Ngôi chùa cổ truyền thống trên mọi miền của giải đất chữ S là kết tụ tinh thần “muôn đời muôn thuở” của người Việt. Đã một thời rất dài chùa gắn vào cuộc sống thường ngày trước việc ứng xử với cái đẹp, để trở thành những mảnh tâm hồn nhân thế và cõng trên lưng biết bao vấn đề của lịch sử dân tộc. Xưa nay các bậc trí giả thường nhận ra rằng – ngôi chùa không chỉ là nơi để con người gửi gắm mối liên hệ với thần linh bằng các cuộc hành lễ khô khan, nghiêm túc và nhiều khi dưới góc độ riêng của một tông phái nào đó, nó còn như nhuốm màu mê tín dị đoan, mà trong quá trình tồn tại, ở nhiều thời, ngôi chùa đã mang đậm địa vị “vàng son” để trở thành trung tâm văn hóa của làng xã. Nơi đây khách hành hương tưởng như được nhìn vào mảnh trời cực lạc để ngẫm về lẽ vô thường của cuộc đời, về cội nguồn mà “kiến tính”, nhằm xây dựng lòng yêu quí con người và yêu quê hương xứ sở. Song, cũng nhiều thời do sự tha hóa của các kiếp tu hoặc của sự cực đoan mà cảnh chùa trở nên tiêu điều. Như thế, mặc nhiên, nhiều chốn thiền lâm bị khoác lên thân cái áo tiêu cực, đại diện cho sự cổ hủ lạc hậu để rồi tàn phai với thời gian. Điều đó, khiến cho biết bao tài sản văn hóa quí giá của dân tộc như nhiều tượng thờ, đồ thờ đã trở thành vật hiến tế cho thủy thần hoặc thổ địa. Rồi khá nhiều kiến trúc cổ truyền bị biến thành kho hoặc được biến thành các sản phẩm khác, để bao mảng chạm vô cùng đẹp bị hỏa thiêu…
Từ lâu tiếng kêu cứu của các kiến trúc cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đã đòi được trả lại những giá trị tự thân đích thực của chúng, bởi rõ ràng bước đi của di tích, mà nổi lên là ngôi chùa, đã gắn chặt với quá trình phát triển về mọi mặt của lịch sử Việt Nam. Trong chừng mực nào đó, chúng phản ảnh rõ rệt và cụ thể nhất về bước thăng trầm của lịch sử văn hóa. Chúng khẳng định về bộ mặt Việt riêng, không phải là một biến tướng hoặc sự trộn pha mang “dạng thuộc địa” của các dòng văn hóa lớn như trước đây đã có thời có người nhận định. Ngôi chùa Việt đã bị tàn phá nhiều dưới bàn tay cả vô thức, cả hữu thức và sự khắc nghiệt của thời tiết, dù vậy tới nay vẫn còn đủ để nhấn mạnh về một khía cạnh sáng tạo của tổ tiên chúng ta. Song, như một thông lệ, sự huỷ hoại ngôi chùa cũng còn do nhận thức tu bổ chung của người dân quá thấp, họ luôn có ý nghĩ làm cho mới để gây công quả… Chính điều này đã làm cho ngôi chùa bị mất đi khá nhiều ý nghĩa khởi nguyên, khiến chúng ta dễ bị khó khăn khi nhận định về các giá trị của nó…
Mặt khác, trong các vấn đề liên quan tới kiến trúc cổ, một đặc thù nổi bật đối với ngôi chùa Việt còn lại là không có sự phân biệt rạch ròi giữa dòng dân dã và cung đình. Vì, trước hết chùa Việt chịu sự chi phối bởi hoàn cảnh xã hội Việt, một xã hội mà trước đây sự phân hóa chưa mạnh, chưa có tầng lớp quí tộc đủ tư cách làm bệ đỡ cho chế độ quân chủ chuyên chế quan liêu, thực chất vấn đề văn hóa xã hội như được chi phối bởi tư tưởng nông dân – văn hóa làng – các kiến trúc cổ Việt đã chứa đầy nét đầm ấm, gần gũi, trữ tình, với kích thước vừa độ… được trải đều gần khắp khu vực của người Kinh và phần nào ở miền núi. Người ta khó tìm được những công trình kỳ vĩ theo chiều cao, hay mang nét hoành tráng có tính áp chế, mà chỉ tìm được cái “mênh mông” của một thứ tư tưởng như còn kế thừa từ “thời gian chiêm bao” (thời nguyên thủy – đậm chất tâm linh dân dã và liên tưởng). Bởi rõ ràng, mọi kiến trúc tôn giáo, ngôi chùa, cũng như nhiều mặt của văn hóa Việt được coi như lấy điểm xuất phát từ đồng bằng Bắc Bộ, trong môi trường nông nghiệp, phân tán, đó là một hạn chế để không hội tụ được sức người sức của như ở một số dân tộc khác. Người Việt không thể có một “Thiên An Môn” (Trung Hoa) vĩ đại với quảng trường mênh mông, mà con người đứng trước nó như có cảm giác bị thu nhỏ lại dưới các áp lực vô hình nào đó. Họ cũng không thể có một Đế Thiên Đế Thích (Angkor Wat, Angkor Thom – Campuchia) được nảy nở từ sự hội tụ nhân vật lực qua thủy lợi dưới sự điều phối của triều đình, hay một BôRôBu Dua (Borobudur – Indonesia) mang nét kỳ quan được sinh ra từ nền kinh tế phi nông nghiệp… Như vậy, chắc chắn là, nếu có một kiến trúc cổ nào to lớn quá giới hạn trên đất nước này (cả về kích thước và ý nghĩa) thì rõ ràng một số vấn đề của lịch sử phải được đặt lại.
Suy cho cùng, kiến trúc cổ truyền, nhất là ngôi chùa đã đủ sức phản ánh trong một chừng mực có giới hạn, về quá khứ văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nghiên cứu về nó, không có nghĩa đơn thuần dừng lại ở bộ mặt của một hệ tôn giáo với lý thuyết huyền vi “xuất thế gian” hay hình thức dân dã “Thế gian trụ trì phật pháp” mà ở đó còn mang nét cơ hàn về tâm hồn, truyền thống ngàn năm… đang còn tác dụng trong hiện tại và có lẽ ảnh hưởng tới cả tương lai lâu dài nữa.
Để làm nên tinh thần cho ngôi chùa, cần phải điểm lại đôi nét về bước đi của đạo Phật trên đất Việt. Đạo Phật đã hình thành từ khoảng 600 năm trước Công nguyên, trên tiểu lục địa của một cư dân có nhiều nhà tư tưởng lớn “chìm” trong môi trường tâm linh siêu việt. Đạo Phật đã là một sự kiện tất yếu lịch sử của nhân loại, nhằm dung hòa những nỗi bất công của con người trước một xã hội đã phân hóa làm nhiều đẳng cấp. Với đạo Phật thì mọi thành phần, tầng lớp trong bất kể xã hội nào cũng đều tìm được “chỗ đứng” cho mình, vì trước hết đó là một hệ triết học mở, không cực đoan, áp đặt – không đấu tranh để cướp đoạt một cương vị nào trong thế giới nhân sinh. Đạo Phật đã đi sâu vào nhiều mặt của thế giới quan và nhân sinh quan để làm cứu cánh giải thoát, đặc biệt là ở mặt tư tưởng, hưởng tới cái tâm như như tự tại (Tâm: cái cốt lõi, cái thần thức ẩn tàng trong mỗi chúng sinh…; như như: là lý thể và pháp tính đều như nhau không sai không khác, là trung đạo, là tướng của Niết bàn…; tự tại: rời khỏi sự trói buộc của phiền não…). Trong ứng xử với cuộc đời thế tục, tín đồ Phật giáo nương theo lời dạy của đấng Như Lai mà gắng thực hiện tứ đại vô lượng tâm (đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả), coi mọi trở ngại trên cõi đời, suy cho cùng, chỉ do cái nghiệp… Trên thực tế chưa có một hệ triết học hoặc tôn giáo nào có thể dễ thích nghi một cách mềm dẻo để nhập mình vào mọi xã hội có hoàn cảnh khác nhau như đạo Phật. Một đặc điểm khác rất đáng tôn trọng là đạo Phật tùy duyên mà hóa độ, tự dung hội với các dòng tư tưởng và tín ngưỡng nơi nó tiếp cận, không làm biến dạng truyền thống nền văn hóa ở nơi Phật pháp được hoằng dương. Nó chỉ vì nỗi khổ đau của mọi chúng sinh, nó gạt bỏ ý đồ thống trị xã hội, vì thế nó khác rất xa các tôn giáo cũng mang tính thế giới như Gia Tô giáo hoặc đạo Islam. Bởi vậy, đã hàng ngàn năm tu sĩ Phật giáo không phải là đối tượng gạt bỏ của các chính thể, họ dễ dàng len lỏi được vào quần chúng một cách ôn hòa, để rồi đẩy nhanh hơn sự phát triển của nền văn hóa bản địa. Tất nhiên sự đan xen văn hóa là điều không thể tránh khỏi, song, chưa ở đâu đạo Phật bị chối bỏ một cách tàn bạo. Ở châu Á, nhiều dân tộc đã theo Phật giáo, nhưng tùy theo điều kiện địa lý, lịch sử xã hội… riêng, mỗi nước đã tiếp thu theo cách của mình. Có thể tin được rằng ngay từ những năm đầu Công nguyên, người Việt đã được tiếp xúc với đạo Phật. Từ đó tới nay, lúc thăng lúc trầm, nhiều dấu ấn của đạo Phật đã để lại trên đất Việt, mặt nào tôn giáo này đã tác động tới cả phong tục tập quán, tình cảm, tư tưởng của mọi tầng lớp xã hội.
Đất Việt nằm giữa đường giao thông của hai nước lớn, hai nền văn minh cổ xưa nhất ở châu Á và có thể nói cũng là của thế giới, đó là Ấn Độ và Trung Hoa. Điều kiện như vậy, tất nhiên Việt Nam không thể phát triển văn hóa một cách hoàn toàn độc lập, sự ảnh hưởng trên các phương diện giao lưu dù vô thức hay hữu thức, ở cả hai nước lớn này, là lẽ tất yếu. Vào giai đoạn đầu, khó có thể xác định được cụ thể các tông phái nào đã chi phối tới Phật giáo Việt, mà chúng ta chỉ có thể tạm xác nhận được một con đường đi của Phật giáo đại thừa đã theo các nhà sư Ấn Độ từ biển trực tiếp vào đất này, để góp phần tích cực tạo nên một trung tâm ở Luy Lâu (Bắc Ninh). Với đường biển, đạo Phật và Bà la môn từ đất Ấn lan tràn xuống hầu khắp các nước Đông Nam Á, trong những biểu hiện về tạo hình không thể tránh khỏi được sự trộn pha với yếu tố bản địa khiến cho nghệ thuật Phật giáo mất đi vẻ tinh khiết nguyên sơ. Nhiều nhà nghiên cứu thường cho rằng đạo Phật đến Bắc Việt còn sớm hơn đến các trung tâm Phật giáo Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Hoa. Điều này rất có thể là sự thực, song đứng trên bình diện xã hội và tạo hình thì ý nghĩa của sự kiện đó chưa thấy nổi bật, vì điều quan trọng hơn là đạo đã chi phối tới cuộc sống tinh thần của quảng đại dân Việt ra sao? Dòng nào tác động và có vai trò thực sự với xã hội, đã để lại dấu tích gì? Ảnh hưởng của nó với hậu thế?… Theo dòng lịch sử, thì, như Thủy Kinh Chú (sách thế kỷ thứ 6) đã cho biết: Sau một thời với những chiến tích oanh liệt, vua Asoka hối hận, trước các cuộc chinh chiến đẫm máu, nên đã hồi hướng Phật đạo. Nhà vua đã chuyên tâm làm điều thiện, hoằng dương Phật Pháp, và một trong những ngôi tháp đã được nhà vua cho dựng là ở đất Việt (thế kỷ III trước Công nguyên). Vào thời Sĩ Nhiếp (cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III) có lẽ đạo Phật đã có chân đứng vững chắc ở Luy Lâu, nhiều cao tăng người Ấn và Trung Á đã từng tới đây truyền đạo. Cũng thời này, nhiều nhà sư nổi tiếng đã tu ở các chùa có nhiều đặc tính Việt tại Luy Lâu, như Khâu Đà La (Ksucha) hay Kỳ Vực (Jivaka). Câu truyện về Man Nương trong mối quan hệ với Khâu Đà La, nếu được coi như một cứ liệu lịch sử, thì ngay từ buổi đầu đó Phật giáo đã sớm kết hợp với tín ngưỡng bản địa để cho một số thần linh nông nghiệp (có lẽ ít nhiều đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa) hóa thân thành Phật, như ở chùa bà Dâu (Pháp Vân – thần mây hóa Phật) chùa bà Đậu (Pháp Vũ – thần mưa), chùa bà Giàn (Pháp Lôi – thần sấm), chùa bà Tướng (Pháp Diện – thần chớp). Sự tích còn gắn với nhiều phép lạ có tính chất phù thủy, có thể những chi tiết này được bổ sung dần về sau, song ít nhiều vẫn nói lên một đặc tính của tâm hồn Việt trong mối quan hệ với thế giới siêu nhiên là thích và tin ở sự linh dị. Cũng nổi lên trong giai đoạn đầu của thiên niên kỷ thứ nhất, đất Việt còn có nhiều nhà lý luận Phật học nổi tiếng như Mâu Bác với “Lý hoặc luận”, rồi sau đó là Khương Tăng Hội. Chi – Cương – Lương – Tiếp, Ma – La – Kỳ – Vực… Bóng dáng của Thiền Tông và nhất là yếu tố Mật tông đã theo các đại sư này mà tỏa sáng trên đất Việt, để cho sức mạnh của Phật giáo ngày một thấm sâu vào dân chúng. Và, nhà sư Đàm Thiên nói với Tùy Văn Đế như sau: “Xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc (Ấn Độ), khi Phật giáo chưa phổ cập ở Giang Đông… mà nơi ấy đã xây ở Luy Lâu hơn hai mươi ngôi bảo sát (nơi thờ Phật), độ được hơn 500 nhà sư, dịch được 15 bộ kinh rồi…” (Thiền uyển Tập Anh Ngữ Lục – Truyện Thông Biện). Chi tiết này đã khẳng định vị trí của đạo Phật ở đất Việt, nó không chỉ chứng tỏ đạo Phật vào Luy Lâu sớm hơn đến Bành Thành, Lạc Dương, mà nó như báo hiệu một sức sống tiềm ẩn sẽ hội nhập với tinh thần quật khởi để lập quốc của dân Việt ở cuối thời thuộc Bắc.
Vào thế kỷ thứ V và thứ VI đạo Phật ở đất Việt đã phát triển khá mạnh. Dưới bóng áo cà sa, một người con Phật đã từng làm vua nước Vạn Xuân (Lý Phật Tử) – hậu Lý Nam Đế). Rõ ràng, vai trò của đạo Phật có thể đã tác động mạnh vào xã hội như một nhân tố để tập hợp lực lượng. Cuối thế kỷ VI với sự xuất hiện của Tỳ Ni Da Lưu Chi (Vinitarusi) đã như khẳng định một hướng đi của Phật giáo Việt; Tông phái này tồn tại một cách dai dẳng, truyền thừa nhiều thế hệ. Chắc rằng do ăn sâu bám rễ được vào quần chúng nên phái này đã có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng ý thức độc lập của dân tộc. Một số nhà sư của dòng Tỳ Ni đã là những trí thức lớn có vai trò góp phần quyết định tới bộ mặt xã hội. Có thể thấy rất rõ với vai trò của sư Vạn Hạnh (thế hệ thứ 12) và em ông là Lý Khánh Văn trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra triều Lý. Rồi Từ Đạo Hạnh và nhiều nhà sư khác nữa… đã đi vào huyền thoại dân dã một cách sâu đậm. Chính Từ Đạo Hạnh đã gợi ý cho nhiều nhà nghiên cứu suy nghĩ về một dòng Phật giáo du nhập vào đất Việt, theo đường sông Hồng, từ phía Tây Bắc của đồng bằng Bắc Bộ. Xu hướng của Phật phái Tỳ Ni… không hoàn toàn đặt trọng tâm vào nghĩa cứu cánh của Phật pháp, mà, tìm về giải thoát, niết bàn bằng cả những phương sách khá xa với giáo lý gốc nhà Phật, nó gần gũi với Mật Tông, mặt nào đó gần thứ đạo mang nét phù thủy, nó như lưu tâm tới thiền tọa và những mật ngữ để thúc đẩy sự tinh tiến của trí tuệ, dẫn tới giác ngộ. Người ta tin rằng: trong vũ trụ có những siêu lực tiềm ẩn nào đó, và bằng vào cách tu riêng, mà có thể sử dụng để thành chính quả… Phái này như làm cơ sở tinh thần cho chùa làng. Tất nhiên, trong các ngôi chùa ở đất Việt lúc đó, không thể tránh khỏi sự hội nhập vào nó cả các thần linh địa phương, hay nói một cách khác, các thần linh này đã được Phật giáo hóa. Một Phật phái khác là của Vô Ngôn Thông (kẻ thông hiểu và tu theo lối nói các lời không nói, đến đất Việt vào đầu thế kỷ 9, có vẻ như đi sâu vào nghĩa cứu cánh của Phật pháp song chủ trương thuyết đốn ngộ cho rằng con người có thể đạt được giác ngộ trong một thời gian ngắn bằng cách tu trì đặc biệt. Phái này chịu ảnh hưởng của tông Tịnh Độ đã để lại cho đời nhiều sự suy nghĩ, mặt nào đó tìm về lẽ huyền vi của đạo và ít phổ cập được đến quần chúng, vì lối tu tâm tưởng, có màu “xuất thế gian”. Tuy nhiên, nếu quả thực tự nhà sư tên là Vô Ngôn Thông, thì chính ông đã chấp vào cái vô ngôn. Nhưng cũng có thể tên ông là do người đời đặt cho, bởi từ lối tu quán bích (day mặt vào tường, nhìn vào một điểm để tập trung tư tưởng) lặng im suy ngẫm về lẽ đạo mà tìm tới Diệu tâm Chân như1 thì ông đã là một hiện thân đáng tôn sùng của một số trí thức Phật tử. Hiện nay phái Vô Ngôn Thông chỉ còn để lại cho chúng ta một mảnh lịch sử gắn với chùa Kiến Sơ (Gia Lâm – Hà Nội), vài dòng trên sách vở và niềm hoài niệm man mác trong một số nhà tu hành uyên bác. Chắc rằng, ở đương thời, tuy có một hệ thống truyền thừa, nhưng ảnh hưởng của phái này với xã hội Việt chưa được sâu đậm. Vì thế nó cũng ít chi phối tới tạo hình như ở một số phái khác. Một phái thứ ba đáng quan tâm đã được hình thành vào đầu thời tự chủ, đó là phái Thảo đường2. Phái này không chỉ tập trung vào tìm diệu pháp trường tồn, mà mặt nào đó chủ trương phải vì thế tục, vì sự ổn định và phát triển của xã hội đương thời. Nét đáng quan tâm của nó là hoằng dương Phật pháp trong giới trí thức Nho học, đem nhà nho đến với Phật đài. Có nghĩa, ngay từ khi giành được độc lập, giới cầm quyền đã sớm thấy đạo Phật tuy rất có ưu thế trong dân chúng, nhưng với đặc tính từ bi và thoát tục… nó khó hội được các điều kiện để tổ chức một xã hội hoàn chỉnh, đủ sức đương đầu với những biến cố lịch sử và hoàn cảnh xã hội đương thời. Cho nên, mặc dù nhà Lý được nhiều nhà sư trí thức thuộc dòng Tỳ Ni ủng hộ, nhưng họ đã sớm phải lập ra một thiền phái khác, để vừa dung hòa được với xu thế thượng tri của đạo Phật vừa sử dụng được khả năng tổ chức xã hội của các nhà Nho. Biểu hiện cụ thể là trong sáu thế hệ truyền thừa của phái này nổi lên với mười chín người thì chỉ có mười người xuất gia, còn chín người khác là vua quan đương nhiệm (chính Lý Thánh Tông là thế hệ thứ hai của phái này). Ở mặt kiến trúc có thể nghĩ các đại danh lam đương thời là của phái Thảo Đường, và, do từ đặc tính của nó mà một số kiến trúc phi Phật được sự bảo hộ của nhà nước, tồn tại hoặc nảy sinh, điển hình như Văn Miếu. Từ sự quan tâm tới Nho giáo để xây dựng chính quyền quân chủ chuyên chế, khiến cho tầng lớp Nho sĩ ngày một phát triển, tiến tới chỗ loại dần tầng lớp trí thức Phật giáo ra khỏi chính trường. Một trớ trêu của lịch sử là, khi bọn Nho sĩ đã có chân đứng vững chắc về địa vị xã hội thì ở một số người đã nảy sinh ý thức tiêu cực nặng nề. Họ ra sức bài bác đạo Phật, coi thường văn hóa dân tộc, hầu như họ muốn coi văn hóa nghệ thuật ở quê hương Nho giáo là một mẫu mực cần noi theo. Xu hướng này đã tác động xấu tới nhiều mặt của xã hội, khiến cho chính tầng lớp “quí tộc” cao cấp nhà Trần cũng phải phản ứng lại. Sự phản ứng này phần nào đã đồng nhất với tinh thần dân tộc độc lập. Trong gần ngàn năm tự chủ ở thiên niên kỷ thứ hai, hệ thống tư tưởng chính thống của xã hội Việt cơ bản chỉ thay đổi giữa Phật và Nho. Khi Nho giáo và đạo đức của nó bị khủng hoảng hay phát triển lệch đường thì bao giờ đạo Phật cũng được câu viện tới để làm cân bằng cho tinh thần xã hội. Đặc tính này như một tiền đề cho việc nảy sinh ra Phật phái Trúc Lâm ở thời Trần (thế kỷ XIII – XIV). Mặt khác, có thể nghĩ rằng dưới thời thuộc Bắc và thời Lý, nhiều Phật phái đã du nhập vào đất nước ta, trong đó chắc chắn có Tịnh Độ Tông, song phái này như khó có thể phát triển khi xu hướng của xã hội đang cần củng cố để khẳng định vấn đề tồn tại dân tộc. Nhưng, tới thời Trần thì hoàn cảnh đã có nhiều thay đổi, vai trò của những người tu theo Phật giáo được trả về với môi trường của họ trong khi ngôi chùa ít nhiều đã bị một số người lợi dụng và tha hóa. Hội mọi điều kiện lại khiến đạo Phật dưới thời Trần đã có bước chuyển hướng, nhiều người trong tầng lớp quí tộc Trần đã tìm tới cửa Tịnh Độ Tông (một tông phái có thể đã tồn tại trên đất Việt từ trước) lấy A Di Đà làm trung tâm sinh hoạt tâm linh. Trong đó một người điển hình về sự uyên thâm Phật pháp là Tuệ Trung Phượng sĩ, ông đã thể hiện cái sâu lắng bên trong tâm mình bằng các câu thơ sau:
Tâm nội Di Đà tử ma khu
Đông Tây Nam Bắc pháp thân chu
Trường không chỉ kiếm cô luân nguyệt
Sát hải trừng trừng dạ mạn thu
Dịch nghĩa:
Di Đà vốn thực pháp thân ta
Nam Bắc Đông Tây khắp chói loà
Trăng thu ngự giữa trời cao rộng
Đêm lạnh trùng dương rạng chiếu xa.
(Theo Nguyễn Lang – Việt Nam phật giáo sử luận. Nxb Lá Bối – Paris 1977). Tuệ Trung đã đặt trọng tâm vào kiến tính là thấy được cái tâm chân như có sẵn trong mình.
Sự hình thành Phật phái Trúc Lâm trước hết là một nhu cầu của xã hội đương thời, nó chống lại sự “nô dịch” của văn hóa phương Bắc, mặc nhiên nó trở nên đậm tính dân tộc, để là một nền tảng cá tính Việt. Buổi đầu với xu hướng tiến bộ như vậy cộng với sự ưu đãi của triều đình nên Phật phái này phát triển rất mạnh. Song, mặc dù những người tiền thân của Trúc Lâm đã từng chủ trương: sống trong lòng thế tục, hòa ánh sáng phật pháp vào cuộc đời bụi bặm… nhưng, chính Trúc Lâm đệ nhất tổ đã kêu gọi xoá bỏ các ngôi đền dân dã, muốn làm trong sạch Phật giáo, không muốn dung hòa với tín ngưỡng địa phương… Mặt khác khi sự bảo trợ của triều đình không được thường xuyên nữa nên mặc nhiên phái Trúc Lâm cũng bị tàn phai dần. Rõ ràng là phái này chỉ nổi lên vài ba vị tổ cùng sống một thời, những nhà sư kế tục ít được nhắc tới, khiến cho gần 500 năm sau Ngô Thời Nhậm đã tự xưng là Trúc Lâm đệ tứ tổ. Tuy nhiên, chúng ta có thể nghĩ rằng với Trúc Lâm, tính chất triết học của Phật giáo ở đất Việt được đẩy mạnh hơn một bước. Trên phạm vi của kiến trúc Phật giáo rõ ràng tên chùa thời Lý mang nặng nét cầu xin, ước vọng (như: Phật Tích, Vạn Phúc, Diên Hựu, Báo Ân…) thì dưới thời Trần phần nào ý nghĩa tên chùa đã thay đổi (như: Đại Bi, Phổ Minh, Thanh Mai, Sùng Quang…). Một đặc điểm khác là: Ngay ngôi chùa của triều đình cũng không còn kiêm hành cung nữa và chùa làng đã làm bằng chất liệu bền vững hơn, nên đã để lại cho chúng ta nhiều dấu vết cụ thể. Vào thế kỷ XV, ở nước ta. Nho giáo đạt tới đỉnh cao của nó, chính quyền chuyên chế đã chủ trương hạn chế Phật và Đạo khiến cho dấu vết kiến trúc dân dã khó tìm được. Nhưng, sang thế kỷ XVI, thời Mạc, chúng ta đã gặp khá nhiều chùa và tượng Phật, Bồ Tát… Hiện tượng này như một sự phục hưng của Phật giáo. Nhiều phụ nữ trong triều đình đã có công đức lớn với chùa. Song, vào giai đoạn này chưa thấy nổi lên những tông phái cụ thể nào, có lẽ vì nhà Mạc đã bị các triều đại sau xếp là ngụy triều, nên các vấn đề Văn hóa lịch sử xã hội của thời đó ít được ghi chép lại. Dù vậy bằng vào những hiện vật gắn với Phật giáo của đương thời chúng ta vẫn thấy bóng dáng của dòng Phật giáo phương Bắc đã xâm nhập vào nước ta một cách mạnh hơn rất nhiều. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói rằng đạo Phật suy thoái từ cuối thời Trần, bị hạn chế vào thời Hồ Quý Ly và đặc biệt trong thời Lê sơ (thế kỷ XV), dưới góc độ tư tưởng chính thống nó bị lu mờ trước Nho giáo. Vì thế, có thể nghĩ đạo Phật được phục hồi dưới thời Mạc, kéo nền nghệ thuật tạo hình tương ứng chuyển sang một bước phát triển khác, như tạo tiền đề cho sự đa dạng hóa của Phật điện từ thế kỷ XVII về sau. Rõ ràng sự khủng hoảng trầm trọng của Nho giáo, được biểu hiện bằng cuộc chiến tranh Nam Bắc triều, Trịnh và Nguyễn phân tranh, đã tàn phá đất nước, xô đẩy con người quay trở lại mạnh hơn với Phật giáo. Đó là điều kiện để các tông phái như Lâm Tế và Tào Động được du nhập sâu vào xã hội Việt3. Tuy nhiên, ở đương thời và sau này thì sự phân biệt giữa các tông phái không được rành mạch lắm. Dù vậy nó vẫn là nền tảng của những ngôi chùa “Trăm gian” với sự tham gia tích cực của tầng lớp trên. Nổi lên trong phái Lâm Tế là thiền sư Liễu Quán, Nguyên Thiều… Các vị đã tạo cho Phật giáo Việt ở đàng Trong (trước đó nặng yếu tố Trung Hoa) chuyển mạnh sang màu sắc dân tộc. Còn phái Tào Động với nguyên tắc năm địa vị giữa cái tuyệt đối (thẳng) và tương đối (nghiêng). Thẳng và nghiêng không phải khác nhau mà thực chất là mối quan hệ đối đãi. Thẳng là cái “không” (bản thể) chân thực, nghiêng là diệu hữu… Tông Tào Động còn bàn tới năm địa vị của vua tôi, lấy ngồi thiền làm trọng tâm (chỉ quán đà tọa), nổi lên ở đất Bắc là tổ Thủy Nguyệt. Với đặc tính này Tào Động phần nào đã phù hợp với nhu cầu của chế độ quân chủ chuyên chế đương thời. Cuối thế kỷ XVII, đạo Phật cũng không đủ sức cứu vớt được sự khủng hoảng xã hội, người dân thôn dã ít tập trung vào chùa mà dồn sức đẩy ngôi đình lên tới địa vị trung tâm của làng xã. Sang thế kỷ XVIII, mặc dù đây đó vẫn có một số chùa mới được xây, nhưng phải tới cuối thế kỷ, dưới thời Tây Sơn, đạo Phật mới như được phục hồi trong sự ủng hộ của nhiều trí thức Nho học và một số quan lại tân triều, từ đó tạo điều kiện cho một số chùa đặc biệt ra đời.
Sang thế kỷ XIX, xã hội Việt đầy biến động, đạo Phật với nhiều tông phái, nhưng không phân định rõ ràng và thăng trầm bởi nhiều lý do khác nhau. Vua Gia Long đã bắt đình thần xét các chùa, ghi tên tất cả người tu hành từ hòa thượng tới đạo đồng… Bắt nhà sư dưới 50 tuổi đều phải lao dịch như dân. Đời Minh Mệnh và Thiệu Trị, đạo Phật có được quan tâm hơn nhưng không phát triển mạnh mẽ nữa. Tuy nhiên tinh thần Phật giáo đã thấm đượm vào tâm hồn Việt để góp phần giữ cân bằng cho xã hội.
Suy cho cùng, bước đi của Phật giáo trên đất Việt và hoàn cảnh lịch sử chung đã chi phối tới bước đi của ngôi chùa Việt. Ngược lại, chính ngôi chùa Việt nhiều khi đã bước ra ngoài phạm trù Phật giáo để phản ánh rõ rệt một số vấn đề của lịch sử và xã hội.
Mời các bạn đón đọc Chùa Việt của tác giả Trần Lâm Biền.
Nguồn: dtv-ebook.com