Bốn năm chinh chiến xa nhà cứ ngỡ đã mất tích, một ngày nọ, Lục Tề Lâm – Thế tử phủ Định Nam Hầu mã đáo thành công trở về Đại Lương.
Bốn năm ròng rã ấy, Khương Cẩm – người vợ được mua với giá 200 lượng bạc của Lục Tề Lâm, ngày ngày trống chiều chuông sớm, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, chép sách để siêu độ cho phu quân. Ai ngờ rằng sự trở về của “phu quân hờ” không phải là “khổ tận cam lai” mà lại là “hoạ vô đơn chí” đối với nàng. Người vợ tào khang dù chưa một ngày chung đụng bỗng chốc thành hòn đá ngáng chân Lục Tề Lâm, đặc biệt là khi, cô vợ ấy đã bị 4 năm ăn chay thiếu thốn làm cho vóc người trơ xương, da vàng ệch, tóc như cánh đồng cỏ cháy sang thu, chỉ có đôi mắt là vẫn to tròn như động sâu hút hồn.
Dù vậy, so với đường quan lộ thênh thang và cô quận chúa Trường Ninh xinh đẹp đang say hắn như điếu đổ, cô vợ Khương Cẩm đúng là “đò rách ngáng chỗ”, nhìn sao cũng thấy phiền, chỉ là, nếu không xử lý khéo thì thanh danh đang lên của hắn cũng bị vấy bẩn. Không ngờ cô vợ xấu rất biết điều, không chịu làm thiếp mà đề nghị hoà ly. Cuộc thoả thuận song phương diễn ra êm đẹp cho đến khi có sự nhúng tay của Vương thị – mẹ chồng cực phẩm trong truyền thuyết, kết quả là màn “cẩu huyết” tập một: Con dâu dí dao vô cổ mẹ chồng và ra điều kiện: hoặc hoà ly kèm 1.000 lượng bạc “thanh xuân phí”, trả khế ước của nha hoàn Liễu Diệp cho nàng, hoặc cá chết lưới rách. Tất nhiên, vua cũng thua thằng liều, Định Nam Hầu – bố chồng Khương Cẩm gật đầu đồng ý.
Chuyện đời ấy mà, mấy khi châu chấu đá xe mà thành công, Khương Cẩm tất nhiên toại nguyện rời khỏi phủ, mang theo nha hoàn Liễu Diệp lúc này đã bị hành hạ đến sắp ngất xỉu, nhưng còn tiền ấy hả, một xu cũng không có. (Dù chị đã xuyên không, nhưng mà đấu với mẹ chồng cực phẩm ấy à, chị hãy còn non và xanh lắm).
Ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng (lưng lận được đâu tầm hơn chục lượng bạc tiền riêng), một thân ốm yếu mang theo một nha hoàn bệnh tật, Khương Cẩm bắt đầu cuộc sống mới trong hiệu thuốc của lão Tôn, những lượng bạc dần dần theo tiền thuốc men đi hết, còn nàng vẫn chưa biết làm gì để tiếp tục sống ở một nơi xa lạ như Đại Lương.
Ở một chốn như Đại Lương nói riêng hay là thời cổ đại nói chung, sự thành công của nữ tử được đo bằng: xuất thân, gia tộc, nhan sắc, tài năng, thì Khương Cẩm lại chẳng hề có gì. Nàng là một cô nhi, học xong đại học thì mở một chuỗi cửa hàng bánh bao, bị lừa tình rồi xuyên không về thế giới này. Nhẩm tính lại, Khương Cẩm đúng là cô nàng “3 không” trong truyền thuyết: không có xuất thân làm bệ đỡ, không có nhan sắc làm chỗ dựa, không có tài năng để nổi tiếng, con đường đi sau này của nàng, đã định trước sẽ gian nan, trừ khi đã được định sẵn là có “bàn tay vàng” của mẹ tác giả bao bọc. Khương Cẩm tất nhiên có “bàn tay vàng” – đó là ngón nghề làm bánh bao đã theo nàng suốt thời hiện đại và những người tốt nàng gặp ở Đại Lương.
Câu chuyện “làm giàu không khó” của Khương Cẩm được tác giả mô tả khá thú vị. Độc giả sẽ thấy một Khương Cẩm thiện lương, thương người đến ngớ ngẩn khi “ốc không mang nổi mình ốc còn mang cọc cho rêu”, cưu mang cậu bé A Dung vốn đã chết lâm sàng được nàng cứu sống. Độc giả sẽ thấy một Khương Cẩm “ném đá xuống giếng” khi “chặt đẹp” bà mẹ chồng cũ với một bữa cơm chay giá 1 lượng bạc (so sánh với cái bánh bao sau này nàng bán: cái 3 văn, cái 5 văn, cái đắt cũng chỉ 8 – 10 văn). Độc giả cũng sẽ thấy một Khương Cẩm công phu “sư tử ngoạm” không bao giờ có thù với tiền, tiền đến cửa là thu, kể cả là tiền từ “tình địch” Trường Ninh quận chúa. Thậm chí, nàng còn chê ỏng chê eo: “quận chúa sao mà nghèo, muốn tui “ngậm miệng” với 30 lượng bạc thôi sao?” khiến quận chúa đưa cho nàng nguyên cái vòng tay để làm “phí giữ miệng”. Vậy là, từ chỗ không xoay được vốn và chạy ăn từng bữa, Khương Cẩm đã thành công huy động được số tiền để mở cửa hàng đầu tiên của mình, cửa hàng buôn bán không tệ, nổi danh khắp thành, tiền tích cóp của nàng cũng ngày một tăng thêm.
Nguồn: dtv-ebook.com