Giuyn Vecnơ và tác phẩm Misen Xtrôgôp
Giuyn Vecnơ (1828- 1905), nhà văn Pháp nổi tiếng được coi như bậc thầy về sáng tác truyện phiêu lưu mạo hiểm và khoa học viễn tưởng. Ngay từ những tác phẩm đầu tay của mình, ông đã giành được cảm tình của đông đảo bạn đọc Pháp và các nước khác trên thế giới. Sách của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được in đi in lại nhiều lần với hàng triệu bản phát hành khắp nơi trên thế giới. Có thể nói những tác phẩm của Giuyn Vécnơ không những được giới trẻ, mà cả những bạn đọc nhiều lứa tuổi khác nhau ưa thích.
Hơn bốn chục năm (từ 1862 đến đầu 1905) Giuyn Vecnơ đã viết được 63 tiểu thuyết và 2 tuyển tập truyện vừa và truyện ngắn được in thành 97 quyển sách với tham vọng là đề cập đến toàn bộ hành tinh chúng ta, từ thiên nhiên ở các vùng khí hậu khác nhau đến thế giới động vật, thực vật, phong tục tập quán cho đến sinh hoạt muôn màu muôn vẻ của các dân tộc trên thế giới.
Những tác phẩm của Giuyn Vecnơ không những thể hiện tài nghệ tuyệt vời của một nhà văn có lối viết rất hấp dẫn, sâu sắc, miêu tả những con người và sự vật hết sức tinh tế, mà còn thể hiện kiến thức uyên bác, tư tưởng tiến bộ và trí tưởng tượng phong phú của một nhà khoa học. Ông vừa là người khởi xướng loại truyện khoa học viễn tưởng mà đến nay nhiều tiên đoán khoa học của ông đã trở thành hiện thực, vừa là nhà văn nổi tiếng về những tiểu thuyết phiêu lưu, mạo hiểm làm cho người đọc rất thích thú và qua đó, những độc giả trẻ nâng cao được trình độ hiểu biết và trau dồi được phẩm chất đạo đức của mình.
Giuyn Vecnơ là con một luật sư ở thành phố Năngtơ. Ngay từ khi còn ở tuổi thanh niên, sau khi tốt nghiệp trung học, Giuyn Vecnơ đã theo học trường Luật ở Pari, nhưng vẫn có xu hướng say mê văn thơ, âm nhạc và sân khấu. Khi đã tốt nghiệp và hành nghề luật sư, ông bắt đầu đi vào con đường sáng tác văn học, đồng thời tìm hiểu về khoa học tự nhiên, thường xuyên đến đọc sách ở Thư viện Quốc gia, đi nghe các buổi thuyết trình về địa lý, thiên văn, hàng hải, lịch sử và các phát minh về khoa học, kỹ thuật. Nhờ đó, sau này những kiến thức mà ông tiếp thu được đã thành cơ sở cho những sáng tác kiệt xuất của ông.
Những tác phẩm đầu tiên của ông như “Năm tuần lễ trên khinh khí cầu (1862), “Cuộc thám hiểm trong lòng đất” (1864), “Những cuộc du hành của thuyền trưởng Hatơraao” (1864 – 1865), “Những đứa con của thuyền trưởng Grant” (1865 – 1866) v.v… đều lập tức có tiếng vang lớn trong giới độc giả thuộc nhiều thế hệ khác nhau.
Misen Xtrôgôp là một trong những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu được đánh giá vào loại xuất sắc nhất, vừa có tính giáo dục cao, vừa có tính giải trí lành mạnh với những tình tiết éo le phức tạp, những pha hết sức hồi hộp và bất ngờ, khiến người đọc cảm thấy bị lôi cuốn, say mê, hấp dẫn không sao cưỡng nổi và muốn đọc một mạch suốt 32 chương với gần 500 trang sách.
Điều đáng khâm phục là Giuyn Vecnơ miêu tả đất nước và con người Nga chính xác và chân thật tới mức như tác giả là một người Nga, hay ít nhất là đã sinh sống trên đất nước Nga nhiều năm rồi, để có một sự hiểu biết tường tận đến như vậy về địa lý, lịch sử cũng như phong tục tập quán và tính cách con người Nga trong giai đoạn lịch sử đó.
Nhân vật chính của tiểu thuyết là Misen Xtrôgôp, con trai một người thợ săn ở Xibir. Anh được rèn luyện từ nhỏ, nên trở thành một thanh niên, cường tráng, dũng cảm và mưu trí.
Năm hai mươi tuổi, anh được tuyển vào đội quân liên lạc đặc biệt của Nga hoàng làm một người lính và sau đó trở thành đại úy của đội quân ưu tú này.
Thời gian đó bọn giặc Tactar đang nổi lên xâm chiếm vùng Xibir, phần châu Á của nước Nga. Hàng chục vạn quân đủ mọi chủng tộc từ những người Kiêcghidi, Mông Cổ, Apganixtang, Udơbêch, Thổ, Ba Tư, Do Thái… dưới cái tên chung là quân Tactar tràn vào xâm chiếm vùng phía Đông xứ Xibir mênh mông, gây biết bao đau thương, tang tóc cho nhân dân vùng này.
Cấu kết chặt chẽ với chúng có tên phản bội cực kỳ nham hiểm và xảo quyệt, Ivan Ôgarep, đại tá trong quân đội Nga hoàng. Bất mãn vì bị đại công tước, em trai của Nga hoàng giáng chức về tội vô tổ chức, tên này đã xúi giục một số tù trưởng bộ lạc ở những vùng biên cương xa xôi nổi lên chống Nga hoàng, âm mưu xâm chiếm vùng Đông Xibir, dùng thủ đoạn gián điệp và nhiều mánh khóe xảo trá khác để bắt sống đại công tước hòng trả thù riêng.
Nga hoàng nắm được ý đồ nguy hiểm của tên phản bội này đã phái Misen Xtrôgôp đem mật thư của nhà vua trao tới tận tay đại công tước – lúc này đang ở Irkuxk – để phá vỡ âm mưu đó.
Suốt chặng đường dài gần sáu ngàn dặm, từ Maxcơva đến Irkuxk, Misen Xtrôgốp đã trải qua bao gian khổ khó khăn do kẻ thù và thiên nhiên khắc nghiệt gây ra tưởng chừng như khó có thể vượt qua được. Nhưng đói khát, mệt nhọc, băng tuyết, bão táp không làm anh nao núng. Mấy lần sa vào tay giặc, anh đều tìm cách trốn thoát kể cả lần giặc đã đốt mù cả hai mắt anh. Giặc bắt mẹ anh để hành hạ và uy hiếp cũng không khuất phục được anh. Ý chí gang thép của anh đã làm cho bọn giặc man rợ cũng phải sợ hãi và khâm phục.
Cuối cùng, nhờ trí thông minh, lòng dũng cảm, thái độ bình tĩnh, mưu trí và nhất là tấm lòng trung thành tận tụy với đất nước, Misen Xtrôgôp đã làm tròn sứ mệnh. Quân phiến loạn bị đánh tan, tên phản bội Ivan Ôgarep bị tiêu diệt, nhân dân Xibir được giải thoát khói ách nô dịch của quân Tactar.
Truyện còn được lồng vào một mối tình trong sáng và thanh cao giữa Misen Xtrôgôp và Nađia, cô gái Latvi cũng xông pha ngàn dặm, chia sẻ vói chàng trai dũng cảm bao gian nan khổ ải để tìm cha trong miền Xibir mênh mông tuyết trắng.
Khi đã hoàn thành sứ mệnh, trước mặt cha cô, Misen Xtrôgôp nói với người bạn gái:
– Nađia!… khi rời Riga để tới Irkuxk, em có còn để lại sau em niềm thương nhớ nào khác ngoài lòng thương nhớ người mẹ đã khuất của em không?
– Không, anh ạ, – Nađie đáp, – không còn một niềm thương nhớ nào khác cả.
– Nếu vậy thì, Nadia! – Misen Xtrôgôp run giọng nói tiếp. – Anh không tin rằng Thượng đế đã run rủi cho chúng ta gặp nhau, đã bắt chúng ta cùng trải qua bao gian truân thử thách, lẽ nào lại không muốn cho chúng ta được mãi mãi bên nhau?
– Ôi, anh! – Nađia thốt kêu lên và sà vào hai cánh tay dang rộng của Misen Xtrôgôp.
Và quay lại phía Vaxili Fêđor, mặt đỏ bừng, cô kêu lên: “Cha ơi!”.
Người dịch VŨ LIÊM
Nguồn: dtv-ebook.com