Lão hà tiện diễn lần đầu ngày 9 tháng chín năm 1668 trên sân khấu của Hoàng cung (Palais – Royan).
Molie sắm vai Arpagông. Lúc đầu, công chúng có vẻ không hoan nghênh lắm. Khán giả đã quen với cái ước lệ là vở kịch, dù bi kịch (tragédic) hay hỷ kịch (comédie), đều phải viết bằng văn vần, còn văn xuôi chỉ dành cho loại hài kịch (farce) và những trò hề bouffonnerie. Chính Môlie trước đó cũng vẫn tôn trọng ước lệ này và hầu hết những vở hỷ kịch dài của ông dài đều viết bằng văn vần (như Gã Tactuyf, Kẻ ghét đời, Trường học làm vợ, v.v…). Bỗng nhiên thấy một vở hỷ kịch năm hồi viết bằng văn xuôi, khán giả có phần nào bị ngỡ ngàng, nên tỏ thái độ e dè lạnh nhạt. Vở hỷ kịch năm hồi đầu tiên mà Molie viết bằng văn xuôi, là Đông Juăng (1665), cũng đã bị thất bại, và theo nhà văn hào Voute (thế kỷ XVIII) thì chính là vì vở ấy đã viết bằng văn xuôi.Bây giờ đến vở Lão hà tiện cũng gặp số phận buồntẻ đó.
Một lý do nữa khiến cho công chúng của khu Hoàng – cung không được thỏa mãn, là nội dung buồn thảm của vở kịch, vốn là hỷ kịch, đáng lẽ phải làm vui cho người xem như những vở kịch trước của Môlie, mặc dầu tác giả cho ta thoáng thấy những cái xấu xa của con người, nhưng bao giờ ông cũng vẫn đem cái tài hoạt bát của người viết kịch vui để che giấu cái vẻ đáng buồn của cuộc đời. Nhưng vở này lại khiến cho người ta não lòng trông thấy cảnh gia đình Arpagông, bố thì ham mê tiền bạc một cách cực kỳ ích kỷ tàn nhẫn, con cái thì do tính xấu của bố xui nên hoang phí, hỗn hào đối với người bố không còn là bố nữa; ngoài ra không có một nhân vật nào đáng gọi là chính diện, làm cho người ta vui lòng được thấy con người tốt đẹp, để quên cái ấn tượng não nùng kia. Công chúng đến với Môlie chờ đợi được cười no nê thỏa thích như mọi khi, thì lần này không được mãn ý, nên tỏ vẻ lạnh nhạt. Từ ngày 9 tháng chín đến ngày 9 tháng mười, vở kịch chỉ được diễn có chín buổi.
Nhưng dần dần về sau nội dung sâu sắc và giá trị nghệ thuật chân chính của vở kịch đã khắc phục được sự lãnh đạm của công chúng, và từ buổi tái diễn ngày 14 tháng mười hai năm 1668 đến ngày Môlie mất (17-2-1673), vở kịch đã được diễn đến bốn chục lần. Cho đến ngày nay, Lão hà tiện là một trong những vở kịch của Môlie được công diễn nhiều nhất, và được các nhà phê bình văn học trên toàn thế giới coi là một trong những tác phẩm lớn nhất của Môlie ( Molière )
Người ta thường nói đến nguồn gốc của vở kịch này và xác định rằng Môlie đã vay mượn đề tài của nhiều tác giả khác, đặc biệt là hỷ kịch Cái niêu (1) của Plôt (Plaute), nhà viết kịch lớn của La – mã cổ đại (250 – 184 tr. J.C). Cần phải nói ngay rằng vay mượn cốt chuyện hoặc một vài tình tiết của cổ nhân, hay cả của người đương thời đi nữa, hồi đó là một việc bình thường, không gây thành chuyện xôn xao gì lắm miễn là tác giả có đem lại được phần sáng tạo độc đáo của mình, mà về điểm này thì rõ ràng là Môlie đã đem vào tác phẩm Lão hà tiện phần sáng tạo độc đáo sâu sắc.
Nguồn: dtv-ebook.com