LỜI GIỚI THIỆU
NGÔ VĨNH LONG
Giáo sư Sử học Đại học Tổng hợp bang Maine
(University of Maine), Hoa Kỳ.
Tác phẩm này là một công trình rất quý giá, vì đây là lần đầu tiên tư liệu trong và ngoài nước được tập hợp trong một cuốn sách để miêu tả và giải thích tầm quan trọng và quan hệ của “5 đường mòn Hồ Chí Minh” trong việc chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam cũng như trong việc giữ liên lạc giữa miền Nam với miền Bắc.
Trước đây, khi nói đến chi viện miền Bắc cho chiến trường miền Nam thì người ta chỉ chủ yếu nghĩ đến đường Trường Sơn, một phần vì sự tàn khốc ở đây: khoảng một triệu tấn bom đạn Mỹ đã tàn phá dọc đường này, làm cho khoảng hai vạn chiến sĩ miền Bắc đã ngã xuống và khoảng 20.000 người bị tàn phế.
Các đường tiếp viện khác, tuy đã đóng góp rất lớn trong việc chi viện cho miền Nam và việc giữ liên lạc giữa hai miền, không được người ta chú ý đến nhiều vì chúng đã được bảo đảm bí mật bởi những người trong cuộc, bởi dân chúng trong nước và những người yêu mến Việt Nam ở nước ngoài.
Không phải chính phủ Hoa Kỳ và các chính quyền Sài Gòn không biết đến bốn đường tiếp viện khác, ngoài đường Trường Sơn, như được miêu tả trong sách này. Đọc những báo cáo của Mỹ về chiến trường tại Việt Nam trong các kho lưu trữ tại Hoa Kỳ, ta thấy là các cục tình báo Mỹ đã đề cập đến các con đường này hàng nghìn lần. Nhưng vì sự bảo đảm bí mật nói trên, họ chỉ biết rất lõm bõm nên đã không thể đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của chúng để có những biện pháp ngăn chặn hay phá hủy một cách hữu hiệu hơn.
Nhưng vì yêu cầu bảo đảm bí mật nên chính những người trong cuộc cũng chỉ biết đường dây của chính mình thôi và không biết rõ những hoạt động của người khác hay biết bức tranh toàn cảnh là gì.
Cuốn sách này, lần đầu tiên, giúp cho người đọc biết tương đối rõ rệt bức tranh toàn cảnh của việc chi viện cho miền Nam cũng như những hoạt động cụ thể của từng con đường tiếp viện và của các nhân vật chủ chốt trong đó. Tiếng nói của các nhân vật chủ chốt được trích trong sách này là một đóng góp rất quan trọng và rất sống động mà chưa quyển sách nào hay bài báo nào làm được.
Nhiều nhân vật chủ chốt đều cho biết họ sẽ không thể hoàn thành những nhiệm vụ được giao phó nếu không có sự ủng hộ, sáng tạo và bảo vệ của người dân. Nhưng những nhân vật chủ chốt được trích trong sách này đã không nói rõ là vì sao nhân dân đã hi sinh lớn đến như vậy để giúp thiết lập và bảo vệ “5 đường mòn Hồ Chí Minh” này. Đó là nhờ trong suốt thời gian từ năm 1945 đến năm 1975 Cách mạng đã giành được chính nghĩa.
Chính phủ miền Bắc và Mặt trận Giải phóng Miền Nam (sau đó là Chính phủ Cách mạng Lâm thời) có chính danh vì đã tranh đấu giành độc lập và tự do cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Chính nghĩa và chính danh, chứ không phải chỉ các hoạt động bí mật và sáng tạo, đã giúp cho Cách mạng không những bảo vệ được 5 con đường miêu tả trong sách này mà còn bảo vệ tổ quốc và giành lại độc lập cho toàn dân tộc.
Nếu cuốn sách này có gợi ra được một ấn tượng, hay một ý gì đáng suy nghĩ nhất cho người đọc thì đó là việc huy động được lòng dân – nhân dân trong nước và nhân dân thế giới.
Thêm vào đó, người đọc có cảm nhận ngay đây là một cuốn sách có tinh thần khoa học rất cao. Tác giả đã nghiên cứu rất công phu, đã đối chiếu và phân tích các tư liệu với sự trung thực của một sử gia, và đã không qua đó mà phê phán cách tiếp cận của bất cứ một người nào hay đường lối chính trị của bất cứ một phe phái nào từ trong cuộc chiến đến nay.
Nguồn: dtv-ebook.com