Con người được sinh ra để đạt tới cuộc sống, nhưng điều đó tất cả phụ thuộc vào con người. Con người có thể bỏ lỡ nó. Con người có thể cứ thở, con người có thể cứ ăn, con người có thể cứ già đi, con người có thể cứ đi tới nấm mồ – nhưng đây không phải là cuộc sống, đây là cái chết dần. Từ cái nôi tới nấm mồ… cái chết dần dài bẩy mươi năm. Và bởi vì hàng triệu người quanh bạn đang chết trong cái chết chậm chạp, dần dần này, bạn cũng bắt đầu bắt chước họ. Trẻ con học mọi thứ từ những người quanh chúng, và chúng ta bị bao quanh bởi cái chết.
Cho nên điều đầu tiên chúng ta phải hiểu điều tôi ngụ ý bởi “sống”. Nó phải không đơn giản chỉ là già đi, nó phải là trưởng thành. Và đây là hai điều khác biệt.
Già đi, bất kì con vật nào cũng có khả năng ấy. Trưởng thành là đặc quyền của con người.
Chỉ vài người mới tuyên bố về quyền này.
Trưởng thành có nghĩa là mọi khoảnh khắc đều đi sâu hơn vào nguyên tắc của cuộc sống; nó có nghĩa là đi xa khỏi cái chết – không hướng tới cái chết. Bạn càng đi sâu hơn vào cuộc sống, bạn càng hiểu nhiều hơn cái bất tử bên trong mình. Bạn đi xa khỏi cái chết; một khoảnh khắc tới khi bạn có thể thấy rằng cái chết không là gì ngoài việc thay quần áo, hay đổi nhà, đổi hình dạng – chẳng cái gì chết, chẳng cái gì có thể chết được.
Cái chết là ảo tưởng lớn nhất có đó.
Với trưởng thành, quan sát cây cối mà xem. Khi cây vươn lên cao, rễ của nó ăn sâu xuống, sâu hơn. Có cân bằng – cây vươn càng cao rễ ăn càng sâu. Bạn không thể có cây cao bốn chục mét với bộ rễ nhỏ được; chúng không thể đỡ được cây khổng lồ như vậy.
Trong cuộc sống, trưởng thành nghĩa là đi sâu vào bên trong bản thân mình – đó là nơi rễ của bạn ăn vào.
Với tôi, nguyên tắc thứ nhất của cuộc sống là thiền. Mọi thứ khác tới ở hàng thứ hai. Và thời thơ ấu là thời gian đẹp nhất. Khi bạn già hơn điều đó nghĩa là bạn đang tới gần cái chết hơn, và việc đi vào thiền trở thành ngày một khó khăn hơn.
Thiền nghĩa là đi vào trong cái bất tử của bạn, đi vào trong cái vĩnh hằng của bạn, đi vào trong tính thượng đế của bạn. Và đứa trẻ là người đủ phẩm chất nhất bởi vì nó không bị nặng gánh bởi tri thức, không bị nặng gánh bởi tôn giáo, không bị nặng gánh bởi giáo dục, không bị nặng gánh bởi đủ mọi loại rác rưởi. Nó hồn nhiên.
Nhưng không may hồn nhiên của nó bị kết án là dốt nát. Dốt nát và hồn nhiên có điểm tương tự, nhưng chúng không là một. Dốt nát cũng là trạng thái không biết – nhưng có khác biệt lớn lao nữa, điều đã bị toàn thể nhân loại bỏ qua mãi cho tới nay. Hồn nhiên là không có hiểu biết nhưng nó không có ham muốn được hiểu biết. Nó là mãn nguyện, thoả mãn hoàn toàn.
Đứa trẻ nhỏ không có tham vọng, nó không có ham muốn. Nó bị cuốn hút thế vào khoảnh khắc này – con chim tung cánh thu hút mắt nó toàn bộ thế; mỗi con bướm thôi, màu sắc rực rỡ, và nó bị mê mẩn; cầu vồng trên trời… và nó không thể nào quan niệm được rằng có thể có cái gì ý nghĩa hơn, phong phú hơn cầu vồng này. Và đêm đầy sao, sao xa tít ngoài sao…
Hồn nhiên là giầu có, nó là tràn đầy, nó là thuần khiết.
Dốt nát là nghèo nàn, nó là kẻ ăn xin – nó muốn cái này, nó muốn cái nọ, nó muốn được am hiểu, nó muốn được kính trọng, nó muốn giầu có, nó muốn quyền hành. Dốt nát đi trên con đường của ham muốn. Hồn nhiên là trạng thái của vô ham muốn. Nhưng bởi vì cả hai đều không có tri thức, chúng ta bị lẫn lộn về bản chất của chúng. Chúng ta đã cứ cho rằng chúng là một.
Bước đầu tiên trong nghệ thuật sống là hiểu ra phân biệt giữa dốt nát và hồn nhiên. Hồn nhiên phải được hỗ trợ, được bảo vệ – bởi vì đứa trẻ đã mang theo mình kho báu vĩ đại nhất, kho báu mà các hiền nhân tìm ra sau những nỗ lực cam go. Các hiền nhân đã nói rằng họ trở lại thành trẻ thơ lần nữa, rằng họ được tái sinh. Ở Ấn Độ, người brahmin thực, người biết thực, đã tự gọi mình là dwij, được sinh hai lần. Sao lại được sinh ra hai lần? Điều gì đã xảy ra cho lần sinh thứ nhất? Cần gì phải có lần sinh thứ hai? Và người đó sẽ được gì trong lần sinh thứ hai?
Nguồn: dtv-ebook.com