Chiếc cáng gấm màu tía, hôm nay từ trong hoàng thành trở về phường Thái Hòa muộn hơn hẳn mọi ngày. Khi qua gian nhà ông già thợ mộc ở đầu phường, rèm cáng cũng không vén mở như thường lệ, khiến cho chủ nhà, nhác thấy bóng cáng từ xa, đã xắm nắm thu xếp đồ nghề, đứng chực sẵn ở thềm để chắp tay chào đón như mọi lần cáng đi qua, hôm nay phải ngơ ngẩn đứng nhìn theo mãi cho đến khi hai người lính hộ vệ chạy gằn theo cáng đã khuất hẳn vào trong vòm cổng đồ sộ của tòa phủ đệ dựng khang trang ở giữa phường1.
Những người dân phường Thái Hòa2 hôm nay cũng nhận ra vẻ khác thường trong cung cách trở về sau buổi dự đại triều của con người vẫn được trọng vọng nhất phường này. Mấy bà lạ dòng rỗi miệng cụm ngay lại để xì xào:
– Quan Đôn quốc Thái úy3 hôm nay hẳn có việc trọng đại…
– Hay là sức lực ngài gặp lúc bất an?
Đứa cháu nhỏ của ông già thợ mộc, thấy ông quay vào nhà, dáng đăm chiêu, cũng lặng lẽ đến gần, nắm lấy bàn tay gân guốc, ngước mắt dò hỏi. Khẽ xoa mái tóc trái đào, ông già thợ mộc gật gật đầu, nhưng chỉ dõi mắt ra xa, yên lặng suy nghĩ: “Phải, việc triều chính bây giờ đang gặp phải những chuyện tầy trời, Quan Đôn quốc Thái úy phen này tất phải vất vả đương đầu…”.
Là người cùng phường lại đồng tuổi với quan Đôn quốc Thái úy, tuy thân phận cách vời, nhưng ông già thợ mộc biết rõ lắm về người đứng đầu triều đình nhà Lý bây giờ. Bởi, từ thuở hàn vi, khi chưa được làm Thiên tử nghĩa nam4 và được ban quốc tính5, khi còn là chú bé mang tên Ngô Tuấn, quan Thái úy ngày ấy với người thợ mộc này đâu có phải là chỗ xa lạ gì! Những cánh cung, ngày càng có yêu cầu phải cứng mạnh hơn, để cho cánh tay ngày ấy còn mảnh dẻ tập giương dây, phóng tên suốt đêm ngày, chẳng phải do bàn tay thợ này miệt mài chế tạo thì là tay ai? Những thành đất, lũy cát, dựng lên hết kiểu này đến cách khác, để cho khối óc còn non trẻ khi ấy thử tính hết cách công phá lại bố phòng, cũng chẳng phải do bàn tay thợ này vất vả xây đắp thì là tay ai?6. Đến khi là một chàng trai hai mươi tuổi, được sung chức Kỵ mã hiệu úy7 thì bộ yên cương của viên quan võ trẻ tuổi Ngô Tuấn cũng chẳng phải do bàn tay thợ này dụng công làm thì là tay ai?
Chỉ có từ khi được bổ vào ngạch thị vệ để chuyên hầu vua, nhất là từ khi quyết chí tự hoạn8 để vào làm việc hẳn trong cung cấm, trải chưa đầy một giáp9 đã nổi tiếng nội đình: từ chức Hiệu úy, ít lâu sau đã thăng chức Thái bảo, đứng hàng thứ tư trong triều, rồi chức Thái phó – thứ hai trong triều, để rồi bây giờ, bước hẳn lên ngôi Đôn quốc Thái úy đầu triều, Ngô Tuấn – Lý Thường Kiệt mới phải xa người cộng sự cùng tuổi cùng quê với mình. Tuy nhiên, dựng phủ đệ ở phường cũ, mỗi khi từ triều về nhà, có bao giờ Lý Thường Kiệt lại quên vén cánh rèm tía để tỏ mối tình thân xưa cũ với người thợ mộc, nay đã cùng với mình, cứ mỗi ngày một cao tuổi dần lên?
Trong khi người thợ mộc già phường Thái Hòa nghĩ ngợi như vậy thì tại sảnh đường giữa tòa phủ đệ rộng lớn, Lý Thường Kiệt cũng đang trầm ngâm suy tính bên chiếc án thư. Trước mặt ông, mở hé tờ mật trình vừa từ nơi viễn châu phía nam gửi về. Đã xem xong bức mật thư, nhưng hẳn trong tờ trình có điều phải suy nghĩ, cho nên nét mặt vị đại thần đứng đầu triều Lý mới u ám đăm chiêu thế kia! Xoay mãi chén sâm trên tay nhưng không nhấp giọng, Lý Thường Kiệt cúi đầu suy tính nhiên man, thỉnh thoảng lại thốt lên khe khẽ: “Chà, Lý Đạo Thành! Lý Đạo Thành…”.
Hồi lâu, như tạm dứt khỏi mạch suy nghĩ, Lý Thường Kiệt với tay đặt tờ trình mật vào trong chiếc tráp nhỏ ở góc án thư, đoạn gõ một tiếng vào chiếc chuông đồng nhỏ treo bên cạnh án. Bóng viên quan hầu thân tín hiện ra ở nơi cửa ngách, chắp tay, cúi đầu.
– Có tin tức gì từ Ung Châu10 chưa ? Lý Thường Kiệt hỏi khẽ.
– Dạ bẩm, người của ta phái đi đã kịp về tới nơi… Viên quan hầu cũng khẽ khàng trả lời.
– Cho vào hầu ngay!
Tươi nét mặt nhưng vẫn không hết vẻ bồn chồn, Lý Thường Kiệt sửa lại bộ triều phục, tựa mình vào án thư, đợi. Một lát sau, từ nơi cửa ngách, hấp tấp tiến ra một bóng người khoác áo cà sa, cung kính vái chào:
– Trình quan Đôn quốc Thái úy, tiểu tử đã về!
– Miễn lễ – Lý Thường Kiệt chỉ chiếc đôn đặt cạnh án thư cho người khoác áo nhà sư – Bây giờ, ngươi khá vắn tắt nói cho ta hay công việc bên Tống triều rồi hãy thảo tờ trình kỹ lưỡng sau.
– Dạ bẩm, tình hình ngoài biên lúc này rất khó. Tiểu tử nhờ tấm áo khoác này và tờ bằng sắc của nhà chùa nên mới tạm che mắt được người Tống ít lâu11 – Ngồi nhón trên chiếc đôn, người thám tử của Lý Thường Kiệt vừa sửa lại nếp áo vừa nói nhỏ–Tống triều vừa cử quan Kinh lược an phủ sứ mới của Quảng Tây là Lưu Di thay Thẩm Khởi12. Di mới nhận chức đã hạ lệnh cấm ngay người Việt ta sang đất Tống buôn bán, đề phòng việc trà trộn dò xét tình hình của chúng. Khắp vùng Tả, Hữu Giang đều được lệnh phải nộp thuế bằng nhóc để tích trữ binh lương. Lại ra sức bắt dân vùng Khê Động tập trận, huy động cả thuyền muối để tập thủy chiến…
– Quân đội chính quy của Tống triều đóng tại Ung Châu hiện nay động tĩnh thế nào?
– Dạ bẩm, vẫn có một “tướng” gồm năm nghìn quân chực sẵn để đón và nhập vào đại binh từ phía bắc chưa biết lúc nào sẽ bất thần kéo xuống. Nhưng họ vừa chia quân, đặt năm trại Hoành Sơn, Vĩnh Bình, Thái Bình, Cổ Vạn và Thiên Long bao quanh thành Ung về phía nam, sát biên giới với ta để che chở cho Ung Châu, đề phòng ta đánh úp…
– Chà, bọn này xảo quyệt thật – Lý Thường Kiệt chợt nghiến răng thốt lên, nhưng rồi lại giữ giọng nhẹ nhàng nói với người thám tử lợi hại-Ngươi hãy lui về nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và làm tờ trình cho thật đầy đủ!
Đợi cho tấm áo cà sa nhẹ nhàng lánh vào tấm cửa ngách, Lý Thường Kiệt mới vươn tấm thân lực lưỡng đứng dậy, đi lại vài bước quanh án thư. Suốt buổi đại triều dự bàn công việc quốc gia đại sự với các đình thần, trở về đến phủ đệ lại dồn dập tình hình biên viễn bắc nam, vị võ tướng đương tuổi năm mươi nhăm sung sức làm việc mà cũng đã thoáng thấy thấm mệt. Nhưng, trước khi lục tráp, cầm lấy tờ mật trình về cựu thái sư Lý Đạo Thành ở châu Nghệ An13 để mang sang gian tư thất tiếp tục tra xét, Lý Thường Kiệt còn dặn với vào tấm cửa ngách:
– Truyền sẵn sàng võng cáng để canh năm ngày mai ta vào bệ kiến Hoàng thái hậu!
*
* *
Khi Ỷ Lan trở thành Hoàng thái hậu Nhiếp chính và Lý Thường Kiệt trở thành Tể tướng, Lý triều đang buổi hưng thịnh, quả cũng đang cần những con người sắc sảo và năng nổ ấy để cầm giữ các giường mối, đối với tình thế trong nước, ngoài biên, khiến cho non sông đang đà khởi sắc, càng nhanh chóng thịnh cường.
Đúng là như cá gặp nước, Hoàng thái hậu Nhiếp chính Ỷ Lan và quan Đôn quốc Thái úy Lý Thường Kiệt, ở những địa vị mới của mình, đã thả sức thi thố những biện pháp dựng nước yên dân, khiến cho chỉ trong một thời gian ngắn mà thế nước và sức dân đã mạnh hẳn lên. Tiếng khen từ khắp nơi bay về càng làm nức lòng người nắm giữ quyền binh và càng thôi thúc lo toan những việc lớn hơn nữa, vào những lúc như lúc này…
Sau khi dâng hầu trà nước xong, đám thị vệ và cung nữ đã lặng lẽ rút cả ra ngoài, gian điện Tập Hiền trở lại không khí trang nghiêm, im ắng. Khi ấy, Lý Thường Kiệt mới nói rõ ý định vào chầu của mình:
– Tâu Hoàng thái hậu, thần vừa thu được những tin tức đáng ngại ở mạn biên cương phía Bắc. Tống triều như vậy là càng ngày càng ráo riết mưu toan xâm lấn. Chiến tranh sớm muộn ắt phải xảy ra, không tránh khỏi. Cho nên thần đã quyết định: Ngồi chờ giặc đến, không bằng đem quân ra trước…14
Ỷ Lan mở tròn đôi mắt:
– Xưa nay chỉ có việc giặc đến thì ta đánh, chứ có bao giờ lại xảy ra việc nước nhỏ đánh trước nước lớn như vậy đâu?
– Tâu Hoàng thái hậu, binh lực Lý triều mà thần ra công xây dựng bấy lâu, nay đã đủ mạnh để làm việc đó15. Vả chăng thần cũng sẽ chỉ nhằm vào thành Ung Châu là trung tâm chuẩn bị các cuộc ra quân xâm lược của Tống triều để mà triệt phá, còn sau đó thì sẽ lui về huy động thêm dân binh đánh giặc trên đất nhà…
– Thôi được, việc binh nhung là sở trường của khanh, ta để khanh mặc sức lo liệu…
– Tâu thái hậu – Lý Thường Kiệt bỗng trở nên đắn đo – Như vậy là thần sẽ phải cầm quân ra ngoài cõi một thời gian chưa biết bao lâu. Trong khi đó, công việc trong triều trăm phần bề bộn, không người cáng đáng giúp thái hậu là việc thần lo nghĩ đêm ngày. Cho nên, thần mới tính đến Lý Đạo Thành…
Lần này thì Ỷ Lan ngạc nhiên thật sự:
– Khanh quên rằng Lý Đạo Thành là người đã tôn phò Thượng Dương, kẻ thù của ta rồi sao? Vả lại, phải chăng trước đây khanh không phải là người chủ trương đưa Đạo Thành đi khỏi triều đình?
– Tâu thái hậu, Lý Đạo Thành là lão thần của Lý triều, một thời giữ quyền tể tướng nên cũng là người biết việc – Lý Thường Kiệt quả quyết – Phạm lỗi, Đạo Thành bị đổi đi coi châu Nghệ An, nhưng việc ấy không phải là không gây chấn động trong lòng người. Chừng nào mà thần còn ở giữa triều đình thì sức chấn động ấy đành phải lắng xuống. Nay thần phải cất quân ra ngoài, việc triều đình sẽ không biết thế nào để lường được. Mà ở nhà nếu không yên thì tướng ra ngoài cõi cũng không thể đánh giặc…
Chờ một lát cho nét mặt Hoàng thái hậu Nhiếp chính dịu lại, Lý Thường Kiệt nhẹ nhàng tiếp:
– Vả chăng, Lý Đạo Thành từ khi vào coi châu Nghệ cũng không để xảy ra điều tiếng gì. Thần vừa được mật trình là ở nơi viễn châu ấy, Đạo Thành đã cho dựng chùa và mang theo thần vị của tiên đế để thờ. Đành rằng vua không được tế ở nhà thần bộc, cha không được thờ ở nhà con thứ16, nhưng việc làm ấy của Đạo Thành cũng chứng tỏ là Đạo Thành không có ý gì khác. Vậy nên, nếu bây giờ Hoàng thái hậu lại cho gọi Đạo Thành về triều, trao lại cho Lý lão thần chức Tể tướng như cũ, thần chắc chắn là chẳng những Đạo Thành sẽ hết lòng thay thần giúp thái hậu gánh vác công việc triều chính, mà lòng người ở đâu cũng đều sẽ yên hết!
Vừa nói, Lý Thường Kiệt vừa lấy trong bọc ra tờ mật trình công việc ở châu Nghệ An dâng lên Ỷ Lan. Liếc qua tờ trình, Hoàng thái hậu nhà Lý bàng hoàng hồi lâu rồi nhìn thẳng vào mắt người đối diện mà truyền phán:
– Quan Đôn quốc Thái úy! Không phải chỉ là việc quân sự mà cả việc chính trị nữa, khanh cũng là người khác vời. Tâm huyết của khanh với Lý triều và nước Đại Việt ta, cũng vừa sâu nặng, vừa rộng mở. Ta thật mừng mà có được một đại thần như khanh…
Mời các bạn đón đọc Những Vì Sao Đất Nước Tập 5 của tác giả Nguyễn Anh & Văn Lang & Quỳnh Cư.
Nguồn: dtv-ebook.com