Vàng Tháp Hời

white noise for sleeping link
shopee-sale

Chuyện này xẩy ra cách đây khá lâu, khi làng Đồng-Dương còn nguyên hai ngọn Tháp Mẹ, Tháp Con.

Hai tháp nằm cách con đường quốc lộ khoảng mười cây số, giữa vùng đồi núi miền thượng quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, thuộc trong khu vực của một kinh đô Chiêm Thành [1] ngày xưa.

Phía bắc hai tháp, cách một cây số, có sông Ly Ly nước chảy uốn khúc, quanh năm rù rì tuôn qua các ghềnh đá lớn nhấp nhô rồi thu hẹp dòng len lỏi giữa những bãi cát vàng hau để tìm ra bể. Phía nam là những ruộng đồng xen lẫn núi đồi và phía tây dẫn đến Việt An, một chợ miền nguồn, quanh năm có những trái cây chín ngọt và những cô gái giỏi nghề bán buôn với một nụ cười luôn thắm, đôi má luôn hồng. Phía đông, cách vài cây số, bên phải con đàng cái quan nối từ miền biển lên nguồn có một cái ao rộng lờn, vuông vắn – tục gọi ao Vuông – bốn mùa không cạn, có lẽ là nơi vua Chiêm Thành lấy đất xây đắp đền đài và biến thành chỗ hằng năm tổ chức những lễ đua thuyền trong ngày hội lớn. Trước khi chuyện này xảy ra, nhiều người bảo rằng ao Vuông vẫn được thông thương với ngôi giếng cổ nằm trong khu vực hai tháp bằng một mạch nước chảy ngầm, và bỏ quả bưởi xuống giếng thì nửa buổi sau có thể thấy nó bồng bềnh nổi trên mặt ao. Gần chung quanh tháp là ruộng gò và đồi cây cằn cỗi, dân cư thưa thớt. Chỉ có gia đình Cửu Dật ở trong một vườn tre bọc kín là gần tháp nhất. Ông Dật, họ Trà, vốn là dòng dõi người Hời đã được Việt hóa trải qua nhiều đời, nhưng vì sống mãi bên những ngôi tháp luôn luôn nhắc nhở nguồn gốc của mình nên ông vẫn giữ cốt dáng thể chất, tinh thần dễ thấy trong những mẫu người Chiêm Thành chính thống còn lại ngày nay. Ông ít nói, đăm chiêu, thu hình lại trong thế tự vệ thường trực đối với cuộc đời, có vẻ lạc loài giữa những lớp người đồng thời và những tượng đá rêu phong đứng ngồi trầm mặc trong một khu rừng hoang vắng. Không hiểu ở nơi lòng ông nỗi niềm vong quốc có khuấy động gì chăng nhưng một mối băn khoăn đã giày vò ông từ thời còn trẻ là sự khám phá những món ngọc vàng ẩn tàng ở trong cổ tháp. Thực ra sự khát thèm những của quí vẫn nung nấu bao đời tiền bối ông Cửu Dật nhưng trước di tích cổ đại được thêu dệt bằng những chuyện ma quái hoang đường, mọi người đều phải đặt lòng tham vàng dưới sự tôn kính. Nhưng đến ông Cửu, con người đã từng theo hầu quan trên xông pha trận mạc thì tượng đá mất nhiều tính chất linh thiêng. Ông đã bỏ mất nhiều năm trong thời còn trẻ để đào xới tìm tòi. Nhiều pho tượng như thần Ga-Nơ-Xa đã bị ông chém cụt chiếc vòi voi và bẻ gảy bốn tay để đòi chất ngọc, tượng thần Xi-va bị ông bửa nát đế chân to lớn để hỏi chất vàng và những nàng vũ nữ Áp-Xa-Ra duyên dáng cũng bị ông khoét bụng để tìm châu báu.

Mời các bạn đón đọc Vàng Tháp Hời của tác giả Vũ Hạnh.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com