹp không?
Người thanh niên gật đầu, rồi nói thêm:
– Đây là loại Cát lleya, nó có nhiều loại lắm, nếu cô thích, tôi sẽ cho cô hoa Tướng Quân cũng rất đẹp
– Vậy hả? Thế thì cho tôi nhé
– Mai tôi sẽ cho người mang đến cho cô
– Cám ơn anh trước nghe, nhưng khi cho hoa, anh nhớ gởi thêm thuốc nhé
– Thuốc gì?
– Thì thuốc để giúp cây lớn ấy
Người thanh niên phì cười, anh ta như định vạch ra sự thiếu hiểu biết của cô. Nhưng rồi anh ta chỉ gật đầu:
– Được rồi, cô có vẻ không rành lắm phải không. Thỉnh thoảng, tôi sẽ đến chăm sóc giúp cô
– Sao anh tốt quá vậy, cám ơn lần nữa nghe. Mà hình như anh rất rành phong lan phải không?
– Nhà tôi có một giàn phong lan mà. Tôi sưu tầm nhiều loại mới lắm. Chơi phong lan là một thú vui đó, hình như cô cũng rất thích nó phải không?
Thanh Phương lắc đầu:
– Tôi chẳng biết gì về hoa cả, thấy thứ nào đẹp thì thích thôi, nhưng chăm sóc thì chưa rành. Thỉnh thoảng, nhỏ bạn tôi đến chơi và chăm sóc hoa cho tôi, chắc nhờ vậy mà nó không chết
Người thanh niên nheo mắt:
– Nếu không thì tự cô có chăm sóc được kô?
Không đợi Thanh Phương trả lời, anh nói luôn:
– Chắc không tới nỗi chết đâu phải không?
– Cũng không biết nữa, nhưng thấy nó sắp chết thì tôi sẽ gọi bạn tôi tới cứu nó.
Cô chỉ về phía góc sân đối diện:
– Vườn hoa của tôi đàng kia, anh có muốn lại xem không?
– Cũng được, biết đâu tôi sẽ tìm ra loại phong lan mới ở đây
– Chắc không tìm được thêm gì đâu, anh đã có hẳn một vườn phong lan rồi, còn tôi chỉ có mấy chậu thôi
Người thanh niên chưa kịp trả lời thì có tín hiệu máy. Anh quay qua Thanh Phương:
– Xin lỗi nhé
Và anh lấy mày ra nghe. Thanh Phương ôm chậu phong lan, đứng một bên chờ. Cô nghe giọng anh ta khá cộc cằn:
– Dì đang ở đâu?
– . . .
– Sao mấy ngày nay dì không qua nhà con? Mẹ con nhắn dì đó. Dì đừng tránh né như vậy nữa, mẹ con sẽ không bỏ qua chuyện này đâu
– . . .
– Con không muốn nói ở đây. Ngày mai dì qua nhà con đi, mẹ con chờ dì đó
Thanh Phương lén liếc nhìn gương mặt anh ta. Cô không cố ý tò mò, nhưng giọng điệu khô khan của anh ta làm cô thấy lạ. Vừa mới nói chuyện mềm mỏng nhẹ nhàng, sao tự nhiên đổi tông nhanh thế. Anh ta nói chuyện với dì mà sao thiếu khiêm tốn thế? Nói chuyện với người lớn thì phải lễ phép chứ? Chắc bà dì nào đó nghe cũng giận lắm
Lúc đó người thanh niên đã nói chuyện xong, anh ta tắt máy, rồi quay lại nhìn Thanh Phương. Cô vội làm vẻ mặt tỉnh bơ như không hề biết nghe lén là gì
Cô thấy anh ta thoáng cười, rồi giọng nói mềm mỏng trở lại:
– Xin lỗi lần nữa nghe cô Phương
Thanh Phương ngạc nhiên:
– Sao anh biết tên tôi?
– Biết chứ
– Nhưng làm sao anh biết được? Anh có tới nhà tôi lần nào đâu
– Đâu cần phải tới nhà cô mới biết. Mà không phải chỉ có tên, tôi còn biết cả tính tình cô nữa.
Thanh Phương nhíu mày:
– Lạ thật! Nhưng mà làm sao. . .
Không để cô nói hết câu, người thanh niên đã chuyển qua hướng khác:
– Cô không giới thiệu vườn phong lan của cô sao?
Nghe nói đến hoa, Thanh Phương lại quên ngay câu chuyện đang nói. Cô cười tươi:
– Giới thiệu chứ, nhưng anh đừng có cười nếu hoa của tôi xấu nha
Người thanh niên khoát tay:
– Nếu nó xấu tôi sẽ giúp cô chăm sóc, đừng lo, tôi không quen cười ai đâu. À! Còn chuyện này nữa
– Chuyện gì thế?
– Cô chưa biết tên tôi
Thanh Phương cười trong veo:
– Tại anh không nói đó thôi
– Không nói thì sao không hỏi? Không thấy tò mò à?
– Tôi tò mò làm chi chuyện đó, nhưng. . . anh tên gì vậy?
– Bây giờ tôi đổi ý rồi, không muốn giới thiệu nữa
– Đừng đổi ý như vậy, tôi muốn biết lắm, thật đó
– Biết chi vậy?
– Tại vì anh hứa cho tôi phong lan và còn chăm sóc vườn hoa của tôi, tôi phải biết tên anh để anh có trốn thì gọi chứ
– Vậy nghĩa là tôi phải cho luôn số máy của tôi hả?
– Không cho cũng được, tôi hỏi ba tôi thì biết ngay chứ gì. Nhưng anh nói tên anh đi chứ
Người thanh niên chợt trở nên trầm ngâm hẳn đi, cử chỉ cũng dè dặt lại. Anh ta nói nhát gừng:
– Tôi tên Nguyên, Minh Nguyên
– Anh là chỗ làm ăn với ba tôi hả? Thôi chết! Tôi bất lịch sự thật, nãy giờ quên nói, ba tôi không có ở nhà. Ba đi lâu lắm mới về, anh có nhắn gì không?
– Không nhắn gì cả, tôi biết ba cô không có ở nhà rồi
– Sao anh biết?
– Trước khi thấy cô té, tôi đã gặp dì người làm
– Vậy hả?
– Hôm nay cô không đi học sao?
Thanh Phương nhìn anh ta một cái, Thật lạ, cô không hiểu sao người khách này cư xử hòa đồng như đã biết cô từ lâu lắm. Như thể có một mối quan hệ nào đó. Anh ta hỏi hết chuyện này đến chuyện khác. Cứ như người nhà vậy
Nhưng cô không thấy khó chịu lắm. Cử chỉ hòa nhã của anh ta làm cô có cảm giác tin cậy. Chắc chắn đó không phải là người xấu, bằng chứng là anh ta đã hứa cho cô hoa, và còn tới lui chăm sóc vườn hoa của cô. Người như vậy thì dứt khoát là dễ mến rồi. Với lại, nhìn anh ta có phong cách rất hay nữa
Không thấy cô trả lời, anh ta hỏi lại lần nữa:
– Hôm nay không đi học sao?
– Có chứ, nhưng học buổi chiều
– Đổi buổi rồi hả?
Thanh Phương không ngăn được thắc mắc:
– Sao anh biết?
– Tôi nói rồi, tôi biết rất nhiều về cô mà
Thanh Phương định hỏi tiếp thì Minh Nguyên lại có tín hiệu điện thoại. Lần này thì anh không nói chuyện như lúc nãy, mà tắt máy ngay rồi lại cười lịch sự:
– Xin lỗi, tôi có chuyện phải đi ngay
Mặt Thanh Phương tiu nghỉu:
– Anh không xem phong lan của tôi hả?
– Mai tôi sẽ đến. Tôi còn phải mang hoa đến cho cô nữa mà
Thanh Phương cười tươi lên ngay, cô nói như dặn:
– Nhớ nhé, đừng cho tôi leo cây nha!
– Không có đâu! Thôi nha, chào cô bạn
Rồi anh ta đi ra cổng, Thanh Phương lững thững theo tiễn. Cô nhiệt tình đến mức đi ra luôn ngoài đường và vẫy tay chào khi anh ta ngồi vào xe. Đến lúc xe chạy rồi,cô mới trở vào. Cô nhiệt tình một cách tự nhên mà không để ý đây là lần đầu tiên cô gặp anh ta và cũng chẳng biết anh ta là ai
Sáng hôm sau, khi mang chậu hoa phơi nắng, Thanh Phương cứ ngóng ra cửa trông vị khách hôm qua. Không hiểu sao cô rất thích anh ta đến lần nữa. Không phải chỉ vì quà mà anh ta hứa, mà vì thích phong cách dễ mến của anh ta. Lạ thật, sao bạn của ba mà cô lại không biết, đến giờ mới phát hiện, hay là tại vì anh ta chưa từng đến nhà?
Càng nghĩ cô càng thấy thắc mắc. Rõ ràng vị khách ấy biết khá nhiều về cô, nhưng tại sao biết và anh ta là ai thì cô mù tịt
Thanh Phương treo chậu hoa lên xong rồi đi vào nhà. Vừa đi, cô vừa ngóng ngóng ra cửa, hơi thất vọng vì chẳng thấy khách đâu. Hôm qua anh ta đến giờ này mà. Chắc quên mất lời hứa rồi. Cũng đúng thôi, những người hứa dễ dàng quá thì lời hứa thường bay đi mất
Vào lúc cô vào đến thềm thì nghe tiếng chuông ngoài cổng. Thanh Phương quay lại nhìn. Cô thấy anh ta. Anh ta đứng ngoài cửa, trên tay cầm hai chậu phong lan tím. Vừa nhìn thấy anh ta, Thanh Phương lập tức chạy ào ra mở cổng. Cô cười nói ríu rít:
– Vậy là anh đến rồi. Thế mà tôi cứ nghĩ bị leo cây vì anh. Anh mang hoa đến cho tôi phải không? Hoa này là cho tôi chứ gì, phải không?
– Của cô đó
– Đến hai chậu lận hả? Anh tốt thật đó. Màu tím đẹp quá, tôi thích màu này lắm. Đem treo lên chứ?
– Ừ, treo trên giàn phong lan của cô luôn
– Loại này có cần phơi nắng riêng không?
– Không cần đâu, cứ trồng bình thường thôi
– Hôm qua anh chưa xem giàn hoa của tôi đó nhé. Bây giờ tới xem luôn, nếu thấy cây nào thích thì tôi sẽ tặng anh
Minh Nguyên buông tiếng cười:
– Cám ơn, nhưng chắc tôi không dám nhận đâu
– Tôi tặng thật mà, anh cho tôi những hai cây còn gì
– Cô có vẻ rạch ròi quá hả?
– Người ta tặng mình thì mình phải tặng đáp lại chứ, ai nhận không thì bất lịch sự lắm
Minh Nguyên không nói gì, nhưng cứ cười cười một mình. Nụ cười của anh làm Thanh Phương thấy kỳ kỳ. Cô bặm môi:
– Sao anh cười hoài thế? Cười gì vậy?
– Không có gì đâu, tại thích thôi, yên tâm chưa
– Thế mà tôi tưởng tôi nói chuyện vô duyên. Không phải cười tôi là được rồi. Đi nào!
Cô bước tới hơi nhanh dẫn đường, Minh Nguyên đi chậm rãi phía sau. Hai người định rẽ vào con đường nhỏ thì từ phía trên lầu, giọng dì Kiều gọi vọng xuống:
– Nguyên tới hả? Chờ dì một chút!
Thanh Phương ngẩng nhìn lên lầu, rồi quay phắt lại nhìn Minh Nguyên lắp bắp:
– Anh là cháu của bà ấy à?
Minh Nguyên thoáng lúng túng, nhưng cũng điềm tĩnh gật đầu:
– Đó là dì tôi. Nhưng sáng nay tôi đến không phải để tìm bà ấy, tôi chỉ mang hoa tới cho cô thôi
Thanh Phương hoàn toàn không để ý cách giải thích của Minh Nguyên. Cô gặng lại lần nữa:
– Anh là người nhà của bà ta à? Là cháu ruột à? Có phải vậy không?
– Đúng vậy, tôi không giấu, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi giống tính dì tôi
Nhưng Thanh Phương không để anh nói hết câu, có hét đến mức chói tai:
– Tôi không cần quà của anh, ra khỏi nhà tôi ngay, đi về ngay! Đây là nhà tôi chứ không phải nhà bà ấy. Các người còn dám rủ nhau đến đấy à? Thật là đồ lường gạt!
Minh Nguyên nói nhẹ nhàng:
– Bình tĩnh đi Phương, sao lại nổi nóng như vậy. Tôi biết cô ghét dì tôi, nhưng đâu có nhất thiết phải ghét tất cả những người có liên quan đến dì ấy. Cô đừng trẻ con như vậy
Thanh Phương nói thẳng toạc:
– Có phải mẹ anh sai anh đến lấy tiền không? Anh có biết đó là tiền của ba tôi không? Các người định bóc lột ba tôi đến chừng nào nữa chứ?
Minh Nguyên chưa kịp trả lời thì bà Kiều đã xuống tới. Bà không nghe hết câu chuyện, nhưng thấy dáng điệu giận dữ của Thanh Phương, bà cau mặt:
– Làm gì mà ầm ĩ vậy? Không thích tôi thì cũng phải tôn trọng cháu tôi chứ, định đuổi người ta hả, cô quá quắt lắm nghe!
Thanh Phương định mở miệng thì Minh Nguyên đã ngăn bà Kiều lại. Giọng anh ta nghiêm khắc:
– Dì đừng trách cô ấy. Cách hay nhất là dì nên nói chuyện nhẹ nhàng với người ta. Dì mới quá đáng đó!
Thật lạ, chỉ một câu nói của Minh Nguyên mà bà Kiều trở nên thay đổi hẳn, có vẻ bớt gắt gỏng. Hình như bà ấy rất ngán anh ta
Nhưng Thanh Phương không để ý điều đó. Chỉ cần biết Minh Nguyên có liên quan đến bà dì ghẻ hay moi tiền của ba cô là cô lập tức có ác cảm. Những gì tốt đẹp anh ta làm cho cô hôm qua nay, bây giờ xóa sạch
Cô cúi xuống nhìn hai chậu hoa dưới chân, rồi ngước lên nhìn Minh Nguyên, cái nhìn đầy ác cảm:
– Nếu biết ngay từ đầu thì tôi đã không nhận quà của các người và cũng không muốn mất thời giờ mà nói chuyện. Từ đây về sau đừng mang gì đến cho tôi nữa, tôi chỉ thấy ghét thêm thôi
Rồi cô quay ngoắt bỏ vào nhà. Thái độ của cô làm bà Kiều tức nảy lửa, bà nghiến răng nói vọng theo:
– Tôi sẽ nói với ba cô chuyện này, thật là hỗn láo!
Thanh Phương nghe, nhưng không buồn quay lại. Trong nhà, cô đã quen với điệp khúc đó nên không muốn phản ứng nữa.
*******
Thanh Phương ngồi một mình trước ngôi mộ hãy còn màu vôi mới. Khuôn mặt đẹp tuyệt vời đầm đìa nước mắt. Cô chống cằm quay lại nhìn bức hình trước mộ. Đó là ảnh chụp khi ba và cô đi du lịch ở Pháp. Ba chết bất ngờ quá nên cô không tìm được ảnh nào khác, phải nhờ máy tính xử lý. Đó là bức hình chụp trung thực gương mặt ba nhất, và cô chỉ muốn giữ lại hình ảnh như vậy về ba. Còn sau này, khi ba thất bại, hình ảnh về một người tiều tuỵ thất chí làm cô đau lòng không muốn nhớ tới nữa
Hôm nay là ngày đen tối thứ ba trong đời cô. Lần thứ nhất là chứng kiến cái chết của mẹ. Lần thứ hai là tự mình tổ chức đám tang cho ba. Và lần này, lát nữa đây, khi về nhà, cô sẽ lấy hết chút đồ đạc còn lại ra khỏi nhà. Sẽ không còn phải cảm thấy hình ảnh dì Kiều ám ảnh trong từng giấc ngũ. Trong cái bất hạnh đôi lúc cũng còn le lói điều hạnh phúc
Trởi nắng lên. Mặt trời buông những tia sáng xuống khu nghĩa trang, nhưng cũng không làm sinh động nổi thế giới của những người chết. Một sự yên lặng đến lặng người như cách ly thế giới ồn ào ngoài kia, nơi mà những người sống vẫn tiếp tục mang lấy những niềm vui buồn, những bất hạnh cay cực mà đi cho hết đường đời
Thanh Phương rời nghĩa trang. Chạy trên đường mà cô có cảm tưởng như mình đang đi về phía bóng tối đen đặc. Mà trước mắt là con đường mịt mù không lối thoát
Cô về nhà hơn một giờ thì những người thi hành án tới làm việc. Thanh Phương đứng dựa tường im lặng nhìn họ lạnh lùng niêm phong từng thứ trong nhà, khuôn mặt lặng câm không cảm xúc, như tất cả không liên quan gì đến mình
Khi tất cả đã xong,một người đàn ông nhìn nhìn cô rồi buông một câu nữa mệnh lệnh, nửa thương hại:
– Mời cô ra khỏi đây cho chúng tôi niêm phong nhà
Thanh Phương không nói gì. Cô quay người vào phòng lấy chiếcvaly, rồi đi thẳng luôn ra cửa không hề ngoái lại nhìn lần cuối những gì diễn ra sau lưng mình
Bước chân ra khỏi nhà chỉ có vậy. Một ít sách vở cô đã gởi đến nhà trọ trước đó. Tất cả những gì còn lại của cuộc sống huy hoàng ngày trước chỉ là những bộ quần áo đẹp, một ít nữ trang và quý trên tất cả là khung ảnh của ba mẹ cô
Có lẽ cô là người duy nhất trên đời này thật sự thấy nhẹ lòng vì cái chết của ba mẹ mình. Thà như vậy để hai người mà cô thương yêu nhất trên đời không phải chứng kiến giây phút bi thảm của cô. Không phải sống trong nỗi đau khổ khi số phận thay đổi
Thanh Phương kéo valy, lững thững đi bộ trên vỉa hè. Chợt cô hơi đứng lại khi thấy chiếc Toyota màu đen ngừng lại phía trước mặt mình, rồi Minh Nguyên mở cửa bước xuống, đi về phía cô. Bất chấp thái độ gườm gườm của cô, anh ta chìa tay ra, giọng thản nhiên:
– Đưa valy đây, lên xe đi!
Thanh Phương hơi lùi lại một bước. Đôi mắt ác cảm chiếu thẳng vào mặt anh ta, nói như quát:
– Đi chỗ khác!
– Đừng có làm cao nữa, cô không còn là cô tiểu thư nữa đâu, nhất là đừng quen thói quát tháo tôi. Lên xe đi!
– Không!
– Cô không biết bây giờ tôi là chỗ dựa duy nhất của cô sao? Tỉnh táo lại đi, đừng sống trong mộng nữa
– Cho dù trên đời này quanh tôi chỉ là kẻ thù, cho dù tôi có chết ngoài đường tôi cũng không cần một người như anh che chở. Đi cho khuất mắt tôi ngay!
– Chưa nếm trải mùi đời nên còn kiêu hãnh lắm, coi chừng một ngày nào đó quỳ dưới chân tôi xin giúp đỡ thì cũng không còn kịp đâu. Đừng nói nhiều, lên xe đi!
– Không!
– Tôi đã tìm chỗ cho cô rồi, đừng bướng vô ích
– Nếu anh không tránh cho khuất mắt tôi, tôi sẽ. . .
Minh Nguyên nheo mắt:
– Sẽ thế nào? Quát vào mặt tôi ý như đã từng làm chứ gì? Trò đó tôi quá quen rồi không còn tác dụng nữa đâu. Đừng thử thách sự chịu đựng của tôi nữa
Thanh Phương nói như hét:
– Có tránh đường không hả? Con người lì lợm kia!
Minh Nguyên cười khẩy:
– Nói nhẹ nhàng không nghe, chỉ thích bạo lực thôi à? Được, muốn gì tôi sẽ chiều nấy
Anh ta cúi xuống, ngang nhiên xách chiếc valy đến quăng vào xe, rồi trở lại kéo mạnh tay Thanh Phương đi theo mình, mặc cho cô vùng vẫy. Anh mở cửa, ấn cô vào xe:
– Bướng có qua nổi tôi không? Ngồi yên đó!
Thanh Phương chưa kịp ngồi lên thì anh ta đã đóng mạnh cánh cửa. Và đi vòng qua đầu xe, ngồi vào tay lái. Anh ta nói một cách thản nhiên:
– Biết điều thì ngồi yên đi!
Thanh Phương vùng thẳng người lên, cố mở cửa nhưng không cách nào mở được. Chiếc xe chạy với tốc độ chóng mặt. Cô quay phắt lại, trừng mắt nhìn Minh Nguyên:
– Anh tưởng thế này là khống chế được tôi sao? Không đâu, đừng có tự tin!
Minh Nguyên không buồn trả lời. Anh ta ngó phía trước, im lặng lái xe. Khuôn mặt không buồn không vui. Từ đó giờ vẫn vậy, anh ta luôn có vẻ dửng dưng khi bị Thanh Phương nói nặng, vậy nhưng không hiểu sao vẫn không bỏ mặc được cô. Biết mình bị ghét cay đắng mà vẫn cứ quan tâm, đôi lúc chính anh cũng không hiểu nổi mình
Chiếc xe rẽ vào một con hẻm rộng, rồi ngừng lại trước một ngôi nhà nhỏ. Cổng phủ giàn hoa gì đó mà Thanh Phương không biết tên. Cô im lặng chờ Minh Nguyên mở cửa
Anh ta đi vòng qua phía cô, kéo cánh cửa ra, nói ngắn gọn:
– Xuống đi!
Anh ta có hơi ngạc nhiên khi thấy cử chỉ ngoan ngoãn bất ngờ của Thanh Phương. Cô bước xuống, đến nhìn vào sân, rồi đứng im chờ
Minh Nguyên đến mở cổng, rồi trở ra lấy chiếc valy cho cô. Hai ngưởi đi qua khoảng sân nhỏ, vào phòng khách. Thấy Thanh Phương gườm gườm nhìn xung quanh, anh ta hỏi trống không:
– Thế nào, vừa ý không?
– Nhà này của ai vậy?
– Không cần biết của ai, chỉ nên biết cô có toàn quyền sử dụng, kể cả quyền bán đi nếu không thích
– Bố thí hả?
– Đừng nói chuyện khó nghe như vậy
Thanh Phương cười như coi thường:
– Nếu là của tôi, tôi có thể đập phá được không?
Minh Nguyên cũng lạnh lùng:
– Cứ làm nếu thích
Anh ta đặt chùm chìa khóa lên bàn, rồi nói ngắn gọn:
– Tôi về
Anh ta đi ra cửa, nhưng chợt nhớ ra,bèn quay lại:
– Còn cái này nữa!
Và trước cái nhìn gườm gườm của Thanh Phương, anh ta lấy chiếc điện thoại trong túi áo, đặt lên bàn, cạnh chùm chìa khóa:
– Nếu cần gì thì gọi cho tôi!
Thanh Phương dửng dưng nhìn các thứ, giọng cô bất cần:
– Anh về giùm được chưa?
– Với người duy nhất che chở cho cô, mà có thể ngang ngược như vậy được sao? Coi chừng, một ngày nào đó lòng kiên nhẫn của tôi biến mất, cô sẽ tiếc đến chết, đừng có tự cao nữa!
– Tôi cũng chỉ mong sự kiên nhẫn đó biến mất ở anh. Dù anh có đối xử tốt với tôi thế nào, tôi cũng không nhìn anh thân thiện hơn được đâu. Tính tôi là vậy đó, càng tốt tôi chỉ càng ghét anh thêm thôi.
Minh Nguyên như không muốn đôi co với Thanh Phương, anh nhìn cô một cái rồi đi ra cửa, không buồn nói một câu chào
Mà Thanh Phương cũng không cần như vậy. Hành động của anh ta sáng nay làm cô hết sức ngạc nhiên. Từ khi dì Kiều bỏ đi rồi ba cô mất, anh ta chẳng hề đến nhà cô lần nào. Thế rồi sáng nay, vào cái lúc cô tuyệt vọng nhất, anh ta lại xuất hiện. Và đáng kinh ngạc hơn là tặng cô một món quà quá đáng giá như thế
Lúc nãy Thanh Phương đã cố giấu sự ngạc nhiên và cư xử với anh ta y như cái cách cô vẫn dùng trước kia. Bây giờ anh ta về rồi, cô ngồi một mình ngẫm nghĩ, càng nghĩ càng thấy vô cùng khó hiểu về con người đó
Nhưng dù anh ta có cư xử với cô tốt cách mấy đi nữa, cô vẫn không thể thích được con người anh ta. Cũng không vì vậy mà cám ơn, vì những gì dì Kiều gây ra cho gia đình cô, có mười anh ta cũng không đền bù nổi
Thanh Phương đứng nhìn căn phòng, rồi liên tưởng tới nơi mà mình sẽ tới. Cô thấy ngán ngẩm kỳ lạ. Một căn phòng trọ vuông vức hai mét, phía trên lợp tole nóng hầm hập. Lúc mới đến đó, chỉ đứng một lát thôi cô đã thấy nhức đầu hoa mắt
Còn nhớ buổi trưa đến xem căn phòng đó, cô đã đứng khóc một mình. Gần như tuyệt vọng khi nhớ đến phòng riêng của mình
Bây giờ Minh Nguyên đã cho cô hẳn một ngôi nhà, điều mà có nằm mơ cô cũng không tưởng ra nổi. Nhưng cô hoàn toàn không có ý định nhận bất cứ thứ gì ở một người như anh. Anh ta cứ tưởng cô sẽ xiêu lòng mà cám ơn sao? Không bao giờ!
Thanh Phương thở dài đứng dậy. Không buồn nhìn xem ngôi nà, cô đến xách chiếc valy, lẵng lặng đi ra khỏi nhà
Cô đến căn phòng trọ. Suốt hai ngày liền cô nằm vật vã một mình, gần như suy sụp hoàn toàn, như tất cả nghị lực đã rời bỏ cô mà đi
Thanh Phương nghĩ vể gia đình mình, về người đàn bà phóng túng mà cô phải gọi là dì. Cô cứ nhớ quá khứ huy hoàng của mình rồi khóc, rồi nghĩ đến cuộc sống bế tắc trước mắt và lại khóc. Chưa bao giờ trong đời mình cô khóc nhiều như bây giờ, cũng chưa từng nằm một chỗ mà nghiền ngẫm về cuộc đời. Ngày đó hạnh phúc quá, đời toàn màu hồng, có gì đâu mà phải nghiền ngẫm
Thanh Phương chán nản đến mức không muốn ăn, dù bụng đói cồn cào. Cô thấy mình nên chết đi cho rồi, đi theo ba có lẽ cô sẽ không phải khổ thế này
Chợt cô nghe tiếng chân ai đó đi lên cầu thang rồi có tiếng gõ nhẹ ngoài cửa. Cô ngẩng đầu lên, hỏi vọng ra:
– Ai vậy?
Không có tiếng trả lời, có lẽ là bà chủ nhà. Thanh Phương gượng ngồi lên, đôi mắt tối sầm choáng váng. Cô hoảng hốt vịn lấy cánh cửa cho khỏi bị té và đứng yên cố định thần lại
Tiếng gõ cửa ngoài kia lớn hơn như hối thúc, khiến Thanh Phương thấy lo. Cô ráng bước tới đẩy chốt cửa rồi đứng nép qua một bên, nghiêng đầu nhìn ra ngoài
Cô chợt như tỉnh người, khi nhận ra người khách bất ngờ: Minh Nguyên. Sao anh ta biết cô ở đây chứ? Đến chỗ này mà anh ta còn tìm được thì dưới bầu trời này, cô biết đi chỗ nào để tránh được anh ta?
Minh Nguyên lao vào như cơn lốc. Nhưng anh ta không nói gì, chỉ yên lặng nhìn khắp căn phòng. Rồi lướt cặp mắt nhìn cô từ đầu xuống chân, anh ta cười nhạt:
– Bỏ đi để tới một chỗ thế này à? Kiêu hãnh quá đấy
– Sao anh biết chỗ này?
– Muốn chứng tỏ mình là người có khí tiết chứ gì? Cô chỉ làm tôi thấy khinh bỉ và buồn cười
– Ra khỏi chỗ này mau
– Hình như cô đã nói câu này với tôi vài chục lần rồi, nhưng đây không phải là nhà của cô, mà cô cũng không còn là đại tiểu thư nữa, bỏ cái giọng ra lệnh ấy đi!
Thanh Phương chiếu cặp mắt ác cảm vào mặt anh ta:
– Bây giờ dù tôi không còn như xưa, dù tôi có là con bé đầu đường xó chợ, nhưng trong mắt tôi, anh vĩnh viễn vẫn là một tên cướp giật không hơn không kém, đi cho khuất mắt tôi mau
Minh Nguyên bước tới một bước trước mặt Thanh Phương:
– Tôi cướp giật gì của cô? Nói mau!
Thấy cô không trả lời,anh lắc tay cô một cái:
– Cô luôn nói tôi là đồ cướp, nhưng có khi nào nói cụ thể tôi cướp giật cái gì không?
Hôm nay tôi buộc cô phải nói cụ thể, nếu không tôi sẽ không bỏ qua đâu
– Không phải chỉ một mình anh, mà cả dòng họ anh là một nhóm lừa đảo, các người đã núp bóng dì Kiều để cướp đoạt tài sản của ba tôi. Tiếc là tôi không làm gì được các người nhưng mối thù này thì không quên được đâu
Minh Nguyên cười khan:
– Nói chuyện nghe giống tiểu thuyết kiếm hiệp thật, tình huống đầy kịch tính. Muốn nói tới mối thù cha truyền con nối chứ gì? Bi kịch thật đó, đồ con nít!
Thanh Phương hơi khựng lại, choáng váng cả người. Lần đầu tiên cô thấy anh ta phản ứng như vậy, anh ta không còn nhường nhịn nữa, mà bắt đầu xem cô là kẻ thù. Cô nói như quát:
– Câm họng! Ra khỏi đây ngay!
Minh Nguyên thản nhiên:
– Đừng đuổi vô ích. Từ đây về sau cũng đừng dùng cái giọng đó với tôi. Nếu không tôi sẽ không nhẹ nhàng đâu
Thanh Phương nghiến chặt răng, quát khẽ hơn:
– Có ra khỏi đây không?
Minh Nguyên nhún vai như không để ý cách quát tháo đó, giọng anh ta thản nhiên:
– Cô sống trên mây nhiều quá rồi đó, đầu óc lúc nào cũng thù hằn viễn vông mà không cần biết như vậy có đúng hay không? Nói cô như vậy nặng thật, nhưng không mắng thì cô không hiểu ra, phải nói vậy thôi
– Thù hằn viễn vông? Nói nghe hay thật. Nếu tôi là luật sư thì các người sẽ chết với tôi, các người sẽ không được nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thế này đâu
– Nếu cô có thể thì sẽ đưa gia đình tôi vào tù rồi chứ gì? Nhưng với tội danh gì vậy?
– Không có tội danh rõ ràng, chính vì các người hiểu điều đó nên mối có thể ngang nhiên mà sống mà không biết nhục nhã, rồi lại lên mặt bố thí cho tôi. Nếu có phép màu, tôi sẽ biến các người thành một lũ ếch nhái, hiểu chưa?
Minh Nguyên buông một tiếng cười mỉa mai:
– Vậy thì ráng mà mơ ước phép màu đó đi, tôi chúc cô thành công đó. Còn bây giờ phải vạch ra sự thật, xem ai đúng ai sai
– Còn phải vạch mới thấy sao? Tôi nghĩ các người tự hiểu rồi đó chứ
– Có nghĩa là cô cứ khăng khăng kết tội tôi là cướp đoạt tài sản của gia đình cô?
– Không phải khăng khăng, mà là khẳng định
Minh Nguyên nhìn cô, rồi lắc đầu:
– Nếu không nương nhẹ cô thì tôi đã kiện cô vì tội vu khống rồi. Ăn nói không biết giữ lời, còn la lối om sòm, dại dột mà cứ tưởng mình khôn ngoan lắm
Thanh Phương tức nghẹn thở, cô lắp bắp tìm cách trả đũa:
– Vừa ăn cắp. . . vừa la làng. Đồ ngang ngược!
Cô ngừng lại, cố tìm từ thích hợp nhất để nói:
– Chắc vì thấy tôi yếu thế nên các người không hề sợ. Có lẽ là vậy thật, nhưng các người không nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ có thế lực và sẽ lấy lại những gì mà tôi đã mất? Có nghĩ tới không? Hãy chờ đi, các người sẽ bị quả báo!
Minh Nguyên nói thản nhiên:
– Tôi cũng nghĩ đến chuyện đó và cũng mong như vậy lắm. Nhưng nếu có quả báo nó sẽ xảy ra với dì tôi. Tôi cũng mong dì ấy chịu trách nhiệm về lối sống của dì ấy lắm
– Chỉ một mình dì anh thôi à? Đừng có tìm cách chạy tội. Nếu dì ấy không đem tiền về cho gia đình anh thì đem đi đâu chứ? Một mình bà ta xài hết à?
Minh Nguyên quay phắt lại, mặt đỏ lên vì giận:
– Thế cô cho rằng tôi sống bám dì Kiều à? Cô từng nghĩ mẹ con tôi sống dựa vào dì ấy phải không? Chưa có ai dám xúc phạm tôi như thế. Nếu cô còn nói thêm, tôi sẽ bóp họng cô đó
Thanh Phương ngẩng mặt lên, kiêu hãnh:
– Anh nghĩ sẽ dọa được tôi à? Không đâu! Chỉ có con nít mới dễ bị hù, tôi thì không đâu. Tôi nói thẳng nhé, nếu ngày trước anh không đến nhà tôi để lấy tiền thì đến để làm gì? Có dám nói thật không?
Minh Nguyên mím miệng, đôi mắt như đỏ lửa:
– Bây giờ tôi mới hiểu tại sao cô ghét tôi dữ vậy? Vậy ra cô cho rằng lúc trước tôi đến tìm dì Kiều là để lấy tiền à?
– Cho nên khi dì ấy bỏ đi thì anh cũng biến mất thật trắng trợn
– Nếu cô không phải là con gái thì. . .
Minh Nguyên im bặt, cố kềm để không đánh. Anh bước ra ngoài lấy lại bình tĩnh. Một lát sau anh quay vào, cử chỉ bợt nóng nảy hơn. Giọng anh ta bình thường hơn:
– Nếu cô đã hiểu sai thì hôm nay phải nói cho rõ. Tôi chưa bao giờ xin xỏ bất cứ thứ gì ở dì Kiều, gia đình tôi quá giàu rồi, cần gì phãi hạ mình làm chuyện đó. Cô có muốn tận mắt thấy nhà của tôi không?
Thanh Phương bĩu môi:
– Nguỵ biện! Nếu giàu thì sao nhà anh không nuôi dì Kiều, để bà ta phải lợi dụng ba tôi
– Dì Kiều là người lớn, bà ấy có quyền làm bất cứ điều gì bà ấy thích, nếu cản được thì gia đình tôi đã không phải để chịu xấu hổ, cô tưởng tôi sung sướng khi có bà dì như vậy lắm sao?
– Các người muốn chạy tội thế nào lại không được. Cho dù nói thế nào tôi cũng không tin được đâu
Minh Nguyên cười nửa miệng:
– Cô nghĩ tài sản ba cô lớn đến nỗi có thể nuôi được chứng tôi sao? Cô ảo tưởng quá rồi đó
Thanh Phương khăng khăng:
– Nếu không thì nó đi đâu chứ? Cả một cơ ngơi bị sụp đổ, một mình bà ta chắc chắn không xài hết nổi tiền đó đâu
– Sao cô không tìm hiểu xem có phải gia đình cô sụp đổ chỉ vì dì tôi không? Còn nguyên nhân nào khác nữa không?
– Không
– Sao cô biết
– Không biết tại sao, chỉ cần tôi hiểu thế là được rồi
Minh Nguyên nhún vai:
– Cô chưa bao giờ tìm hiểu chuyện là ăn của ba cô. Mà bác ấy cũng không nói đâu, có nói cô cũng không hiểu
– Bây giờ ba tôi mất rồi, các người muốn giải thích thế nào lại không được. Tôi không muốn nghe đâu, đừng nói mất công
Cô mím miệng, nhìn Minh Nguyên một cách căm giận:
– Chỉ cần nhắc đến tên bà ấy thôi là tôi đã không chịu nổi rồi. Nếu không vì bà ta ba tôi không chết nhanh vậy đâu
– Ngay cả tôi cũng không tha thứ cho dì Kiều về tội đó
– Anh đừng có giả vờ, dì anh mà, làm sao anh không bao che. Nếu có phép màu tôi sẽ biến các người thành lũ ếch nhái, cho xứng với tội của các người
Minh Nguyên phẩy tay:
– Thôi được, nếu tôi có giải thích cô cũng chẳng nghe đâu, cô đang đầy căm thù thế kia, không sáng suốt nổi đâu
– Còn gán cho người ta không sáng suốt à?
– Thôi, không nói chuyện cũ nữa. Cứ cho là dì tôi đã làm gia đình cô ta nát, vậy thì sao không lợi dụng tôi để trả thù đi, cô biết là tôi sẵn lòng giúp đỡ cô mà
– Tôi cóc thèm nhận sự giúp đỡ của kẻ thù
– Nói chuyện nghe khí khái quá, có tinh thần võ sĩ đạo thật, nhưng như vậy là dại cô không hiểu sao?
– Không muốn hiểu
– Ở vào trường hợp của cô, nếu khôn ngoan thì cô sẽ lợi dụng lòng thương hại của tôi để đòi hỏi nhiều thứ. Thậm chí, có thể làm tôi khuynh gia bại sản vì cô để trả thù vậy mới là tinh thần kiếm hiệp
Chỉ cần nghe chữ “thương hại” của anh ta, Thanh Phương đủ mất bình tĩnh, cô nói như hét:
– Còn dám nói thương hại nữa à? Có biết sỉ diện là gì không hả? Ra khỏi đây ngay!
Minh Nguyên cười thản nhiên:
– Nãy giờ cô quát tháo hơi nhiều đó, không ăn thua đâu, nói chuyện kiểu đó không đi vào lòng người đâu. Cô nên nhớ, cô mới là người cần tôi, hiểu chưa?
Thanh Phương cười kiêu hãnh:
– Có chết đói ngoài đường, tôi cũng không hạ mình nhận sự giúp đỡ của anh, đồ ngạo mạn và đê tiện
– Cô mới là ngạo mạn, vừa kiêu kỳ vừa ngu ngốc. Tôi nhắc lại lần nữa, ở đây không hợp với cô đâu, rồi cô sẽ hối hận nếu không nghe lời tôi
– Biết rồi, đừng lải nhải nữa. Về đi!
– Trả chỗ này đi, về nhà cô đi, căn nhà đó là của cô đó
Thanh Phương bĩu môi:
– Tôi không thèm nhận của bố thí, không bao giờ
– Rồi cô sẽ hối hận
– Nếu có, tôi cũng sẽ không bao giờ nhận sự giúp đỡ của anh
Minh Nguyên nheo mắt nhìn Thanh Phương, cười khẩy:
– Cô bướng như vậy không phải là hay đâu
– Tôi không thích tỏ ra không ngoan với mấy người tôi coi thường. Về đi!
Minh Nguyên nhún vai chịu thua:
– Thôi được, tôi nói vậy là quá nhiều rồi, cô là cái gì mà tôi phải hạ mình năn nỉ hả?
Nói xong,anh ta quay người đi ra. Thanh Phương vẫn đứng yên ở cửa, lắng nghe tiếng chân đi xuống cầu thang ọp ẹp. Khi anh ta đi xa, cô có cảm giác nhẹ hẳn người đi. Vì cứ đối diện anh ta là cô thấy gai góc khôg chịu nổi
Còn dám nói cô là gì mà anh ta phải hạ mình nữa, kiêu hãnh đáng ghét!