Văn hoá và tôn giáo là những vấn đề vô cùng phức tạp và rông lớn, tác động sâu xa tới toàn bộ đời sống xã hội, tới ý thức, lối sống và nhân cách cá nhân của mọi thành viên. Do vậy, chúng là đối tượng nghiên cứu có tính chất bao trùm lên toàn bộ các khoa học xã hội và nhân văn. Học thuyết Marx với phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đã có cống hiến to lớn trong giải quyết các vấn đề liên quan đến các khái niệm đó. Tính đúng đắn của học thuyết Marx, đặc biệt là các công trình của F. Engels, là chỉ ra một cách khoa học và thuyết phục những cơ sở lao động-kinh tế của việc hình thành ý thức xã hội, lâu đài văn hoá, tín ngưỡng, các phong tục tập quán và mối tương quan giữa ý thức xã hội với nhân cách cá nhân. Chủ nghĩa Marx nhìn nhận các hiện tương xã hội đó như là kết quả của hành động có ý thức của con người. Tuy nhiên, hành động của con người, đặc biệt là hành vi của các cá nhân, không phải chỉ được điều khiển bởi ý thức, mà có khi nó còn bị thúc đẩy bởi các động lực vô thức nằm sâu trong tận đáy tâm thức của con người, cái đôi khi được đồng nhất với bản năng.
Với tư cách một học thuyết duy vật biện chứng và lịch sử được xây dựng trên cơ sở các thành tựu mới nhất của các khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn đương thời, nó thừa nhận tiến hoá luận của Darwin, tiếp thu và kế thừa lí thuyết văn hoá – nhân học của nhà nhân học Mĩ H. Morgan, chủ nghĩa Marx không phủ nhận cơ sở vật chất sinh học của con người, như Marx đã từng chỉ dẫn: “Giải phẫu học về con người là cái chìa khoá cho giải phẫu học về con khỉ”, cho nên nó cũng không coi thường bản năng và vô thức. Chỉ có điều, do một số nhà lí luận sau này bởi nhiều lí do khác nhau, đã tuyệt đối hoá mặt ý thức mà xem nhẹ việc nghiên cứu vô thức và tâm lí cá nhân. Mảnh đất quan trọng và thiết thân ấy, do vậy, trong một thời kì dài hàng thế kỉ đã là nơi tung hoành của các trường phái tâm lí học ở các nước tư bản chủ nghĩa Tây Âu và Bắc Mỹ, mà trung tâm của họ là phân tâm học (Psychanalyse) với đại biểu điển hình là Sigmund Freud được nhiều người xem là cha đẻ của phân tâm học, một người mà tác phẩm của mình từng được coi là “cấm kị”, không được phổ biến ở một số nước trong thời kì chiến tranh lạnh.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của phân tâm học, người ta thấy nó quan tâm trước hết đến bệnh lí tâm thần và đời sống vô thức của cá nhân, rồi sau đó mới có bước chuyển di sang lĩnh vực đời sống xã hội. Thuật ngữ phân tâm học (Psychoanalyse) xuất hiện bằng tiếng pháp lần đầu tiên năm 1896 trong một báo cáo của Freud. Thời kì đó người ta hiểu nó như một liệu pháp y học gọi là “liên tưởng tự do” (freie assoziation). Rồi sau đó đã bành trướng thành một phương pháp thời thượng sang nhiều lĩnh vực khác của các khoa học tinh thần. Các hiện tượng xã hội được phân tích truy nguyên theo các yếu tố bản năng vô thức là những cái được di truyền từ loài thú đến loài người nguyên thuỷ và tồn tại mãi cho đến con người hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình tìm tòi nguyên uỷ của bệnh tâm thần cá nhân và những nỗi đau đớn của họ, phương pháp phân tâm học cũng quan tâm đến sự tác động của các bối cảnh xã hội thông qua các câu chuyện do người bệnh kể lại. Những nhân tố xã hội ấy do vậy cũng làm thành cơ sở của phân tâm học.
Vấn đề cội nguồn của văn hoá và của tôn giáo hiển nhiên chỉ được đề cập đến trong các giai đoạn phát triển tương đối muộn của phân tâm học, một mặt phía chủ quan, khi mà nó tin rằng có thể vận dụng qui luật sinh lí – tâm thần cá nhân để giải thích được các hiện tượng xã hội quan trọng như vấn đề truyền thống, phong tục tập quán, tôn giáo và văn hoá của các dân tộc. Mặt khác, sự ra đời của các tác phẩm phân tâm học về xã hội cũng là sản phẩm bởi tác động của các bối cảnh lịch sử của xã hội đương thời. Các nguồn tư liệu gần đây cho thấy Freud, Adler cũng như nhiều nhà phân tâm học hàng đầu khác cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20 đã có những quan hệ chặt chẽ với phong trào công nhân châu Âu dưới sự lãnh đạo của những người xã hội dân chủ theo tư tưởng Mác-xít. Thậm chí bản thân một số nhà phân tâm học đồng thời là lãnh tụ của các đảng phái xã hội dân chủ, như A. Adler, H. Heller, C. Furtmueller, D.-E. Openheim. Bản thân Freud cũng như nhiều nhà phân tâm học khác tỏ ra tán thành quan điểm tâm lí hoc duy vật Mác-xít.
Vật tổ và cấm kị (Totem und Tabu) là tác phẩm quan trọng nhất của Freud nói riêng và của phân tâm học nói chung về nguồn gốc của văn hoá và tín ngưỡng. Ngay tác phẩm cuối cùng Moise và tôn giáo nhất thần (1939) cũng như Tâm lý học đại chúng và phân tích cái tôi (1921) đều xây dựng trên cơ sở Vật tổ và cấm kị. Phải chăng đó là sự ngoan cố của Freud, cái đã cho phép ông bám chắc các luận đề của mình, hay phải chăng những lý thuyết ông phát minh trong đó chính là những viên đá tảng quan yếu cho văn hoá luận phân tâm học? Tác phẩm này được chính Freud xem là “thử nghiệm đầu tiên (…) trong vận dụng các quan niệm và kết quả nghiên cứu của phân tâm học vào các vấn đề chưa sáng tỏ của tâm lí hoc dân tộc”, và đối với độc giả thì nó “đáp ứng mối quan tâm của một phạm vi rộng lớn hơn của những người có văn hóa, nhưng thực ra chúng chỉ có thể được hiểu và phân định bởi một số ít ỏi nhất mà với họ phân tâm học không còn xa lạ nữa. Nó ra đời trên cơ sở những kết quả nghiên cứu lâm sàng và điều trị bệnh nhân tâm thần của chính Freud, các công trình khảo cứu nhân chủng học và văn hóa học của nhiều học giả, đặc biệt là Frazer, và ít nhiều chịu kích thích trực tiếp từ tác phẩm Những biến hoá và biểu tượng của dục tính của nhà phân tâm học trẻ C-G. Jung, môn đệ của ông. Nhưng tác phẩm của Freud có sức khái quát hoá hơn hẳn và mang tính duy vật cao.
Source: dtv-ebook.com