Bản Sonata Kreutzer – Lev Tolstoy

white noise for sleeping link
shopee-sale

“Bản sonata Kreutzer” được viết vào giai đoạn sau trong cuộc đời Tolstoy, khi ông đã trải qua những sóng gió của cuộc sống gia đình và luôn bị ám ảnh bởi cái chết.
Đây cũng là khi ông viết những tác phẩm dữ dội và đau đớn, với nhiều tự vấn cay đắng về cuộc đời, như Cái chết của Ivan lllich, Đức cha Sergei, Phục sinh.

Pozdnyshev là một tay ăn chơi khét tiếng. Vợ anh là một cô gái xinh đẹp và lãng mạn. Họ gặp nhau, yêu nhau, và cùng nhau bước vào hôn nhân, để rồi thực hiện những nghĩa vụ mà một cuộc hôn nhân cần phải có.

Pozdnyshev từ bỏ những cuộc ăn chơi trác táng, vợ anh từ bỏ đam mê âm nhạc. Họ sống yên ổn với việc xây dựng gia đình và sinh con đẻ cái. Nhưng những điều kìm nén sâu thẳm bên trong, giống như một con thú dữ, chỉ đợi đến khi có cơ hội sổ lồng.

Hai vợ chồng họ, một người bị quyến rũ bởi mối tình lãng mạn với chàng nghệ sĩ, đã khơi dậy lòng ghen tuông chết chóc quỷ dữ trong lòng người kia. Và cái kết cục bi thảm trong đêm đen ấy, kỳ thực chẳng có gì lạ.

Cuốn tiểu thuyết chặt chẽ, ít sự kiện nhưng ngôn ngữ vô cùng sắc bén, quyết liệt, đã diễn tả được những phức tạp trong suy nghĩ của mỗi nhân vật.

Tolstoy là nhà văn rất quan tâm đến vấn đề gia đình. Trước đây khi viết Anna Karenina, ông đã miêu tả hai thái cực của tình yêu thông qua hai cặp tình nhân khiến người đọc được trải nghiệm những cung bậc của tình yêu và hôn nhân. Trong khi đó chỉ với dung lượng cực ngắn trong Bản sonata Kreutzer, Tolstoy đã đưa độc giả vào trạng thái cực đoan khi phơi bày mặt trái của hôn nhân, với một kết thúc cay đắng, như lời kết luận cuối cùng đầy tuyệt vọng và phản kháng.

Vấn đề hôn nhân mà Tolstoy đặt ra trong tác phẩm này cho đến ngày hôm nay vẫn là một vấn đề đầy nhức nhối. Hôn nhân có thực là một  nấm mồ chôn cất tình yêu hay không? Có lẽ cuốn sách của Tolstoy đã phần nào trả lời được câu hỏi ấy.

Tuy nhiên, điều mà cuốn sách đặt ra không chỉ là hôn nhân, ấy còn là dục vọng của con người. Thứ dục vọng mà ngay cả tình yêu cũng khó kìm chế. Dục vọng khiến con người phát điên, và hành động một cách rồ dại bỏ qua mọi quy ước đạo đức, lý trí đạo đức mà con người vốn luôn hướng đến.

Pozdnyshev hiểu được sự tồn tại của vợ mình, nhưng hành động bạo lực khủng khiếp của anh ta đã làm mất đi khả năng được nhận ra là con người của chính mình. Đáp lại lời cầu xin “tha thứ cho anh”, trên khuôn mặt người vợ trước khi chết chỉ còn biểu hiện lạnh lùng của lòng hận thù. Cuối tác phẩm, khi chia tay với người bạn đồng hành trên chuyến tàu, người đã được anh ta kể cho câu chuyện của mình, thay cho lời “xin từ biệt”, anh ta nói “hãy tha thứ”.  

Được viết dựa trên nền nhạc sonata vừa êm dịu vừa dữ dội của bản nhạc cùng tên, do Beethoven sáng tác, tác phẩm mang lại âm vang vô cùng đẹp đẽ, nhưng ấy là cái đẹp đẽ của sự bạo liệt, sự hủy diệt. Một tác phẩm hoàn hảo của Tolstoy.

Ngay từ khi ra đời, cuốn tiểu thuyết đã bị kiểm duyệt cấm xuất bản năm 1890, song lệnh cấm sau đó được đích thân Nga hoàng Alexandr III hủy bỏ. Trước khi được chính thức xuất bản ở Nga năm 1891, nó đã được lưu hành hàng ngàn bản dưới dạng in thạch bản và được dịch ra một số tiếng nước ngoài.

Bản sonata Kreutzer gây xôn xao dư luận vì đã đưa ra những vấn đề mà trước đó chưa bao giờ được nói đến một cách công khai. Nhiều nhà nghiên cứu Tolstoy nhận định rằng đây là cuốn tiểu thuyết ngắn bi thảm nhất của ông.  Ivan Bunin sau khi đọc tác phẩm cũng đã viết thư cho Tolstoy ca ngợi và xin phép được đến gặp văn hào.

Đánh giá bài viết
Xin lỗi vì sự bất tiện này! Nhưng mình làm affiliate để tự trang trải chi phí duy trì server, mong các bạn thông cảm.
Quảng cáo sẽ tự ẩn đi trong vòng 30 giây

Nguồn: dtv-ebook.com