10 Nguyên Tắc Vàng Của Nhà Lãnh Đạo

white noise for sleeping link
shopee-sale

 

BÌNH THƯỜNG NHƯNG KHÔNG TẦM THƯỜNG

Tôi là một lãnh đạo bình thường. Tôi biết chắc trên đời này tôi không phải là người duy nhất tự nhận mình chỉ là một lãnh đạo bình thường. Còn nhiều người khác cũng như tôi, luôn hiểu rõ rằng bình thường nhưng không hề tầm thường chút nào. Bởi vì nhìn từ một góc độ nhất định, trong mọi ngôn ngữ và tiếng nói trên hành tinh này, bình thường (ordinary) là một cách nói hàm ý sự chuẩn mực – tức là một người đã hội đủ mọi điều kiện cần và đủ, mọi năng lực thiết yếu để có thể trọn vẹn nhận lãnh vai trò và trách nhiệm khi ngồi vào một vị trí mới. Chính vì thế, những lãnh đạo bình thường như chúng tôi không chỉ là một bộ phận trong lực lượng lao động trên hành tinh này, chúng tôi dùng tài năng, kinh nghiệm và sự hiểu biết mình đã tích lũy được để dẫn dắt các tổ chức tiến bước trên hành trình chinh phục những điều lớn lao.

 

Hầu hết lãnh đạo bình thường không tuân theo các chuẩn mực chỉn chu gò bó về mặt hình thức. Chẳng hạn như tôi, tôi không thắt cà vạt, bàn làm việc của tôi trông như vừa bị cơn lốc quét qua và mỗi khi suy nghĩ tôi thường cắn bút. Các file trong máy tính của tôi nằm khá lộn xộn – tôi chỉ có một thư mục chính cứ thế mở ra mở vào.

Tôi có kha khá điểm yếu (xem Chương 4 để biết cụ thể), về điểm này tôi nghĩ mình không có gì phải giấu giếm hay làm như thể chúng không tồn tại. Hiển nhiên tôi là cao thủ trong một số lĩnh vực, nhưng ở những lĩnh vực khác thì cũng thường thôi. Tôi đơn giản chỉ coi mình là một lãnh đạo bình thường. Dẫu vậy, tôi hiểu rõ tôi có thể dẫn dắt tổ chức của mình đạt được những thành tích xuất sắc!

THẾ NÀO LÀ MỘT NHÀ LÃNH ĐẠO BÌNH THƯỜNG?

Trong tên sách, tôi dùng chữ “bình thường” tức là tôi đang ám chỉ mình, và có lẽ cả bạn nữa – các lãnh đạo bình thường của các tổ chức và các nhóm nhỏ. Chúng ta không lãnh đạo các tập đoàn lớn hay các cơ quan chính phủ. Chúng ta không được nhắc tới nhiều trong sách vở, cũng không hay được trích dẫn lời trên báo chí, mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông. Chúng ta không phải Jeff Bezos của Amazon hay Howard Schultz của Starbucks. Tuy thế, là những lãnh đạo bình thường, vai trò và vị thế của chúng ta trong các tổ chức rất quan trọng. Trong phạm vi ảnh hưởng của mình, dưới sự lãnh đạo của chúng ta, các tổ chức tạo ra sự khác biệt.

 

Cứ để ý xung quanh xem, bạn sẽ thấy các lãnh đạo bình thường có mặt khắp nơi. Trong một ngày sinh hoạt bình thường, tôi có thể tiếp xúc với kha khá trong số họ:

• Hiệu trưởng ở trường của các con tôi

• Một khách hàng hẹn gặp lúc ăn trưa, là quản lí của một cơ sở dịch vụ xã hội

• Chủ tiệm xe đạp nơi tôi đến mua phụ tùng cho chiếc xe đạp leo núi của mình sau giờ làm

• Ăn tối với một người bạn là giám đốc điều hành một tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận.

Hầu hết sách viết về nghệ thuật lãnh đạo dù có nói thẳng ra hay không cũng đều là về lãnh đạo của những tổ chức lớn. Dù chiến lược và ý tưởng trong những cuốn sách đó đôi khi cũng có thể áp dụng được cho giới lãnh đạo ở các tổ chức nhỏ hơn, song cái hay tinh túy của chúng thường là không phù hợp. Vì thế, khi viết ra cuốn sách này, tôi muốn truyền lại cho lãnh đạo các tổ chức tầm trung, nhỏ hoặc có khi chỉ là người đứng đầu một nhóm nhân sự nhỏ những điểm tinh túy và những bài học thiết thực, phù hợp cho mô hình tổ chức của các bạn.

HUYỀN THOẠI VỀ NHỮNG NHÀ LÃNH ĐẠO LẠ THƯỜNG

Bộ não của chúng ta thường phản xạ chớp nhoáng khi nghe đề cập đến “những nhà lãnh đạo lạ thường”. Lập tức, chúng ta có thể vanh vách nêu ra tên rất nhiều nhân vật thuộc nhóm này, dựa trên thành tích và độ nổi tiếng. Đó thường là những nhân vật tài ba kiệt xuất, thường là chính trị gia, vận động viên thể thao, những nhà phát kiến và những doanh nhân mà tên tuổi thường xuất hiện trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội cùng nhiều kênh truyền thông xã hội khác.

Tuy vậy, khi tìm hiểu kĩ hơn về họ và quá trình xây dựng sự nghiệp của họ, bạn sẽ thấy rằng họ vốn dĩ là những con người bình thường, chỉ có hoàn cảnh, những việc họ làm và cái đích mà họ nhắm đến là lạ thường.

NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VÀ CÁC NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO

Hầu hết những nhà lãnh đạo mà tôi biết đều có thể dễ dàng xác định rõ cho bản thân một số điều tâm đắc và những nguyên tắc làm việc và lao động nhất định để làm điểm tựa tinh thần cho bản thân và dẫn dắt tổ chức của họ. Con số này có thể là hai hoặc ba, một số người thì định ra mười hoặc nhiều hơn một chút. Nhưng dẫu cho số lượng là bao nhiêu, những nguyên tắc này phải đảm bảo truyền cho họ cảm hứng, động lực phấn đấu bền bỉ; có thể nói, bản thân chúng cũng chính là những công cụ giúp những nhà lãnh đạo đạt đến thành công.

Tôi cho rằng có 10 nguyên tắc then chốt. Chúng không nằm riêng rẽ, tách biệt nhau, mà liên đới và bổ trợ cho nhau như các bộ phận trong một cỗ máy vận hành toàn hảo. Lấy ví dụ, việc tìm kiếm nhân tài và tuyển lựa cho đội ngũ nhân sự, gây dựng văn hóa trong tổ chức, tạo động lực thúc đẩy và sự cam kết của người lao động,… tất cả đều có liên quan và phụ thuộc vào nhau. Và quan trọng không kém, nếu không có đam mê thì một lãnh đạo sẽ gặp nhiều khó khăn khi cố gắng tạo nên sự vượt trội, sáng tạo hay cải tiến trong tổ chức hay trong lĩnh vực mà anh ta đang hoạt động.

Mười chương trong cuốn sách này, mỗi chương sẽ bàn về một nguyên tắc cụ thể.

Chương 1: Động lực và sự cam kết của nhân viên

Sự gắn bó của nhân viên nảy sinh dễ dàng hơn khi nhân viên được làm những công việc đem lại cho họ sự hào hứng, khi họ được trao quyền chủ động và được làm việc trong một tổ chức thực sự tạo nên khác biệt. Người lãnh đạo trong những tổ chức có mức độ gắn bó cao không coi những thế mạnh không mất tiền mua này là thứ cứ để sau rồi tính.

Chương 2: Đam mê

Đam mê, và cả thiếu đam mê nữa, đều dễ lây. Không ai có thể hào hứng được một khi lãnh đạo chẳng thiết tha gì đến cỗ máy anh ta đang vận hành. Nếu bạn muốn có một đội ngũ đầy đam mê, hứng thú với công việc thì chính bạn – người lãnh đạo – phải là nguồn khơi dậy đam mê. Niềm đam mê sẽ tạo cảm hứng cho người khác kết nối và tiếp nhận tầm nhìn của bạn.

Chương 3: Tầm nhìn

Tầm nhìn giúp ta tạo dựng và định hình rõ ràng hơn các mục tiêu và điều mình muốn đạt đến. Nó cũng đóng vai trò kim chỉ nam, cho ta biết rõ hướng đi trong công việc mình đang làm. Các lãnh đạo có tầm nhìn mới có thể tiếp năng lượng và truyền cảm hứng cho mọi người đồng lòng làm việc hướng tới mục đích chung. Họ có thể mường tượng một cách rõ ràng và sống động những gì sẽ đến.

Chương 4: Biết mình đích thực là ai

Chương này bàn về việc bạn cần phải thành thực với chính mình để có thể nhìn nhận đâu là điểm mạnh và, quan trọng hơn, đâu là điểm yếu của bản thân. Đây là việc thiết yếu nếu bạn muốn dẫn dắt thành công một tổ chức. Tập trung khai thác những điểm mạnh, đồng thời tìm cách giảm thiểu tác động của những điểm yếu, đòi hỏi người lãnh đạo phải có khả năng tự nhận thức cao.

Chương 5: Nhân tài và tuyển chọn đội ngũ

Các tổ chức có thể vận hành hoàn thiện đến đâu là còn tùy thuộc ở việc chọn người. Dành thời gian để lập ra một quy trình đúng đắn nhằm đưa về những người phù hợp với cả công việc lẫn văn hóa của tổ chức là việc hết sức quan trọng.

Chương 6: Sự lành mạnh của tổ chức

“Nghĩ đến đi làm mà ngại” là điều không nên xảy ra với bất cứ ai. Để đạt được và duy trì thành công, người lãnh đạo phải nhạy bén và tập trung vào việc tạo ra và giữ vững một môi trường làm việc vui vẻ, thoải mái nơi mà mọi người luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau vô vị kỉ.

Chương 7: Hiệu quả và năng suất

Không lưu tâm đến hiệu quả và kết quả thì tổ chức hiển nhiên sẽ tụt hậu và thất bại. Hiệu quả, đối với cả các cá nhân và tổ chức, chung quy nên nằm ở chỗ ta hoàn thành mọi việc ra sao, không phải cứ chăm chỉ hay ngồi lì ở văn phòng suốt 24/7 là được.

Chương 8: Sáng tạo và đổi mới

Làm việc trong một tổ chức coi trọng tính sáng tạo và đổi mới, nhân viên có động lực hơn nhiều so với một tổ chức thiếu hiệu quả trong hoạt động và bế tắc ở khâu sáng tạo và cải tiến. Một lãnh đạo biết coi trọng sáng kiến sẽ tạo ra một văn hóa tổ chức luôn bao bọc, ủng hộ và tiếp sức cho tinh thần cầu tiến của nhân viên, giúp những người này trở thành một bộ phận của quá trình sáng tạo ở mọi khía cạnh vận hành của tổ chức.

Chương 9: Trao quyền

Các lãnh đạo giỏi biết cách trao quyền, bởi lẽ nhờ đó họ có thêm thời gian để xử lí những việc chỉ có mình họ mới làm được hoặc làm được tốt nhất. Trao quyền không đơn thuần là san sẻ bớt gánh nặng công việc mà còn giúp tăng năng lực lẫn động lực làm việc của người được trao quyền.

Chương 10: Biết tự hoàn thiện bản thân

Các lãnh đạo giỏi cả đời vẫn không ngớt tò mò về cách mà mọi thứ vận hành. Họ đọc thật nhiều, lắng nghe các ý tưởng và gặp gỡ những con người đã tạo nên những điều kì diệu. Không ngừng tự hoàn thiện bản thân là nguyên tắc then chốt thúc đẩy nhà lãnh đạo bền bỉ thực thi và hoàn thành tất cả các nguyên tắc còn lại.

 

Mười nguyên tắc nêu trên không chỉ là tâm đắc đối với riêng tôi mà là với phần lớn những đồng nghiệp – các nhà lãnh đạo “bình thường” – mà tôi tin là trong số này có rất nhiều bạn đọc. Tôi tin bạn sẽ đồng cảm với tôi.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm: Dù những nguyên tắc này phù hợp với mọi lãnh đạo nhưng tầm quan trọng của mỗi điều còn phải xét tùy theo bản chất của từng tổ chức và tính cách của từng người đứng đầu tổ chức ấy. Tôi trình bày những điều tâm đắc này cho các bạn với ý thức rằng mỗi người trong chúng ta đều có những lối đi riêng.

Tôi dám chắc rằng trong 10 năm nữa, tôi sẽ học thêm những bài học mới cũng như sẽ có thêm những sai lầm, do vậy chắc chắn sẽ có thêm những điều chỉnh, cân nhắc và suy ngẫm dành cho các nguyên tắc này. Dẫu vậy, là những nguyên tắc lãnh đạo nền tảng, mười chủ điểm nêu trong cuốn sách này chắc chắn sẽ giúp bạn đi xa hơn cột mốc mười năm, để bạn có thể ngày càng hoàn thiện bản thân để trở thành nhà lãnh đạo bình thường nhưng không hề tầm thường.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây