SAU tám năm chiến đấu anh dũng, sau những thắng lợi lớn lao của toàn dân trên khắp các mặt trận : chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hoá, nhân dân ta đã giành lại được thủ đô Hà-nội.
Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng nhau ôn qua lại lịch sử thủ đô của chúng ta, đồng thời cũng ôn lại nhiều cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc, đánh bại giặc xâm lược, giành lại nơi trung tâm của đất nước. Lịch sử thủ đô đã khăng khít chặt chẽ với lịch sử chiến đấu giành độc lập của dân tộc và lịch sử kiến thiết tổ quốc Việt-nam yêu quý của chúng ta.
Hà-nội trở thành thủ đô của nước ta kể từ năm 544, năm nước Vạn-xuân độc lập ra đời sau khi Lý Bôn đã lãnh đạo toàn dân đánh bại quân đô hộ của triều đình nhà Lương. Từ 602, nước ta lại mất vào tay phong kiến Tùy. Nước mất, tên Vạn-xuân cũng mai một và thủ đô Long-biên cũng đổi thành Đại-la. Nhưng đến năm 1010, tức là ngót 100 năm sau trận Bạch-đằng chôn vùi quân Nam-Hán, khi mà khối thống nhất toàn quốc đã thực hiện, thủ đô từ Hoa-lư rời lên Thăng-long. Từ đấy tên Thăng-long tồn tại mãi mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 19 mới đổi thành Hà-nội.
Thăng-long 1010, Hà-nội 1954 ! Trong ngót 10 thế kỷ, dân tộc ta đã được thử thách qua bao nhiêu sự nghiệp gian lao kiến thiết và chiến đấu để bảo toàn lấy độc lập và thống nhất của Tổ quốc. Khi rời đô từ Hoa-lư đến Thăng-long, Lý-công-Uẩn tuyên bố : « Thăng-long « có thế long bàn hổ cứ », là nơi trung tâm của bốn phương, nhân vật phồn thịnh, xứng đáng là nơi thượng đô… »
Nơi thượng đô ấy, nhờ bao nhiêu công sức của toàn dân đã trở thành Kinh kỳ từ đầu thế kỉ XI và hiện nay trở thành thủ đô của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa. Giữ gìn được Thủ đô tức là bảo toàn được đất nước. Những trang lịch sử vẻ vang của nước ta đã chứng rõ điều đó.
Cuối thế kỷ thứ XIII, ba lần quân phong kiến nhà Nguyên xâm lược nước ta, uy hiếp Thăng-long, chiếm đóng Thăng-long nhưng cả ba lần chúng đều bị đánh bật ra khỏi Thăng-long rồi sau bị tống cổ khỏi bờ cõi nước ta. Từ sau khi ấy, phố phường ở thủ đô lại tiếp tục phát triển, những việc giao thương bằng đường bộ, đường thuỷ từ Thăng-long đi các nơi khác trong nước mỗi năm càng mở rộng ; trường học ở Thăng-long mở mang thêm và thu hút các sĩ tử từ bốn phương lại.
Cuối thế kỷ XIV, quân Chiêm-thành ba lần tiến vào nước ta định chiếm lấy Thăng-long, nhưng ba lần chúng đều bị đánh bại. Sang đầu thế kỷ thứ XV, phong kiến nhà Minh cướp nước ta. Sau hai mươi năm đấu tranh tiêu diệt giặc xâm lăng, nhân dân ta giành lại được độc lập của đất nước và giành lại được Thăng-long, thủ đô của đất nước. Sự thống nhất của tổ quốc càng chặt chẽ hơn trước. Phố phường Thăng-long từ đấy càng đông vui hơn, nhóm Tao đàn thành lập, trường Quốc-tử-giám được sửa sang lại và Thăng-long đã nghiễm nhiên đứng vào hàng thứ nhất trong các thành thị lớn của nước ta. Đến thế kỷ XVIII, Thăng-long lại càng phồn thịnh hơn nữa. Câu ví « Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến » lại càng chứng tỏ rằng phố Hiến tuy rất thịnh, nhưng cũng không sánh kịp được Thăng-long.
Chiến tranh phong kiến liên miên giữa Trịnh và Nguyễn cuối cùng đã làm cho nước ta suy yếu. Lợi dụng cơ hội ấy, triều định Mãn-Thanh đem quân tới đô hộ nước ta. Một dân tộc đã quen sống độc lập, đã chiến thắng bao nhiêu cuộc xâm lăng không bao giờ chịu khuất phục. Chế độ phong kiến đã thối nát, giặc cướp nước đã ở trong bờ cõi của mình, nông dân khắp các nơi vùng lên dưới lá cờ của vị anh hùng Nguyễn-Huệ và chỉ trong một trận đánh chớp nhoáng đã giải phóng được Thăng-long và đánh cho bọn Tôn-sĩ-Nghị xơ xác tan rã, rút khỏi nước ta không còn lại một mống nào. Độc lập của đất nước được thực hiện, mọi hoạt động ở Thủ đô lại được khôi phục từ sau năm 1789.
Nhưng Nguyễn-Ánh được thực dân Pháp mớm hơi cho, dựa vào quân và vũ khí ngoại quốc, lập lại chế độ phong kiến phản động đầu thế kỷ thứ 19. Nhân dân Việt-nam, nhân dân Thăng-long không ngớt đấu tranh chống lại ách thống trị của bọn phong kiến nhà Nguyễn. Trước sức mạnh phản kháng của nhân dân, bọn phong kiến nhà Nguyễn không dám đóng đô ở « trung tâm của bốn phương, nhân vật phồn thịnh » mà phải lùi vào một địa phương hẻo lánh, xa mọi mối giao thông để hằng ngày « dung thân » với địa vị yếu hèn của chúng. Rồi từ đấy, triều đình nhà Nguyễn dần dần rước giặc thực dân vào cướp nước ta. Từ 1862, lãnh thổ nước ta bắt đầu lọt vào tay lũ quỷ xâm lược.
Và cũng từ đấy, phong trào chống thực dân Pháp nổi lên, Đông-kinh nghĩa thục ở Hà-nội, vụ đầu độc thực dân ở Hà-nội, việc ném bom vào Hà-nội khách sạn, những cuộc biểu tình to lớn ở Hà-nội năm 1925, 1926 ; những vụ ném bom vào các bóp cảnh sát của thực dân năm 1930 ở Hà-nội.
Và sau đó, từ ngày Đảng cộng sản Đông-dương thành lập, bao nhiêu cuộc đấu tranh của nhân dân ta, truyền đơn, cờ đỏ, biểu tình, mít tinh kế tiếp nhau, hoặc đồng thời cùng nhau xuất hiện trong hàng chục năm ở Hà-nội cũng như ở mọi nơi khác, góp phần vào việc động viên, tổ chức toàn dân để ngày 19-8-1945, giữa Nhà Hát lớn Hà-nội, trung tâm của thủ đô yêu quý, dựng lên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ghi ngày độc lập đầu tiên của đất nước sau ngót 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ.
Thủ đô đang tưng bừng trong rừng cờ đỏ sao vàng thì giặc Pháp gây sự ngày 19-12-1946. Quân thực dân xâm lược, khi gây ra chiến tranh phi nghĩa, tưởng rằng có thể nuốt trôi được Hà-nội trong một vài ngày. Nhưng Trung đoàn Thủ đô đã chặn chúng lại trong ngót ba tháng, tiêu hao lực lượng của chúng và cuối cùng tạm rút khỏi Thủ đô để nuôi thêm sức mạnh cùng với các đơn vị khác đợi ngày có lệnh Hồ Chủ tịch ban ra, thì lại trở về bảo vệ thủ đô yêu quý. Ngày ấy nhân dân ta đã biết rằng nhất định sẽ đến. Và nó đã đến với chúng ta.
Sau thời gian chiến đấu anh dũng tám, chín năm dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, Đảng lao động Việt-nam và Chính phủ Việt-nam dân chủ cộng hoà, nhân dân ta đã thu được nhiều thắng lợi. Quân địch trước thế đang lên của ta và trước thế mỗi ngày càng xuống của chúng, phải nhận họp hội nghị Giơ-ne-vơ, nhận đình chỉ chiến tranh xâm lược và rút khỏi thủ đô Hà-nội. Hồ Chủ tịch ra lệnh cho bộ đội anh dũng tiến vào giải phóng Thủ đô, bảo vệ Thủ đô để Thủ đô khôi phục lại địa vị xứng đáng của mình trong toàn quốc.
Ngày ấy là ngày 10-10-1954.
Trong hơn hai tháng vừa qua, Thủ đô đã trở về với đất nước. Hồ Chủ tịch đã về Thủ đô. Trung ương Đảng lao động Việt-nam đã về Thủ đô. Chính phủ Việt-nam dân chủ cộng hoà đã về Thủ đô. Thủ đô lại có Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng lao động Việt-nam và Chính phủ Việt-nam dân chủ cộng hoà, nên lại trở thành một trung tâm rực rỡ, rọi ánh sáng ra khắp nơi trong toàn quốc từ cửa Nam-quan đến mũi Cà-mâu, hướng dẫn cuộc đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc.
Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta bước sang một giai đoạn mới. Nhiều khó khăn mới lại đặt ra. Đế quốc Mỹ, những phần tử thực dân Pháp phá hoại đình chiến và bọn phản quốc Ngô-đình-Diệm, sau nhiều thất bại chua cay, sau khi phải cúi đầu rút khỏi Thủ đô, đang âm mưu đi ngược lại ý chí của nhân dân ta, đi ngược lại bánh xe lịch sử. Nhưng lịch sử đã chứng rõ : một dân tộc quyết bảo vệ lấy Tổ-quốc của mình không bao giờ cho phép quân xâm lược chà đạp lên đất nước của mình mãi.
Quân xâm lược nhà Nguyên đã phải rút khỏi Thăng-long rồi sau đó rút khỏi Lạng-sơn, cuối thế kỷ XIII ;
Quân xâm lược Chiêm-thành ba lần xâm phạm nước ta, định chiếm lấy Thăng-long đều bị đánh bật ra, cuối thế kỷ XIV ;
Quân xâm lược nhà Minh đã phải đầu hàng ở Thủ đô và rút quân về nước năm 1427 ;
Quân xâm lược Mãn-Thanh đã bị đánh tan ở Thủ đô và bị đuổi ra khỏi bờ cõi nước ta năm 1789.
Trong tất cả những thời kỳ ấy, kinh nghiệm lịch sử đã cho ta thấy : khi nào quân ta giải phóng được thủ đô Hà-nội thì sau đó nhất định giải phóng được toàn quốc.
Ngày nay, đế quốc Mỹ, những phần tử thực dân phá hoại đình chiến đã rút khỏi Thủ đô, rút khỏi miền Bắc. Rồi đây nhất định chúng sẽ phải rút khỏi miền Nam yêu quý của chúng ta.
Lịch sử lại chứng tỏ rằng : bọn Trần-ích-Tắc tay sai của quân Nguyên, bọn Lê Chiêu-Thống tay sai của quân Mãn-Thanh đã bị tiêu diệt cùng với bọn chủ của chúng là giặc phong kiến xâm lược, thì nhất định bọn Ngô-đình-Diệm dù cố bám lấy quan thày là đế quốc Mỹ thế nào đi nữa, cũng sẽ không tránh khỏi được số phận của bọn phản quốc Trần-ích-Tắc, Lê Chiêu-Thống.
Nước Việt-nam là của nhân dân Việt-nam. Thủ đô Hà-nội đã là thủ đô của nước Việt-nam dân chủ cộng hoà, thì nền cộng hoà dân chủ nhất định sẽ được thực hiện trong toàn quốc, độc lập thống nhất của Việt-nam nhất định sẽ toàn vẹn.
BAN NGHIÊN CỨU VĂN SỬ ĐỊA
Mời các bạn đón đọc Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa Tập 4.
Nguồn: dtv-ebook.com