Ở Trung Quốc có quan niệm cho rằng làm việc dễ, làm người khó. Làm người thì rất vô cùng, nhưng làm việc, nhất là việc làm quan, có những bước đi mà theo đúng sẽ thành công. “Bí quyết làm quan tham hiệu quả” là chủ đề của cuốn tiểu thuyết Ôsin nhà bộ trưởng.
Cuốn sách bắt đầu khi Cùng Hoa, một cô gái mới hai mươi tuổi, từ vùng quê nghèo xa tít tắp quyết định ra thành phố lớn kiếm tiền. Nhờ xinh đẹp, cô được Vương Hãn Đông chọn để gửi đến làm người giúp việc cho gia đình bộ trưởng Từ Văn Tuấn. Cô gái quê đâu ngờ làm ôsin nhà bộ trưởng không hề dễ.
Thời thế tạo anh hùng, quan hệ tạo cán bộ
Vương Hãn Đông là giám đốc chi nhánh ngân hàng, đang muốn leo lên cao. Chương Kiến Quốc muốn bỏ chữ “phó” trong chức phó cục trưởng Cục Giao thông của mình. Hai người này trông chờ vào “tấm lòng” của bộ trưởng Từ Văn Tuấn, vì vậy đã cùng nhau giăng ra một cái bẫy dành cho công tử nhà họ Từ.
Vương Hãn Đông từng không ngần ngại tặng người tình của mình cho Từ Thẩm Bình, con trai Từ Văn Tuấn, kèm theo căn hộ cao cấp, nhưng lần này Cùng Hoa không đơn giản là một món quà khác. Vương Hãn Đông muốn tiện thể bắt cô theo dõi các mối quan hệ của nhà bộ trưởng Từ để sắp xếp thêm một kế hoạch B khi có biến.
Trong giới quan trường đó là yếu tố hàng đầu, đúng như lời dạy bảo ân cần của Chương Kiến Quốc đối với Từ Thẩm Bình: “Người với người, ngoài quan hệ huyết thống là trời sinh, các quan hệ khác đều phải tự mình xây dựng, theo như cách nói hiện đại là “kinh doanh”. Thực ra cả đời người không thoát khỏi hai chữ “kinh doanh”… Trong lịch sử là thời thế tạo anh hùng, xã hội hiện thực bây giờ là quan hệ tạo cán bộ”.
Nhờ có quan hệ tốt mà khi đoàn kiểm tra đến Cục Giao thông, nhân viên đều nhận xét về Chương Kiến Quốc đại loại như: “Cục trưởng Chương làm việc chăm chỉ quên cả ăn uống, không biết rằng sức khỏe của mình chính là tài sản của cách mạng”…
Có tài có đức là thượng phẩm, có tài vô đức là độc phẩm, có đức vô tài là thứ phẩm, vô đức vô tài là phế phẩm – nhưng chỉ cần sắp xếp được quan hệ, đám “độc phẩm” và “phế phẩm” sẽ có không ít cơ hội ngoi lên. Mạng lưới các nhân vật mở rộng dần, để lộ vô số ngõ ngách cực kỳ tinh vi trên con đường phấn đấu làm quan tham.
Tác giả Phạm Gia Khánh là một người dân của thành phố Thượng Hải sôi động bậc nhất, từng làm nhiều công việc như nghiên cứu khoa học, giáo viên, kinh doanh và truyền thông. Ông đã viết nhiều sách về các lĩnh vực đó và có thể coi Ôsin nhà bộ trưởng là cách dùng văn học để tổng hợp kinh nghiệm về cuộc sống của ông. Không có ngôn ngữ văn chương độc đáo hay kết cấu mới lạ, nhưng cuốn sách ngồn ngộn chất hiện thực và lôi cuốn trong từng chi tiết.
Ôsin nhà bộ trưởng khá tiêu biểu cho văn học đương đại Trung Quốc, đặt ra nhiều vấn đề về con người và xã hội thời đổi mới, đồng thời là một tiểu thuyết giải trí đáng đọc.
Nguồn: dtv-ebook.com