Trong hơn ba trăm năm (từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 17) chống lại những đạo quân viễn chinh và ách đô hộ của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, nhân dân Hung đã bền bỉ chiến đấu và lập nên nhiều chiến công oanh liệt, trong đó có cuộc kháng chiến của quân dân thành Eghe năm 1552.
Eghe là cửa ngõ của vùng Thượng địa Đông bắc, đứng trấn giữ cho cả một vùng đất nước khá rộng lớn. Khi vòng vây của hai đạo quân Thổ khổng lồ, đầy nhuệ khí đã khép lại, trong thành chỉ có độ hai ngàn người già, trẻ, trai, gái. Quân Thổ không tính đến một sức kháng cự đáng kể. Viên pasa Ali, thống soái một đạo quân Thổ, cho thành này chỉ là một “cái chuồng cừu xộc xệch” và quân trong thành chỉ là một “bầy gia súc”. Nhưng cuộc chiến đấu chẳng bao lâu đã chỉ cho hắn thấy rõ ràng những người bảo vệ thành Eghe đại diện cho một sức mạnh mà đạo quân Thổ không tài nào đè bẹp nổi. Những chiến sĩ phần lớn là con em vùng Thượng địa Đông bắc đang bị chiếm đóng đe dọa và những nông dân các làng lân cận chạy vào thành tị nạn, đã nghiến chặt răng đánh lui tất cả mọi đợt công kích của quân Thổ. Sau năm tuần rưỡi sống mái với quân thù, thành Eghe đã tự giải phóng mình khỏi cuộc vây hãm khốc liệt và cứu miền đất nước phía sau khỏi cảnh nước sôi lửa bỏng. Quân Thổ bị thiệt hại nặng nề dưới chân thành Eghe và phải bỏ dở kế hoạch hành quân xâm lược của chúng.
Cuộc chiến đấu của Eghe từ đó đã trở thành đề tài của nhiều tác phẩm văn học và nghệ thuật. Ngay sau khi quân Thổ tháo chạy, Tinôđi Sebétchên, thi sĩ kiêm ca công nổi tiếng nhất của Hung trong thế kỷ 16, đã đến tận nơi sưu tầm tài liệu và sáng tác Truyện thơ về cuộc chiến đấu của thành Eghe. Nhưng tác phẩm thành công nhất về đề tài này là Những ngôi sao Eghe của Gardonyu Geza.
Gardonyu Geza (1863-1922) xuất thân từ một gia đình thợ rèn, là một nhà văn có tên tuổi ở Hung. Trước khi bước vào nghề viết văn, ông đã dạy học nhiều năm ở nông thôn. Thời kỳ này, ông có tinh thần chống lại nền thống trị của triều đình Hápxbua (Áo) và đã viết tác phẩm Ngọn đèn (1894) là một tác phẩm tốt. Trong cuốn tiểu thuyết này, ông đã vẽ nên một bức tranh đáng kinh ngạc về cuộc sống nghèo nàn và bị ngược đãi của lớp giáo học ở nông thôn, đã tấn công trào lưu tôn giáo hóa xã hội và tấn công vào ách thống trị của nền đế chế Áo – Hung phản dân tộc, phản tiến bộ; gợi lại những kỷ niệm vẻ vang về cuộc chiến đấu giành tự do của nhân dân Hung thời kỳ 1848. Nhưng dần dần về sau, con đường văn học của ông khuất khúc và đầy mâu thuẫn. Trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông, Những ngôi sao Eghe là tác phẩm tươi sáng và giàu sức sống nhất. Ở Hung không có một tiểu thuyết lịch sử nào khác lại được cả bạn đọc, người lớn lẫn trẻ em, yêu thích đến thế. Cuốn truyện được xuất bản lần đầu tiên năm 1901, và từ đó đến năm 1963 đã được tái bản hơn 21 lần, chỉ riêng từ 1945 đến 1963 đã được các nhà xuất bản khác nhau tái bản hơn 16 lần với số lượng hơn nửa triệu cuốn (trong một nước 11 triệu dân). Đó là chưa kể đến những bản dịch ở nước ngoài.
Trong quá trình sáng tác, Gardonyu Geza đã sưu tầm nghiên cứu rất nhiều nguồn tài liệu, kể cả gia phả của các nhân vật chính trong truyện. Mùa xuân năm 1899, trước khi bắt tay vào viết, ông đã lên đường đi Côngxtăngtinốp để nghiên cứu tận nơi những phong tục, tập quán ở nước Th đã vào tận ngục Bảy Tháp, tham dự những ngày hội tôn giáo, bơi thuyền trên vịnh Bốtxpôrat, tham quan các viện bảo tàng v.v… Nhờ tác phong làm việc cẩn thận đó, tác giả đã để lại cho chúng ta nhiều trang sách chính xác và sinh động về những cuộc hành quân đầy nghi vệ của đội quân Thổ, về cuộc vây hãm thành Eghe, về nhiều cảnh sinh hoạt của xã hội thời xưa.
Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là chú bé Bônemixo Gergey, đại biểu của tầng lớp nông dân nghèo, giàu lòng yêu nước và đa mưu túc trí, đã từ một chú bé chân đất làm lên đến chức đại úy, chủ tướng một thành trì. Qua bước trưởng thành của nhân vật chính, tác giả còn vẽ nên trước mắt người đọc cả một bức tranh xã hội rộng lớn từ thôn xóm đến cung đình. Ngay từ những trang đầu tiên, tác giả đã cho ta thấy tình hình chính trị rối như mớ bòng bong của nước Hung thời đó: “… và chúa công của bạn đang là Xopôlo Gianốt, hoặc quân Thổ, hoặc Pheđinan đệ nhất.”
Hồi đó giai cấp phong kiến ở Hung phân hóa nặng nề. Bọn quý tộc lãnh chúa và quý tộc giáo hội có những lãnh địa rộng lớn, có quân đội riêng, có thành quách trong tay, thực tế là đã trở thành những ông chúa cát cứ. Nhà vua ở Buđa không đủ sức để thâu tóm quyền bính, tổ chức đất nước thành một quốc gia vững mạnh. Nhân dân bị đè nén nặng nề dưới hai tầng tròng phong kiến và giáo hội, đời sống rất khổ cực. Họ oán ghét bọn quý tộc chẳng kém gì bọn ngoại xâm. Tất cả những nhân tố đó đã dẫn tới cuộc chiến tranh nông dân do Đôjo Giơrgiơ lãnh đạo năm 1514 và chiến bại thảm hại ở Môhát năm 1526. Sau Môhát không còn ai tổ chức được cuộc kháng chiến chống quân Thổ trong phạm vi toàn quốc. Giai cấp thống trị vốn đã không thống nhất, giờ đây lại phân hóa thành hai phe đối địch. Một phe, gồm chủ yếu tầng lớp quý tộc trung và tiểu, bầu Xopôio Gianốt, công vương vùng Êrơđêi, lên làm vua; một phe khác, gồm phần lớn bọn đại quý tộc, lại tôn Pheđinan đệ nhất của triều đình Hápxbua (Áo) làm vua. Hai tên vua đó đem quân đánh lẫn nhau để tranh giành ngôi báu, mặc kệ quân Thổ ngấp nghé ở biên giới. Thậm chí Xopôio Gianốt, sau khi bị thua Pheđinan I và phải chạy sang Ba-lan, còn cầu cứu hoàng đế Thổ giúp hắn chiếm lại ngai vàng, và để đền ơn, hắn bỏ mặc vùng đất nước phía nam cho quân thổ tha hồ cướp bóc. Trước tình hình hai vua khuynh loát lẫn nhau như thế, bọn lãnh chúa hết theo phe vua này lại theo phe vua khác, tùy theo chỗ ở với vua nào có thể kiếm chác được nhiều hơn. Chúng ta sẽ thấy tình hình này được phản ánh một phần qua hai nhân vật Xexey và giáo sĩ Balin hoặc qua nhân vật Tơrơc Balin. Nhưng mặc dù tất cả những điều kiện bi thảm đó, nước Hung vẫn không dễ dàng lọt vào tay bọn ngoại xâm. Trước sự bất lực và phản bội của triều đình và giáo hội, nhân dân nhiều nơi đã vùng lên kháng chiến mạnh mẽ khi quân Thổ kéo đến. Những “kẻ nổi loạn” đó – như các sử gia của triều đình Thổ cũng phải thừa nhận – “trong tình thế tuyệt vọng cũngchiến đấu với súng hỏa mai và cung tên, với gậy gộc và đá”. Bên cạnh họ, tuy ít ỏi nhưng trong hàng ngũ tướng lĩnh vẫn có những người yêu nước chân thành, đặc biệt là những võ quan xuất thân từ những tầng lớp dưới. Những viên tướng này cùng những đội quân vốn là nông dân nghèo chạy nạn khỏi các vùng bị giặc Thổ tàn phá, chiếm đóng hoặc trốn khỏi cuộc sống khổ nhục ở các điền trang, đã lập nên cả một hệ thống biên thành dọc theo vùng giáp ranh với quân Thổ để báo tin và ứng cứu lẫn nhau. Họ đã đánh tan hết bao nhiêu đội quân Thổ kéo đi ăn cướp. Hơn nữa, những viên tướng này nhiều khi cùng với một đội quân nhỏ nhưng đồng lòng, trong một tòa thành đơn độc không có sự cứu viện của triều đình, đã có thể chặn đứng cả một đạo đại quân Thổ trong nhiều ngày, đôi khi còn giữ vững được đến cùng, bẻ gãy cả cuộc viễn chinh của địch. Những kỳ công đó nổi bật trên nền trời đen tối của xã hội Hung thời bấy giờ như những ngôi sao, trong đó Eghe là ngôi sao sáng nhất. Chúng ta thấy dường như tác giả đã dành doàn bộ tâm hồn mình cho việc mô tả lại toàn bộ cuộc chuẩn bị chiến đấu và hơn năm tuần quyết chiến ở Eghe. Có thể nói ít có cuốn tiểu thuyết lịch sử mô tả được tỉ mỉ, chính xác và sinh động như vậy. Gấp cuốn sách lại chúng ta vẫn như nghe vang trong tai lời thề quyết tử và tiếng đại bác vang rền, tiếng gương giáo chạm nhau, tiếng hô “Giết! Giết!”, và tự nhiên chúng ta liên tưởng đến khí phách anh hùng và lời thề “sát Thát” của quân dân đời Trần.
Chiến công của quân dân Eghe hồi đó đã vang lừng trong nước và cả ở nước ngoài. Sau ngày chiến thắng, biết bao chính khách ở châu Âu đã kéo đến Viên để chúc mừng Pheđinan I – kẻ không hề có chút công lao nào, thậm chí còn có tội với miền đất đai Hung mà hắn cai trị – và để ngắm nghía những lá quân kỳ cướp được của giặc Thổ mà quân dân Eghe đã gửi về triều. Nhưng chỉ với cuốn tiểu thuyết của Garđônhi, chiến tích Eghe mới thực sự trở thành một điển hình bất hủ, trước công luận, trước lịch sử, về tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm của nhân dân Hung hồi thế kỷ 16.
Mời các bạn đón đọc Những ngôi sao Eghe Tập 2 của tác giả Gardonyi Geza.
Nguồn: dtv-ebook.com