Phật giáo Việt Nam nhập thế trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0
Bước vào thiên niên kỷ mới, trên nền tảng của cuộc cách mạng số với các công nghệ như internet vạn vật (IoT), tri tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tich dữ liệu số (SMAC),v.v,nhân loại tiến vào kỷ nguyên chuyển hóa thế giới thực thành thế giới số. Một từ khóa thay thế khác đôi khi được dùng để chỉ cho kỷ nguyên này là cuộc cách mạng “công nghiệp 4.0” (industrie 4.0), lần đầu xuất hiện trong một báo cáo của chính phủ Đức cách đây 4 năm (năm 2013), đề cập đến dự án chiến lược toàn cầu về công nghệ điện toán hóa.
Như thế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay công nghiệp 4.0 là “thực tại đang là” của nhân loại. Thực tại này đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới và đất nước, bao gồm cả thượng tầng kiến trúc lẫn hạ tầng cơ sở, của con người và xã hội hôm nay. Về thượng tầng, triết lý thực tại công nghiệp 4.0 đang là triết lý của “ảo là thực” và “thực là ảo”; và cũng là triết lý của tích hợp những “ảo” thành “thực”. Về mặt hạ tầng cơ sở, hiện thể của triết lý “ảo – thực” ấy là những tích hợp công nghệ cao như “trí tuệ nhân tạo” (robot thông minh), đám mây điện toán, dữ liệu số. Cuộc đổi thay tất yếu này của nhân loại, như nhiều chiến lược gia đương đại nhận định, đầy năng lượng của triển vọng cũng như thách thức. Triển vọng cho những cộng đồng và cá nhân ý thức được cuộc đổi thay và chuyển mình kịp theo cuộc đổi thay. Ngược lại, ấy sẽ là thách thức.
Trước và trong hiện tình như thế, Phật giáo Việt Nam với tổ chức đại biểu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ nhập cuộc như thế nào? Quá khứ đi qua thì đã rồi, nhưng những gì đang và sẽ luôn là những nan đề mà không dễ dàng để có câu trả lời thích đáng.
3.1.Nhìn lại
Đạo Phật Việt Nam hơn hai nghìn năm với nội quản luân lưu tinh thần tuyên ngôn nhập thế đã quyện hòa với vận mệnh dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hơn ba mươi lăm năm thành lập (1981-2017) với phương châm hành động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” được xác định trong Hiến chương cũng đã thật sự sát cánh chung vai, đồng hành cùng dân tộc dựng xây và gìn giữ đất nước. Nói “sát cánh chung vai“, “đồng hành” hay “chung thuyền” cùng dân tộc chính là nói đến sự nhập cuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần hoàn toàn chủ động thuận theo mệnh lệnh của những tuyên ngôn nhập thế lịch sử của đạo Phật Việt Nam. Báo cáo của Trung ương Giáo hội và của Ban Trị sự các tỉnh thành trong kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần 8, nhiệm kỳ 2017-2022, vừa qua cho thấy những trăn trở để nhập cuộc vì sự tồn tại và phát triển của Giáo hội nói riêng, vì sự ổn định và thịnh vượng của đất nước nói chung. Sự nhập cuộc đó của Giáo hội có thể nói mang tính toàn cục và toàn triệt. Một vài khía cạnh trọng yếu có thể trình bày sơ lược ở đây là: 1. Tổ chức và quản lý : Tự thân hình thái tổ chức thống nhất toàn quốc của Giáo hội theo mô hình “hai hội đồng”, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự, và hoạt động tương tự như một tổ chức nhà nước thế tục đã phần nào nói lên tính nhập cuộc của Phật giáo Việt Nam. Trong đó, Hội đồng Chứng minh đóng vai trò lãnh đạo tối cao, tương tự lập pháp, có chức năng đề ra các chủ trương chung nhất và giám sát mọi hoạt động do Hội đồng Trị sự với 12 ban ngành, tương tự hành pháp, thực hiện.
2. Giáo dục và đào tạo: Trong hệ thống giáo dục của Giáo hội, trên cả nước có 35 trường Trung Cấp Phật học, 9 Trường Cao đẳng Phật học, và 4 Học viện Phật giáo. Giáo dục Trung cấp là điều kiện bắt buộc để trở thành vị tu sĩ Phật giáo, còn giáo dục Cao đẳng và Học viện nhắm đến đào tạo nên những tu sĩ Phật giáo có khả năng hoằng đạo và dấn thân. Do vậy, chương trình giáo dục ở các Trường Trung cấp được thiết kế song hành với chương trình Phổ thông Trung học với những môn học Nội điển và Ngoại điển căn bản. Chương trình Cao đẳng Phật học nâng cao hơn về chuyên môn Phật học nhưng luôn được bổ sung các kiến thức thế học. Còn, chương trình giáo dục của các Học viện Phật giáo, nơi được phép đào tạo trình độ đại học và sau đại học Phật giáo, được thiết kế chuẩn theo chương trình giáo dục đại học quốc gia và quốc tế. Phật học được đối xử ở các môi trường đại học Phật giáo này không như là một niềm tin tôn giáo mà như một ngành khoa học xã hội nhân văn. Do vậy, khối kiến thức chung về các ngành khoa học và phương phương pháp khoa học luôn chiếm một tỉ lệ khá lớn trong chương trình đào tạo của các Học viện.
3. Kinh tế tài chánh: Loại hình kinh tế tu viện là một trong những nét đặc thù thể hiện tinh thần dấn thân của Phật giáo Bắc tông ở các nước thuộc vùng Châu Á – Viễn Đông, trong đó có Việt Nam. Trong Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ 8 vừa qua, một trong 9 điểm hành động được quyết nghị là nâng tầm tự chủ kinh tế của Giáo hội. Điều này chỉ ra rằng, loại hình kinh tế Giáo hội hướng đến mang tính đi xa hơn loại hình kinh tế tu viện mà hòa nhập vào xã hội hơn.
4. Từ thiện và công tác xã hội: Có lẽ đây là phương diện thường được nhìn nhận như là sự thể hiện nhập thế rõ ràng của Phật giáo. Làm việc từ thiện một cách tình nguyện vô tư là một thuộc tính của Phật giáo. Đặc biệt, hiện nay khi mặt bằng chất lượng về đời sống kinh tế của người dân tương đối tốt hơn, Giáo hội chủ trương đẩy mạnh công tác xã hội nhằm tăng cường năng lực cho cá nhân và cộng đồng. Các trường mầm non, các câu lạc bộ thanh thiếu niên, các khóa huấn tập kỹ năng ứng phó rủi ro thiên tai và nhân tai… được các tu sĩ và Phật tử thực hiện đó đây khắp nước là những hiện thể sống động của tinh thần nhập thế vậy.
5. Hoằng pháp và truyền thông: Giáo hội có hai ban ngành là Hoằng pháp và Truyền thông. Hai ban ngành này hoạt động độc lập nhưng tương quan mật thiết. Hoằng pháp là phát triển, khiến Phật pháp lan rộng xã hội nhân quần bằng nhiều phương thức và phương tiện khác nhau. Còn truyền thông, theo nghĩa hẹp, đó là hình thái hoằng pháp bằng phương tiện đặc biệt, ứng dụng phương tiện công nghệ IT hiện đại, nhằm tối đa hóa sự lan rộng, sự nhập thế của Phật giáo: một hiện thể nhập cuộc mang hơi thở của thời đại.
Khi nói toàn cục và toàn triệt, nghĩa là bất cứ khía cạnh nào của Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội PGVN nói riêng đều có thể tìm thấy bàng bạc tinh thần nhập thế, và trên đây chỉ là một vài điển hình. Điều căn cốt tinh thần nhập thế của đạo Phật, như được đề cập ở trên, phải là “nhập cuộc nhưng không tục hóa“. Do vậy, hai câu hỏi luôn thường được Giáo hội trăn trở là:
1. Liệu chừng hiện thể nhập cuộc toàn triệt như thế có tuân thủ được tinh thần nhập thế trong sáng của đạo Phật hay không?
2. Liệu chừng sự nhập cuộc đang là ấy của Giáo hội có cùng nhịp bước với đà phát triển của thế giới và đất nước hay không?
Rõ ràng, hễ còn trăn trở nghĩa là vẫn đang còn đó những vấn đề, thậm chí là những vấn đề rất “nóng”. Những hiện thể nhập cuộc (chẳng hạn, tổ chức Giáo hội, hình thái kinh tế,…) như đang thể hiện một khuynh hướng tục hóa, và tỏ vẻ chậm bước trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. hôm nay.
3.2. Hướng tới
Như chúng ta biết, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế của thế giới và đất nước. Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới đã định nghĩa về cuộc này như sau: “Cách mạng công nghiệp lần đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.”
Không thể khác hơn, đất nước Việt Nam chúng ta cũng đang chuyển mình, như Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Thông tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn chỉ đạo, kích phát những tiềm năng xã hội hướng tới thế giới số, từng bước chủ động đón đầu ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tích hợp. Nói gọn hơn, đất nước đang chủ động chia động từ “to do” – nhập cuộc – vào xu thế đang là của thế giới. Trước hiện tình thôi thúc này, Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng, hẳn cũng đang súc tích năng lượng cho cuộc chuyển mình để hòa nhịp tiến bước của đất nước và thế giới. Nói rằng “hẳn” nhưng ý nghĩa mang tính xác lập, tất yếu và “súc tích năng lượng” mang ý nghĩa chuẩn bị với tính cách tích cực. Nhưng bằng cách nào và phải bắt đầu từ đâu?
Theo gợi ý của nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước liên quan đến chiến lược đón nhận làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, việc đầu tiên nên là đào tạo nguồn nhân lực mạnh về công nghệ kỹ thuật số như Clould Computing, Data Technology, Data Analytics. Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội PGVN nói riêng chắc chắn cũng phải như thế, nếu muốn nhập cuộc và nhịp bước song hành với sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cần nhớ rằng Giáo hội không thể so bì với xuất phát điểm và nội lực của đất nước. Theo quan sát của người viết, ý thức về tính tất yếu phát triển của xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ đang rất giới hạn trong một số ít quý vị lãnh đạo cao cấp và tri thức của Giáo hội; dư ra đại đa số Tăng Ni và Phật tử vẫn còn đang tỏ ra hờ hững và khá lờ mờ về xu hướng này. Bởi thế, theo người viết, để nhập thế và nhập cuộc theo nhịp bước của thời đại hôm nay, Giáo hội PGVN cần xây dựng 3 chiến lược:
1. Gây dựng và lan rộng ý thức về cuộc CMCN 4.0: Đây chắc chắn phải là việc làm đầu tiên, bởi hành động có và chỉ có theo sau ý thức và hiệu quả lớn mang tầm vĩ mô của hành động có và chỉ có khi có được sức mạnh ý thức tập thể vĩ mô.
2. Đào tạo nguồn nhân lực về CMCN 4.0: Con người là yếu tố tiên quyết. Khởi đầu cho bước đi này hẳn phải là chương trình giáo dục và đào tạo nhân sự của Giáo hội. Cụ thể, các môn học khoa học căn bản như Toán học, Công nghệ IT cần phải được tích hợp trong chương trình đào tạo của các trường và học viện Phật giáo.
3. Ứng dụng Công nghiệp 4.0 trong tổ chức, quản lý, điều hành và hoằng pháp: Hai điểm đặc thù trong CMCN 4.0 là: 1, tính làm mờ ranh giới giữa những phát triển công nghiệp về sinh học, vật lý và kỹ thuật số trước đây, và 2, tính biến các “thực” thành “ảo” và biến các “ảo” ấy thành “thực”. Thế giới đã có và đất nước cũng đang có những thành tựu về sự ứng dụng cuộc cách mạng đương đại này, chẳng hạn, tích hợp các môn học có mối tương quan, cấp số định danh cho công dân… Hội đồng Trị sự TƯ Giáo hội, hẳn cũng nên bắt đầu nghĩ tới vấn đề này, chẳng hạn, tích hợp giáo lý trong việc hoằng pháp hay cấp số định danh trong việc quản lý Tăng Ni và tín đồ Phật tử.
Kết Luận
Nhập thế nhưng với điều kiện không tục hóa là một yếu tính của đạo Phật. Trong lịch sử hơn hai ngàn năm hòa chung trong huyết quản văn hóa Việt, Phật giáo Việt Nam với hai tuyên ngôn nhập thế “Cư trần lạc đạo” và Thiệt tế đại đạo” làm cương lĩnh hành đạo đã thật sự thực thi vai trò “hộ quốc an dân”. Hôm nay, thế giới và đất nước đều đang cuồn cuộn trong làn sóng CMCN 4.0, Phật giáo Việt Nam với đại biểu là Giáo hội PGVN hẳn không thể là kẻ ngoài cuộc, nhưng hình như chỉ mới đang sẵn sàng. “Đang sẵn sàng” nghĩa là đã chưa bắt đầu và như thế là chậm bước. Có thể “chậm để chắc”, nhưng nếu quá chậm thì sẽ bỏ lở cơ hội và sẽ mãi mãi tụt hậu và cuối cùng thành kẻ bên lề. Phật giáo Việt Nam với sứ mệnh nhập thế “hộ quốc an dân” không bao giờ là kẻ bên lề đối với dân tộc Việt Nam. Đây là điều có thể khẳng quyết vậy.
Mời các bạn đón đọc Phật Giáo Và Cách Mạng Công Nghiệp 4.0 của tác giả Thích Nhật Từ & Thích Đức Thiện.
Nguồn: dtv-ebook.com