Tahar Ben Jelloun sinh năm 1944, nhà văn người Ma-rốc viết bằng tiếng Pháp. Đứa trẻ cát xuất bản năm 1985, được báo chí Pháp ca ngợi và độc giả đón đọc say mê ngay từ khi vừa phát hành. Đêm thiêng là phần tiếp nối và bổ sung cho đề tài Đứa trẻ cát nổi tiếng đã đưa ông đến với giải Goncourt 1987.
Chuyện xảy ra tại một khu đông dân của một thành phố Ả Rập, ông chủ lò gốm cay cú vì vợ sau bảy lần sinh chỉ toàn là con gái. Cảm thấy xấu hổ, nhục nhã vì không có con trai thừa kế, ông ta đã đi đến một quyết định thách thức với số mệnh rằng dù thế nào đi nữa, đứa con sắp ra đời dứt khoát phải là một thằng con trai. Thật oái oăm, đứa thứ tám chào đời vẫn là con gái. Thế rồi Ahmed – tên đứa trẻ sơ sinh – được trình làng và nuôi dạy như một đứa con trai. Nhưng sau bao năm tháng, cậu bé lớn lên, bối rối khám phá ra ý nghĩa đích thực của cái mà người ta vẫn che giấu cậu: giới tính.
Những di chứng quái gở của tôn giáo, sự ngu muội ở một bộ phận cộng đồng là lí do dẫn dắt ông bố đi đến một quyết định sai lầm kéo theo sau đó bao nhiêu tai họa cho gia đình, cho đứa con mà ông bất chấp mọi quy luật áp đặt nên. Và đó cũng là mục tiêu mà tác giả cũng đã tập trung phê phán trong một số tiểu thuyết khác của ông. Và không chỉ có vậy, François Nourissier, viện sĩ Viện hàn lâm Pháp, trong khi đánh giá về tiểu thuyết của Tahar Ben Jelloun, đã gọi đó là những tiểu thuyết của sự lưu đày, của trạng thái không thể hòa nhập, của sự chia rẽ của hai nền văn hóa!
Tahar Ben Jelloun (Tiếng Ả Rập: الطاهر بن جلون) (sinh ngày 1 tháng 12 năm 1944 tại thành phố Fes, Ma-rốc) là một nhà thơ, nhà văn người Ma-rốc. Mặc dù ngôn ngữ mẹ đẻ của ông là tiếng Ả rập nhưng hiện nay, các tác phẩm của ông đều được viết bằng tiếng Pháp.
Học trung học ở một trường song ngữ (tiếng Ả Rập và tiếng Pháp), sau đó Ben Jelloun học tiếp tiếng Pháp ở thành phố Tangier miền bắc Ma-rốc cho tới năm 18 tuổi. Đỗ vào trường đại học Mohamned-V ở Rabat, ông theo học ngành triết học. Trong những năm học đại học, ông đã viết nên những bài thơ đầu tiên của mình (được tập hợp trong tập thơ Hommes sous linceul de silence (1971)).
Tốt nghiệp, Ben Jelloun trở thành giáo sư dạy triết học ở Tetouan rồi sau đó ở Casablanca, Ma-rốc. Năm 1971, sau sự việc môn triết không được dạy bằng tiếng Ả Rập nữa, ông rời Ma rốc và đến Pháp để tiếp tục sự học môn triết của mình. Ở Pháp, ông bắt đầu viết nhiều hơn.
Đầu năm 1972, Ben Jelloun bắt đầu viết bài cho tờ Le Monde (Thế giới). Năm 1975, ông được công nhận học vị tiến sĩ về tâm thần học. Với những kinh nghiệm về tâm lý liệu pháp (nhờ vào những khảo cứu và lòng say mê), ông viết cuốn La Réclusion solitaire vào năm 1976.
Năm 1985, Ben Jelloun xuất bản cuốn tiểu thuyết L’enfant de sable (Đứa trẻ cát) được ca tụng rộng khắp. Ông được trao giải Goncourt năm 1987 cho tiểu thuyết La Nuit Sacrée (Đêm thiêng).
Năm 1997, cuốn Le Racisme expliqué à ma fille (Giảng cho con gái nghe về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc) được ông cảm tác dựa trên những thực tế trong gia đình mình được xuất bản.
Ông thường xuyên được mời diễn thuyết hoặc thỉnh giảng tại các trường đại học ở Ma-rốc và trên khắp châu Âu.
Năm 2004, Ben Jelloun giành được giải thưởng văn học quốc tế IMPAC Dublin cho tác phẩm This Blinding Absence of Light (do Linda Coverdale dịch sang tiếng Pháp). Ông cũng giành được giải Prix Ulysse vào năm 2005 cho toàn bộ sự nghiệp của mình.
Tháng 9 năm 2006, Ben Jelloun giành được giải đặc biệt vì “hòa bình và tình hữu nghị giữa người với người” tại Lễ hội văn hóa Lazio between Europe and the Mediterranean Festival được tổ chức tại Rome, Lazio nước Ý.
Ngày 1/2/2008, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã trao cho ông Huân chương Bắc đẩu Bội tinh.
Ben Jelloun có 4 người con và hiện đang sống tại Paris.
Hai cuốn tiểu thuyết L’Enfant de sable (Đứa trẻ cát) và La Nuit sacrée (Đêm thiêng) đã được dịch ra 43 thứ tiếng. Cuốn Le racism expliqué à ma fille (Giảng cho con gái nghe về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc) đã được dịch ra 33 thứ tiếng. Bản thân ông cũng tham gia vào việc chuyển ngữ những tác phẩm của chính mình.
Tác phẩm chính:
Harrouda (1973)
Solitaire (Cô đơn) (1976)
The Sand Child (Đứa trẻ cát) (1985)
The Sacred Night (Đêm thiêng) (1987)
Silent Day in Tangiers (Ngày yên lặng ở Tangier) (1990)
With Downcast Eyes (Mắt cúi gằm) (1991)
Corruption (Tham nhũng) (1995)
The Fruits of Hard Work (Thành quả lao động) (1996)
Praise of Friendship (Ca ngợi tình bạn) (1996)
L’Auberge des pauvres (1997)
Racism Explained to My Daughter (Giảng cho con gái nghe về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc) (1998)
Islam Explained (Về đạo Hồi) (2002)
This Blinding Absence of Light (2003)
La Belle au bois dormant (Người đẹp ngủ trong rừng) (2004)
The last friend (Người bạn cuối cùng) (2006)
Yemma (2007)
Leaving Tangier (Rời bỏ Tangier) (2009)
The Rising of the Ashes (Tàn tro bốc cao) (2009)
Ấn tượng đầu tiên là khuôn mặt ấy dài ngoẵng bởi những nếp nhăn chạy dọc, những nếp nhăn giống như những vết sẹo bị cày xới bởi những trận mất ngủ triền miên, một khuôn mặt râu cạo nham nhở, bị thời gian tàn phá. Cuộc sống – cuộc sống nào đây? Một ngoại hình kì dị được sinh ra để rồi bị lãng quên – có bổn phận ngược đãi, ngáng trở, và thậm chí phải làm cho anh ta tức tối. Người ta có thể đọc hoặc có thể đoán ra được trên gương mặt ấy nỗi đau khổ ê chề mà chỉ cần một cử chỉ vụng về của bàn tay, một ánh mắt bênh vực, một con mắt dò xét hoặc ác ý cũng đủ làm cho vết thương ấy lại tấy lên nhức buốt. Anh ta thường tránh phô bày thân hình ra giữa ánh sáng chói chang và giấu hai con mắt vào sau làn tay áo. Ánh sáng của ban ngày, của một ngọn đèn, hoặc của mặt trăng rằm, đều làm cho anh ta đau đớn: tia sáng ấy muốn lột trần thân xác anh ta, len lỏi vào từng làn da thớ thịt và khám phá ra ở đó nỗi tủi hổ xót xa và những giọt nước mắt thầm kín. Anh ta cảm thấy luồng ánh sáng đó lướt qua cơ thể như một ngọn đuốc thiêu cháy tất cả những chiếc mặt nạ của anh, như lưỡi dao lần lần lột bỏ tấm voan bằng thịt ngăn cách anh ta với những người khác. Anh ta sẽ ra sao nếu khoảng không gian bảo vệ, ngăn cách anh ta với những người khác bị xóa bỏ? Lẽ nào anh ta lại bị phơi ra trần truồng, không một phương tiện tự vệ, trong tay những kẻ luôn rượt đuổi anh chỉ vì muốn thỏa mãn thói tò mò, tính đa nghi và thậm chí chỉ vì một mối hận thù dai dẳng; bọn họ không bao giờ bằng lòng với sự im lặng và trí thông minh của một kẻ luôn gây phiền hà cho họ bằng sự hiện diện độc đoán và đầy bí ẩn.
Ánh sáng lột trần cơ thể anh ta. Tiếng ầm ĩ làm cho anh ta bấn loạn. Từ ngày giam mình trong căn phòng nhìn ra sân thượng, anh ta không còn bị cái thế giới ồn ào kia tra tấn nữa, mỗi ngày một lần, anh ấy tiếp xúc với thế giới bên ngoài thông qua việc mở cửa cho Malika, bà giúp việc vẫn thường đưa thức ăn, đồ uống, báo chí và một bát hoa cam vào phòng cho anh. Anh ta rất quý mến bà lão vì bà đã trở thành một thành viên của gia đình. Kín đáo và dịu dàng, bà không khi nào lục vấn anh ta bất cứ điều gì, mà cả hai cứ như những kẻ tòng phạm, nhờ vậy họ rất gắn bó với nhau.
Tiếng ồn. Tiếng ồn của những giọng nói the thé hoặc nhạt nhẽo. Tiếng ồn của những tiếng cười thô lỗ, từ những tiếng hát chói tai phát ra từ chiếc radio. Tiếng ồn của những xô nước hắt ra ngoài sân. Tiếng ồn của lũ trẻ đang hành hạ một con mèo mù hay một con chó chỉ còn ba chân bị lạc vào giữa những đường phố hẹp, nơi những con vật và những người điên thường bị vướng bẫy. Tiếng ồn của những lời than vãn, nỉ non của những người ăn mày. Tiếng ồn chói tai của một chiếc loa phóng thanh, năm lần mỗi ngày, rè rè phát lời mời cầu nguyện. Đôi khi tiếng loa không còn là lời gọi mời cầu nguyện nữa mà là một cử chỉ xúi giục làm loạn. Tiếng ồn của mọi giọng nói và những tiếng la ó từ ngoài phố vọng vào và neo lại ở kia, ngay phía trên căn phòng của anh ta, đã đến lúc gió hãy cuốn chúng đi hoặc giảm bớt âm lượng của chúng.
Anh ta đã khuếch trương những dị ứng đó; cơ thể quá nhạy cảm và dễ xúc động của anh ta đón nhận mọi thứ dị ứng dù chỉ là một chấn động rất nhỏ, hấp thụ và giữ cho chúng luôn phát huy tác dụng, vì thế giấc ngủ của anh ta thật khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Các giác quan của anh ta không hề bị rối loạn như người ta vẫn nghĩ. Mà ngược lại, chúng trở nên đặc biệt sắc sảo, năng động và không biết mệt mỏi. Chúng thực sự phát triển và chiếm lĩnh toàn bộ vị trí trong cái thân xác mà cuộc sống đã làm đảo lộn và số phận bị đổi hướng.
Khứu giác của anh ta có khả năng phân biệt được tất cả. Lỗ mũi đem đến cho anh ta mọi thứ mùi, ngay cả những thứ mùi không còn ở đó nữa. Anh ta nói rằng anh ta có khứu giác của người mù, thính giác của một xác chết đang ấm nóng và thị giác của một nhà tiên tri. Nhưng cuộc sống của anh ta không phải là cuộc sống của một vị thánh, tuy nhiên, cuộc sống ấy cũng có thể trở nên tốt đẹp như thế nếu như anh ta không có quá nhiều thứ phải làm.
Từ khi lui về ẩn dật trong căn phòng trên cao này, anh ta chẳng tiếp chuyện bất cứ ai. Anh ta cần một thời gian dài, có thể là nhiều tháng để thu nhặt các bộ phận của mình, sắp xếp lại quá khứ theo trình tự thời gian, sửa chữa cái hình ảnh bi thảm mà mọi người xung quanh đã dành cho anh ta trong thời gian gần đây, thu xếp một cái chết mà anh ta đã kí thác vào đó tất cả: cuốn nhật ký riêng tư, những điều bí mật của anh ta – có thể chỉ có cuốn sổ này là điều bí mật duy nhất – và cũng có thể đây là bản phác thảo một câu chuyện mà chỉ mình anh ta nắm giữ chìa khóa mà thôi.
Một màn sương mù dày đặc bao bọc dai dẳng xung quanh anh ta, che chắn cho anh những ánh mắt đầy ngờ vực và những lời thị phi của những người bà con và hàng xóm vẫn to nhỏ với nhau trước ngõ. Bức màn màu trắng này làm cho anh ta bình tâm trở lại, đưa anh ta vào giấc ngủ yên lành và nuôi dưỡng những giấc mơ tuyệt vời của anh.
Chuyện ẩn cư của anh ta không làm cho gia đình phải suy nghĩ nhiều. Họ đã quen với cảnh nhìn anh ta đắm chìm trong sự câm lặng ghê người, hoặc trong những cơn cáu giận bùng phát hết sức phi lí. Có cái gì đó không thể xác định được một cách minh bạch đã xen vào giữa anh ta và những người còn lại trong gia đình. Chắc hẳn là anh ta có những lí do riêng, và chỉ có mình anh ta là có thể nói ra được thôi. Anh ta quả quyết rằng thế giới của anh ta chỉ thuộc về anh ta mà thôi, và rằng cái thế giới ấy ưu việt hơn rất nhiều so với thế giới của bà mẹ và các chị của mình – nói tóm lại là rất khác nhau. Thậm chí anh ta còn nghĩ rằng mẹ và các chị không thể có một thế giới riêng nào hết. Họ bằng lòng sống ở bề ngoài sự vật, không đòi hỏi gì lớn, tuân theo quyền uy, những luật lệ và ý muốn của anh ta. Mặc dù không nói với nhau, nhưng phải chăng bà mẹ và những người chị gái đều cho rằng anh ta đã lựa chọn và chấp nhận lối sống lặng lẽ ấy, bởi lẽ anh ta không còn làm chủ được bản thân, không làm chủ được hành vi và sự biến thái trong con người mình do những cú sốc thần kinh căng thẳng tột độ lúc nào cũng chực làm anh ta mất trí? Ít lâu nay, bước chân của anh ta đã bớt đi dáng vẻ của một người đàn ông độc đoán, một chủ nhân không bị ai tranh ngôi đoạt vị trong gia đình, một người đàn ông thay cha quán xuyến mọi việc trong gia đình.
Lưng anh ta đã bắt đầu còng xuống, đôi vai buông xuôi một cách vô duyên, trở nên nhỏ hẹp và mềm nhũn, chúng k còn ý định làm chỗ dựa êm ái cho mái đầu của người tình hoặc là chỗ đặt bàn tay thân tình của bạn bè. Anh ta cảm thấy một khối nặng vô hình đè lên lưng, đến nỗi mỗi bước đi phải gắng ngẩng mặt lên và giữ cho thật cân bằng để khỏi ngã. Anh ta lết đi từng bước, nặng nhọc di chuyển thân mình, âm thầm chống chọi với những cơn đau dồn dập ập đến.
Mời các bạn đón đọc Đứa Trẻ Cát của tác giả Tahar Ben Jelloun.
Nguồn: dtv-ebook.com