NGÀI THOMAS NORTH đã đặt nhan đề cho bản dịch lừng danh tác phẩm của Plutarch là The Lives of The Noble Grecians and Romans(7) (Cuộc đời của những người La Mã và Hy Lạp cao quý). Noble (cao quý) là từ được ông bổ sung thêm vào, nhưng đó là một tính ngữ đặc biệt đắc địa, vì nó góp phần nêu bật những phẩm chất khiến Plutarch khác biệt với các sử gia Hy Lạp thời kỳ hoàng kim. Nó gợi cho chúng ta về khoảng cách giữa tác giả với các chủ đề của mình và phong vị anh hùng toát ra xung quanh chúng trong thời gian đó. Như vẫn vậy, Plutarch là một tác giả hướng vọng quá vãng đứng trên miền cuối cùng phân chia nền văn minh ngoại giáo với Ki-tô giáo. Ở ông không có tính độc đáo gây sửng sốt và phẩm chất phi cá tính của văn phong Pericles,(8) giống như văn phong của Pericles một mặt thiếu sự thân tình, mặt khác thiếu chiều sâu của sự khoan dung và lòng bác ái với người khác như của Plutarch. Ông không phải là Thucydides,(9) người vận dụng quyết liệt phép phân tích khách quan để khám phá tiến trình lịch sử. Ông là một người yêu truyền thống, mục tiêu hàng đầu của ông là nuôi dưỡng và hiểu thấu sự vĩ đại của quá khứ và tái khẳng định nó như một lý tưởng sống động.
Quãng đời khoảng 75 năm của Plutarch trải dài từ giữa những năm 40 đến khi bắt đầu triều đại Hadrian. Đó là thời kỳ mà sự hòa trộn giữa văn hóa Hy Lạp và La Mã lên tới đỉnh cao phát triển của nó: gần như tất cả các tác giả lớn đã làm xong phần việc của mình, và tác phẩm của Plutarch trên nhiều phương diện là một sự tổng kết của nền văn hóa đó. Ông xuất thân từ một gia đình Thebes(10) cổ xưa và ông chưa bao giờ thoát ly quá xa quê nhà Chaeronea, một thành phố nhỏ nằm giữa vùng đồng bằng Boeotia bao la mà người Hy Lạp gọi là “sàn khiêu vũ của Ares,”(11) nơi từng chứng kiến những trận đánh quyết định như Haliartus, Leuctra, Chaeronea, và nhiều nữa. Nói vậy không có nghĩa là nhãn quan của ông mang tính tỉnh lẻ theo một nghĩa hạn hẹp nào đó. Ông nghiên cứu triết học ở Athens hồi còn thanh niên, chu du khắp Hy Lạp và Ai Cập, nổi tiếng với tư cách là một học giả và nhà ngoại giao ở Rome, kết giao với nhiều bạn bè quyền thế trong quá trình đó, và thậm chí có thể đã từng được phong chức chấp chính quan danh dự.
Bản thân Plutarch đã cần mẫn thực hiện lý tưởng về thành bang, rằng người có học nên góp phần mình vào đời sống xã hội; ông đã lần lượt giữ các cương vị quan tòa tại Chaeronea và tu sĩ tại Delphi. Tất nhiên, theo ý nghĩa chính trị nào đó, Hy Lạp đã đánh mất những dấu tích cuối cùng về nền độc lập của mình với cuộc xâm chiếm Corinth(12) hai thế kỷ trước. Trong thời gian đó, chẳng những dân số của nó đã bị teo đi, mà sự giàu có cùng các phần thưởng vật chất khác của Ý và Á châu đã thu hút nhiều chiến binh, nhà quản lý, và học giả có năng lực nhất tới nhập cư, bởi vậy mà trong thời ông, theo ước tính của Plutarch, Hy Lạp chỉ có thể vừa vặn đưa 3.000 quân có vũ trang ra mặt trận. Trên bình diện thực tiễn trực tiếp, chẳng người Hy Lạp nào có thể làm gì để thay đổi hiện trạng này, song thay vì chỉ là một tình cảm hoài cổ đơn thuần, nó đã ảnh hưởng đến Plutarch khiến ông quyết gìn giữ tinh thần dân tộc Hy Lạp vẹn nguyên đến mức có thể dấn thân, chẳng hạn, vào sự nghiệp của một công chức đế chế. Với giới thống trị ngày đó, học vấn La Mã và Hy Lạp đã trở nên hòa quyện không thể tách, và ở đế chế La Mã lúc bấy giờ vốn đang bắt đầu tận hưởng những lợi ích của một chính quyền ổn định và vẫn chưa có được vị thế của một trung tâm đạo đức và tri thức, thì một vị thầy tầm cỡ như Plutarch vẫn có thể hy vọng làm lợi cho đồng bào mình bằng niềm cảm hứng và tấm gương.
Hình thức các trước tác của Plutarch gợi ý rằng tài năng của ông nằm ở mảng tiểu luận hơn là lịch sử trường thiên. Ngoài những tập tiểu sử thì tác phẩm quan trọng khác của ông, Moralia, là một tập hợp những chuyên luận và đối thoại tương đối ngắn bao trùm một phạm vi rộng lớn các chủ đề về văn chương, đạo đức, chính trị, và khoa học. Có một sự tương hợp rõ rệt giữa hai tác phẩm, Moralia tán dương tư tưởng của quá khứ còn Lives ngợi ca hành động của nó, và hai tác phẩm này soi rọi lẫn nhau rất nhiều. Plutarch chưa bao giờ thử viết một tác phẩm với quy mô đồ sộ, và các chủ đề của ông không được triển khai một cách tự nhiên mà như một chuỗi các phát biểu dựa trên sự kiện có thật được tiếp nối bởi những bình luận. Cả trong Moralia và Lives, khách thể chính của ông là mô phạm. Khi chuyển sang lĩnh vực lịch sử, quyết tâm của ông không chỉ là thuyết phục người Hy Lạp rằng biên niên sử của Rome đáng được họ chú ý, mà còn để nhắc nhở người La Mã rằng Hy Lạp có những chiến binh và chính khách có thể sánh ngang được với họ. Ông chỉ viết về những con người hành động, và ông giải thích trong phần mở đầu Life of Pericles (Cuộc đời Pericles) lý do ông chọn họ thay vì các họa sĩ hay triết gia. Có lẽ vì tin tưởng chắc chắn rằng hai chủng tộc sẽ đúc rút được lợi ích tương hỗ từ truyền thống của nhau, nên ông đã đặt tên cho loạt bài viết ấy là Parallel Lives và nhóm các danh nhân Hy Lạp và La Mã thành từng cặp. Theo một nghĩa nào đó, ông thích coi lịch sử Hy Lạp và La Mã như là sự bổ sung lẫn nhau, và cách sắp xếp chất liệu kiểu này cho phép ông tổng kết phẩm chất đạo đức của các vị anh hùng cũng như đánh giá thành tựu của họ trong tiểu luận đối chiếu chuẩn mực được ông dùng để khép lại hầu hết các cặp trong Lives. Nhưng những nét tương đồng này thường mang tính ngẫu nhiên hơn là xác thực, và thực tế Plutarch không đeo đuổi điều đó được đến đầu đến đũa; quả thực ông không thể thực hiện điều đó mà không làm méo mó nghiêm trọng chất liệu của mình.
Trình tự bố cục của Lives vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi, nhưng có những biểu hiện cho thấy chúng đã được chia thành bốn nhóm riêng biệt. Một nhóm viết về tiểu sử của Sertorius và Eumenes, Cimon và Lucullus, Lysander và Sulla, Demosthenes và Cicero, Agis và Cleomenes và Tiberius và Caius Gracchus, Pelopidas và Marcellus, Phocion và Cato Trẻ, Aristides(13) và Cato Già. Plutarch cho biết, chuỗi nhân vật này được ông thực hiện theo yêu cầu của bạn bè mình, và có thể nó còn bao gồm cả tiểu sử bị thất lạc của Epaminondas, nhân vật ưa thích của Plutarch, ghép đôi với Scipio Africanus. Nhóm thứ hai được biên soạn để toại nguyện cho chính ông, nó bao gồm những con người vĩ đại được chọn làm biểu tượng minh họa cho một đức tính cụ thể người thực việc thực: Pericles và Fabius Maximus, Nicias và Crassus, Dion và Brutus, Timoleon và Aemilius Paulus, Philopoemen và Titus Flaminius, Themistocles và Camillus, Alexander và Julius Caesar, Agis và Pompey, Pyrrhus và Marius và Solon và Publicola. Nhóm thứ ba chọn ra những người mà sự nghiệp có tác dụng như một lời cảnh tỉnh. Nó bao gồm Demetrius và Mark Antony và Alcibiades và Coriolanus, và ở đây, nghịch lý thay, Plutarch đã tạo nên ba bức chân dung lộng lẫy nhất của mình từ góc độ văn chương. Sau cùng, ông chuyển sang đề tài bán thần thoại, viết về những tổ phụ lập quốc và nhà lập pháp của Hy Lạp và La Mã, Theseus và Romulus, Lycurgus và Numa.
Tuyển tập hiện thời [Sự hưng thịnh và suy tàn của Athens] được thực hiện theo cùng nguyên tắc như cuốn Lives (nội dung về La Mã, bản dịch của Rex Warner).(14) Thay vì lặp lại cách sắp xếp các danh nhân Hy Lạp và La Mã theo từng cặp của Plutarch, tôi đã nhóm chín danh nhân trong Lives theo niên đại để lần về một trong những thời kỳ quyết định của lịch sử Hy Lạp, ở trường hợp này là câu chuyện về Athens từ thời đại huyền thoại của Theseus cho đến khi kết thúc Chiến tranh Peloponnese.(15) Đọc Lives theo trình tự này có ưu điểm, trong số những ưu điểm khác, là nêu bật tài năng của Plutarch như một sử gia xã hội. Sự thích thú của ông với giai thoại và khí chất cá nhân, sự đồng cảm của ông với người bình dân, và sự sẵn lòng của ông khi giới thiệu những nhân vật thứ yếu làm nền cho các vị anh hùng, đã dệt nên một tấm thảm nhân văn lộng lẫy mà trên đó những sự kiện vĩ đại của các cuộc Chiến tranh Ba Tư và thời đại Pericles được trải ra.
Vào thời Plutarch, đã tồn tại một dạng tiểu sử theo lối quy ước. Nó bắt đầu với một mô tả về sự ra đời, gia thế, và học vấn của chủ thể, tiến tới phác họa tính cách và tường thuật chi tiết những sự kiện quan trọng và tiêu biểu nhất trong sự nghiệp, và chốt lại với một mô tả về hậu duệ và ảnh hưởng của nhân vật đó. Tác phẩm của Plutarch theo sát cơ cấu tổ chức tư liệu kiểu này, nhưng ông vận dụng nó với kỹ năng và sự phong phú vượt xa các bậc tiền bối. Ông giải phóng Lives của mình khỏi tính chất hoa mỹ và hay lý lẽ của thể loại tiểu sử Hy Lạp và tán dương nhạt nhẽo kiểu laudatio (tán tụng) của La Mã; trên tất cả, ông phả vào chúng sức hấp dẫn trong cá tính của ông và sự thấu triệt sâu xa nơi ông về bản chất con người. Ông là một nhà sưu tập tư liệu tận tâm, và ông dựa, nhất là trong Lives [nội dung về Hy Lạp], vào rất nhiều nguồn căn cứ, mặc dù rõ ràng chúng có giá trị không đồng đều, vì ông giỏi thu thập hơn là sàng lọc chúng. Nhưng ông cho rằng nhiệm vụ xử lý những tư liệu mà về đại thể đã quen thuộc với độc giả ở đây, không phải là đánh giá các dữ liệu mà là tạo nên một bức chân dung truyền cảm. Và vì thế, như một họa sĩ vẽ chân dung, chúng ta thấy ông lựa chọn một tư thế đặc trưng song có lẽ đã được lý tưởng hóa cho những chủ thể của mình. Ông là một bậc thầy vĩ đại về ben trovato (hư cấu hợp lý), và lời bình của ông trong câu chuyện về Solon và Croesus(16) lý giải cho thủ pháp mà ông luôn nhất quán tuân thủ:
Khi một câu chuyện đã quá nổi tiếng và được quá nhiều nhà chức trách xác nhận, và quan trọng hơn, khi nó rất khớp với tính cách của Solon và mang dấu ấn của đầu óc khôn ngoan và vĩ đại nơi ông, tôi không thể đồng ý rằng nó nên bị bác bỏ vì cái gọi là những quy tắc niên đại…
Phần kết luận của Life of Themistocles (Cuộc đời Themistocles) là một ví dụ khác ở đây. Hiếm khi Plutarch lại đem đến những màu sắc với hiệu ứng như thế và ít dựa vào cứ liệu lịch sử đến thế. Ông cảm thấy tầm vóc của vị anh hùng đòi hỏi một bản mô tả tỉ mỉ về việc Vua Ba Tư tiếp đón ông ta như thế nào; và cuối cùng khi mô tả vụ tự sát bằng độc dược nhằm tránh làm hoen ố vinh quang của những chiến thắng đã qua của ông ta, ông đã chủ ý bác bỏ phiên bản của Thucydides vốn vẫn cho rằng Themistocles chết một cái chết tự nhiên. Mặt khác, nếu không có Plutarch chúng ta gần như sẽ chẳng biết gì về con người của Cimon, người mà nếu chỉ xét đến kết quả, ắt phải được liệt vào hàng những chiến binh và chính khách vĩ đại nhất Athens.
Câu chuyện về Athens trong thời kỳ này là sự pha trộn giữa vinh quang và bi kịch mà không cần giới thiệu thêm, và sự nghiệp của Theseus, con người trẻ tuổi từng giết tên khổng lồ và không chịu trưởng thành sau khi lên đến đỉnh cao quyền lực, cung cấp một tiết mục mở màn mà cũng chỉ là lời tiên liệu cho những gì tiếp theo. Plutarch phê phán các biến cố này, và sự sụp đổ các giá trị tự do Hy Lạp như là hệ quả của nó, trong một đoạn văn đáng nhớ trích từ Life of Flamininus (Cuộc đời Flamininus):
Vì nếu chúng ta không kể đến chiến thắng Marathon, trận thủy chiến Salamis, các trận Plataea và Thermopylae và những chiến công của Cimon tại Eurymedon… Hy Lạp đã chiến đấu mọi trận chiến chống lại [sự nô dịch] và lại tự nô dịch chính mình. Nó dựng lên tất cả các đài tưởng niệm về nỗi ô nhục và bất hạnh của mình và hầu như mọi tội lỗi cùng tham vọng ở những con người vĩ đại của nó đã đưa nó tới cảnh đổ nát suy vong.
Tuy nhiên, điều thật sự thu hút sự chú ý của Plutarch không phải là chu kỳ lịch sử, và thói quen nhìn mọi biến cố từ góc độ cá nhân vừa là điểm yếu vừa là điểm mạnh ở ông. Mục đích của ông là làm nổi bật kiểu mẫu đạo đức trong sự nghiệp của nhân vật, quá trình đi từ phẩm hạnh tới đồi bại (Theseus) hay trái lại (Cimon), vì ông tin rằng một người không thể bất biến về đức hạnh, và rằng nếu anh ta không tiến tới ắt sẽ thoái lui. Ông đưa vào lịch sử niềm xác tín của một môn đồ Plato rằng tri thức là đức hạnh, và rằng nhân quả chỉ vận hành trong lãnh địa Tư tưởng: vì vậy ông có khuynh hướng mô tả đường lối của các chính khách đơn giản từ góc độ nhân phẩm của họ, và thẩm định hạnh kiểm chốn quan trường theo những tiêu chuẩn đạo đức của đời sống cá nhân. Ông quên rằng một chính khách rất thường hay phải đối mặt với một sự xung đột giữa những lợi ích đối nghịch hơn là một lựa chọn thẳng tư[email protected] giữa đúng và sai, và ông dường như coi quá khứ là một thế giới hoàn toàn tách biệt, thay vì như một thể liên tục hòa lẫn hiện tại và tương lai tinh tế đến không thể nhận ra.
Mặt khác, chính sự quan tâm vô hạn đến tính cách cá nhân này đã khiến Lives mãi mãi được yêu chuộng từ đời này qua đời khác. Plutarch có một cảm thức chính xác về kịch tính của con người trong những trạng huống vĩ đại. Con mắt của ông soi rọi một phạm vi hành động của con người rộng lớn hơn bất kỳ sử gia cổ điển nào. Ông nghiên cứu hành xử của con người trong chiến tranh, trong hội đồng, trong tình yêu, trong cách sử dụng tiền bạc – luôn là một phép thử tối cao về năng lực của một người theo nhãn quan Hy Lạp – trong tôn giáo, trong gia đình, và ông có cách đánh giá của một người khoan hòa và dày dạn kinh nghiệm. Tin tưởng tuyệt đối vào tầm vóc của các nhân vật của mình, ông có tài làm nổi bật sự vĩ đại qua các hành động nhỏ. Chúng ta nhớ đến việc Alexander trao mẩu giấy cho vị bác sĩ của mình vạch mặt hắn là kẻ mưu sát, và trong cùng cử chỉ uống cạn chén thuốc người này đã chuẩn bị cho ông, hoặc về việc Aristides viết tên mình để giúp một đồng hương Athens mù chữ tẩy chay ông: những cảnh huống này cùng vô số cảnh huống khác đã được Plutarch khắc sâu vào tâm khảm của muôn đời hậu thế. Chắc chắn chính năng lực thâu tóm sự vĩ đại về đạo đức của thế giới cổ đại này của Plutarch là điều đã lôi cuốn Shakespeare và Montaigne mạnh mẽ nhất, và đã gợi cảm hứng cho các phác họa lớn lao về những anh hùng tiêu biểu thời Phục hưng như Coriolanus và Mark Antony, mà về sau đã khiến cho bà Roland nhận xét rằng Lives là cánh đồng ngao du của những tâm hồn vĩ đại.
*
Plutarch không phải là một tác giả với bút pháp mà các sinh viên Hy Lạp được khích lệ lấy làm hình mẫu. Ông có thể kể một câu chuyện với hiệu ứng tuyệt vời – hãy xem ông kể về các trận đánh Salamis và Plataea, và về công cuộc kiến thiết Athens thời Pericles. Ông tỏ ra độc đáo nhất, cả trong tư tưởng và ngôn từ, khi bắt tay phân tích các tính cách, động cơ hay tâm trạng. Nhưng nói chung cấu trúc các câu của ông quá lỏng lẻo và lòng vòng, khó chuyển thể bám sát sang tiếng Anh, và người dịch luôn phải rút ngắn và nắn lại câu từ nếu muốn câu chuyện được trôi chảy mượt mà. Dịch mới hẳn nhiên sẽ là quá trễ rồi, và quan tâm chính của tôi ở đây là vận dụng những nguồn thành ngữ hiện đại vào việc diễn đạt tư tưởng của Plutarch một cách chính xác nhất có thể. Tuy nhiên, có một vẻ trang trọng cố ý trong cách chọn từ của ông thường khiến người dịch phải tiết chế để không bị suồng sã thái quá. Ở chỗ nào ngẫm thấy có vẻ chính xác, tôi đã không ngần ngại vay mượn lối diễn đạt của Langhorne, Clough, hoặc những dịch giả khác. Sau cùng, tôi muốn tỏ lòng tri ân nồng nhiệt đến Tiến sĩ G. T. Griffith ở Đại học Gonville and Caius, Cambridge, đã đưa ra nhiều phê bình hữu ích cho bản dịch và những chú giải cùng lời gợi ý quý báu có tính xây dựng.
I.S.-K.
Nguồn: dtv-ebook.com