MỘT CUỐN SÁCH CÔNG PHU, NHỮNG SUY NGẪM TÍCH CỰC VỀ THẾ GIỚI TÂM LINH!
Nhà báo TRẦN BÁ DUNG,
Tiến sĩ Báo chí Truyền thông, Trưởng Ban Nghiệp vụ,
Hội Nhà báo Việt Nam.
Tôi nhận được cuốn sách “TÂM LINH VÀ SUY NGẪM” của tác giả Trần Quốc Hưng trân trọng gửi bảo đảm qua đường bưu điện. Đọc xong bản thảo cuốn sách khá công phu, nhiều trang đọc đến hai ba lần, gấp sách lại và suy ngẫm theo dòng suy ngẫm cùng chính tác giả, với tôi, cuốn sách thật sự bổ ích.
Tôi quen thân tác giả từ hơn 25 năm nay. Ông là người làm báo chân chính, trung thực, nghiêm túc và có trách nhiệm xã hội. Làm báo, nhưng ông luôn có những suy nghĩ táo bạo, đi trước thời gian. Ông là tác giả ý tưởng xây dựng “Tượng Đài Việt Nam” kính dâng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội – 2010 (hiện trên Website: “tuongdaivietnam.com”). Phong cách lao động ở ông: Cần mẫn, tỉ mỉ, khoa học, cầu thị, luôn khám phá và luôn thăng hoa. Cái gì ông cũng muốn biết và giải thích nó cho người khác cùng hiểu.
Có lẽ vì sự thăng hoa của tính cách mà từ khi nghỉ hưu, ông dành nhiều thời gian cho việc tập hợp lại, viết ra, nói ra, vẽ ra những suy ngẫm của mình một cách mộc mạc nhưng sâu sắc, tuy không làm khoa học nhưng chặt chẽ, logic và thuyết phục, về những điều tâm linh vốn rất nhạy cảm, khó nói, mà ông ấp ủ lâu nay. Đụng vào thế giới tâm linh, mà lại tiếp cận, mổ xẻ từ nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực khoa học, nghệ thuật… quả thực không đơn giản. Từ suy ngẫm, ông phân tích những hiện tượng mê tín lạc hậu nhưng không bài bác đời sống tâm linh của con người. Tôi cho đây là cuốn sách lành mạnh và dễ chấp nhận.
Như lời tác giả viết khiêm tốn ở trang cuối sách “đây không phải là công trình nghiên cứu khoa học”, nhưng bao quát rộng lớn nhiều lĩnh vực đời sống, nhất là đời sống tâm linh, đời sống tinh thần của con người, sẽ có tác dụng tốt cho nhận thức và lối sống mới của tuổi trẻ trong thời đại ngày nay.
Tác giả không chỉ trích lục, sưu tầm kiến thức từ các công trình khoa học đã công bố từ trước đến nay về vấn đề tâm linh, mà còn cập nhật kịp thời những kiến thức, kinh nghiệm, vốn sống, những tư liệu nóng hổi từ các tờ báo, trang mạng mới nhất ngay đầu năm 2012. Điều này chắc chắn là kết quả của tác phong và kinh nghiệm làm báo sau gần 40 năm. Không chỉ chép lại, trích dẫn những tư liệu, những thông tin, mà tác giả mạnh dạn bày tỏ quan niệm, chính kiến cùng sự hiểu biết với thái độ đúng mực, tình cảm yêu thương con người một cách chân thành, cầu tiến nhất. Tác giả gọi đó chỉ là những suy ngẫm mà thôi, thực ra có nhiều điều đã vượt khỏi những suy ngẫm để tiệm cận chân lý khoa học một cách giản dị.
Liệt kê những con số tài liệu mà tác giả đã đọc, đã sử dụng trong cuốn sách, đủ thấy lao động công phu, mạnh dạn và tư liệu phong phú, thận trọng:
Gần 80 cuốn sách được tham khảo và có trích dẫn phù hợp.
Gần 400 bài báo từ các tờ báo và trang mạng.
Gần 1000 câu chuyện, hiện tượng đời sống thực được đưa vào sách để dẫn chứng, để suy ngẫm và để bạn đọc tự suy ngẫm, Hàng chục hình vẽ, sơ đồ minh hoạ do tác giả nghiên cứu, vẽ chi tiết, giàu thông tin và có hướng dẫn sử dụng.
Hơn 200 đề mục tương ứng với những khía cạnh liên quan đến tâm linh và đời sống con người xưa và nay.
Những nội dung tác giả đề cập và suy ngẫm, bao quát từ cái nhìn về “thế giới vĩ mô” vạn vật, vũ trụ, đến các tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, học thuyết Á Đông, đến cả những hiện tượng, hành vi thường gặp trong đời sống tâm linh của con người, của cộng đồng, những “thế giới vi mô” trong giấc mơ, khả năng đặc biệt, linh cảm của con người… Qua đây, thấy rằng tác giả phải tâm huyết lắm, mới có thể hoàn thành được cuốn sách.
Đọc cách giải thích theo “suy ngẫm” các hiện tượng tâm linh của tác giả trong cuốn sách này, tôi lại liên tưởng đến nhà khoa học và là nhà phổ biến khoa học – Tạ Quang Bửu. Ông không chỉ là nhà khoa học lớn mà còn là người cùng với các nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển… ngay từ những năm bốn mươi của thế kỷ XX đã có những bài báo với lối viết phổ biến khoa học tuyệt vời, dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ giảng giải những vấn đề phức tạp của toán học, của vật lý, sinh học phân tử… cho bạn đọc lúc bấy giờ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Chủ nhiệm bộ môn Thông tin dự báo thuộc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người mà tôi quen biết từ lâu, cũng là một người nổi tiếng viết những bài báo phổ biến khoa học, có kể một câu chuyện thú vị. Khi giảng giải cho người em của mình về “Số hữu tỉ và số vô tỉ” trong toán học, Tạ Quang Bửu đã “buộc” người em vào một điểm và hét: “Em đứng ở điểm ấy tức điểm hữu tỉ đấy!”. Hoặc những bài báo giản dị của ông viết trong kháng chiến chống Pháp, trong cuốn sách “Sống”, giải thích cho bạn đọc dễ hiểu quá trình sinh học của sự thụ tinh, trong mục “Cha mẹ tôi đã sinh ra tôi như thế nào?”.
Sau này có dịp đọc những sách của Nguyễn Hiến Lê, tôi cũng lại có suy nghĩ tương tự về một cách viết phổ biến kiến thức khoa học rất dễ hiểu.
Cách viết của Trần Quốc Hưng cũng có nét tương đồng với lối viết như vậy. Không phải là nhà khoa học nên tác giả chỉ viết về những “suy ngẫm” của mình, nhưng khi tiếp cận với cuốn sách, thấy thực sự là cố gắng rất đáng ghi nhận.
Ngày nay, với nhịp sống công nghiệp và văn minh kĩ thuật số, bạn đọc không có nhiều thời gian để tìm hiểu cặn kẽ được các khía cạnh phức tạp, nhạy cảm của thế giới tâm linh. Ở đó vẫn còn nhiều bí ẩn, khó hiểu, khó tin, khó giải thích.
Dù chưa thể đáp ứng thoả mãn được mọi vấn đề đặt ra, nhưng cuốn sách sẽ góp phần giúp bạn đọc cùng suy ngẫm, chia sẻ, hướng tới cách tư duy dễ hiểu, thiết thực, lành mạnh, khoa học và tích cực về thế giới tâm linh của con người.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nguồn: dtv-ebook.com