Đây là những gì đã diễn ra.
Đây là câu chuyện về những điều tôi đã chứng kiến, cảm thấy và suy tư trong suốt hai năm dữ dội nhất mà tôi từng trải qua.
Đây là câu chuyện về hành trình đưa tôi đến ngã rẽ lịch sử này, về cách tôi tiếp tục bước đi sau một thất bại cay đắng, về cách tôi kết nối lại với những thứ quan trọng nhất trong cuộc đời và bắt đầu nhìn về phía trước với nhiều hy vọng thay vì dằn vặt quá khứ với nhiều tiếc nuối.
Đây còn là câu chuyện về những gì đã xảy ra với đất nước của chúng ta, về lý do tại sao chúng ta lại chia rẽ đến vậy, và chúng ta có thể làm được gì để cải thiện tình hình.
Tôi không có câu trả lời cho tất cả mọi chuyện, và đây không phải những đánh giá toàn diện và đầy đủ về cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016. Tôi không viết theo cách như vậy, vì trong cuộc chạy đua này tôi đã đứng quá gần và đóng một vai trò quá lớn. Thay vào đó, đây là câu chuyện của tôi. Tôi muốn tiết lộ một trải nghiệm vừa phấn khởi, vui vẻ, khiêm nhường, vừa gây nhiều phẫn uất, và đơn giản là không thể hiểu nổi.
Viết về trải nghiệm này không hề dễ dàng. Mỗi ngày khi còn là một ứng viên Tổng thống, tôi biết hàng triệu người đang trông chờ vào tôi, và tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ sẽ làm họ thất vọng. Nhưng tôi đã làm họ thất vọng. Tôi đã thất bại và tôi sẽ phải sống với điều này trong suốt phần đời còn lại của mình.
Trong quyển sách này, tôi viết về những thời khắc của cuộc tranh cử mà tôi ước gì mình có thể quay trở lại và làm lại từ đầu. Nếu người Nga hack được tiềm thức tôi, hẳn họ sẽ tìm thấy một danh sách dài những điều tôi muốn làm lại. Tôi còn ghi lại những khoảnh khắc mà tôi muốn nhớ mãi, như khi đứa cháu ngoại bé bỏng của tôi lon ton chạy vào phòng lúc tôi đang luyện tập bài diễn văn tranh cử, để rồi vài tiếng sau đó, tôi bước lên bục đọc bài diễn văn này, chính thức là người phụ nữ đầu tiên được một trong hai đảng chính trị lớn nhất của Mỹ chọn ra tranh cử Tổng thống của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Tôi viết về những con người đã truyền cảm hứng cho tôi, từ một vị bộ trưởng ở bang South Carolina nói chuyện với tôi về tình yêu và sự tử tế, những người dân đã kề vai sát cánh với nhau trong một thị trấn bị nhiễm độc chì, đến những tình nguyện viên chiến dịch không biết mệt mỏi đã cống hiến tất cả những gì họ có vì một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi còn chia sẻ suy nghĩ của mình về những thách thức lớn khiến tôi đau đầu nhiều thập niên qua, mà gần đây đã trở nên cấp thiết hơn. Đó là vai trò của giới tính, sắc tộc và giai cấp trong đời sống chính trị của chúng ta, đó là tầm quan trọng của sự đồng cảm của mọi người trước nhiều vấn đề quốc gia.
Tôi đang cố gắng học hỏi từ những lỗi lầm của mình. Có rất nhiều, như bạn sẽ thấy trong quyển sách này, và đó là lỗi lầm của tôi, chỉ của tôi mà thôi.
Chưa hết, chúng ta sẽ không thể hiểu được chuyện gì đã diễn ra trong năm 2016 nếu không được biết về chiến tranh truyền thông trơ tráo do Điện Kremlin khơi mào, về sự can thiệp không có tiền lệ của vị giám đốc FBI vào cuộc bầu cử này, và về việc một tờ báo chính trị đã tuyên bố email của tôi mới là câu chuyện quan trọng nhất. Ngoài ra, tất cả chúng ta còn phải đối diện với những nỗi căm ghét, giận dữ đã âm ỉ trong lòng mỗi người Mỹ bao năm nay.
Tôi biết một số người sẽ không muốn nghe những điều này, đặc biệt là từ tôi. Nhưng chúng ta phải làm sáng tỏ mọi chuyện. Những bài học chúng ta rút ra từ năm 2016 có thể giúp quyết định liệu chúng ta có thể hàn gắn nền dân chủ của mình và bảo vệ nó trong tương lai hay không, liệu chúng ta – những công dân Mỹ có thể bắt đầu hàn gắn những chia rẽ hay không. Tôi muốn các cháu ngoại của tôi và những thế hệ tương lai biết được những chuyện đã thực sự xảy ra. Chúng ta có trách nhiệm với lịch sử – và với thế giới đầy âu lo này – phải làm sáng tỏ mọi chuyện.
Tôi còn chia sẻ với các bạn những ngày đớn đau sau cuộc bầu cử. Nhiều người hỏi tôi, “Làm sao cô có thể gượng dậy nổi?” Việc đọc tin tức mỗi sáng như xát muối vào vết thương hở. Những tiết lộ mới, những cơn phẫn nộ làm cho sự việc tồi tệ thêm. Tôi như phát điên lên khi nhìn đất nước sa sút và thấy nhiều người Mỹ đang lo sợ rằng bảo hiểm sức khỏe của họ có thể bị lấy mất, để giới siêu giàu được giảm thuế. Có những lúc, tôi chỉ muốn hét lớn vào một cái gối.
Nhưng dần dần, về phương diện cá nhân, mọi chuyện trở nên ổn hơn – hoặc ít nhất là ít khủng khiếp hơn. Tôi nghĩ ngợi và viết lách một chút, rồi cầu nguyện, suy ngẫm, và, cuối cùng thì, cười rất nhiều. Tôi thường đi bộ đường dài trong rừng với chồng và hai chú chó Tally và Maisie, hai chú coi toàn bộ chuyện này nhẹ nhàng hơn chúng tôi nhiều. Tôi quây quần với bạn bè, xem mấy chương trình truyền hình mà mọi người giới thiệu nhiều năm nay cũng như rất nhiều chương trình trên kênh HGTV1. Điều tuyệt vời hơn hết thảy, tôi dành nhiều thời gian với mấy đứa cháu ngoại, kể chuyện cho chúng nghe trước giờ đi ngủ, hát hò với chúng trong phòng tắm – bù đắp cho những điều tôi đã bỏ lỡ trong suốt những tháng ngày dài vận động chiến dịch. Tôi cho rằng đây là điều mà vài người gọi là “tự chữa lành”. Hóa ra, nó rất đỗi tuyệt vời.
1 HGTV (viết tắt của Home & Garden Television): Kênh truyền hình Mỹ về sửa chữa, trang trí nhà cửa, làm vườn, làm thủ công. (Tất cả các chú thích trong sách là của người dịch).
Giờ thì, khi mọi người hỏi tôi đang như thế nào, tôi nói rằng, là một người Mỹ, tôi đang lo lắng hơn bao giờ hết – nhưng là một người bình thường, tôi đang rất ổn.
Quyển sách này là câu chuyện của hành trình đó. Viết ra nó là một sự giải tỏa. Tôi nếm trải lại toàn bộ mọi hỉ nộ ái ố một lần nữa. Nhiều lúc, tôi phải ra khỏi bàn, nằm xuống, nhắm mắt lại, và cố gắng làm đầu óc mình trống rỗng. Quyển sách này còn khó viết vì một lý do nữa: Tôi không đếm được bao nhiêu lần mình ngồi ở bàn bếp, miệt mài viết, rồi ngưng lại để xem các bản tin nóng, cảm thấy xấu hổ ghê gớm, rồi lại thở dài, và lấy cây bút đỏ ra để bắt đầu sửa lại.
Tôi đang cố gắng giảng hòa với những kỷ niệm đau đớn và ôn lại những kỷ niệm vui vẻ trong suốt chiến dịch. Trong quá khứ, vì những lý do tôi đã cố giải bày, tôi thường cảm thấy mình phải cẩn trọng trước công chúng – cảm giác như đang đi trên dây mà không có lưới bảo hộ bên dưới, nhưng giờ thì tôi đã có thể thoải mái hơn.
Sau khi hoàn tất bản thảo này, tôi sẵn sàng đối mặt với tương lai lần nữa. Tôi hy vọng rằng khi đọc đến những trang cuối cùng, bạn cũng sẽ ở đó, cùng với tôi.
Tôi luôn biết ơn vì được chọn là ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ và nhận được 65.844.610 lá phiếu bầu từ cử tri của mình. Con số này – nhiều hơn nhiều so với bất cứ ứng viên Tổng thống nào từng được bầu, ngoại trừ Barack Obama – là bằng chứng cho thấy rằng kết quả bầu cử năm 2016 chưa đủ để phản ánh ý nguyện và mong muốn của mọi người dân Mỹ.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả những người đã chào đón tôi đến nhà riêng, công sở, trường học, và nhà thờ của họ trong suốt hai năm dài sôi động này; cảm ơn mọi cô bé, cậu bé đã chạy nhào vào vòng tay tôi, cật lực đập tay với tôi; và cảm ơn hàng dài những con người quả cảm thuộc nhiều thế hệ khác nhau, bằng tình yêu và sức mạnh của mình đã giúp tôi có được một cuộc đời đáng tưởng thưởng ở đất nước tôi yêu mến. Nhờ có họ, dù cho bất cứ điều gì xảy ra, tôi cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc.
Tôi muốn bắt đầu quyển sách này với vài lời dành cho Harriet Tubman – một trong những người tiên phong. Hai mươi năm trước, tôi có xem một nhóm trẻ em diễn kịch về cuộc đời bà khi còn sống ở nông trại cũ của bà tại Auburn, New York. Chúng rất phấn khởi về người phụ nữ quả quyết và can đảm đã vượt qua mọi trở ngại để đưa những người nô lệ đến với tự do. Dù đối mặt biết bao khó khăn, bà không bao giờ đánh mất niềm tin vào phương châm sống đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ: Cứ bước tiếp. Đó cũng chính là điều chúng ta sẽ làm, ngay bây giờ.
Năm 2016, chính phủ Mỹ tuyên bố rằng Harriet Tubman sẽ trở thành gương mặt được in trên tờ 20 đô la. Nếu bạn cần bằng chứng nước Mỹ vẫn có thể làm đúng, thì chính là đây.
Chuyện này sẽ khó. Nếu nó không khó, mọi người đã làm rồi.
Chính sự khó làm cho nó vĩ đại.
—Trích phim A League of Their Own
Nguồn: dtv-ebook.com