Cuộc sống vốn tự nó li kỳ. Cuộc chiến đấu ròng rã hơn nửa thế kỷ của dân tộc ta chống những kẻ thù giàu mạnh gấp nhiều lần và vô cùng tàn bạo, trong đó các chiến sĩ tình báo ta luồn lách và hoạt động giữa hàng ngũ địch, không thể không li kỳ. Đọc Điệp viên giữa Sa mạc lửa của Nhị Hồ, điều tôi cảm thấy trước tiên là sự kính phục các chiến sĩ tình báo ta, ở đây là Nguyên Vũ, từ một chiến sĩ cầm súng đánh Pháp được đưa vào Hà Nội học đại học, để lấy mảnh bằng làm vũ khí. Năm 1954, sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, anh theo làn sóng di cư vào Nam, gặp lại các bạn cũ ở Hà Nội, nay thành những nhân vật có vai vế trong giáo phái Cao Đài Tây Ninh. Anh tiếp xúc được đám tân khách quanh Bảy Viễn và với cả Bảy Viễn đang nắm công an, cảnh sát Sài Gòn. Cuối cùng anh đứng chân hẳn trong lực lượng võ trang của giáo phái Hòa Hảo, thành người tin cậy và mưu sĩ của Trần Văn Soái, tổng tư lệnh lực lượng này. Trong thế đó, anh đã tìm hiểu có kết quả các âm mưu của Mỹ, Pháp trong tình hình đang rối ren hồi đó ở miền Nam, để báo cáo về Trung Ương; đồng thời anh đã hoạt động ngăn cản được các sự thỏa hiệp, đầu hàng của các lực lượng tay sai của Pháp trước tập đoàn Ngô Đình Diệm tay sai của Mỹ; kéo dài tình hình lộn xộn ở Sài Gòn và miền Nam, làm chậm lại kế hoạch của Mỹ – Diệm chĩa mũi nhọn đánh phá các lực lượng kháng chiến, lực lượng yêu nước và đồng bào ta.
Những việc làm trên được kể lại trong Điệp viên giữa sa mạc lửa như những việc bình thường, không có màu sắc li kỳ, nhưng nếu hình dung ra hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ, chiến sĩ tình báo của ta hoạt động không chỉ giữa một kẻ thù mà giữa ba, bốn kẻ dịch châu lại; bọn phản động trong giáo phái chống Diệm – mật vụ của Diệm – Nhu quyết tiêu diệt các giáo phái – bọn Phòng nhì Pháp và CIA Mỹ cài vào ở cả hai bên… Giữa bầy sói đang nhe răng, giũa vuốt hầm hè nhau như vậy, đồng chí ta hoàn thành được nhiệm vụ, giữ được an toàn để tiếp tục hoạt động trong các giai đoạn sau, đến tận thắng lợi hoàn thành năm 1975, thì có sự li kỳ nào sánh nổi, và đó chẳng phải là dũng cảm vô song và trí tuệ tuyệt vời hay sao?
(Nhà văn Nguyễn Văn Bổng)
Nguồn: dtv-ebook.com