Những đồng nghiệp trong giới sử học và những người quan tâm đến lịch sử nước nhà đều biết đến những công trình chuyên khảo về lịch sử và văn hóa của Tạ Chí Đại Trường như: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802; Thần, người và đất Việt; Việt Nam nhìn từ bên trong và bên ngoài; Những bài văn sử; Sử Việt đọc vài quyển… ông đã tham gia vào lĩnh vực này từ lâu, ông viết sử trong nhiều hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh sống khác nhau, trước và sau năm 1975 ở miền Nam, ở trong nước và hải ngoại sau năm 1975.
Cuốn sách này là một tập hợp những bài viết, chủ yếu đã được công bố ở hải ngoại đề cập tới nhiều lĩnh vực và nội dung khác nhau vốn rất phong phú của sử học; từ cái đình làng được coi là “trú sở của thần linh” đến thần tích của Phù Đổng Thiên Vương, từ những di tích, những công trình thủy lợi ở Quảng Trị đến hình thái lịch sử nước nhà vào thế kỷ thứ X, từ tầng lớp điền chủ và ruộng đất qua các triều đại đến chế độ nội hôn của họ Trần, từ những đồng tiền được đúc đến những đồng tiền kẽm ở Đàng Trong, từ khuôn đúc tiền bằng đá đến khảo về tiền giấy…
Những khảo luận được viết nghiêm túc với bút pháp khoa học nhưng đọc nó người ta vẫn cảm nhận được cảm hứng của tác giả, lấy việc khảo cứu công phu như một thú vui tiêu khiển thời gian hơn là sự hành nghề của một sử gia chuyên nghiệp. Có lẽ vì thế mà Tạ Chí Đại Trường chọn thể loại cho tập sách của mình cái tên “Dã sử Việt”. Sách “Từ điển Bách khoa Việt Nam” thì định nghĩa thuật ngữ “Dã sử” dài dòng. Còn “Từ điển Hán-Việt” của Đào Duy Anh thì ngắn gọn: Dã sử là “sử của tư gia (histoire privée)”.
Cách định nghĩa của Đào Duy Anh có vẻ ứng với sự lựa chọn của Tạ Chí Đại Trường. Vì thế đọc nó thấy hấp dẫn và bổ ích hơn…
Xin có lời giới thiệu với bạn đọc.
DƯƠNG TRUNG QUỐC
Sách dành riêng cho nhà họ Tạ các họ Nguyễn và họ Trần trong tinh thần đại gia đình bền vững từ cỗi gốc đến những bước lênh đênh.
Nguồn: dtv-ebook.com