Thật tài tình và thú vị khi Will Durant (1886-1981) đặt tên cho công trình lịch sử triết học của mình là “The Story of Philosophy”. Lịch sử triết học vốn khét tiếng là khô khan và nhức đầu! Will Durant có cái nhìn khác: nó rất hấp dẫn, lôi cuốn, nhất là với những ai có tính tò mò, “ham chuyện” như chúng ta. Với ông, ở đây ta có một câu chuyện thật gay cấn và đáng được kể lại cho nhiều người nghe dưới hình thức một câu chuyện!
Viết lịch sử như một câu truyện là một nghệ thuật cao cường của tác giả. Dễ hiểu tại sao “Câu truyện” này lại thành công ngoạn mục đến thế. Từ khi ra mắt vào năm 1926, trong vòng 50 năm (1976) tác phẩm đã được tái bản đến 28 lần, và đến nay (đầu 2008) không biết đã đến lần thứ bao nhiêu!…
Tuy nhiên, Will Durant, xuất thân là một ông nghè triết học của đại học Columbia, Hoa kỳ từ năm 1917, không chỉ khéo léo về phương pháp viết lịch sử triết học như một Câu truyện mà còn có đủ thẩm quyền chuyên môn để hiểu bản chất của lịch sử triết học (Tây Phương) như một câu chuyện. Đó là một câu chuyện đúng nghĩa vì đầy những tình tiết éo le, những thăng trầm kịch tính, những đường chim nẻo nguyệt của tâm thức con người được chưng cất ở mức độ đậm đặc nhất.
… Vì thế, với tấm lòng chân thành và cởi mở của một học giả đích thực, W. Durant xác định rõ mục đích của quyển sách này là làm cho người bình thường hiểu được những ý tưởng cao xa của triết học. Ông xem khoa học như là sự “phân tích”, còn triết học như là sự “tổng hợp”. Vì thế, ông kết luận: “Khoa học là sự mô tả kiểu phân tích, trong khi triết học là sự lý giải kiểu tổng hợp. Vì lẽ một sự kiện không bao giờ là hoàn chỉnh trừ khi được đặt vào mối quan hệ với một mục đích và với cái toàn bộ. Khoa học mang lại cho ta kiến thức, nhưng chỉ có triết học mới có thể cho ta sự hiền minh”.
Nguồn: dtv-ebook.com