Giới thiệu:
Thời kì ấy có nhiều tên gọi: “Cuộc Khủng Hoảng,” “Những Năm Tăm Tối,” “Đại Dịch Biết Đi,” và cả một số tựa mới, “hợp thời” hơn chẳng hạn như “Thế Chiến Z” hay “Đại Chiến Z Thứ I.” Cá nhân tôi thấy không thể chấp nhận được cái biệt danh cuối cùng bởi nó ám chỉ rằng một cuộc “Đại Chiến Z Thứ II” sẽ là điều tất yếu. Trong mắt tôi nó sẽ luôn là “Đại Chiến Zombie.” Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều về độ chính xác khoa học của từ zombie, sẽ khó có thể tìm ra một thuật ngữ nào phổ thông hơn dành cho đám sinh vật suýt chút nữa đã tận diệt tất cả chúng ta. Zombie hiện vẫn là một thuật ngữ vô cùng đáng sợ. Cho tới nay, không có lấy một từ nào khác đủ khả năng khơi gợi lên biết bao cảm xúc và kí ức kinh hoàng đến vậy. Chính những kí ức đó, những xúc cảm đó đã trở thành đề tài cho cuốn sách này.
Bản ghi chép cuộc tranh đấu lớn nhất trong lịch sử nhân loại này ra đời nhờ một cuộc chiến vụn vặt và cá nhân hơn giữa tôi và chủ tịch Ủy ban Báo cáo Hậu chiến trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Công việc mới đầu tôi làm cho Ủy ban này rất được đầu tư chăm chút. Từ chi phí đi lại, quyền truy cập thông tin mật, đội quân phiên dịch riêng (cả người lẫn máy) cho đến “anh bạn chí cốt” bé nhỏ nhưng gần như vô giá: chiếc máy ghi âm kích hoạt bằng giọng nói (món quà không gì có thể quí hơn đối với một đánh máy viên chậm nhất quả đất), tất cả đều cho thấy tầm quan trọng của công việc tôi đảm nhiệm đối với dự án này. Vậy nên khỏi nói cũng biết tôi gần như ngã ngửa khi phát hiện ra phân nửa thành quả của mình đã bị lược bỏ trong bản báo cáo cuối cùng.
“Nó cá nhân quá,” bà chủ tịch nói trong một buổi tranh luận vô cùng “sinh động” giữa chúng tôi. “Quá nhiều ý kiến, quá nhiều cảm xúc. Đây không phải mục đích của bản báo cáo này. Chúng ta cần số liệu rõ ràng, rành mạch, không bị nhân tố con người tác động vào.” Tất nhiên bà ấy nói đúng. Báo cáo chính thức là một bản tổng hợp những dữ liệu chính xác, một bản “báo cáo hậu chiến đấu” với cái nhìn khách quan, cho phép các thế hệ sau nghiên cứu các sự kiện đã diễn ra trong cái thập niên chết chóc ấy mà không bị ảnh hưởng bởi “nhân tố con người.” Nhưng chẳng phải trong quá khứ, chính nhân tố con người ấy đã giúp chúng ta đoàn kết lại thành một khối vững chắc? Liệu các thế hệ tương lai có quan tâm đến các mốc niên đại và số liệu thương vong không, hay cái họ quan tâm hơn lại là từng câu chuyện của những con người không khác họ là bao? Khi loại đi cái nhân tố con người, phải chăng chúng ta đang liều lĩnh vứt bỏ sợi dây tình cảm giữa chúng ta và quá khứ, trở nên lãnh đạm với lịch sử để, lạy Chúa nhân từ, một ngày kia chính chúng ta sẽ đi vào vết xe đổ? Và cuối cùng, chẳng phải đó điều khác biệt duy nhất giữa chúng ta và những kẻ tử thù ta vẫn quen gọi là “thây ma”? Tôi trình bày luận điểm của mình theo một cách có lẽ là hơi thiếu chuyên nghiệp với “sếp” tôi. Ngay sau tôi vừa buông một câu chốt hạ “chúng ta không thể để những câu chuyện này trôi vào quên lãng như thế được,” bà ta đáp lời ngay, “Thế thì đừng. Viết sách đi. Cậu vẫn còn có các ghi chép của mình và quyền lợi được tự do sử dụng chúng. Có ai ngăn cấm cậu lưu lại những câu chuyện đó trong mấy trang sách của riêng mình đâu?”Dù rằng cuốn sách này chủ yếu ghi chép lại kí ức người trong cuộc, nó vẫn bao gồm nhiều thông tin về khoa học công nghệ, xã hội, kinh tế,… có trong bản Báo cáo Ủy ban bởi chúng có dính dáng đến câu chuyện của các nhân vật góp mặt trong những trang giấy này. Cuốn sách này là của họ chứ không phải tôi, và tôi đã hết sức cố gắng xóa bỏ sự hiện diện của mình.
Những câu hỏi được đưa vào trong sách chỉ nhằm mục đích thay thế cho những câu độc giả có thể sẽ hỏi. Tôi đã gắng hết sức lược đi tất cả các phán xét hay bình phẩm của bản thân, và nếu có bất kì một nhân tố con người nào cần phải loại bỏ, hãy để nhân tố ấy là của tôi.
Tác phẩm Đại Chiến Thế Giới Z này đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên của đạo diễn Marc Forster do Brad Pitt thủ vai
Mời các bạn đón đọc Đại Chiến Thế Giới Z của tác giả Max Brooks.
Nguồn: dtv-ebook.com