Theo Lỗ Tấn, có tổng cộng 6 bản Thủy hử, thuộc hai loại: 70 hồi và trên 70 hồi. Loại 70 hồi thường chỉ khác nhau chút ít ở hồi cuối cùng – hồi 71, do nhà bình luận hoặc người đứng ra khắc in thêm vào, nhưng đều ghi rõ tác giả là Thi Nại Am và đều dừng lại ở thắng lợi của nghĩa quân – Loại trên 70 hồi có nhiều bản, 100 hồi, 115 hồi, 120 hồi, 141 hồi, trong đó 70 hồi đầu giống nhau, những hồi sau khác nhau về tình tiết câu chuyện nhưng đều nói đến quá trình thất bại của quân Lương Sơn Bạc.
Một trong những bản Thủy hử thuộc loại phổ thông nhất là bản có 70 hồi, do Kim Thánh Thán – một nhà phê bình nổi tiếng đời Thanh soạn lại. Ngoài phần phê bình văn chương, Thánh Thán đã cắt bỏ đoạn “anh hùng Lương Sơn phân chia ngôi thứ, phân công trách nhiệm” của nguyên bản 71 hồi mà tạo ra một “giấc mộng kinh hoàng”, của Lư Tuấn Nghĩa, ông này mơ thấy 108 vị anh hùng bị giết sạch và giữa trời đất xuất hiện 4 chữ “thiên hạ thái bình”.
Bộ truyện Hậu Thủy Hử mang tên tác giả Thi Nại Am, tiếp theo hồi thứ 70 (hồi cuối) của bộ Thủy hử, kể chuyện triều đình đánh mãi không thắng bèn dùng kế chiêu an. Các anh hùng Lương Sơn Bạc nghe lời Tống Giang về hàng triều đình, được phong quan tước và cử đi đánh dẹp các lực lượng nổi dậy khác (quân Liêu, Vương Khánh, Điền Hổ, Phương Lạp). Sau khi đánh thắng Phương Lạp trở về chỉ còn lại 27 anh hùng. Một số người được phong các chức quan trấn nhậm các địa phương xa, một số người về quê sinh sống. Các thủ lĩnh nghĩa quân như Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa… một thời gian sau khi nhận chức quan bị triều đình sát hại.
Nguồn: dtv-ebook.com