Nước chảy mây trôi (NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) là tập truyện ngắn và ký mới nhất của cây bút nữ Nguyễn Ngọc Tư, chủ yếu viết về cuộc sống đời thường của những con người bình dị ở vùng nông thôn quê chị.
Cuốn sách dày hơn 150 trang gồm sáu truyện ngắn và 17 bút ký, Nguyễn Ngọc Tư kể về quê hương với bao kỷ niệm ấm áp, êm đềm, nêu lên những vấn đề về thân phận con người, về quan hệ tình cảm giữa họ với nhau.
Nguyễn Ngọc Tư, cây bút nữ còn rất trẻ quê ở Ðầm Dơi, Cà Mau, vùng đất tận cùng cực nam của Tổ quốc vừa xuất hiện trên văn đàn đã gây được sự chú ý của bạn đọc cả nước. Với Ngọn đèn không tắt, tập sách đầu tay do NXB Trẻ ấn hành năm 2000, chị đã giành giải nhất Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần thứ II. Năm 2001, chị cho ra mắt tập truyện ngắn Ông ngoại và năm 2003 tiếp tục xuất bản hai tập Giao thừa và Biển người mênh mông giành liền ba giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam (trong đó có hai giải B).
Cả sáu truyện ngắn đều tập trung vào đề tài tình yêu, khi là mối tình ngang trái, éo le (Chiều vắng, Nhà cổ, Nước chảy mây trôi), lúc là tình duyên dở dang, trắc trở (Qua cầu nhớ người, Mối tình năm cũ, Huệ đi lấy chồng).
Những truyện ngắn này được tác giả triển khai khá nhẹ nhàng mà sâu sắc. Người viết không đặt vấn đề trong sự va đập gay gắt của hoàn cảnh cũng không đẩy tới tận cùng những xung đột quyết liệt của tính cách mà đi sâu vào tâm trạng nhân vật làm nổi bật chủ đề và bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp của con người: sự chịu đựng, đức hy sinh, lòng vị tha, bao dung qua gian nan thử thách.
Bút ký của Nguyễn Ngọc Tư ngắn gọn mà súc tích. Có những trang như là tùy bút (Cửa sau, Lời cho má); những tản văn về địa chí, phong tục (Chợ nhóm bên đường, Ðất mũi mù xa, Quán nhớ), nếu gạt bỏ tên người, tên đất cụ thể mà gắn vào đó những danh từ phiếm chỉ thì có thể trở thành những truyện ngắn hết sức cảm động, thông qua đó người ta cảm nhận, chiêm nghiệm được nhiều điều về cuộc sống, con người.
Nguyễn Ngọc Tư viết như sự trả nghĩa với đồng đất quê hương mà chị gắn bó máu thịt, đau đáu về xóm làng, người thân, ba má chị, những người bạn thuở nhỏ như Nguyệt, như Bèo, và đồng cảm với dì Hai có cái hiệu tạp hóa “cất dứa mé sông” để người đi đâu về đâu biết đường mà tìm về quê… Những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư day dứt người đọc bởi những thân phận, những cảnh đời và bởi sự thay đổi của làng quê trong thời kinh tế thị trường. Ở đó, nếp xưa, cảnh cũ gần gũi thân quen cứ dần mất mát, cái mới, cái giàu chưa kịp tới, cái đẹp, cái truyền thống đã bị xâm hại.
Sự phê phán trong Nước chảy mây trôi thật thấm thía. Qua cầu nhớ người chỉ bằng mấy chi tiết tác giả đã phản ánh được nghịch cảnh xã hội, vạch ra lối làm việc quan liêu, sự vô cảm của lãnh đạo xã nọ trước những yêu cầu bức thiết của người dân: “lãnh đạo xã còn vội đi đánh ten-nít, không có thời gian bàn bạc về việc xây cầu, đêm đêm sân ten-nít đèn điện sáng choang, còn quán xá, nhà cửa thì lom dom đèn dầu”; Cửa sau là nỗi bức xúc trước tệ nạn hối lộ được tác giả phanh phui tế nhị nhưng sâu cay; Ðất mũi mù xa cảnh báo nguy cơ hủy diệt tài nguyên sinh thái ở địa phương; Chờ đợi những mùa tôm đặt ra biện pháp về việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở nông thôn để đạt hiệu quả cao…
Viết tự nhiên, nhuần nhụy, giàu hàm ý, ngôn ngữ và cách diễn đạt đậm chất Nam Bộ, cuốn sách của Nguyễn Ngọc Tư giúp con người biết sống sâu sắc, sống có trách nhiệm với những người chung quanh và những gì diễn ra quanh mình.
(theo ”Nước chảy mây trôi”-tập truyện ngắn và ký mới của Nguyễn Ngọc Tư – Báo Nhân Dân)
Ghi chú: File ebook dưới đây được làm theo mục lục của sách đã xuất bản, các truyện được tổng hợp từ các nguồn báo và trang web VIET-STUDIES, do đó có thể sai khác so với bản gốc.
Nguồn: dtv-ebook.com