Tấm Ván Phóng Dao

white noise for sleeping link
shopee-sale

Câu chuyện về cơ bản được trần thuật từ một nhân vật xưng “tôi” – người kể chuyện. Gọi là kể chuyện, nhưng câu chuyện không dựa trên một cốt truyện rõ ràng. Nếu bảo kể lại rất khó. Chỉ có thể đại loại thế này: Nhân vật ông Ba đứng ra kể về cuộc đời, số kiếp của ông cùng những người trong gia đình – một gánh xiếc rong hành nghề ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ những năm tạm chiếm. Trong chương trình biểu diễn của gánh xiếc này có một tiết mục được coi là hấp dẫn nhất, là linh hồn của các đêm diễn (nên cũng trở thành quan trọng nhất trong việc câu khách, bán vé, mưu sinh) – màn phóng dao của ba vai diễn: Tôi – người đứng sau tấm ván có nhiệm vụ giữ tấm ván cho vững, cô em gái còn nhỏ tuổi đứng áp lưng vào mặt trước của tấm ván, và người anh trai cả trong vai phóng dao cầm 12 lưỡi dao sáng loáng phóng trực diện lần lượt cắm xung quanh khuôn mặt người em gái. Sau nhiều đêm thành công, có một đêm, do người phóng dao bị phân tâm, cô em gái đã bị nạn. Cũng từ đêm kinh hoàng đó cô gái trở thành một phế nhân mang triệu chứng bệnh tâm thần, gánh xiếc cũng tan vỡ, gia đình ly tán, mỗi người một số phận đau buồn theo những cách khác nhau… Nhưng đây không phải là một truyện kể, mà là một tiểu thuyết, được viết bằng kỹ thuật, nghệ thuật của tiểu thuyết. Toàn bộ câu chuyện và các nhân vật tham gia vào câu chuyện được trình bày như một quá trình, sự sống cứ thế mở ra sống động trong từng vi mạch. Hiệu quả là: Tác phẩm vần vụ những suy tư, chiêm nghiệm, day dứt, nghiền ngẫm về số kiếp con người. Tất cả đã hoà kết, cộng hưởng lại, tạo cho tác phẩm một ám ảnh, một ba động lớn.

Viết tiểu thuyết này, tác giả chọn cách thức trần thuật theo kiểu hồi ức. Từ thời gian hiện tại, nhân vật tôi – ông Ba nay đã già cả, độc thân, làm nghề bán dạo các con rối bằng vải tự làm – kể lại câu chuyện của những ngày cả gia đình hành nghề xiếc rong. Thỉnh thoảng ông đến thăm bà em (trước kia là cô đào đứng trước tấm ván) cũng đã già, sống độc thân, sau lần bị nạn có một bộ óc trẻ con và gần như đánh mất ý niệm về thời gian, cả hai cùng ngồi vẩn vơ lúc quên lúc nhớ chắp nối những mẩu quá khứ u buồn. Ông già đã để cho ký ức lúc chập chờn bảng lảng khói sương, lúc chói gắt dữ dội đi về xen ngang thì hiện tại. Chất liệu hồi ức được biểu đạt ở đây không hiện ra theo cách trình tự mà được đảo lộn, xáo trộn; không nặng về kể tả, mà nặng về tâm trạng, suy tư, chiêm nghiệm, cật vấn. Đây là một dạng truyện viết theo cách của một hồi ức tự nghiệm. Tính chất cảm thương và u buồn bao trùm, đè nặng lên từng câu chữ.

Mạc Can đã tiếp nối thật tự nhiên và đầy trách nhiệm chủ nghĩa nhân đạo truyền thống của nền văn học Việt Nam: Trực tiếp hướng về số kiếp con người theo cách biểu hiện lòng xót thương đau đớn đối với con người và cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện nhân cách con người – những giá trị nhân văn cổ điển vĩnh hằng. Đó là mạch nguồn chảy mạnh mẽ trong lòng văn chương dân tộc đã có từ xa xưa, qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, qua Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao và rất nhiều nhà nghệ sĩ tên tuổi khác. Trong một bối cảnh xã hội có nhiều rạn nứt và đổ vỡ như xã hội hiện đại hôm nay, chỉ có các giá trị nhân văn cổ điển mới có khả năng cứu vãn thế giới. Các giá trị nhân văn cổ điển lành tính sẽ xoa dịu, sẽ hàn rịt lại những tổn thương tinh thần to lớn của con người hiện đại. Tôi tin tưởng điều đó. Thành công của Tấm ván phóng dao chẳng phải là một minh chứng đầy sức thuyết phục đó sao! Tác phẩm làm ấm lòng những người kỳ vọng vào nền tiểu thuyết Việt Nam hôm nay.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com