Tiểu thuyết Trước giờ nổ súng của Phan Tứ (Lê Khâm) ra đời năm 1960, từng gây chú ý một thời. Đã có nhiều bài viết tập trung khai thác tác phẩm ở khía cạnh nội dung tư tưởng. Tuy nhiên, nếu phân tích cuốn tiểu thuyết này từ góc độ Thi pháp học, ta sẽ phát hiện được nhiều điều thú vị về bút pháp ngôn từ, nhất là trên phương diện không gian và thời gian nghệ thuật.
Tác phẩm được xây dựng theo kiểu cốt truyện phiêu lưu như sử thi Odyssee và Ramayana. Đặc điểm của kiểu cốt truyện này là có rất nhiều không gian. Tuy nhiên, nhiều tiểu thuyết có cốt truyện phiêu lưu nhưng vẫn không gây hứng thú cho bạn đọc. Lý do chính là các mảng không gian mà nhân vật trải qua là quá êm đẹp, không có kịch tính, bởi vậy không thể hiện đúng bản chất của tiểu thuyết phiêu lưu. “Đặc điểm của tiểu thuyết phiêu lưu là sau mỗi biến cố, nhân vật bị ném vào một không gian mới đầy xa lạ, nhiều hiểm họa” (Trần Đình Sử) [5]. Phan Tứ đã chú trọng xây dựng loại “không – thời gian cản trở” với chức năng thử thách nhân vật. Cả không gian lẫn thời gian đều cộng hưởng nhau gây sức ép lên các hoạt động nhân vật, để từ đó sàng lọc, chỉ giữ lại những anh hùng lý tưởng theo quan điểm cách mạng.
Nói tóm lại, “không – thời gian cản trở” là một đặc điểm của cốt truyện phiêu lưu, và khi sáng tác Trước giờ nổ súng, Phan Tứ ý thức rất rõ điều đó. Tác giả không chỉ xây dựng thành công xuất sắc không gian và thời gian nghệ thuật mà còn tỏ ra có tài trong nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật. Giọng văn linh hoạt, uyển chuyển, kết hợp nhiều giọng điệu khác nhau. Trước giờ nổ súng còn lôi cuốn bạn đọc bởi nó cung cấp một kho tàng kiến thức hết sức phong phú về Đất nước và Con người Lào. Nó xứng đáng là một trong những cuốn tiểu thuyết hay của văn học Việt Nam thời chiến tranh.
Nguồn: dtv-ebook.com