Thân Phận Con Người

white noise for sleeping link
shopee-sale

Năm 1933 quyển La Condition humaine (“Thân phận con người”) ra đời. Quyển tiểu thuyết thứ ba của Malraux lấy lại bối cảnh là cuộc đấu tranh cách mạng tại Trung quốc, vào thời kỳ xảy ra cuộc tranh chấp giữa quân đội Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch và những lực lượng cộng sản trong thời kỳ manh nha. Quyển tiểu thuyết chấm dứt vào thời điểm xảy ra cuộc tàn sát các đảng viên cộng sản do quân đội Tưởng Giới Thạch tiến hành, trước khi Mao Trạch Đông quyết định cuộc trường chinh về phía Bắc để bảo toàn lực lượng.

Một lần nữa, tiểu thuyết của Malraux không phải là một tài liệu lịch sử, kể lại cuộc xung đột giữa các lực lượng Quốc Dân đảng và cộng sản năm 1927. “Thân phận con người”, sau quyển “Những kẻ chinh phục”, lại dùng bối cảnh lịch sử để trình bày quan điểm của tác giả về con người và ý nghĩa cuộc sống. Thay vì có một, hai nhân vật chính chi phối toàn bộ tác phẩm, quyển “Thân phận con người” dựng lên hàng chục nhân vật có tầm quan trọng ngang nhau: những chiến sĩ cách mạng, vài tên khủng bố quá khích, một nhà hiền triết Nhật, một nhân vật lập dị sống trong ảo tưởng và thêu dệt những câu chuyện hoang đường, một nhà tư bản Âu châu v.v. Một số nhân vật này vẫn bị dằn vặt bởi những lo âu siêu hình: niềm đơn độc lẻ loi, nhận thức về sự phi lý của cuộc đời… và mỗi người tìm một phương cách giải thoát riêng cho mình. Nhưng điều mới là sự xuất hiện của những nhân vật anh hùng cách mạng. Những nhân vật này không còn bị ám ảnh vì những thắc mắc siêu hình, mà họ tìm thấy lẽ sống trong việc đấu tranh để đem lại hạnh phúc, danh dự và phẩm giá cho đồng loại của mình. Hành động có một mục đích lịch sử, trở thành một phương tiện để thay đổi trật tự xã hội, hoàn trả lại danh dự làm người, không phải cho một anh hùng đơn độc, mà cho toàn thể những người sống trong một cộng đồng. Với quyển “Thân phận con người”, trong tác phẩm của Malraux xuất hiện một triết lý nhân bản cách mạng. Từ tình trạng suy đồi do thương tích, bệnh tật, gây ra khiến cho con người phải chịu khuất phục trước định mệnh, đến một tình trạng suy đồi do cực khổ khốn cùng, khiến con người mất hết nhân cách. Trật tự xã hội của người giàu khiến cho nhân phẩm bị chà đạp. Danh dự của người hùng cách mạng của Malraux là đứng lên chống lại một trật tự xã hội chối bỏ nhân phẩm và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong cuộc chiến đấu này.

Quyển “Thân phận con người” được giải thưởng Goncourt cuối năm 1933, và sau này được công nhận là một trong những tác phẩm lớn nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 20. Nhà văn 32 tuổi bỗng nhiên nổi danh, với một hào quang là kẻ trở về từ châu Á sôi sục, xa xôi và bí hiểm. Đối với xã hội Pháp vào những thập niên 1920-30, châu Á còn là một một lục địa xa vời, huyền bí, chìm trong màn sương mù của huyền thoại, tượng trưng cho phiêu lưu mạo hiểm… Những người có óc phiêu lưu đều bị thu hút, mê hoặc bởi vùng đất còn bí hiểm này. Nhiều huyền thoại được thêu dệt quanh tác giả quyển “Thân phận con người” (người đã tham gia vào hoạt động cách mạng tại Trung Quốc, là ủy viên chính trị cạnh Borodine trong cuộc cách mạng Trung quốc…). Tác giả im lặng không đính chính, và huyền thoại kéo dài trong mấy thập niên, cho đến khi một học giả Hoa Kỳ, Walter Langlois, nghiên cứu tường tận về thời gian Malraux ở Đông Dương và quyển tiểu sử André Malraux do Jean Lacouture viết, xuất bản năm 1973, cho biết sự thật về thời gian nhà văn ở châu Á trong các năm 1924-1925. Cho đến năm Malraux viết quyển “Thân phận con người”, ông chỉ biết có Việt Nam, và thời gian ông đặt chân lên đất Trung Quốc là chỉ vỏn vẹn mấy ngày vào mùa thu 1925 khi ông đến Hương Cảng mua bộ chữ in để có thể tiếp tục in tờ báo đối lập Indochine. Kinh nghiệm kể lại trong “Thân phận con người” về những người dân đen sống trong cảnh bần cùng, bị áp bức và chà đạp, là những kinh nghiệm sống tại Việt Nam, khi André Malraux chứng kiến những bất công và cách đối xử đàn áp mà chính quyền thực dân dành cho người dân bị trị.

Quyển “Thân phận con người” chấm dứt một bộ ba tác phẩm được gọi là thuộc “thời kỳ châu Á” trong văn nghiệp của Malraux. Một năm hoạt động báo chí tại Sài Gòn chưa đủ để cho André Malraux một danh hiệu là chiến sĩ cách mạng, nhưng đã chuyển hướng ý nghĩ và hành động của ông khiến cho từ nay, André Malraux sẽ dành phần lớn cuộc đời và tác phẩm của mình cho cuộc chiến đấu cho công bằng xã hội, chống lại sự áp bức, chà đạp phẩm giá con người…

V.Đ Review

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com