Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Dostoevsky, ngoài “Những đêm trắng”, “Anh em nhà Karamazop”, “Tội ác và Hình phạt”, “Chàng Ngốc” là tác phẩm thường xuyên được nhắc đến như một trong những sáng tác xuất sắc của kho tàng văn học nhân loại.
Ravi Vyas –
Tiểu thuyết của Dostoevsky bao giờ cũng có sự giằng co, hay hơn thế là cuộc chiến đấu cam go giữa xác tín và cảm giác cân bằng, chừng mực trong cuộc sống. Nhân vật của Dostoevsky là loại nhân vật phân thân. Trong quan điểm của ông, cái tốt và cái xấu luôn đan xen vào nhau một cách không thể chia cắt. Còn linh hồn con người là một thứ con lắc do dự, dao động giữa hai bờ vực thẳm đó.
Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Dostoevsky, ngoài Những đêm trắng, Anh em nhà Karamazop, Tội ác và Hình phạt, Chàng Ngốc là một tác phẩm thường xuyên được nhắc đến như một trong những sáng tác xuất sắc của kho tàng văn học nhân loại. Chàng Ngốc là Hoàng thân Myshkin – một nhân vật phức tạp. Độc giả có thể tìm thấy ở chàng một chút của Chúa Jesus, một chút của Don Quixote, một chút của Pickwick để hình dung ra hình ảnh lý tưởng về một tín đồ đạo Thiên chúa. Nhưng khác với nhân vật của Bunyan trong The Pilgrim’s Progress, Dostoevsky không xây dựng Myshkin như một nhân vật mang tính biểu tượng, trong một thế giới phi thực tế mà đặt chàng vào thế giới thực, sống động. Bằng cách đưa Chàng Ngốc vào một thế giới trần tục, Dostoevsky đã thể hiện cái nhìn phê phán và đả kích của mình đối với chế độ quân chủ tư sản và sự ngự trị của quyền lực trong xã hội nước Nga lúc bấy giờ.
Nhân vật chính của tác phẩm, Hoàng thân Myshkin là con trai cuối cùng trong một gia đình thuộc dõng dõi hoàng gia đã bị phá sản. Sau một thời gian sang Thụy Sĩ trị bệnh, chàng trở về nước Nga và từ đây, chứng kiến nhiều chuyện khóc cười trong lòng một xã hội đang bước vào thời nhốn nháo. Ngoài chứng bệnh tâm, Myshkin là hình mẫu tiêu biểu cho thứ lòng tốt đơn thuần và cao thượng. Chàng đơn độc, nghèo khó, trong sáng, khờ khạo, trung thực, hào phóng, độ lượng, dễ bị lợi dụng và rất dân chủ (theo nghĩa không hề quan tâm đến thứ bậc cũng như địa vị của con người trong xã hội)… Myshkin còn là người vụng về trong các mối quan hệ xã hội, thường xuyên đau đớn vì chứng động kinh nhưng vẫn ảo tưởng về sự lãng mạn của tình yêu và sự chân thành của tình huynh đệ, bằng hữu. Khác với Raskolnikov, nhân vật chính trong Tội ác và hình phạt, được xây dựng từ một vụ giết người mà Dostoevsky đọc được trên báo, hoàng thân Myshkin là hình ảnh xuất phát từ nguyên mẫu là chính nhà văn.
Ngay khi trở về St. Petersburg, chàng đã gặp hai người phụ nữ xinh đẹp. Một là Nastasya – tình nhân của một gã quý tộc giàu có, thích hưởng lạc. Nàng được hắn nuôi dưỡng sau khi bố mẹ qua đời và sau đó, bị chính hắn cưỡng bức và biến thành vợ không chính thức. Câu chuyện bất hạnh của nàng trở thành đề tài bàn tán của người dân khắp thành phố. Còn người kia là Aglaia – cô con gái của tướng Epansin. Mẹ Aglaia là một người họ hàng xa với chàng Ngốc.
Myshkin bị cả hai người phụ nữ hấp dẫn nhưng chàng quá dại khờ để phân biệt sự khác nhau giữa tình yêu và niềm đam mê. Hoàng thân không có khả năng chọn lựa, càng không xác định được tình cảm của mình với hai người phụ nữ. Liệu đó là sự khờ khào? Hay đó đơn giản bởi chàng quá tốt?
Dostoevsky không bao giờ viết thắng ra ý tưởng của mình mà để cho chúng ta tự đặt ra nhiều giả thuyết. Nhưng trong trường hợp này, có một điều tương đối rõ ràng: ấy là cảm xúc của con người luôn có tính hai mặt hoặc ít nhất, trong thế giới tình cảm của con người, luôn luôn có nhiều tầng bậc đan xen vào nhau.
Dostoevsky trước sau vẫn là một nhà tâm lý học bậc thầy. Ông là “nhà tâm lý học duy nhất mà từ đó, tôi học được mọi thứ”, Nietzsche từng nói về Dostoevsky như vậy. Hơn bất cứ nhà văn nào khác, ông giới thiệu đến độc giả một bức tranh cận cảnh nhất về con người. Ông thuộc vào số ít những nhà văn phức tạp, khó nắm bắt, có khả năng khai phá những tầng sâu thăm thẳm cũng như những góc khuất u tối trong tâm hồn con người.
Nguồn: dtv-ebook.com