Có nhiều người nói, chỉ trẻ con mới thích mơ, nhưng đọc Nguyễn Ngọc Thuần, ta thấy phấp phới bên cạnh những đứa trẻ thường mơ ấy là một người lớn đang mơ, mơ một giấc mơ trở về.
Nguyễn Ngọc Thuần từ đâu mà có thể viết nên những câu chuyện êm dịu mát lành như gió mùa hè thế, phải chăng chỉ là từ một tâm hồn, một đôi mắt luôn biết nhìn ra được những điều đẹp đẽ nhất từ đời sống bé mọn.
Một thiên nằm mộng là một truyện dài nhưng cũng có thể đọc như những tản mạn, hoặc như một bài thơ dài. Nói không có cốt truyện cũng không hẳn, nhưng đều là những truyện rất vụn vặt được kể qua lời kể của cậu bé nhân vật Em, “chàng thi sĩ”.
Chuyện bà cả Sề, chuyện con gà gáy buồn, chuyện anh em nhà thằng Tí… đặt vào trong tầm mắt của Em đều tựa như một giấc mộng. Em chạm vào những câu chuyện ấy với xúc cảm của một đứa trẻ luôn sống trong giấc mơ, tự tìm kiếm cho mình một thế giới đầy giấc mơ tốt lành.
Một đứa trẻ ngoan, một đứa trẻ có tâm hồn đẹp sẽ được đưa đến với những giấc mơ tốt đẹp. Những giấc mơ giống như truyện cổ tích, thần thoại… luôn dẫn dắt ta đến với những kết cục có hậu. Đó là cách cậu bé nằm mộng đặt niềm tin vào hạnh phúc. Đó cũng là cách mà Nguyễn Ngọc Thuần bồi đắp cho những đứa trẻ.
Ngôn ngữ văn chương của Nguyễn Ngọc Thuần vốn là ngôn ngữ đậm chất tạo hình và giàu chất thơ ca. Anh viết văn mà như vẽ tranh, như sáng tác âm nhạc. Thứ ngôn ngữ cứ êm dịu, trầm bổng, từng chút từng chút từ trong giấc mộng hiện ra đời sống thực khiến mỗi đứa trẻ trong tác phẩm của anh, từ Một thiên nằm mộng đến Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, đều vô cùng thi vị.
Ngay cậu bé trong Một thiên nằm mộng cũng được gọi tên là “chàng thi sĩ”, em thích làm thơ, thích nằm mơ, bởi em nghĩ chỉ có trong mơ, em mới được hạnh phúc. Em chỉ muốn nằm mơ cả ngày, em không thích chơi những trò chơi trẻ con, nhưng em thích nằm mơ về những giọt sương, những ngôi sao, và cả những cánh đồng. Em là một cậu bé có tâm hồn nhạy cảm, có một trái tim hồn hậu.
Nguồn: dtv-ebook.com