Kho Tàng Về Các Ông Trạng Việt Nam

white noise for sleeping link
shopee-sale

KHO TÀNG VỀ CÁC ÔNG TRẠNG VIỆT NAM

KHO TÀNG VỀ CÁC ÔNG TRẠNG VIỆT NAM
(Truyện và giai thoại)

Giáo sư VŨ NGỌC KHÁNH

LỜI NÓI ĐẦU

Truyện Trạng Việt Nam, là một đề tài hấp dẫn. Nhưng tiếp cận chuyện Trạng là một việc phức tạp, nhất là xét về mặt thể loại. Thực ra, truyện Trạng chính là những câu chuyện dân gian. Nhân dân đã đồn đại, đã hư cấu ra các Trạng để thỏa mãn những ước mơ và yêu cầu thẩm mỹ. Nhưng cũng đúng là đã có những vị Trạng Nguyên thật, có công phu học tập, có đóng góp với sự nghiệp xây dựng đất nước. Rồi chính các ông Trạng này lại cũng có nhiều giai thoại thú vị, ly kỳ. Đúng theo nghiêm cách, thì chúng ta nên có hai cuốn sách:

– Một cuốn nghiên cứu mang tính cách văn học sử, lịch sử, khảo sát về các ông Trạng đích thực này.

– Một cuốn sưu tầm folklore (có cả nghiên cứu về chuyện Trạng và giai thoại của các Trạng).

Yêu cầu khoa học là phải như thế. Nhưng việc đó, hiện nay chưa có khả năng làm được. Đi tìm tiểu sử, hành trạng, thơ văn của trên 50 vị Trạng Nguyên (cả chính thức và chưa chính thức) phải là một công việc lâu dài, nhất là phải có sự giúp đỡ của địa phương, sự đầu tư của cơ quan nghiên cứu. Mỗi ông Trạng có thể là đầu đề cho một cuốn sách nghiêm túc dày dặn. Đó là chưa kể, rất nhiều vị hiện nay đang phải tìm hiểu, xác minh công và tội hẳn hoi. Còn nói về Trạng dân gian, thì bên cạnh những ông Trạng dân phong như lâu nay ta biết, còn có nhiều ông cũng được các địa phương tôn là Trạng như Trạng Cháy, Trạng Quét. Lại có cả những chuyện Trạng không tập trung vào nhân vật, mà tập trung vào địa phương như kiểu Trạng Vĩnh Hoàng. Chuyện Trạng là chuyện người, mà cũng là chuyện tính cách, chuyện ngôn ngữ không thể bỏ qua được. Cũng như trường hợp trên, một cuốn sách folklore về chuyện Trạng cũng đòi hỏi công phu đầu tư không ít.

Do tình hình thực tế như vậy, chúng tôi xin tạm thời dồn tất cả các thông tin cần thiết vào một cuốn sách chung, nhằm mục đích đặt vấn đề, giúp cho các bạn sau này có thể đi sâu hơn, đỡ mất công khai phá. Vì vậy, sách này nửa là nghiên cứu, nửa là sưu tầm. Phương hướng ấy có lẽ chưa ổn, nhưng với mục đích thiết thực, phổ thông, chúng tôi mong không phải là vô ích.

Trên cơ sở này, chúng tôi đã chia tập sách này làm ba phần:

– Phần đầu có tính cách nghiên cứu, muốn làm cho người đọc làm quen với những người thực sự là Trạng Nguyên, có đỗ đạt, có học vị hẳn hoi. Để biết được đại thể công phu học tập của các vị có lẽ nên nói qua về khoa cử Việt Nam, về sự biến hóa phát triển từ các ông Trạng thực đến các chuyện Trạng, chúng tôi thấy cần phải nêu lại danh sách các vị đại khoa, và các vị Trạng Nguyên đúng như sử sách đã chép (một vài cuốn trước đây đã làm việc này, song vẫn có chỗ thừa, chỗ thiếu).

Cũng trong phần này, chúng tôi ghi thêm về các vị Đình Nguyên. Họ không phải Trạng Nguyên, song đã có vị trí như Trạng ở các khoa thi trước đây. Triều Nguyễn không có trạng, nhưng vẫn có Đình Nguyên, chúng tôi đã tra cứu và ghi tên tuổi tất cả để tránh thiếu sót. Như đã nói trên, chỉ ghi bằng danh mục, chứ không đi sâu vào ai cả. Vì mỗi một vị Đình Nguyên ấy, cũng có cả một sự nghiệp lớn lao, chưa biết đủ, nên chưa thể ghi hết.

– Phần thứ hai, chúng tôi giành riêng để ghi chép về các giai thoại, các sự kiện của một số vị Trạng Nguyên kể cả Trạng chính thức như Mạc Đĩnh Chi hoặc những Trạng chưa ghi tên trong khoa mục chí như Huyền Quang, Hồ Tông Thốc. Lẽ ra thì trước nhất phải đề cập cho đủ giai thoại 47 vị Trạng Nguyên chính thức. Song tài liệu hiện nay không có sẵn, chúng tôi đành ghi lại, biết đến ai nhiều hay ít thì ghi người nấy. Tiện thể, cũng xin ghi thêm một số vấn đề hiện đang tranh luận về các Trạng (như trường hợp Lê Văn Thịnh). Chúng tôi cũng muốn ghi thêm một số tác phẩm của các Trạng, nhưng sau thấy rằng như vậy thì xô bồ quá, vả lại phần lớn các ông đều chỉ để lại thơ thù tạc bằng chữ Hán, các bản tấu sớ hoặc văn bia, v.v… cũng không thiết thực lắm. Chỉ có một trường hợp là ghi thêm bảng sấm Trạng Trình để ứng đáp với sự đòi hỏi của bạn đọc (loại tư liệu này, nay cũng hiếm).

– Phần thứ ba, là giành cho những mẩu chuyện về các Trạng dân phong. Hầu hết ở đây đều là giai thoại. Phần có những sử liệu chắc chắn có lẽ chỉ có Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan). Ông này không phải là Trạng, nhưng là nhân vật có thực và có nhiều mẩu chuyện đậm folklore. Ngoài ra, tất cả các Trạng lâu nay được biết đến đều có mặt trong phần này, cũng dài ngắn không chừng, tùy theo khả năng thu thập. Có một trường hợp mong được thông cảm, chúng tôi chép lại cả truyện nôm Tống Trân (bản chúng tôi đã phiên âm, chú giải và cho in vào Tổng tập Văn học Việt Nam – tập 14). Chúng tôi muốn chúng ta có ý niệm đầy đủ về ông Trạng Gầu, nên không ngại tham lam. Nguyên tắc “quí hồ đa” ở đây, trong một tập tư liệu gợi ý, có lẽ cũng chấp nhận được.

Những tài liệu sử dụng trong sách này, một phần lớn là của chúng tôi, đã có dịp công bố trong cuốn Truyện Trạng do chúng tôi chủ biên từ 1988 (chung với Hoàng Khôi, Phan Kiến Giang), còn thì chúng tôi đã dựa vào nhiều sách báo đã được công bố như những bài tham luận của các bạn công tác văn hóa ở Hà Bắc (về Lê Văn Thịnh), bài của Trần Thanh Tâm (về Hồ Tông Thốc), bài của Hà Văn Tấn (về Trạng Quỳnh). Một số khác là trích theo các tập Danh nhân quê hương của các tỉnh. Chúng tôi đã gửi thư liên hệ, và một lần nữa xin phép được sử dụng tài liệu của các vị và các bạn. Chắc rằng các vị và các bạn cũng vui lòng trong việc chung sức giúp vào một kho tàng truyện Trạng Việt Nam.

VŨ NGỌC KHÁNH

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Source: dtv-ebook.com