Trung tâm Nghiên cứu Khởi nghiệp Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa qua nhiều năm điều tra và thống kê đã đưa ra kết luận như sau: Độ tuổi lý tưởng nhất để lập nghiệp của một doanh nhân là từ 26 đến 35 tuổi, bước qua tuổi 40 đã là chặng cuối của con đường lập nghiệp. Song, Nhậm Chính Phi lại bắt đầu gây dựng cơ nghiệp khi đã ở độ tuổi ngoài tứ tuần.
Năm 1987, sau khi giải ngũ khỏi Quân đoàn Giải phóng, Nhậm Chính Phi lúc ấy 43 tuổi rút khỏi một căn cứ quân đội ở tỉnh Tứ Xuyên để tới Thâm Quyến làm việc cho Tập đoàn Nam Du, rồi trở thành phó tổng giám đốc công ty điện tử – một công ty con của tập đoàn này.
Nhậm Chính Phi có mười một năm sống trong quân đội nên trung thực là nguyên tắc làm người của ông. Song, chốn thương trường tàn khốc đã khiến một người vừa bắt tay gây dựng sự nghiệp như ông bị dội “gáo nước lạnh” đầu tiên trong đời. Do bị lừa một đơn hàng, công ty ông mất trắng hai triệu tệ. Nhậm Chính Phi đành phải rời khỏi Tập đoàn Nam Du, trở thành một người thất nghiệp thực sự.
Người xưa có câu: Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Người vợ lúc đó của Nhậm Chính Phi cũng bỏ ông mà đi. Nhậm Chính Phi khi ấy còn có cha mẹ về hưu cùng sáu đứa em phải chăm lo.
Là một quân nhân, kiên cường chính là phẩm chất của ông. Nhậm Chính Phi – người đàn ông từng làm việc trong quân đội mười một năm, quyết không gục ngã. Gạt bỏ thất bại và nỗi đau do hôn nhân tan vỡ, năm 1988, ông quyết tâm quay lại thương trường. Ông thành lập Công ty Kỹ thuật Huawei với số vốn đăng ký chỉ hai vạn tệ, chuyên bán loại thiết bị chuyển mạch HAX của Hồng Kông. Trải qua 15 năm phấn đấu, đến năm 2003, doanh số của Huawei đã bứt phá lên tới 30 tỉ đô la, trở thành doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc.
Gian khổ chính là môi trường rèn luyện của bậc anh tài. Nhậm Chính Phi chưa bao giờ quên tuổi thơ cơ cực của mình. Gia đình ông có bảy người con, cuộc sống chỉ dựa vào đồng lương ít ỏi của cha mẹ, quanh năm túng đói. Ao ước cao sang nhất của ông thủa thiếu thời chỉ là được ăn một chiếc bánh bao bột mỳ trắng.
Nhậm Chính Phi cũng chưa từng quên những ngày đầu thành lập công ty. Ông sống cùng cha mẹ trong một căn phòng chật hẹp chỉ rộng hơn chục mét vuông, ban công còn bị biến thành nhà bếp. Cha mẹ ông vì muốn chắt bóp tiền bạc cho con trai, chỉ chờ lúc chợ tan mới đến nhặt nhạnh ít rau, mua loại tôm cá rẻ tiền để duy trì cuộc sống đạm bạc.
Nhậm Chính Phi cũng không quên sau lưng ông vẫn còn 15 vạn nhân viên Huawei tràn đầy lý tưởng và hoài bão. Ông lập ra “chế độ phân chia cổ phần”, lợi nhuận của công ty được chia cho từng nhân viên của Huawei.
Trải qua nhiều thách thức lớn như khủng hoảng tài chính, bong bóng IT, sự chèn ép của các công ty quốc tế hay sự cạnh tranh tàn khốc của các đối thủ quốc nội, Nhậm Chính Phi vẫn luôn vững vàng chèo lái con tàu Huawei vượt qua sóng gió, dũng mãnh tiến về phía trước…
Năm 2007, với mức lợi nhuận trên 12,5 tỉ đô la, Huawei vượt qua hãng Nortel của Canada để trở thành nhà cung cấp thiết bị điện tử viễn thông lớn thứ năm toàn cầu.
Năm 2010, Huawei vinh dự lần đầu tiên lọt vào danh sách 500 Doanh nghiệp Toàn cầu của Fortune, xếp thứ 29 trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đứng thứ 397 toàn cầu.
Năm 2011, Nhậm Chính Phi với khối tài sản 1,1 tỉ đô la lần đầu ghi tên trong bảng xếp hạng tỉ phú của tạp chí Forbes, xếp thứ 1.056 toàn cầu và thứ 92 tại Trung Quốc.
Trong danh sách “Lãnh đạo doanh nghiệp có sức ảnh hưởng nhất Trung Quốc” do tạp chí Fortune Mỹ bình chọn, Nhậm Chính Phi được xếp ở vị trí đầu bảng hai năm liên tiếp, năm 2012 và năm 2013.
Doanh thu của Huawei trong năm 2013 đạt 239,25 tỉ nhân dân tệ, tăng 85% so với năm trước đó. Sức tiêu thụ mảng điện thoại di động của Huawei cũng tăng đột biến, nằm trong TOP 3 toàn cầu, mức phổ biến dòng điện thoại của hãng cũng tăng lên 110% trên toàn thế giới.
H. Lawrence từng nói: “Bí quyết của thành công chính là hãy tập thói quen hành động tức thì, chớp lấy thời cơ khi mực nước dâng tới đỉnh điểm, chẳng những tránh được trở ngại, mà còn giúp bạn nhanh chóng thành công.”
Trước làn sóng của công cuộc cải cách mở cửa, Huawei đã biết nắm bắt thời cơ, mở rộng và phát triển công ty nhờ vận hành theo mô hình “nông thôn bao quanh thành phố”. Họ luôn giữ cảnh giác và sẵn sàng hành động. Cơ hội đến là lập tức hành động, nắm bắt mục tiêu, có như vậy mới giành được thắng lợi.
Hiện nay, sản phẩm và dịch vụ giải pháp của Huawei hết sức đa dạng, phủ sóng trên rất nhiều lĩnh vực như di dộng, mạng viễn thông, dịch vụ gia tăng giá trị điện tín, thiết bị đầu cuối…
Huawei thiết lập nhiều trung tâm nghiên cứu trong nước tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh… và ngoài nước như tại Ấn Độ, Mỹ, Thụy Điển, Nga… Tính đến cuối năm 2013, Huawei sở hữu trên 36.500 bằng sáng chế, đồng thời trở thành đơn vị xin cấp bằng sáng chế lớn nhất Trung Quốc trong nhiều năm liền.
Dù nổi tiếng, song Nhậm Chính Phi vẫn chọn lối sống khiêm tốn. Ngay cả với chức vụ phó chủ tịch Hội Liên hiệp Công thương, hay tư cách đại biểu Đại hội Nhân dân toàn quốc mà biết bao doanh nhân mong ước ông cũng không màng. Từng có một nhà báo Trung Quốc thốt lên rằng: “Phỏng vấn ông ấy khó hơn nhiều so với việc phỏng vấn người Trung Quốc giàu nhất thế giới Lý Gia Thành.”
Con người Nhậm Chính Phi khiêm nhường là vậy, nhưng ông vẫn là tiêu điểm của truyền thông. Những lời đồn thổi về Nhậm Chính Phi, về Huawei nhiều vô kể. Có người bảo ông thần bí, kẻ lại nói ông hành sự như “chó sói”, người kể ông thô bạo, cũng có người nói ông trọng tình trọng nghĩa, hay ông là quân nhân mình sắt, trọng đạo lý. Nhậm Chính Phi không quan tâm tới dư luận, cũng chưa bao giờ lên tiếng. Có lẽ với ông, không đáp trả chính là câu trả lời tốt nhất.
Tuần báo Time của Mỹ bình luận: Huawei đang lặp lại lịch sử phát triển của những công ty lớn có ảnh hường toàn cầu như Cisco hay Ericsson, không những vậy còn trở thành đối thủ “nguy hiểm nhất” của những ông lớn trong lĩnh vực điện tử viễn thông này. Còn tờ tạp chí kinh tế The Economist của Anh nhận định: Sự trỗi dậy của Huawei là mối đe dọa cho các công ty đa quốc gia.
Giới truyền thông Ý cũng đưa ra nhiều phân tích. Theo tờ Repubblica: Tổng doanh thu trên toàn thế giới của Huawei trong năm 2012 vượt mức 35,4 tỉ đô la, tăng 8% so với năm 2011, trong đó thị trường nước ngoài chiếm tới 66%. Huawei có thể vượt qua đối thủ cạnh tranh – Công ty Ericsson Thụy Điển – để trở thành nhà cung cấp thiết bị điện tử viễn thông lớn nhất thế giới…
Điều này khiến người ta tin vào một tương lai tươi sáng.
Nguồn: Dương Kobo