Giới thiệu của nhà văn Nguyễn Đông Thức
Đọc Mùa xa nhà: Một cuốn truyện hay về đời lính
TT – Mùa xa nhà ra mắt bạn đọc khi cuộc chiến ở mặt trận Tây Nam Tổ quốc kết thúc đã 15 năm. Văn học thường cất tiếng quá chậm về đề tài chiến tranh, sau suốt từng ấy năm hầu như chưa có một truyện dài nào về cuộc chiến ác liệt này gây được ấn tượng với người đọc…
276 trang sách được dành để nói về cuộc sống và chiến đấu của chỉ một trung đội súng 12 li 7 thuộc một tiểu đoàn bộ binh VN đóng tại vùng Tây Bắc Campuchia, sát biên giới Thái Lan. Nhân vật chính là Huy, một chàng trai Sài Gòn đi nghĩa vụ quân sự, và các đồng đội trong trung đội của anh. Thời gian xảy ra khoảng từ năm 1984 đến 1987, lúc cuộc chiến đi vào cao điểm trước khi kết thúc. Chỉ với một trung đội và chỉ trong vài năm, thế nhưng tất cả những gì gọi là sự khắc nghiệt của chiến tranh vẫn xuất hiện đầy đủ trong Mùa xa nhà: những trận đánh ác liệt mà giữa sự sống và cái chết chỉ là một sợi chỉ mong manh; những cuộc hành quân liên miên với bao nhiêu là gian khổ, thiếu thốn – đặc biệt là chuyện thiếu nước uống trong mùa khô; nỗi nhớ nhà cùng sự cô đơn của người lính viễn chinh… Bao mất mát xé lòng trước sự ngã xuống của người đồng đội thân thiết nhất, để có thể nổi điên, có thể tự vẫn… Chân dung người lính từ đó cũng hiện ra hết sức đầy đủ: người anh hùng, kẻ hèn nhát; người chai sạn, kẻ yếu đuối… Thậm chí có cả những kẻ cầm súng đi cưỡng hiếp dân lành, để bị xử bắn…Trên tất cả sự khắc nghiệt đó là một thứ tình đồng đội chân thành, trong suốt, thương nhau còn hơn cả anh em trong nhà. Và tất nhiên, ở những người lính trẻ xa nhà, còn không thể thiếu chuyện tình yêu với các cô gái bản xứ – có người ở hẳn lại lập gia đình và sinh sống trên đất bạn, có người “chơi qua đường” cho xong thời gian nghĩa vụ, có người yêu thật lòng nhưng gặp phải sự tàn nhẫn của chiến tranh… Chân dung người lính đã đa dạng như vậy thì “lý tưởng cầm súng” cũng được trình bày không chút đơn điệu. Trở đi trở lại trong suy tưởng của Huy, của Quân… chính là một câu hỏi day dứt: Tôi đi sang đây chiến đấu và chết là vì cái gì? Liệu công việc này thật sự có ý nghĩa và cần thiết hay không?… Những câu hỏi đó, và cách mà mọi người tự tìm thấy câu trả lời cho mình để vẫn có thể yên tâm chiến đấu, mới chính là giá trị tư tưởng cao nhất của Mùa xa nhà. Nó cũng giúp cho cuốn truyện có được một sự chân thật đầy thuyết phục. Anh hùng rất đời thường. Ác liệt nhưng không bi lụy. Mọi thứ dường như đã được Nguyễn Thành Nhân viết ra quá dễ dàng, có cảm giác như anh đã viết một mạch chứ không phải suốt hai năm, “như rút ruột ra mà viết”, theo lời anh tâm sự. Cho một phần tuổi trẻ của chính mình đã đi qua, cho những đồng đội đã nằm xuống.
(Những đồng đội của tôi ơi! Mồ của các bạn đã được phủ lên bao nhiêu lớp cỏ úa mùa thu. Tên tuổi, hình ảnh của các bạn chỉ còn trong nỗi nhớ – những nỗi nhớ ngắn ngủi, bất chợt hiện ra trong giây lát, rồi lại chìm khuất dưới bao âu lo, suy tư của thực tế mỗi ngày. Điều quan trọng là tôi không được quyền quên!…).
Mùa xa nhà nhắc người đọc nhớ hơn những điều không được quyền quên ấy, và xứng đáng được xếp vào danh mục những cuốn sách hay viết về chiến tranh.
Nguồn: dtv-ebook.com