Giới thiệu:
Từ khi ra đời, cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra đã chinh phục dư luận người đọc trong nước cũng như ngoài nước. Ngay trong năm 1605, tại Tây Ban Nha, tập truyện đã được tái bản 5 lần, và sinh thời, Xervantêx đã nhìn thấy tác phẩm của mình được xuất bản 13 lần (6 lần ở Tây Ban Nha, 3 lần ở Bồ Đào Nha, 3 lần ở Bỉ, 1 lần ở Ý). Trải qua gần 400 năm, vượt ra khỏi sự đào thải của thời gian, Đôn Kyhôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra vẫn giành được sự hâm mộ rộng khắp và được công nhận là một trong những tác phẩm văn học lớn nhất của nhân loại. Năm 1795, nhà đại văn hào Đức, Gớt (Goethe), viết cho nhà thơ lớn Silơ (Schiller): “Tôi đã tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết của Xervantêx cả một kho tàng thú vị và bổ ích”.
Pho truyện thật sự đã đi sâu vào quần chúng. Trong các ngày hội, những cuộc vui hóa trang ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng như ở nhiều nước châu Âu khác, người ta thường thấy xuất hiện hiệp sĩ đôn Kihôtê và giám mã Xantrô Panxa “hệt như tả trong truyện”, Cuốn sách đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng trên thế giới: Anh, Pháp, Ý, Đức, Thổ, Arập, Êbrơ, Xăngxcri, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên… và cả Thế giới ngữ. Ngót bốn thế kỷ nay, Đôn Kihôtê vẫn là đề tài của sân khấu, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, màn ảnh. Từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, các nhà phê bình, triết học, các nhà văn, nhà thơ, những người làm công tác văn nghệ, không ai không xác nhận giá trị tư tưởng và nghệ thuật của cuốn truyện này.
Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra là cuốn tiểu thuyết cận đại đầu tiên của Tây Ban Nha, viết theo hướng hiện thực phê phán. Trước đó, độc giả các nước phương Tây rất ham thích loại tiểu thuyết kiếm hiệp kể “những truyện hoang đường không lệ thuộc vào những yêu cầu chính xác của sự thật, những nhận xét của ngành thiên văn học, những luật lệ về hình học hay tu từ học” (Lời mở đầu phần thứ nhất, cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra. Loại tiểu thuyết hoang đường đó có tác dụng rất tai hại vì nó tạo cho người đọc một quan niệm hoàn toàn sai lầm về vũ trụ, về nhân sinh, về tư tưởng, về xã hội. Sách kể lại rằng có cả một gia đình đã khóc lóc thảm thiết khi đọc tới đoạn nói về cái chết của hiệp sĩ Amađix! Với cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra, Xervantêx đã chôn vùi văn chương kiếm hiệp và khai sinh cho tiểu thuyết cận đại. Selinh (Schelling), triết gia Đức, đã phát biểu: “Chúng ta sẽ không quá lời khi khẳng định rằng cho tới nay chỉ có hai cuốn tiểu thuyết, đó là cuốn Đôn Kihôtê của Xervantêx và cuốn Vinhem Maixtơ của Gớt”. Sơlêgơn (Schlegel), nhà phê bình văn học người Đức, cũng đã đánh giá Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra là “tác phẩm có một không hai trong loại của nó, mở đầu cho tiểu thuyết cận đại…”
Mời các bạn đón đọc Đôn Kihôtê – Nhà quý tộc tài ba xứ Mantra của tác giả Miguel De Cervantes Saavedra.
Nguồn: dtv-ebook.com