Trò Bịp Trên Phố Wall

white noise for sleeping link
shopee-sale

Trò Bịp Trên Phố Wall là hồi ký của Michael Lewis về bốn năm làm việc tại hãng đầu tư Salamon Brothers, từ một kẻ học việc Geek non nớt đến một tay kinh doanh trái phiếu Big Swinging Dick thành đạt, mang về hàng triệu đô-la cho hãng và kiếm tiền từ cuộc đổ xô “tìm vàng: thời hiện đại. Cuốn sách ghi lại giai đoạn đỉnh điểm của những năm điên cuồng và đầy biến động đó – Một cái nhìn hậu trường trong một thời kỳ khác thường và hỗn loạn của nền kinh tế Mỹ. Bằng vốn hiểu biết sâu rộng và những lý giải hài hước của người trong cuộc, Lewis mô tả khoảng thời gian từ năm 1984 đến cuộc khủng hoảng năm 1987 như một thời kỳ mà lòng tham không đáy và phương cách làm giàu vô nhân đạo chưa từng thấy thống trị thị trường.
 
Cội nguồn

Salomon Brothers, thành lập năm 1910, là một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất Phố Wall trong thập niên 1980. Năm 1984, tổng tài sản của ngân hàng này đạt mốc 34 tỷ đô la. Đây là nơi khai sinh cụm từ “chứng khoán hóa” − mầm mống của đại khủng hoảng tài chính.

Cuối thập niên 1970, các ngân hàng Mỹ không còn muốn liều lĩnh tài trợ cho vay mua bất động sản dài hạn bằng nguồn tiền gửi ngắn hạn đầy bấp bênh. Nếu những người đi gửi tiền bỗng dưng thích giấu tiền dưới gối hơn là để nó ở nhà băng, các ngân hàng sẽ chẳng biết lấy đâu ra tiền mà trả cho khách, sụp đổ là điều khó tránh khỏi. Cung giảm nhưng nhu cầu mua nhà lại tăng do số người đến tuổi trưởng thành ngày càng nhiều. Áp lực tài chính đè nặng lên “giấc mơ Mỹ”. Vì thế, hoặc là có một bước đột phá, hoặc là người Mỹ nên tập quen với những căn nhà tùng tiệm hơn.

Và thế là một phát minh vĩ đại ra đời. Thời cơ đến nhưng chỉ có Salomon Brothers cùng vị phó chủ tịch huyền thoại Lewis Ranieri là chộp được để ghi tên mình vào lịch sử. Năm 1977, liên kết với Bank of America, Salomon phát hành MBS (mortgage-backed securities) tư nhân đầu tiên. Đây là một trái phiếu được phát hành trên cơ sở đảm bảo bởi các khoản vay thế chấp mua nhà. Bằng cách phát hành các chứng khoán nợ này, “chủ nợ” của các khoản vay thế chấp chuyển từ ngân hàng sang nhà đầu tư. Ngân hàng có điều kiện quay vòng vốn nhanh hơn và thay vì phải huy động vốn tiền gửi với lãi suất cao và kỳ hạn ngắn, nay nó đã tiếp cận được một kênh huy động vốn dài hạn với lãi suất hấp dẫn hơn nhiều.

Không chỉ vậy, rủi ro không thanh toán cũng được chuyển trực tiếp từ ngân hàng sang các nhà đầu tư mua MBS. Vận may đã mỉm cười với Salomon, năm 1981, chính quyền Mỹ ban hành đạo luật hoàn toàn bộ thuế trong vòng mười năm trước đó cho các quỹ tiết kiệm và cho vay (S&L) không có nợ xấu.

Các quỹ này buộc phải bán các MBS thấp hơn giá trị thực rồi ngay lập tức mua lại các MBS khác để “làm sạch” bảng kết toán tài sản. Nhưng trên Phố Wall, chỉ duy nhất Salomon Brothers có bộ phận giao dịch MBS, vì thế, họ độc quyền. Các quỹ S&L chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài cách tìm đến với Ranieri. Ước tính đã có tới 1 nghìn tỷ đô-la MBS qua tay các tay giao dịch của Salomon Brothers. Nhà đầu tư tại London nay có thể tài trợ cho những căn nhà tại Los Angeles, Tokyo hay Frankfurt. Khi nguồn cung vốn vay được khơi thông, tất yếu đẩy lãi suất cho vay thấp xuống. Lãi suất hạ, số người đi vay mua nhà ngày càng tăng, thị trường MBS gần như là của riêng Salomon lại càng thêm sôi động.

Sáng tạo nối tiếp sáng tạo, sau nhà đất, các khoản vay mua ôtô, đi học, mua tivi, tủ lạnh cũng được đóng gói thành các chứng khoán bảo đảm bằng tài sản. Cụm từ “chứng khoán hóa” đăng ký nơi ra đời tại tầng 45 tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới, nơi đặt trụ sở của Salomon Brothers.

Sáng tạo đồng nghĩa với lợi nhuận, tiền cứ thể đổ vào túi họ. Năm 1984, lợi nhuận của Salomon Brothers còn lớn hơn tất cả các công ty ở Phố Wall cộng lại và con số 38 tỷ đô-la danh mục đầu tư của nó lớn gấp bốn lần bất kỳ đối thủ nào. Kế đến là quyền lực, ngay đến Bộ Tài chính cũng phải nhờ tới Salomon mới phát hành hết được 2,3 nghìn tỷ đô-la nợ chính phủ trong thập niên 1980, vì họ là người mua lớn nhất. Có nhiều lời đồn đại cho rằng Salomon điều khiển được cả lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.

Trong ngôi đền của những huyền thoại, cái tên Salomon Brothers đã trở thành bất tử.

Mặt trái của tấm huân chương

Salomon dẫn đầu, Salomon là vua, Salomon vượt mặt toàn bộ Phố Wall. Trong thập niên 1980, những lời tung hô che giấu đi phần nào mặt trái tại Salomon Brothers.

Trái với quan niệm trọng bằng cấp, bản thân Ranieri cùng nhiều nhân viên cao cấp tại Salomon chưa bao giờ có bằng đại học, một người mới chỉ học hết lớp 8. Nhưng đó là chuyện bình thường tại Salomon. Ranieri không yêu cầu nhân viên của mình phải có kiến thức chuyên sâu về tài chính, chỉ cần biết đánh vào điểm yếu của người khác, đe dọa để họ phải nghe lời, giăng bẫy người mua vướng vào mớ trái phiếu tệ hại − thế là đủ.

Khi giá đã ổn định, MBS không còn gì hơn các loại trái phiếu trên thị trường cũng như Salomon không còn gì hơn các đối thủ khác. Từ đây, như một quả báo, vận rủi và tai tiếng cứ liên tiếp ập xuống Salomon. Năm 1991 là khoản phạt 290 triệu đô-la vì gian lận đấu thầu chứng khoán và cáo buộc thao túng thị trường. Danh tiếng tiêu tan và công ty suýt bị thôn tính.

Thói gian lận có lẽ đã ám ảnh Salomon. Năm năm sau ngày trở thành một bộ phận của Citigroup năm 1998 với cái tên Salomon Smith Barney, công ty lại là trung tâm trong vụ án mâu thuẫn lợi ích “Global Settlement”, với cáo buộc phát hành báo cáo nghiên cứu gian lận và hối lộ lãnh đạo doanh nghiệp.

Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay nhen nhóm từ MBS rồi bùng phát dữ dội vì CDO (collateralized debt obligation), một “sáng tạo” nữa của Ranieri thời còn gắn bó với Salomon. Chính Citigroup cũng vì MBS và CDO mà suýt nữa rơi vào cảnh phá sản, nếu không nhận được sự cứu trợ từ chính phủ Hoa Kỳ.

Về phần mình, Ranieri giúp ngân hàng Franklin Bank của mình tránh khỏi mớ bòng bong của MBS và CDO, nhưng tránh “vỏ dưa gặp vỏ dừa”, tháng 11 năm 2008, Franklin Bank vẫn sụp đổ vì nợ xấu của các nhà thầu xây dựng!

Trò bịp trên Phố Wall

Tất cả những sự kiên, diễn biến ở Phố Wall và Salomon được kể lại đầy lôi cuốn và hấp dẫn qua cuốn tự truyện của Michael Lewis. Liar’s Poker (Trò bịp trên Phố Wall) mô tả kinh nghiệm của tác giả trong vai trò một tay buôn trái phiếu trên Phố Wall trong suốt thập niên 1980. Cuốn sách chính là một “bản báo cáo nội gián” soi rõ từng chân tơ kẽ tóc giới giao dịch chứng khoán.

 Vào thập niên 1980, Michael Lewis là tay kinh doanh trái phiếu tập sự cho Salomon Brothers ở New York và London trong suốt bốn năm. Poker – Bài nói dối – là một trò chơi mang tính lừa bịp và đặt cược cao mà các thương nhân, các tay buôn cổ phiếu và giới ngân hàng đầu tư thường chơi mỗi buổi chiều, nhưng nó cũng là một ẩn dụ cho các nền văn hóa của Salomon đầy mạo hiểm, rủi ro và bịp bợm. Đó là một cuộc chơi không khoan nhượng.

Lewis kể về câu chuyện thực của Phố Wall trong cả những ngày vinh quang và giai đoạn sụp đổ với giọng văn đầy hài hước, châm biếm. Những nhân vật đầy màu sắc và nổi tiếng ở Phố Wall như Michael Milken, người đã phát triển loại trái phiếu có lãi suất cao nhưng đầy rủi ro (high-yield debt/junk bond), nhà đầu tư Warren Buffett, nhà phân tích chứng khoán Bill Simon, Lewis Ranieri − người đứng đầu phòng thế chấp của Salomon Brothers và John Gutfreund − giám đốc điều hành Salomon đều xuất hiện sống động trong cuốn sách này. 

Là sinh viên Đại học Princeton, Lewis muốn bước chân vào Phố Wall nhưng đều bị mọi công ty mà ông nộp đơn từ chối. Không kiếm được việc, ông phải xin vào Trường Kinh tế London (LSE) để kiếm một tấm bằng Thạc sỹ Kinh tế. Tình cờ Lewis có dịp ngồi cạnh bà vợ của hai nhà quản lý Salomon Brothers và nhờ đó tìm được việc làm đầu tiên của mình ở Salomon. Ở New York, Lewis đã học những bài bọc đầu tiên về nền văn hóa tiền bạc của Salomon và Phố Wall trong một chương trình đào tạo của công ty này. Sau đó, Lewis chuyển tới văn phòng Salomon Brothers ở London. Mặc dù là tay kinh doanh thiếu kiến thức và kinh nghiệm song ông sớm được giao quyền xử lý hàng triệu đô-la trong các tài khoản đầu tư. Năm 1987, ông đã chứng kiến sự mua bán liều mạng và đầy thù địch của Salomon Brothers, nhưng vẫn tiếp tục trụ lại công ty. Giao dịch và kinh doanh trái phiếu − tưởng chừng đó là loại công việc cần trình độ và tư duy tài chính, song thực tế lại đòi hỏi những kỹ năng khác hẳn: khai thác những điểm yếu và đe dọa người khác, tận dụng sự thiếu hiểu biết của những “kẻ khờ” để kiếm tiền và nhờ đó trở nên cực kỳ giàu có. Lewis đã gọi đó là thế giới của “Luật rừng”. Năm 1988, khi ngày càng trở nên thất vọng với công việc, Lewis từ bỏ công việc mà ông đang ở trên đỉnh cao để viết cuốn sách này, bắt đầu sự nghiệp một nhà báo tài chính. Cuốn sách đã vạch trần toàn bộ mọi sự vụ ở Phố Wall, về văn hóa Phố Wall, về giới giao dịch trái phiếu, về niềm tin của họ và công việc thật sự của họ. Khi kể về những tháng ngày tại Salomon, Lewis đã viết: “Salomon là khu rừng hoang dại đầy những con thú khát máu gắn mác giao dịch viên”. 

Với mức độ thâu tóm và nhận diện chính xác cả một thời kỳ, Trò bịp trên Phố Wall chính là bản dự báo cho hai cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và một số yếu tố trong sự sụp đổ của Enron hay nhiều vụ bê bối tài chính khác, bởi gốc rễ lịch sử của chúng khởi phát mầm mống từ chính những trò lừa đảo của Phố Wall, mà Salomon là đại diện tiêu biểu.

Cùng với những cuốn sách mà Alpha Books đã xuất bản như Trên đỉnh Phố Wall của Peter Lynch và John Rothchild, Hồi ức của một thiên tài đầu tư chứng khoán của Edwin Lefèvre, Bước đi ngẫu nhiên trên Phố Wall của Burton G. Malkiel, Đánh bại Phố Wall của Peter Lynch…, Trò bịp trên Phố Wall của Michael Lewis là cuốn sách kinh điển, được xem như là “gối đầu giường” của giới giao dịch chứng khoán và những người tham vọng gia nhập vào thế giới này.

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Tháng 1 năm 2010

Nguyễn Cảnh Bình

Giám đốc Công ty Alpha Books
Mời các bạn đón đọc Trò Bịp Trên Phố Wall của tác giả Michael Lewis.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com

Sách cùng tác giả