Quãng Ðời Ðánh Mất” là quyển tiểu thuyết thứ ba của Dương Thu Hương do nhà xuất bản Hải Phòng in năm 1989, sau “Bên Kia Bờ Ảo Vọng” (1987) và “Thiên Ðường Mù” (1988) – hai tác phẩm đã đưa tên tuổi của bà lên vị trí sáng chói nhất trên văn đàn Việt Nam suốt mấy năm qua. Bộ ba tiểu thuyết này tạo thành một bức tranh hoành tráng công phu của xã hội Việt Nam ngày nay, với biết bao khung cảnh, hình ảnh, nhân vật, tình tiết…Nghệ thuật miêu tả và phê phán hiện thực sắc bén và can đảm, cùng với nỗ lực phản kháng và giải ảo trong các tác phẩm của Dương Thu Hương, đã giúp bà trở thành nhà văn được tìm đọc nhiều nhất, và nổi tiếng nhất cả trong và ngoài nước… sống cuộc đời mình một cách độc lập, can đảm đối diện và chống lại những quyền lực phi lý, nhìn cho đúng và phá vỡ những ảo tưởng xa lạ, yêu thương cuộc đời và con người chân thành…Ðó là một vài thông điệp chính mà “Quãng Ðời Ðánh Mất” gửi đến người đọc…”
Nhà văn Dương Thu Hương sinh năm 1947 tại Thái Bình, cư ngụ nhiều năm tại Hà Nội, sau đó lưu trú tại Paris, Pháp. Dương Thu Hương là đảng viên Ðảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng đã bị khai trừ ra khỏi Ðảng năm 1989, vì đấu tranh cho dân chủ, vì phê bình nhà nước. Những tác phẩm của Dương Thu Hương không được phép lưu hành tại Việt Nam, vì lý do chính trị. Bà từng bị vào tù vì viết sách, vì phê bình việc áp dụng chủ nghĩa Marx-Lenin tại Việt Nam, vì phản đối độc quyền của Ðảng Cộng Sản. Năm 1994, Bộ Trưởng Văn Hóa Pháp Jacques Toubon trao tặng nhà văn Dương Thu Hương Huân Chương Văn Hóa Nghệ Thuật Chevalier Des Arts Et Des Lettres. Năm 2008, bốn tác phẩm “Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Những Thiên Ðường Mù, Tiểu Thuyết Vô Ðề, Chốn Vắng” của bà được đưa vào bộ sách Bouquins. Năm 2009, Giáo Sư Tiến Sĩ Joseph Pivato dạy môn Văn Chương Anh Ngữ tại Ðại Học Athabasca ở Alberta, Canada, đề cử nhà văn Dương Thu Hương vào danh sách xét duyệt Giải Nobel Văn Chương.
Dương Thu Hương nhận định: “Lịch sử cận đại của người Việt Nam đã diễn ra trong khói bom và tiếng nổ của đạn pháo. Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ chia cắt đến tận lòng sâu của mỗi gia đình. Sự nhầm lẫn, sự bất khả tri không chỉ xảy ra giữa hai nền văn hoá Ðông-Tây mà còn xảy ra ngay giữa lòng dân tộc Việt, giữa các thành viên trong một gia đình, một giòng họ, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc, giữa người trong nước và những người sống ngoài biên giới. Tóm lại, những người Việt cũng bị chia cách bởi những con sông. Những con sông thiếu vắng những cây cầu. Khoảng cách giữa người với người có thể còn dài rộng hơn sông, sâu hơn vực thẳm, thế nên, dù trên địa hạt văn chương, tôi coi Albert Camus cao hơn hẳn Jean Paul Sartre, tôi vẫn phải công nhận câu nói nổi tiếng của Sartre là một nghiệm sinh có tính nhân loại, “Tha nhân là địa ngục của ta.” [“Sức Mạnh Của Chủ Nghĩa Ngu Dân.”]
“Quãng Ðời Ðánh Mất” của hai nhân vật Trọng và Bích để lại âm hưởng vi diệu trong lòng độc giả: “…Khi con người đã quen sống kiếp mù lòa, ai vạch ra sự ngu dốt tối tăm trong kiếp sống của họ sẽ bị họ coi là quỷ dữ, vì điều đó chứng tỏ cái hèn kém của bản thân họ, và đặt ra những lời thách đố nguy hiểm. Mà chắc chắn họ không đủ khả năng vượt qua…Tình yêu cũng cần lòng can đảm. Giữa bao nhiêu dục vọng của đời sống phải chọn lấy một thứ, phải dập tắt mọi đám cháy để nuôi dưỡng duy nhất ngọn lửa của riêng mình. Tình yêu, hơn mọi thứ tình cảm khác, cần lòng hy sinh và sự trung thực…” (trích)
Nguồn: dtv-ebook.com