Tập « Đăng-Khoa-Lục-Sưu-Giảng » này do một vị Thượng-Thư triều Lê là Trần-Tiến biên soạn nói về căn bản của sự đỗ đạt, và thuật lại, để dẫn chứng, những mẫu chuyện vắn, nhấn-mạnh về phần đạo-đức, những chuyện đã thấy rõ trong mùa thi cử của thời xưa.
Ngoài một vài điểm khuyết-nghi bởi sự truyền khẩu, không có minh văn, cuốn « Đăng-Khoa-Lục-Sưu-Giảng » là một cuốn sách có tính cách triết-lý do người xưa đã dựa theo ĐẠO, ĐỨC mà viết ra để răn đời.
Chẳng những cuốn sách đó, đã có công dụng đặc biệt là trừng thanh, khuyến thiện (khuyên răn những ai chớ cậy có tài mà làm những điều trái với lương-tâm) phải nên gắng sức luyện chí, luôn luôn trông vào Đức và Hạnh, lại còn là một phương-trâm xử-thế dành riêng cho các anh, chị, em học-sinh trong hiện-đại.
Thực vậy ; vì gần đây trong giới nam, nữ học-sinh ; có một số anh, chị, em đã có một ngộ-nhận trong sự thi rớt ; mà oán than, toan làm uổng phí cả một thời xuân, nên cuốn sách này được đem phiên dịch và đưa lên khung ấn-loát, tưởng không phải là vô ích vậy.
Còn nói về phương-diện văn-chương thì : « Nhân tài như bách hoa » đủ các màu sắc. Sự ưa thích từng màu, là do ý riêng của mỗi người. Trong địa-hạt tư tưởng, thường thấy có chỗ dị đồng. Cuốn truyện Thúy-Kiều của Nguyễn-Du, cuốn Le Cid của Corneille, có người cho là hay, có người cho là dở, là lẽ rất thường.
Lòng thị hiếu của người tuy có khác, nhưng bất luận ở Thời-đại nào, ở xã-hội nào, cuốn sách này vẫn có một giá-trị đặc-biệt đối với Quý-vị Độc-giả muốn thưởng thức cái tinh-hoa của Hán-học và khảo cứu cách xử-thế theo tinh thần Đạo đức và Luân-lý của các bậc Hiền-triết thời xưa.
Vả chăng, những sự trừng thanh, khuyến thiện, duy trì đạo lý, đương được khuyến khích, thì cuốn sách này, có thể ví như ngọn đèn soi sáng, chỉ đường dẫn lối, giúp cho những ai muốn hướng về điều THIỆN.
Đó là mục đích duy nhất của cuốn sách này vậy.
Saigon, ngày trùng cửu năm Nhâm-Dần.
(Tháng 10 năm 1962)
Dịch-giả Đạm-Nguyên
Nguồn: dtv-ebook.com