Tổ-chức quốc-phòng của Hồ-Quí-Ly
Từ khi nước Việt-Nam ta lập quốc đến giờ, có lẽ không thời nào công cuộc quốc-phòng được tổ chức mạnh mẽ, chu-đáo như thời nhà Hồ.
Ngay từ khi lên ngôi vua, trong nước còn thái bình, Hồ-quí-Ly đã lo tổ-chức nhân-dân về mặt quân-sự, và lo tổ-chức binh-bị để phòng giặc ngoại xâm.
Hồ-quí-Ly từng nói với triều-thần rằng : « Ta làm thế nào có 100 vạn quân để đánh giặc Bắc ? »
Rồi ra lệnh lập sổ hộ-tịch bắt người trong nước cứ từ hai tuổi trở lên là phải biên tên vào sổ, mục-đích kiểm-soát nhân-số, phòng khi quốc gia hữu sự thì gọi những người đến tuổi ra tòng quân. Do đó mà quân-số tăng lên rất nhiều.
Về thủy-quân, Hồ-quí-Ly sai làm những thuyền lớn trên có sàn lầu, ở dưới thì dành cho người chèo chống, rất tiện cho việc chiến đấu. Có thể nói rằng tới nhà Hồ, nước ta mới chính-thức tổ chức thủy-quân.
Việc phòng ngự trên mặt thủy cũng được tiến hành ráo riết. Ở các cửa biển và những chỗ hiểm yếu trong sông lớn, nhà vua đều sai lấy gỗ đóng cọc để ngăn tàu bè của giặc.
Tại Tây Đô (Thanh-Hóa), họ Hồ đặt ra bốn kho để chứa quân khí và lập binh-công-xưởng, sai những thợ lành nghề vào chế gươm súng.
Về bộ-binh thì chia ra vệ, đội, đại quân, trung quân, rất có kỷ-luật và quy-củ.
Xây thành Tây-Giai tức Tây-đô ở mạn rừng núi tỉnh Thanh-hóa (phủ Quảng Hóa giáp huyện Thạch Thành) qui mô rộng lớn, để thủ hiểm và phòng khi Đông-đô (tức Thăng Long, Hà-nội bây giờ) thất thủ thì dời vào Tây-đô.
Thời bình tổ chức quốc phòng như vậy ; khi có nạn ngoại-xâm đe dọa, công-cuộc phòng ngự tổ chức càng chu-đáo hơn.
Do việc chặn đánh quân Minh và bắt Trần-thiêm-Bình ở cửa Chi-Lăng, Hồ-quí-Ly đoán chắc thế nào rồi giặc Minh cũng sang đánh báo thù, nên ra lệnh chuẩn bị sẵn sàng kháng địch, đồng thời mở cuộc điều đình ngoại-giao với vua Minh.
Những phương sách chuẩn bị kháng địch họ Hồ đã áp-dụng là những phương sách sau này :
1) Cho các vị công, hầu được quyền mộ lính, đặt những chức thiên-hộ, bá-hộ để cai quản những lính mộ đó.
2) Các cửa bể, cửa sông đóng cừ án ngữ rất vững. Riêng về phía nam sông Hồng-Hà đóng cừ dài hơn 700 dậm.
3) Ra lệnh cho dân ở Bắc-giang, Tam-Đái sang làm nhà sẵn ở phía Nam sông lớn, phòng khi giặc đến thì di-cư sang để tránh giặc.
4) Sai đắp thành Đa-Bang ở xã Cổ-Pháp, huyện Tiên-Phong, tỉnh Sơn-Tây bây giờ.
5) Ở Đa-Bang, lập đồn ải liên tiếp ở phía Nam sông Thao, sông Cái, và đóng cọc ở giữa sông không cho thuyền bè đi lại.
Tổ chức nhân-dân, xây dựng thủy-quân, bộ-quân, chế luyện võ khí và chuẩn bị phòng ngự như vậy, tưởng nước ta chưa bao giờ được phòng-thủ kiên-cố như đời nhà Hồ.
Đánh nhau với giặc ba trận họ Hồ đã phải bắt
Phòng bị cẩn mật ráo riết như thế, vậy mà đánh nhau với giặc Minh ba trận, họ Hồ thua cả ba, và rút cuộc, cha con Hồ-quí-Ly bị bắt sống.
– Trận thứ nhất tức trận Đa-Bang : Trước sức công phá dữ dội của giặc Minh dưới quyền điều khiển của hai tướng : Mộc Thạnh và Trương Phụ, thành Đa-Bang sau một ngày một đêm cầm cự đã bị thất thủ. Bao nhiêu đồn ải dọc bờ sông bị giặc đốt hết. Giặc thừa thắng kéo về chiếm cứ Đông-đô (Hà-nội). Quân nhà Hồ phải lui về giữ miền Hoàng-Giang tức là miệt huyện Nam-Xang tỉnh Hà-nam bây giờ.
Mời các bạn đón đọc Những Bài Học Lịch Sử – Hồ Quí Ly – Mạc Đăng Dung của tác giả Lê Văn Hòe.
Nguồn: dtv-ebook.com