Giấc Mơ Vàng

white noise for sleeping link
shopee-sale

 

60 năm, nhiều thế hệ cầu thủ đã qua đi.

60 năm, nhiều đời huấn luyện viên đã đến, đã thất bại và đã ra về.

60 năm, giấc mộng ấy dài quá.

60 năm, giấc mộng ấy cuối cùng cũng thành hiện thực.

Khi đặt bút viết 2 chữ “hiện thực”, trong tôi bỗng trào dâng nhiều nỗi niềm, bởi chưa bao giờ thấy 2 chữ “hiện thực” lại có độ dài khủng khiếp, và lại khiến chúng ta vất vả đến như thế. Chung kết bóng đá nam SEA Games năm 1995 tại Thái Lan với đội chủ nhà, chúng ta không dám nghĩ đến 2 chữ “hiện thực”, vì hồi đó vào được chung kết đã là quá vẻ vang, và một đội tuyển Việt Nam mới hội nhập trở lại với làng cầu quốc tế thì không có “cửa” khi đặt bên cạnh “ông kẹ” Thái. Chung kết bóng đá nam SEA Games năm 2005, chúng ta cũng không dám nghĩ đến 2 chữ “hiện thực” vì đấy là trận chung kết mà “nghi án bán độ” ở vòng bảng đã phủ một cái bóng đen nặng nề lên tâm lý nhiều cầu thủ.

Nhưng chung kết 1999 ở Brunei thì sao?

Chung kết 2003 trên sân nhà thì sao?

Chung kết 2009 – trận chung kết gần nhất thì sao?

Khách quan mà nói, đấy là 3 trận chung kết mà chúng ta tin rằng cái “hiện thực Huy chương Vàng” đã gần mình lắm rồi. 1999 là kỳ SEA Games cuối cùng của Thế hệ Vàng Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh…, cũng là trận chung kết hiếm hoi mà dư luận Đông Nam Á đánh giá Việt Nam và Thái Lan ở thế 50-50. Nhưng rốt cuộc, đấy lại là trận chung kết chúng ta thua 2 bàn, dù trước đó hàng thủ thép không để lọt lưới bàn nào từ đầu giải.

Đến chung kết 2003, vẫn là Thái Lan, và một lần hiếm hoi nữa ta được đánh giá ngang hàng. Trận chung kết ấy lại diễn ra ở sân nhà, tại chảo lửa Mỹ Đình ngay giữa lòng Hà Nội. Thế nhưng một chiếc thẻ đỏ của ta, một bàn thắng vàng ở hiệp phụ của Thái đã phá hỏng tất cả.

Riêng 2009 là chung kết đầu tiên ta không gặp Thái. Đối thủ lần này chỉ là Malaysia – bại tướng của ta ở vòng bảng. Cả Đông Nam Á đều tin Việt Nam sẽ thắng. Và cả Đông Nam Á đều chờ đợi cái khoảnh khắc chiến thắng thành hình. Ai dè, một cú đá phản lưới nhà lại biến cái “hiện thực vàng” bỗng chốc vỡ tan như bong bóng.

Trận chung kết ấy đau quá và oan nghiệt quá. Trận chung kết mà trong thâm tâm mình, có lẽ huấn luyện viên (HLV) Henrique Calisto – người giúp chúng ta vô địch AFF Suzuki Cup 2008 – cũng khó có thể hiểu vì sao các cầu thủ của mình lại “mất lửa” một cách khó tin đến thế. Trận chung kết ấy có những cầu thủ ôm mặt khóc rưng rức ngay trên sân rồi quay sang nhìn các đồng đội với ánh mắt đầy dò xét và nghi kỵ.

Phải đến 10 năm sau…

Phải đến 2019…

Phải đến cái ngày mà một thế hệ cầu thủ “sạch tinh tươm” thành hình, thì chiếc Huy chương Vàng SEA Games mới trở thành hiện thực.

Lần này, đường vào chung kết của chúng ta rất thuận. Và lần này, chúng ta cũng “làm gỏi” Indonesia trong 90 phút hoàn toàn trên chân. Không còn nữa những giọt nước mắt khóc hận như 2009. Không còn nữa cái cảm giác như thể “cầm vàng mà để vàng rơi” của 2003. Không còn nữa cái trạng thái nuối tiếc trong bất lực như hồi 1999.

Lần này, chúng ta hoàn toàn đưa đối thủ vào trận địa của mình, đá thứ bóng đá của mình, và ấn định số phận cuộc chơi ngay từ nửa cuối hiệp 2. Chiến thắng ấy và cách thắng ấy không chỉ là chiến thắng riêng trong một trận đấu hay một giải đấu. Quan trọng hơn, nó cho thấy sự trưởng thành của một nền bóng đá sau một quá trình dài đầu tư nền tảng.

60 năm, một giấc mộng này!

60 năm, đủ dài cho một kiếp nhân sinh!

Hy vọng là chúng ta không phải đợi thêm một guồng quay 60 năm nữa để nhìn thấy một chiếc Huy chương Vàng thứ 2.

Hy vọng lắm, sau chiếc Huy chương Vàng đầu tiên phá “dớp”!

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: Dương Kobo