Chữ Nhu còn có nghĩa là chờ đợi, tức là người trí thức chờ đợi người ta cần dùng gọi đến thì đem tài sức ra giúp đời. Như vậy, Nho là những hạng người học thông đạo lý của Thánh Hiền, biết được lẽ Trời Đất và Người, để hướng dẫn người phải ăn ở và cư xử thế nào cho hợp với Đạo Trời, hợp với lòng người.
Sách Pháp Ngôn có câu : “Thông Thiên định Địa viết Nho”. Nghĩa là : Người biết rõ cả Thiên văn, Địa lý, thì mới gọi là Nho. Phàm những người Nho học thì chuyên về mặt áp dụng thực tế, chớ không chú trọng nhiều về mặt lý tưởng. Bởi vậy, từ xưa đến nay, họ là những người sẵn sàng nhập thế cuộc, gánh vác việc đời, làm ích nước lợi dân, khác hẳn với những tu sĩ Phật giáo hay Lão giáo, chỉ biết xuất thế, lo tu độc thiện kỳ thân. Giáo : Dạy, tôn giáo, một mối đạo.
Nho Giáo là một tôn giáo hay một học thuyết có hệ thống và có phương pháp, dạy về Nhơn đạo, tức là dạy về đạo làm một con người trong gia đình và trong xã hội. Hệ thống của Nho giáo thì theo chủ nghĩa : “ Thiên Địa Vạn vật đồng nhứt thể” , nghĩa là : Trời Đất và muôn vật đều đồng một thể với nhau.
Nguồn: dtv-ebook.com