Từ Cú Kung-fu Của “King” Eric Cantona Đến Sự Hình Thành Kỷ Nguyên Manchester United

white noise for sleeping link
shopee-sale

“MANCHESTER UNITED CÓ ĐỦ VĨ ĐẠI ĐỂ XỨNG VỚI TÔI?”

Eric Cantona không phải là “lính đánh thuê” đầu tiên tại Anh, nhưng anh có lẽ là ngoại binh có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến nền bóng đá xứ sở sương mù. Không cầu thủ ngoại nào có thể làm tốt hơn Cantona trong việc biến bóng đá Anh – từ một giải hạng Nhất suốt hơn nửa thế kỷ dài đằng đẵng bị mang tiếng là chơi thứ bóng đá “công nhân” chỉ biết cắm đầu chạy và sút – trở thành giải đấu Premier League hấp dẫn và làm say đắm hàng triệu triệu con tim trên khắp hành tinh như ngày nay.

Từ giữa thập niên 1990 đổ về trước, cầu thủ ngoại vẫn là một khái niệm hoàn toàn xa lạ với bóng đá Anh. Họ thậm chí bị kỳ thị, bị xem như “xiếc thú” trên sân cỏ chỉ để mua vui cho cổ động viên bản xứ.

Thời bấy giờ, người Anh chỉ xem “ngoại binh” như là một trào lưu, chủ yếu để các đội bóng phô trương thanh thế. Họ bị những người bản xứ gắn cho cái mác “sớm nở tối tàn, mong manh, dễ vỡ”. Các cầu thủ ngoại khi đó dù đã rất cố gắng thích nghi, cố coi nước Anh là quê hương của mình, nhưng họ không bao giờ giống được người bản xứ. Những ngôi sao “đánh thuê” rất khó thích nghi với thời tiết ẩm ương của xứ sở sương mù, không hợp với đồ ăn của người Anh, tệ hơn nữa là có xu hướng ghét cả thứ bóng đá mà người Anh đã sáng tạo và truyền bá đi khắp thế giới. Và cứ như thế, họ lần lượt phải ra đi, để trở lại với điểm đã xuất phát.

Tình trạng đó là khá kỳ lạ nếu biết rằng trong những năm cuối 1970 đến đầu 1980, cũng từng có một số ngoại binh đã tạo được dấu ấn với bóng đá Anh, có thể kể đến những cái tên như Ossie Ardiles và Ricky Villa ở Tottenham, Arnold Muhren và Frans Thijssen ở Ipswich, Johnny Metgod ở Nottingham Forest. v.v… Đó đều là những “lính đánh thuê” được cổ động viên yêu thích do họ thực sự có tài năng, lại luôn tìm mọi cách để thích nghi với môi trường ở đội bóng mà họ đầu quân. Mặc dù vậy, những thành công của họ đã không đủ để tạo hiệu ứng dây chuyền mở ra trào lưu nhập khẩu cầu thủ ồ ạt ở xứ sở sương mù.

Thời đó, bóng đá Anh chẳng khác nào một ốc đảo nếu nhìn vào tình hình thực tế ở lượt trận khai màn vào tháng 08/1992, mùa bóng đầu tiên sau khi Premier League ra đời. Chỉ có vỏn vẹn 13 cầu thủ không phải là người Anh được góp mặt, trong tổng số 22 đội bóng tranh tài, trong đó 4 người là thủ môn và 4 người khác (John Jensen, Michel Vonk, Gunnar Halle và Roland Nilsson) là những chuyên gia phòng ngự.

Trong thời kỳ sơ khai của Premier League, các ngoại binh chủ yếu đến từ các quốc gia Bắc Âu như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan. Họ được chào đón không chỉ vì được cho là biết tự thích nghi với môi trường ở Anh, mà còn bởi tất cả đều đến từ những quốc gia mà bóng đá Anh đã từng được truyền bá và phát triển. Một trong những câu hỏi cửa miệng mà các ông chủ đội bóng hay các huấn luyện viên hồi đó vẫn hay hỏi khi ký hợp đồng với cầu thủ ngoại là: “Liệu cậu ta có thích nghi được với các trận đấu bóng đá ở Anh?”

Cựu tiền đạo Jan Age Fjortoft từng thi đấu ở Anh cho các câu lạc bộ Swindon, Middlesbrough, Sheffield United và Bradford hồi đầu những năm 1990 có lần bồi hồi chia sẻ: “Là người đã luôn theo dõi và cổ vũ bóng đá Anh, cũng như bao người Na Uy khác, tôi cảm thấy được chuyển sang chơi bóng ở Premier League thực sự là một giấc mơ tuyệt vời.” Fjortoft cho biết thêm: “Các trận bóng đá Anh vào mỗi tối thứ Bảy đã chắp cánh ước mơ cho chúng tôi, giúp chúng tôi trưởng thành như các bạn đang thấy ngày hôm nay.”

Một vài trường hợp khác, trong số 13 ngoại binh thi đấu vòng khai màn của mùa giải Premier League đầu tiên, như Andrei Kanchelskis hay Anders Limpar đều nổi tiếng là những cầu thủ có kỹ thuật cá nhân siêu đẳng, nhưng họ chỉ được đá chính 26 trận cho Manchester United và Arsenal ở mùa giải 1992/93. Ronny Rosenthal – tiền đạo người Israel của Liverpool – trở thành cầu thủ nước ngoài đắt giá nhất gia nhập một đội bóng ở Anh vào năm 1990. Cầu thủ chạy cánh người Ba Lan Robert Warzycha là “lính đánh thuê” đầu tiên đến từ châu Âu ghi bàn tại Premier League, trong màu áo Everton, nhưng chỉ được có mặt trong đội hình xuất phát đúng 18 trận trước khi bị bán cho câu lạc bộ Pecsi MFC của Hungary. Nhìn chung, các đội bóng ở Premier League hồi đó đã gần như tuyệt vọng trong nỗ lực tìm ra một ngoại binh mang tính biểu tượng.

Thời bấy giờ, nhờ hợp đồng bản quyền truyền hình béo bở có giá trị lên đến 304 triệu bảng Anh được bán cho kênh Sky Sports, các câu lạc bộ ở Premier League đã được ăn chia và do đó có đủ khả năng tài chính để trả lương cao cho các cầu thủ. Khán đài các sân vận động cũng đã được nâng cấp và cải thiện sau khi “Báo cáo Taylor” được công bố. Tiếc là dù “sân khấu” đã được phát triển lên một tầm cao mới, nhưng các “diễn viên” thì vẫn vậy. Đến cuối năm 1992, Premier League thực chất vẫn chẳng khác gì giải hạng Nhất trước đó, về cơ bản chỉ là “bình mới rượu cũ”.

Trở lại với cuộc tình giữa Eric Cantona và Manchester United. Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 11/1992. Cantona lúc đó được biết đến như là một gã Marseille bí hiểm với cái tôi cá nhân quá lớn ở Elland Road. Leeds United đang muốn tống khứ ngôi sao “lắm tài nhiều tật” này, giống như cách người Anh trước đó vẫn thường đối xử với các ngoại binh. Huấn luyện viên Alex Ferguson của Manchester United đã mừng như bắt được vàng khi biết điều đó. Ông tin chắc đã tìm ra một cầu thủ phù hợp để có thể đặt nền móng xây dựng triều đại mới của mình ở Old Trafford.

“Nếu có một cầu thủ, ở đâu đó trên Trái Đất này, sinh ra là để dành cho Manchester United, thì đó chắc chắn là Cantona”, Ferguson đã thốt lên như thế sau những ấn tượng ban đầu về ngôi sao người Pháp. “Cậu ấy đầy vẻ ngạo nghễ, ngực ưỡn ra, đầu ngẩng cao và khảo sát đủ mọi thứ chuyện, đúng là rất hợp với cái cách mà cậu ấy lên giọng kẻ cả với tôi: “Tôi là Cantona. Manchester United vĩ đại cỡ nào? Liệu có đủ vĩ đại để xứng với tôi hay không?”

Đó là cách mà một Cantona không-giống-ai đã trở thành người tiên phong để gỡ bỏ rào cản cho các ngoại binh ở Premier League, qua đó tạo ra một bước đột phá cho trào lưu nhập khẩu cầu thủ tại xứ sở sương mù. Cantona đã “thông não” cho những người làm bóng đá Anh bằng cách chứng minh rằng, kỹ thuật mà các lính đánh thuê đến từ châu Âu hay Nam Mỹ sở hữu hoàn toàn có thể được dung hòa trên sân cỏ nước Anh để tạo nên sức mạnh của đội bóng, miễn là cầu thủ đó có đủ đam mê và quyết tâm. Và chỉ có như thế mới có thể giúp Premier League vượt qua được “bóng ma” lạc hậu của thứ bóng đá thời còn là giải hạng Nhất.

Hẳn các bạn đều biết đến Glenn Hoddle và Terry Butcher, hai tuyển thủ Anh hồi những năm 1980 có phong cách thi đấu hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có thể đọc được ý nghĩ của nhau trên sân. Ở một chừng mực nào đó, vấn đề của các cầu thủ ngoại ở Premier League cũng vậy, họ có thể hòa hợp với cầu thủ bản địa để thi đấu tốt trong môi trường bóng đá Anh, quan trọng là phải biết cách bắt được “tần số” của đồng đội. Tư duy này ngày nay là quá rõ ràng và dễ hiểu, nhưng vào thời điểm năm 1992, không phải ai cũng nắm được.

Không chỉ là người tiên phong, Cantona còn là một biểu tượng thể thao và văn hóa. Không một cầu thủ nào thời bấy giờ có sức ảnh hưởng lớn như Cantona, anh trở thành ông vua trong nền thương mại bóng đá đang dần định hình ở nước Anh, đặc biệt là lĩnh vực bán áo đấu. Tính phổ cập mà hình ảnh của Cantona mang đến tạo tiền đề cho mối lương duyên giữa bóng đá Anh với tập đoàn sản xuất dụng cụ thể thao Nike, qua đó tạo ra một sân chơi mới đẳng cấp hơn cho bóng đá xứ sở sương mù. Cantona có sức lan tỏa đến mức ở hàng ngàn sân chơi trên khắp nước Anh, biết bao cậu học trò đã dựng đứng cổ áo đồng phục của mình lên, giống như cái cách mà thần tượng của họ vẫn thường làm. Chỉ trong vòng vài năm, rất nhiều đứa trẻ chào đời được đặt tên là Eric Cantona, và đến nay, dù đã ngoại tam tuần, họ vẫn một lòng tôn thờ cựu danh thủ người Pháp.

Tất nhiên, cá tính của Cantona không thể tạo nên tầm ảnh hưởng lớn đến như vậy nếu anh không có tài năng. Cầu thủ người Pháp đã ghi 82 bàn thắng trong 185 trận đấu cho Manchester United và điều quan trọng hơn cả là anh có một phong cách thi đấu rất riêng. Trước kỷ nguyên Premier League, bóng đá Anh khá hạn chế về chiến thuật. Các hậu vệ khi đó chỉ biết làm nhiệm vụ phòng ngự, còn các tiền đạo chỉ biết chơi tấn công. Nhìn chung các cầu thủ bị gò bó và lệ thuộc quá nhiều vào sơ đồ chiến thuật.

Với Cantona thì khác, anh luôn có cách riêng của mình. Trên danh nghĩa, cầu thủ người Pháp được huấn luyện viên Alex Ferguson xếp thi đấu ở vị trí tiền đạo, thường đá cặp với Mark Hughes hay Andy Cole. Nhưng trên thực tế, anh thường xuyên lùi sâu, thậm chí rất sâu như một cầu nối giữa hàng thủ và tuyến giữa để “lôi cổ” các trung vệ vốn vẫn quen lối phòng ngự truyền thống ra khỏi cái “vỏ ốc” của họ để dâng cao hơn, tích cực tham gia vào các pha bóng tấn công.

Cùng với kỹ thuật cá nhân siêu đẳng, Cantona trở thành một ngôi sao tấn công toàn diện nhất Premier League thời bấy giờ. Anh không chỉ ghi bàn hiệu quả mà kiến tạo cũng rất tài tình. Trong 156 trận ở Premier League, danh thủ người Pháp đã có 56 đường chuyền trực tiếp cho đồng đội lập công. Trong số những ngôi sao cùng thời, chỉ có Andy Cole, Alan Shearer và Teddy Sheringham có số lần “dọn cỗ” nhiều hơn Cantona, nhưng họ đều thi đấu không dưới 250 trận ở Premier League.

Nói đi cũng phải nói lại, tài năng không thể giúp Cantona tạo được ảnh hưởng lớn như vậy nếu anh không phải là người đặc biệt cá tính. Cantona trở thành thủ lĩnh của Manchester United không chỉ bởi những pha kiến tạo siêu đẳng, những bàn thắng làm nổ tung cầu trường mà còn bởi tính cách vô cùng mạnh. Cựu tiền vệ Roy Keane đã khái quát về người đồng đội của mình như sau: “Cổ áo dựng đứng, lưng thẳng, ngực ưỡn, anh ấy rảo bước trên sân giống như vị chúa tể trong lãnh địa của mình. Ở đâu, Cantona cũng đều thể hiện như vậy. Nhưng tất nhiên, Old Trafford mới thực sự là sân khấu vĩ đại nhất của anh ấy, là nơi anh ấy có thể làm mọi thứ một cách rất tự nhiên và dễ dàng. Cantona yêu Old Trafford và các cổ động viên yêu anh ấy.”

Cantona có lòng tin rất lớn vào bản thân, nhiều lúc có cảm giác từ con người anh luôn toát ra sự vênh váo, ngạo mạn. Nhưng đó là cách thể hiện riêng, rất có ý đồ của cầu thủ người Pháp để đạt được mục đích “đắc nhân tâm”. “Tôi đã từng nói rằng, tôi tự tin chấp cả 11 cầu thủ đối phương mà vẫn có thể giành chiến thắng”, anh viết trong cuốn tự truyện Cantona on Cantona. “Nếu đưa cho tôi một chiếc xe đạp, tôi tự tin có thể phá vỡ kỷ lục của Chris Boardman.” Trong suy nghĩ của tiền đạo này không có chỗ cho những hoài nghi. Anh tuyên bố: “Sự hoài nghi luôn có xu hướng dẫn đến nỗi sợ hãi và nếu không kiểm soát được, ngay cả những nỗi sợ mơ hồ cũng có thể khiến bạn gục ngã.”

Từng bị hoài nghi khi mới chân ướt chân ráo đến Old Trafford, nhưng Cantona đã nhanh chóng thuyết phục được tất cả. Hiệu ứng mà anh đã tạo ra ở Manchester United là vô cùng đặc biệt và có sức lan tỏa rất lớn. Điều đó khiến cho Leeds và huấn luyện viên Howard Wilkinson đã bị đem ra làm trò đùa do đã “cầm vàng lại để vàng rơi”. Nhưng nói vậy không hẳn là công bằng, bởi Leeds đã có một vụ làm ăn thắng lớn. Số tiền thu về từ vụ bán Cantona cho Manchester United lớn hơn rất nhiều so với khoản phí chuyển nhượng mà 12 tháng trước đó họ đã trả cho câu lạc bộ Nimes, và xứng đáng với những gì mà Leeds đã phải chịu đựng vì thói “ngựa chứng” của Cantona. Ở Leeds, Cantona đã không thể kết hợp với Lee Chapman thành cặp tiền đạo như mong muốn của ban huấn luyện. Sau này, tiền đạo người Pháp chia sẻ rằng, anh đã không cảm thấy hạnh phúc trong quãng thời gian ở Elland Road. Còn huấn luyện viên Wilkinson nói về cậu học trò cũ với giọng điệu than thở: “Ở Eric không có khái niệm phải tuân thủ các nguyên tắc và quy định mà các đồng đội của cậu ấy buộc phải thực hiện.”

Năm 2008, Cantona thú nhận trên tạp chí FourFourTwo: “Mối quan hệ giữa tôi với huấn luyện viên Wilkinson rất không tốt. Trong bóng đá, chúng tôi không thể cùng nhìn về một hướng. Leeds đã chơi thứ bóng đá cổ lỗ sĩ đúng theo kiểu chỉ biết chạy và sút bóng. Tôi không nghĩ là tôi phù hợp với môi trường đó. Tôi không muốn ở lại. Manchester phù hợp với tôi hơn!”

Ban đầu, các cầu thủ kỳ cựu của Manchester United như Gary Pallister, Steve Bruce và Bryan Robson đều có chút lo lắng, bất an khi đội nhà ký hợp đồng với Cantona. Trong cuộc họp đội bóng, họ công khai bày tỏ rằng, tai tiếng của Cantona sẽ làm hỏng bầu không khí đoàn kết trong phòng thay đồ của đội bóng. Chỉ có Lee Sharpe là bộc trực nhất: “Chúng ta đang suy nghĩ cái quái quỷ gì vậy? Tôi thấy gã đó rất được mà.” Giới truyền thông Anh lúc đó cũng tỏ ra hoài nghi bản hợp đồng “bom tấn” của huấn luyện viên Ferguson.

Về phần mình, huấn luyện viên Ferguson nhận thấy rằng, đội bóng của ông thực sự cần một “họng súng sau tay áo”. Manchester United đã kết thúc mùa giải 1991/92 với vị trí á quân, ngay sau Leeds United. Khi Cantona đến Old Trafford, “Quỷ đỏ” đang xếp ở vị trí thứ 8 tại bảng xếp hạng, với đội hình khủng hoảng hàng công do chấn thương của Dion Dublin – tiền đạo mới được huấn luyện viên mua về trong kỳ chuyển nhượng đầu mùa giải. Đội bóng của Ferguson chỉ thắng được 2 trong 13 trận kể từ đầu mùa giải và đã bắt đầu xuất hiện những tin đồn về khả năng nhà cầm quân người Scotland sẽ bị sa thải. Manchester United đã không biết mùi vô địch Premier League trong suốt 25 năm và người hâm mộ sắp hết kiên nhẫn với Ferguson.

Việc đầu tiên mà huấn luyện viên Ferguson làm sau khi có được Cantona là gọi điện cho huấn luyện viên trưởng đội tuyển Pháp Gerard Houllier để tham khảo về “ngựa chứng” này. Ông cũng đã hỏi cả huyền thoại bóng đá Pháp Michel Platini và nhà báo Erik Bielderman về Cantona. Từ ba nguồn thông tin đó tổng hợp lại, huấn luyện viên người Scotland rút ra kết luận: Cantona cần ở ông sự tận tình của một người cha. Ferguson đã theo đó mà đối xử với cậu học trò nổi tiếng “ngựa chứng”, và nhờ thế, ông đã tìm ra được thủ lĩnh mới cho đội bóng của mình. Quả thực, hai người họ đã bổ sung cho nhau một cách hoàn hảo.

Hóa ra những vấn đề của Cantona trước đó đều là do anh chưa tìm được một người thầy đáng để kính trọng, đáng để xả thân.

Cantona đã lập tức thổi một làn gió mới vào Manchester United ngay sau khi gia nhập Old Trafford. Trong 10 trận đấu đầu tiên cùng với cầu thủ người Pháp tại Premier League, “Quỷ đỏ” thắng 8 và hòa 2 trận. Những con số thống kê ở mùa giải 1992/93 chỉ ra rằng, trước khi Cantona đến, Manchester United ghi trung bình 1,06 bàn và giành trung bình 1,5 điểm mỗi trận; còn khi có Cantona, họ ghi trung bình 1,92 bàn và giành 2,3 điểm mỗi trận. Từ vị trí thứ 8 và bị đội đầu bảng bỏ xa tới 9 điểm, Cantona đã giúp Manchester United thẳng tiến một mạch đến chức vô địch Premier League. Họ kết thúc mùa giải với 10 điểm nhiều hơn đội á quân Aston Villa.

Bên cạnh những cống hiến lớn lao trên sân cỏ, Cantona còn làm sống lại bầu không khí bóng đá tuyệt vời ở “Nhà hát của những giấc mơ”. “Manchester United bây giờ mới thực sự được ăn bóng đá, ngủ bóng đá. Từ lúc tôi đến đây, chưa bao giờ bầu không khí ở Old Trafford lại tuyệt vời đến thế”, huấn luyện viên Ferguson công khai về những hiệu ứng tích cực mà Cantona tạo ra trong bài phát biểu đầu năm 1993. “Có cảm giác như những tháng ngày tươi đẹp xưa cũ đã trở lại với chúng ta và điều kỳ diệu đó đã được mang lại bởi một gã kiêu căng, ngạo mạn người Pháp.”

Các huyền thoại của Manchester United cũng đua nhau tán dương Cantona. “Tôi đã nghĩ là không ai xứng đáng đội lên đầu chiếc vương miện của tôi ở Old Trafford cho đến khi Cantona xuất hiện”, cựu tiền đạo Denis Law chia sẻ. Còn George Best tuyên bố: “Tôi sẵn sàng trả tiền để được vào sân xem Cantona thi đấu. Không mấy cầu thủ thời nay đáng được đối xử như thế ngoại trừ Cantona. Cậu ấy là một thiên tài.” Old Trafford thực sự đã có một ông vua mới.

Sự quyến rũ chết người của Cantona không chỉ nằm ở những thành tích mà anh đạt được trên sân cỏ mà còn nằm ở sự mâu thuẫn đầy phức tạp trong con người anh. Giống như một vài số 7 nổi tiếng trước đây của Manchester United luôn xuất hiện trên tiêu đề trang nhất của các báo, những hành động “ngựa chứng” của Cantona không làm mất đi hình ảnh tuyệt vời trên sân cỏ của anh, thậm chí càng góp phần làm nổi bật lên những ưu điểm của anh. Nếu cần phải tìm lời giải thích đơn giản nhất cho sức lan tỏa diệu kỳ mà Cantona tạo được với người hâm mộ thì đó là vì: Rất nhiều cổ động viên nhìn thấy những nét tính cách của Cantona ở trong mỗi con người của họ. Anh là một siêu sao, với những “tật xấu” mà bất kỳ người đàn ông nào cũng dám phô ra cho mọi người biết.

Trong rất nhiều những hành động mà “ngựa chứng” Cantona gây ra, tai tiếng nhất và cũng nổi tiếng nhất là vụ việc ở sân Selhurst Park vào ngày 25/01/1995. Cú xông phi của cầu thủ người Pháp vào cổ động viên Matthew Simmons đã dẫn đến một lệnh cấm thi đấu dài nhất trong lịch sử bóng đá Anh, còn giới truyền thông thì được dịp đào xới, khai thác triệt để. Họ coi đó là một hành động xưa nay chưa từng có tiền lệ trong làng thể thao thế giới. Tồi tệ hơn, cú kung-fu khiến Cantona có nguy cơ buộc phải rời nước Anh. Nhiều người muốn trục xuất Cantona mà chẳng hề bận tâm đến việc anh đã làm được những gì cho bóng đá Anh. Nếu điều đó xảy ra, sự nổi tiếng của Cantona ở Old Trafford có thể đã rẽ theo một hướng khác.

Cả nước Anh có thể chống lại Cantona sau cú xông phi ở Selhurst Park, nhưng “bố già” Ferguson thì không. Nhà cầm quân người Scotland đã đánh cược cả danh tiếng và sự nghiệp của mình để bảo vệ Cantona giống như một người cha bảo vệ con của mình. Có một câu chuyện về cách huấn luyện viên Ferguson bao bọc Cantona từng được Steve Bruce kể lại giống như là một giai thoại ở Old Trafford. Một lần, Manchester United được mời đến tòa thị chính thành phố để tham gia một sự kiện. Cả đội được yêu cầu phải mặc complet đồng phục của đội bóng. Nhưng Cantona lại xuất hiện với một chiếc áo khoác sặc sỡ và chiếc quần jeans rách bụi bặm. Với tư cách là đội trưởng, Steve Bruce có trách nhiệm phải phản ánh chuyện đó với huấn luyện viên Ferguson. Bruce đi đến chỗ ông thầy, phàn nàn rằng có một vài cầu thủ trong đội bóng cảm thấy không thoải mái với cách ăn mặc của Cantona, và họ cảm thấy không được tôn trọng. “Fergie khi đó đang nhâm nhi một ly vang đỏ”, Bruce nhớ lại. “Ông ấy đặt ly rượu xuống, hướng mắt về phía Eric, rồi thản nhiên nói: ‘Steve, cậu hãy bảo với mấy người thích phàn nàn rằng, nếu họ cũng có thể thi đấu giống như Eric vào năm tới, tôi cho phép tất cả tự do muốn làm gì thì làm, kể cả giống như cái cách của thằng cha đang tưởng mình là Thánh Joseph kia’.”

Thế nên, khỏi phải nói huấn luyện viên Ferguson đã buồn như thế nào khi Cantona phải nhận án treo giò dài hạn sau cú đá xông phi ở Selhurst Park. Ông phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều, phải xoay xở mọi cách để Manchester United ít bị ảnh hưởng nhất. Với trường hợp của Cantona, nếu như các đồng nghiệp khác sẽ chọn cách tìm người thay thế thì huấn luyện viên Ferguson lại càng muốn chứng tỏ cho cả thế giới biết rằng ông luôn đặt trọn niềm tin vào anh. Cách xử lý tình huống đó của Ferguson sau này được các nhà chuyên môn ca ngợi là “cao thủ bậc thầy”.

Trong tâm bão của 250 ngày kể từ khi Cantona tung ra cú đá kung-fu đến lúc anh trở lại sân cỏ, Manchester United có rất nhiều sự đổi thay. Ferguson quyết định làm một cuộc cách mạng chưa từng có ở Old Trafford và nó được bắt đầu từ một cuộc cách mạng nhỏ: Manchester United bán đi một vài trụ cột, nhưng không mua ngôi sao nào thay thế. Thay vào đó, niềm tin được đặt vào lứa trẻ tiềm năng trưởng thành từ chính lò đào tạo của đội bóng. Đây được xem là nước cờ “bạo gan” của Ferguson. Bởi bước vào mùa hè năm đó, Manchester United trắng tay, không chức vô địch Premier League, không Cúp FA. Áp lực đang dồn cả lên huấn luyện viên người Scotland, đến mức có đôi lúc “ông già gân” cũng cảm thấy nghi ngờ chính mình – điều rất hiếm thấy ở Ferguson.

Lứa trẻ mà sau này được gọi là “Thế hệ 92” trên thực tế đã được huấn luyện viên cân nhắc sử dụng ngay sau khi xảy ra chuyện của Cantona. Nhưng điều khiến mọi người ngạc nhiên là nhà cầm quân người Scotland đã không ngần ngại đặt họ ở vị trí trung tâm của cuộc cách mạng tại Old Trafford trong những tháng ngày vắng bóng Cantona trên sân cỏ.

Vai trò của Cantona trong công cuộc trẻ hóa của Manchester United có vẻ như đã không được đánh giá đúng mức. Thực tế, trong thời gian bị cấm thi đấu, ngôi sao người Pháp chẳng khác nào một gia sư của “Thế hệ 92”. Anh tích cực hướng dẫn các đàn em trên sân tập – chỉ bảo và khích lệ tinh thần cho họ. Điều đó đã giúp huấn luyện viên Ferguson rất nhiều trong những ngày đầu “khai quốc”, để rồi sau đó tạo ra đế chế thống trị bóng đá Anh nói riêng và châu Âu nói chung.

“Eric đã làm thay đổi cách nghĩ, làm thay đổi mọi thứ theo một chiều hướng rất tích cực ở các cầu thủ trẻ”, thủ môn Peter Schmeichel nhớ lại. “Lứa trẻ đó đã học hỏi được rất nhiều ở anh ấy. Nếu không tin, các bạn có thể đến gặp David Beckham, Gary Neville hay Paul Scholes để hỏi về Cantona. Họ sẽ nói cho các bạn thấy Eric là một gã tuyệt vời như thế nào.”

Điều thú vị là trong trận đầu tiên tái xuất sau án phạt treo giò của Cantona, trong chuyến làm khách đến sân Anfield của Liverpool, cả 6 cầu thủ trong “Thế hệ 92” đều được thi đấu: Gary Neville, Phil Neville, Nicky Butt và Ryan Giggs được ra sân từ đầu, còn David Beckham và Paul Scholes vào sân từ băng ghế dự bị.

Đây là cuốn truyện kể về Cantona, về cách anh đã truyền cảm hứng ở Manchester United, được dẫn dắt qua những câu chuyện thú vị trong 250 ngày kể từ khi Eric tung ra cú kung-fu vào cổ động viên Simmons cho đến khi anh trở lại thi đấu sau án treo giò. Có thể còn có những thắc mắc này nọ về tính cách gây tranh cãi của Cantona. Nhưng phải khẳng định rằng, những “tật” đó không những không làm “xấu” đi hình ảnh của ngôi sao người Pháp, mà còn giúp cả anh lẫn huấn luyện viên Ferguson tôn lên hình ảnh của nhau.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Source: Dương Kobo