“Cát cháy” viết trực diện về chiến tranh, về cuộc chiến đấu của quân ta với quân địch, mà quân ta ở đây là những đứa trẻ của đội du kích thiếu niên ở Cô Sơn.
Từ đây, tác giả đã viết nên một câu chuyện cảm động về sự can đảm, lòng quyết tâm, về tình bạn, tình đồng đội, tình thân vô cùng chân thực, dung dị.
Chiến tranh còn nóng hổi mùi bom đạn, với những cuộc càn quét, dồn dân ráo riết của quân địch, nhưng ở đó có những đứa trẻ không sợ đánh giặc. Từ nhỏ đã ý thức được cần phải tham gia vào chiến tranh, phải bền gan bền chí chiến đấu với kẻ thù, để không bị bạn bè chê cười, và để cùng giúp sức với các chú bộ đội lớn hơn.
Tuổi nhỏ mà kiên gan, như Ba, như bé Một, như Thấn… và rất nhiều những đứa trẻ khác nữa.
Theo dõi hành trình hàng ngày giữa bom đạn ác liệt của những đứa trẻ này, người đọc vừa cảm phục vì sự thông minh, dũng cảm của chúng, lại vừa thót tim, lo lắng mỗi khi thấy chúng đối diện với hiểm nguy.
Sự hy sinh của bé Một, cô bé giao liên tháo vát, nhanh nhạy và can đảm đã khiến cho mỗi đứa trẻ sững sờ. Chứng kiến cái chết của cô bạn nhỏ thân thiết, cô đồng chí anh hùng, mỗi đứa trẻ đều như lớn lên, trong đó người chịu tác động nhiều nhất là cậu bé Ba.
Ba và Một đã cùng lớn lên và có những kỷ niệm thân thiết với nhau. Tác giả đã dành cho Ba và Một những trang văn vô cùng thơ mộng giữa bom đạn, để dệt nên những khoảnh khắc kỷ niệm đẹp đẽ của hai người bạn, hai người anh em, và đâu đó, tưởng như đã nhen nhóm những rung cảm sâu kín lạ lùng.
“Từ phía bờ sông, có một mùi hương như mùi hương hoa dủ dẻ phảng phất theo làn gió bay vào. Mùi hương như tâm hồn con người, qua chiến tranh còn bền vững hơn chính bản thân sự sống của mỗi con người”. Mùi hương ấy, có lẽ Ba sẽ còn giữ mãi, để nhớ về Một. Và sự ra đi của Một khiến Ba trưởng thành hơn, và càng vững tin hơn nữa vào lý tưởng mà mình đang đi.
Trong buổi lễ kết nạp thành viên mới của đội du kích thiếu niên, những đứa trẻ để tưởng nhớ về người đồng chí nhỏ nhắn Huỳnh Thị Một đã quyết định lấy tên cô bé đặt cho Đội. Câu chuyện ấy buồn bã nhưng cảm động đến chừng nào.
Những đứa trẻ chiến đấu trong Cát cháy của nhà văn Thanh Quế, gợi nên biết bao nhiêu hình ảnh trẻ thơ đẹp đẽ kiên ngang trong chiến trường, như Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca trong Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, hay cậu bé Gavroche trong Những người khốn khổ của văn hào Victor Hugo, hay cậu bé Ivan trong bộ phim Ivan’s Childhood của đạo diễn nổi tiếng người Nga Andrei Tarkovsky…
Chiến tranh và trẻ thơ vốn dĩ là hai phạm trù hoàn toàn trái ngược nhau. Trẻ thơ, với sự hồn nhiên, thơ ngây đáng lẽ nên được hưởng một đời sống yên bình, hạnh phúc, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy ra, và mỗi đứa trẻ, vẫn có thể trở thành những người anh hùng.
Như những chú lính chì dũng cảm, chúng vượt qua sợ hãi, vượt qua mất mát, để sống cuộc đời phải sống. Mỗi nhà văn khi viết về trẻ con trong chiến tranh, đặc biệt khi chứng kiến khoảnh khắc ngã xuống của chúng, đều như trầm lại, ngậm ngùi, và đầy đau thương.
Tác giả Thanh Quế đã có được những trang văn vô cùng cảm động, chân thành và dung dị về những đứa trẻ sống trong thời đại khói lửa buồn thảm ấy. Dù viết về một cuộc chiến trực diện, nhưng văn của Thanh Quế, vốn cũng là một nhà thơ, lại vô cùng mềm mại, uyển chuyển, và đầy những tâm tư.
Ông đi sâu vào suy nghĩ trăn trở của mỗi đứa trẻ, như Ba, dù rất dũng cảm, luôn quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, nhưng trong lòng luôn đau đáu một nỗi buồn về người mẹ của mình. Như Thấn, vô cùng thông minh, nhưng lại luôn lo lắng sẽ thua kém bạn bè, bị bạn bè coi thường….
Và hơn hết, tác giả đã viết nên một khúc ca đẹp về tình bạn, tình đồng chí, tình thương mến giữa những đứa trẻ với nhau. Chúng tự đến bên cạnh nhau, an ủi, khích lệ, vun đắp và giúp nhau trưởng thành.
Tác phẩm của Thanh Quế hôm nay đọc lại còn thấy vẫn nguyên cảm giác rùng mình vì sự phá hủy của chiến tranh, và vẫn thấy rưng rưng lòng bởi những mất mát, những khổ cực và chân tình mà những đứa trẻ dành cho nhau. Chuyện chiến tranh khép lại được chưa? Có lẽ, ở xứ sở đã chìm trong chiến tranh lâu đến thế, mất mát nhiều đến thế, chuyện chiến tranh vẫn chưa thể khép lại.
Tiểu thuyết Cát cháy của Thanh Quế được lấy chất liệu từ những hoạt động chân thật của Đội du kích thiếu niên Hòa Hải, vùng chân núi Ngũ Hành Sơn, giàu truyền thống cách mạng và văn hóa, vào những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt.
Tập sách đã được giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1981 và là một trong hai tác phẩm đoạt giải thưởng Nhà nước năm 2012 của nhà văn Thanh Quế…
Nhà văn Thanh Quê vốn quê gốc ở Phú Yên. Tại đây ông còn mẹ già và các em gái. Nhưng ngay sau chiến tranh ông sống ở thành phố Đã Nẵng, nơi ông đã gắn bó và cầm bút gần nửa thế kỉ qua. Đà Nẵng chính là quê hương thứ hai nơi lưu giữ những hồi ức sống động bi thương và đẹp đẽ nhất của cuộc đời nhà văn.
Ông từng là học sinh miền Nam ra Bắc học ở trường học sinh miền Nam số 24 Hà Đông, rồi vào học khoa sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1969 ông vào công tác ở chiến trường khu V. Hiện nay ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng thư ký Hội Nhà văn Đà Nẵng.
Nguồn: dtv-ebook.com